GÓC SUY TƯ
Vài suy tư về con đường thơ ấu, thiêng liêng của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
(CGOL) Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được các tín hữu mến mộ vì nhiều lý do. Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu dòng Kín Carmel, từ trần lúc mới 24 tuổi (1873-1897), sống khá gần thời đại của chúng ta, chị là một vị thánh trẻ đã trở thành mẫu gương và gợi hứng cho nhiều người. Ảnh hưởng của chị lớn lao đến nỗi Đức Piô XI khi phong thánh cho chị vào năm 1925 (tức 28 năm sau khi chị qua đời) đã phải thốt lên: “Hỡi thánh nhỏ, thật, người lớn lắm!”.
Chúng ta biết gì về chị? Một cô gái Pháp, tóc nâu hoe vàng, với khuôn mặt xinh xắn, đi tu lúc mới 15 tuổi, và rồi cũng từ trần quá sớm (chỉ 9 năm sống trong dòng Kín Cát Minh ở Lisieux). Còn gì nữa không?
À, thì chị còn được đặt làm vị thánh bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê, vị tông đồ truyền giáo ở Viễn Đông sống vào thế kỉ XVI vào năm 1927 nữa. Chính chị lúc sinh thời cũng ao ước được đến Việt Nam và sống tại nhà Kín tại xứ này. Và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh chị là Tiến sĩ Hội Thánh, ngang hàng với các bậc thức giả lẫy lừng đã dạy dỗ đạo lý và con đường thiêng liêng cho Giáo Hội qua các thời đại vào năm 1997, nhân dịp kỉ niệm bách chu niên ngày chị qua đời. Còn gì nữa không?
“Profile” của chị trích ngang như thế cũng khá đầy đủ, nhưng có lẽ vẫn còn chưa chạm tới chiều sâu cần phải có. Đâu là lý do mà Têrêsa được Hội Thánh tuyên nhận là một vị thánh? Đâu là lý do mà Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Pháp trẻ tuổi suốt đời chôn chặt đời mình trong bốn bức tường của đan viện Cát Minh lại được đặt làm bổn mạng các vị truyền giáo cũng như vị tông đồ Phanxicô Xaviê đã từng bôn ba ngược xuôi bao năm tháng? Đâu là lý do mà Hội Thánh hãnh diện tôn nhận chị là vị tiến sĩ Hội Thánh cho dù tác phẩm của chị viết ra hình như chẳng sánh gì so với các bậc tiến sĩ khác, cả về mặt giáo thuyết lẫn trình độ học thức của chính tác giả ? Câu trả lời có thể rất nghịch lý và ngược đời như chính sự kiện: Têrêsa là một vị thánh dù rất trẻ, vì chị đã sống các nhân đức Kitô giáo một cách anh hùng. Têrêsa được đặt làm vị bổn mạng các xứ truyền giáo dù chị chẳng đi đâu ra khỏi nội vi đan viện, là vì tình yêu của chị đối với các linh hồn và với việc truyền giáo và những hy sinh nhỏ mọn của chị được hiến dâng để cầu nguyện cho việc truyền giáo trong Hội Thánh. Và Têrêsa được tôn vinh là tiến sĩ Hội Thánh, cho dù số lượng tác phẩm ít ỏi, không phải là vì mức độ cao siêu mầu nhiệm trong giáo thuyết của các tác phẩm chị viết , nhưng vì con đường thơ ấu thiêng liêng mà chính chị đã sống trong đời tu đức của mình.
Và, có lẽ đây chính là lý do mà làm cho nhiều người tìm thấy mẫu gương của chị có sức hấp dẫn đến vậy. Biết bao nhiêu người bình dân đơn sơ, hay là những nhà tư tưởng, các bậc thức giả đã được gợi hứng từ tinh thần thơ ấu thiêng liêng của chị. Biết bao nhiêu sách vở, giấy mực, kể cả những luận văn tiến sĩ, những khảo cứu học thuật về chị thánh và linh đạo của chị. Nhiều người cảm thấy vị thánh này dễ thương quá! Xinh đẹp, trẻ trung, sống tinh thần đơn sơ, khiêm nhường, trẻ thơ, không làm nhiều phép lạ hay học thức cao siêu, nhưng chỉ sống một đời sống rất đỗi bình dị. Chị thích hoa hồng, và còn có những câu nói “siêu dễ thương”, chẳng hạn như hứa sẽ “mưa hoa hồng xuống cho trần gian”! Một vị thánh dễ thương “kute” như thế được nhiều người mến mộ cũng là điều dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, có lẽ nhìn sâu hơn về đời sống thiêng liêng của chị thánh, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều không huy hoàng, thơ mộng hay lung linh như chúng ta tưởng.
