GÓC SUY TƯ
Thực trạng chia rẽ và khát khao hiệp nhất trong Giáo hội Chúa Kitô
(CGOL) Những dư luận bất đồng và những phản ứng trái chiều về những vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo thời gian gần đây dễ làm cho nhiều người cảm nhận về một sự chia rẽ sâu sắc. Thật ra, thực trạng chia rẽ và khát khao hiệp nhất vẫn luôn là một tình trạng thường trực song hành cùng nhau trong cuộc lữ hành của Giáo Hội Chúa suốt dọc dài lịch sử. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, chính Đức Kitô trước khi chịu chết đã cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất của những người tin theo Ngài trong Diễn Từ Ly Biệt nơi Nhà Tiệc Ly, cụ thể là Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa (Ga 17). Chính Chúa Giêsu biết rõ tương lai đầy biến động của Giáo Hội khi hiện diện trong thế gian này. Cuộc sống êm đẹp và hiệp nhất của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi dĩ nhiên là có (Cv 4,32-34). Tuy nhiên, Giáo Hội non trẻ ấy nhanh chóng phải đối mặt với những thách thức và xáo trộn từ cả bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội. Từ bên ngoài, việc bách hại các Kitô hữu của chính quyền Do Thái cả đạo lẫn đời làm phân tán các Kitô hữu ra khỏi Giêrusalem (Cv 8,1-2) và ra ngoài đất Palestine (năm 70 SCN) cũng như cuộc bách hại của các hoàng đế La Mã trong ba trăm năm đầu tiên đã cho thấy Giáo Hội Chúa luôn là một Giáo Hội tử đạo, và kể cả ngày nay nữa! Các thế lực chính trị thế tục trong lịch sử vẫn sử dụng sự chia rẽ để bách hại Giáo Hội. Nhiều Kitô hữu vẫn đang bị truy nã và giết chết ở nhiều nơi trên thế giới. Trong lịch sử hơn 2000 năm qua, các thế lực chính trị, văn hóa và xã hội thế tục với những lũng đoạn, nhũng nhiễu, quấy phá nhằm chia rẽ nội bộ Giáo Hội với nhiều hình thức. Satan, kẻ đứng đằng sau tất cả những kế hoạch tà ác của chúng cũng luôn ráo riết làm việc. Bên trong Giáo Hội cũng vậy, những lạc giáo, ly giáo, những chia rẽ và bất hòa giữa các Kitô hữu đều là những nguyên nhân làm thương tổn sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Và nó hiện diện trong suốt lịch sử Giáo Hội chứ không phải chỉ là một giai đoạn nhất thời nào đó mà thôi. Ngay cả những khoảng thời gian mà Giáo Hội coi là được an bình, thịnh trị thì vẫn có những thứ chia rẽ, bất hòa ngấm ngầm nảy sinh và tồn tại trong Giáo Hội.
Khi nói về điều này, dù chỉ rất sơ lược, người viết không có ý chỉ trích và phơi bày những điều tiêu cực với hàm ý xấu, không phải để “vạch áo cho người xem lưng”, hay để khoét thêm những hố sâu ngăn cách, hay bình thường hóa những thứ chia rẽ này, nhưng để chân nhận một sự thật rằng, bao lâu còn tiến bước trên hành trình lữ hành trần gian này, Giáo Hội vừa luôn phải thích nghi với một thực trạng chia rẽ vẫn tồn tại xưa nay, vừa vẫn mãi cần phải khẩn xin ơn Chúa và làm việc để hướng tới sự hiệp nhất, không chỉ trong Tuần Lễ Cầu Cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô Hữu hàng năm mà thôi, nhưng luôn luôn trong cuộc lữ hành đời này của Giáo Hội. Chính vì vậy, không chỉ việc truyền giáo cho lương dân (ad gentes) là một sứ mạng quan trọng mà thôi, nhưng việc cầu nguyện và nỗ lực liên lỉ cho sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô– tức quá trình đại kết (ecumenism) hướng đến sự hiệp nhất mà Chúa muốn, cũng như việc duy trì sự hiệp nhất trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo đều là những sứ mạng cần thiết và quan trọng. Bài viết này không bàn tới những chia rẽ bên ngoài Giáo Hội nhưng chú tâm đến những chia rẽ bên trong Giáo Hội, điều làm thương tổn sự hiệp nhất các Kitô hữu.
I. THỰC TRẠNG CHIA RẼ BÊN TRONG GIÁO HỘI:
1. Những tranh luận buổi đầu lịch sử Giáo Hội:
Thực ra, việc tranh luận, thậm chí là bất đồng chính kiến trong Giáo Hội không phải đợi khi Đức Giêsu về trời rồi mới có. Dù các Tông Đồ là một nhóm ưu tuyển được Đức Giêsu chọn lựa để ở với Người và được Người huấn luyện, thì giữa các ông vẫn có những bất đồng, chia rẽ, thậm chí tranh cãi: bà mẹ hai ông Giacôbê và Gioan xin hai chỗ ngồi danh dự cho các con mình khiến “mười môn đệ kia tức tối với hai anh em này” (Mt 20,24); Một cuộc tranh cãi nổi lên giữa các môn đệ về việc xem “ai trong số họ là người lớn nhất” (Lc 9,46), và không chỉ một lần (Mt 18,1; Mc 9,34) đến ngay cả trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22,24).