Thật vậy, có lẽ chúng ta hay lầm tưởng về con đường thơ ấu thiêng liêng của chị thánh. Chúng ta nghĩ con đường thơ ấu thiêng liêng ấy rất “mộng mơ” , với hoa hồng, với những tư tưởng đẹp đẽ và trữ tình, (chị thánh coi mình và mọi nữ tu là hiền thê của Chúa Giêsu, chị muốn “tung hoa” cho Chúa luôn luôn, chị ví mình là trái banh đồ chơi trong tay Chúa), với một cuộc sống êm ả đầy niềm vui và an ủi thiêng liêng, trong một đan viện như một “thiên đàng tại thế” trong đó các nữ tu ngày ngày yêu mến Chúa, mến thương nhau và khuyến khích nhau sống thánh thiện. Những tư tưởng ngọt ngào mà chị thánh viết lên trong truyện Một Tâm Hồn cho chúng ta ao ước sống con đường thơ ấu thiêng liêng đó quá đỗi! Những tâm tình của chị trong các tác phẩm và những thánh lễ mừng kính chị gợi lên trong chúng ta lòng sốt sắng và khao khát muốn theo gương chị quá chừng! Mỗi năm, trong ngày lễ thánh nữ, tượng thánh nữ được trang hoàng đẹp đẽ, với lời ca khúc nhạc vang ngân, với bao lời chia sẻ tâm tình và ca ngợi từ các vị mục tử, thật là những hình ảnh đẹp lung linh! Tuy nhiên, trong thực tế, con đường thơ ấu thiêng liêng của chị thánh không chỉ là những điều rất thơ mộng và đẹp đẽ như vậy đâu. Ta thử nhìn vài điểm cụ thể:
Têrêsa có vẻ yêu thích nét ngây thơ, đơn sơ, và khiêm hạ của trẻ thơ, nhưng lại không phải là ngây ngô, ngớ ngẩn, ấu trĩ, hay lơ lửng mơ mộng trên mây, mà ngược lại rất thực tế, rất hiện sinh, chân vẫn chạm đất và mặt vẫn đối diện với bao nghiệt ngã của cuộc sống, một cuộc sống tưởng chừng như rất êm ả trong đan viện nhưng người thế gian liệu có biết rằng vẫn có vô vàn thử thách, đau khổ và gian nan chứ không hề bình lặng, êm ả và hạnh phúc mà thôi. Những gai nhọn mọc trên cánh hoa hồng trắng bé nhỏ ấy hiện diện trong rất nhiều dịp, chẳng hạn chị thường phải bị một nữ tu lớn tuổi phàn nàn, bị một mẹ bề trên (Marie de Gonzague) hay tỏ ra khá cứng cỏi để thử thách nhân đức và dạy dỗ chị, bị văng nước xà bông khi giặt giũ cùng chị em nhưng vẫn ráng nở nụ cười… Đó là những chuyện thường ngày!
Têrêsa khá nữ tính, khi thích hoa hồng, yêu thiên nhiên và những thói quen dễ thương như đặt cánh hoa lên tượng Chúa, chị thích vẽ và thêu áo lễ, chị cũng rất nhạy cảm, dễ xúc động và khao khát yêu thương như bất kì cô gái trẻ nào khác, nhưng lại không mềm yếu, yểu điệu, dễ bị tổn thương bởi bất cứ điều gì, mà ngược lại rất anh hùng, can đảm, rất cương quyết trong đời sống thiêng liêng dẫn tới đỉnh trọn lành.
Têrêsa khao khát nên thánh cách mãnh liệt, vì chị cho rằng “Chúa không khơi dậy những ước mơ không thể thực hiện được” nhưng vẫn hoàn toàn biết rõ thân phận yếu đuối, mỏng dòn, hay sa ngã của chính mình chỉ như hạt cát so với các thánh như những đỉnh núi cao chót vót. Chị không chê bai các thánh thời xưa với những đức tính anh hùng, những việc hãm mình phi thường, những việc lạ lùng các ngài làm (chị luôn say mê cuộc đời của thánh nữ Jean d’Arc tử đạo, và đã đóng vai thánh nhân trong một vở kịch tổ chức ở đan viện mà ngày nay chúng ta còn giữ lại tấm hình ấy), nhưng chị lại thấy con đường thơ ấu thiêng liêng mới đích thực là phù hợp cho chị. Và khi đã được Chúa soi sáng điều ấy, chị đã trung thành đi đến cùng con đường này. Điều này thật khác với chúng ta, hoặc là chúng ta khao khát nên thánh cách viển vông mơ mộng rồi mau bỏ ngay ý định đó khi vừa chớm gặp vài thử thách trong cuộc sống thiêng liêng, hoặc ngược lại chưa bao giờ tin, chưa bao giờ nghĩ và muốn mình sẽ nên thánh! Têrêsa và các thánh nói chung dạy cho chúng ta phải thực sự khao khát điều gì cho xứng với nhân phẩm cao quý và cuộc đời mình.
Têrêsa háo hức cho bằng được để đi tu, kể cả phải yết kiến Đức Léon XIII, và chị đã được chuẩn chước để vào dòng lúc mới 15 tuổi, nhưng đó không phải chỉ là thứ cảm xúc bồng bột nhẹ dạ mà sau đó chị phải trả giá bằng cả thanh xuân mình, như lắm kẻ trong chúng ta khi đọc tiểu sử của chị đã từng thắc mắc: “Chi mà cho cực vậy?! Chi mà chui đầu vào rọ sớm làm chi? Đời có phải biết bao cái vui không?” Không biết sau đó chị thánh có phải hối hận vì đã hiến dâng cho Chúa thanh xuân của mình không, nhưng qua những gì chị viết, ta không hề thấy chị hối tiếc vì đã dâng cho Chúa điều gì. Chị sống từng ngày trọn vẹn ơn gọi của mình, chứ không phải là kéo lê cuộc đời trong khổ sở để trả giá cho một quyết định bồng bột của tuổi trẻ. Têrêsa “chín” từng ngày trong đời sống của mình, không chai sượng.
Têrêsa cũng không tưởng tượng viển vông về đời sống nội tâm nhưng đã trải qua biết bao là khô khan và những sầu khổ thiêng liêng, đặc biệt là đêm tối đức tin trong căn bệnh chín tháng cuối đời chị, đến mức chị không còn biết mình đã tin hay chỉ muốn tin, và hy vọng vào đời sau dường như đã đến mức phá sản. Một người mơ mộng viển vông không bao giờ giữ vững đức tin và sống các nhân đức một cách anh hùng như thế được. Chính chị thú nhận về bản chất của đường thơ ấu thiêng liêng này nhiều lần trong truyện Một Tâm Hồn. Đoạn sau đây là một ví dụ: “Linh hồn con đã trải đủ thứ gian nan, con đã phải đau khổ rất nhiều ở thế gian! Lúc còn nhỏ, đâu chỉ biết buồn và khóc; ngày nay đã biết bình tĩnh vui vẻ cầm ăn những quả bồ hòn. Thưa Mẹ, đọc tới những trang này mà không cười, chắc là vì Mẹ đã hiểu thấu đáo lòng con; bởi vì cứ thường mà nói, con đã chịu khổ hơn ai cái gì? Còn linh hồn nào ít khổ bằng linh hồn con? Ôi! Phải mà sự cơ cực con đã chịu tự một năm nay, được nói ra cho mọi người hay, người ta sẽ ngạc nhiên bỡ ngỡ dường nào! Đây Mẹ dạy con nói, nên con cứ thử nói mặc dầu chẳng đủ lời để tả hết sự phiền muộn ấy, có nói bao nhiêu, sự thật vẫn còn xa ngàn dặm.”
Như vậy, Têrêsa đơn sơ nhưng không ngây ngô, khiêm hạ nhưng không hèn yếu, khát vọng nhưng không tham vọng, thực tế chứ không hề viển vông. Và để nối kết được hai thái cực lớn lao như thế trong đời sống, giữa khát khao nên thánh cách mãnh liệt và thực tại bản thân nhiều giới hạn thấp hèn, giữa tự nhiên và siêu nhiên, chị chỉ có một mấu chốt để quyết định: đó là tình yêu. Yêu đến say đắm mà đam mê Thiên Chúa, yêu mà tín thác đời mình trong tay Chúa để Người quyết định mọi sự mà không lăn tăn lo nghĩ về bản thân nữa, như đứa con nhỏ phó thác trọn vẹn trong bàn tay cha hiền yêu dấu. Đó là căn cốt của con đường thơ ấu thiêng liêng của chị thánh. Chị không phải là một cô gái trẻ ngờ nghệch ngây ngô đâu, chị đích thực là một bậc lão luyện trong đời sống thiêng liêng dù tuổi đời còn rất trẻ! Chính tình yêu là năng lượng cho đời sống khổ hạnh của một nữ đan sĩ Cát Minh như chị. Chính tình yêu là nhiên liệu để đốt cháy ngọn lửa thiêng liêng, nhằm nung nấu trái tim chị, để tình yêu trong tim chị trở nên tinh khiết, vẹn nguyên như vàng ròng nguyên khối tinh tuyền. Con đường thơ ấu thiêng liêng là như thế! Con đường của chị không hề là một con đường trải đầy hoa, nhưng thực tế là gai góc và đá sỏi, và chỉ từ gai góc đá sỏi ấy, hoa mới bắt đầu nở rộ mà thôi. Têrêsa muốn chúng ta phải hiểu sâu hơn, tránh một cách hiểu hời hợt về con đường chị đã đi.
Vậy, con đường thơ ấu thiêng liêng của chị không phải do chị phát minh ra, nhưng đúng hơn, chị là một Archimède đã thốt lên câu “Eureka” – “Tôi đã tìm thấy” về một “tiểu lộ hoàn toàn mới” này. Con đường thơ ấu thiêng liêng đó khởi nguồn từ Phúc Âm, từ Thánh Kinh, như chị đã thú nhận trong chính truyện Một Tâm Hồn. Trước chị, cũng đã có những vị thánh sống tinh thần này, như Phanxicô Salesiô (với tác phẩm Sống Thánh Giữa Đời là một minh chứng) chẳng hạn. Nhưng Chúa quan phòng đã để cho sự xuất hiện của Têrêsa thật đúng thời đúng buổi theo Thánh Ý đáng tôn thờ của Người. Giữa một thế giới trước ngưỡng cửa hiện đại (modern), tục hóa và hô hào giải thiêng mọi thứ mầu nhiệm, thì một đấng thánh trẻ tuổi, có vẻ chẳng có gì là trổi vượt, chỉ sống đơn sơ khiêm hạ nhưng có một tầm vóc lớn lao vẫn cam đoan cho chúng ta biết rằng sự thánh thiện là có thật và có thể đạt được, nhờ cộng tác với ơn Chúa. Têrêsa không phát minh ra một con đường mới, nhưng chỉ khám phá ra một con đường nên thánh trong muôn vàn nẻo đường khác mà Phúc Âm mời gọi. Và sau đó, rất nhiều những vị thánh, chân phước, đấng đáng kính và tôi tớ Chúa đi theo “tiểu lộ hoàn toàn mới của chị” . Chúng ta nữa, chúng ta cũng được mời gọi sống như chị, như biết bao nhiêu người đã và đang sống theo tinh thần của Tin Mừng và tìm thấy nét mới mẻ để diễn tả tinh thần ấy trong thời đại 4.0 hôm nay. Mừng lễ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đó là dịp để chúng ta tự hỏi mình: “Tôi đang sống con đường thơ ấu thiêng liêng của đời mình thế nào?”
Con Chiên Nhỏ
Lễ chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...