Trong những ngày đầu của Giáo Hội sau khi Chúa lên trời, vấn đề cắt bì cho người dân ngoại theo Kitô giáo hay không đã là một vấn đề gây mâu thuẫn và tranh luận giữa những Kitô hữu gốc Do Thái, dẫn đến “công đồng” Jerusalem, “công đồng đầu tiên” của Giáo Hội (Cv 15,1-29). Rồi chính thánh Phaolô và thánh Phêrô cũng đã có những lần tranh luận đến mức cãi vã, chính thánh Phaolô lại là người “gây sự” trước vì thấy “chướng mắt” trong cách hành xử của vị giáo hoàng tiên khởi (Gl 2,11-14). Một lần khác, chính thánh Phaolô và thánh Barnaba cũng bất đồng quan điểm khủng khiếp. Thánh Phaolô không chịu đem theo thánh Marcô (còn có tên khác là Gioan) cũng vì vị này đã bỏ về giữa cuộc hành trình truyền giáo trong khi thánh Banaba, bạn đồng hành với thánh Phaolô vào sinh ra tử lại muốn Marcô đồng hành, rồi sau một trận cãi vã nảy lửa, Phaolô chọn Sila còn Banaba chọn Marcô và hai vị này cũng “chia tay sớm cho bớt đau khổ” (Cv 15,36-40), nói theo kiểu dí dỏm hiện nay của chúng ta! Giữa các vị Tông Đồ, (tức là các giám mục!) cũng không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau trong mọi sự (Gl 2,9), tuy nhiên, các vị vẫn giữ tình hiệp thông và đặt lợi ích của Giáo Hội lên trên tất cả (Gl 2,9). Chính các ngài cũng cảnh giác đoàn chiên khỏi những thầy dạy giả hiệu và những kẻ làm lung lạc đức tin gây xáo trộn cộng đoàn. Bởi lẽ ngay từ ban đầu sự chia rẽ cũng len lỏi vào trong cộng đoàn Giáo Hội (1 Ga 2,19), những tông đồ giả (2Cr 11,13; Kh 21,14) và các ngôn sứ giả (Mt 7,15; 24,11; 1Ga 4,1; Cv 13,6) [1] và những người xa rời giáo lý cứu độ (x. 2 Ga 9-11).
2. Các lạc giáo:
Có lẽ ngày nay chúng ta cảm thấy lạ lẫm với chuyện các nghị phụ, tức là các hồng y, tổng giám mục và giám mục đã từng tranh cãi và bất đồng ý kiến trong các Công Đồng Chung về những vấn đề tín lý, chẳng hạn như Đức Giêsu có thật là Thiên Chúa không (lạc giáo của Ariô), hay Đức Maria có phải là Mẹ Thiên Chúa không (lạc giáo của Nestoriô)… Có lúc những vị này chẳng giữ được bình tĩnh, trở nên xung khắc, thậm chí có khi còn…đánh nhau nữa kìa. Giai thoại thánh Nicôla thành Myra (ông già Noel) đấm linh mục Ariô lạc giáo là một thí dụ điển hình. Đối với chúng ta ngày nay, những chuyện này hơi khó tin, thậm chí tếu lâm nữa, nhưng những sự kiện như thế không xa lạ với những ai có tìm hiểu về lịch sử tín điều hoặc các công đồng. Đó là những chuyện rất thường gặp, nhất là trong thiên niên kỉ thứ nhất [2]. Nhưng các lạc giáo hay dị giáo (heresy) không chỉ là vấn đề của quá khứ. Các lạc giáo thì thật ra lúc nào cũng có, đâu có phải chỉ là chuyện ngày xưa. Ngày nay, dường như các lạc giáo còn lan tràn hơn nữa. Nhìn sơ qua thôi, chúng ta đã thấy biết bao nhiêu thứ lạc giáo gây lộn xộn và chia rẽ bên trong Giáo Hội: Sứ Điệp Từ Trời, Nhà Chúa Cha, Tia Chớp Phương Đông, Giáo phái Palmarians… Thật ra, những thứ gọi là “lạc giáo” ngày nay đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Giáo Hội. Những “vấn đề” họ thắc mắc về giáo lý và đức tin để rồi tìm cách giải thích sai lệch đều đã có nơi các lạc giáo từ xa xưa nhưng nay xuất hiện với các bộ áo mới, với những cách diễn giải mới, luận cứ mới. Các lạc giáo xa xưa này đã được các nhà hộ giáo, các giáo phụ, các công đồng, các văn bản và sách Giáo Lý… giải quyết từ lâu! Có lẽ vấn đề là thiếu hiểu biết về Kinh Thánh và tìm tòi về giáo lý mà thôi. Nếu chịu khó khiêm tốn tìm hiểu giáo lý, thần học và vâng nghe sự hướng dẫn của giáo quyền thì chắc không dẫn đến những lạc giáo như vậy. Thực ra sách vở của các giáo phụ, sách giáo lý, tài liệu nghiên cứu thần học đâu thiếu, nhưng nghe mãi thì… chán, nên Satan tìm cách dụ dỗ những người này, là những người vốn thích nghe những chuyện lạ giật gân cho đã trí tò mò, và từ từ dẫn dụ họ đi xa chân lý đức tin. Có những hiện tượng mà một người với trí phán đoán bình thường đã nghe là thấy rất nhảm nhí đến mức buồn cười: tự xưng là Đức Kitô giáng lâm lần thứ hai (rất nhiều người trong lịch sử đã tự xưng như thế, dù chính Chúa đã cảnh báo ngay trong Tin Mừng), hiện tượng mang thai thánh, tự xưng là Tổng Lãnh Thiên Thần nhập thể, Đức Mẹ là Mẹ Chúa Cha, Đức Chúa Trời Mẹ [3]… Vậy mà những lạc giáo này vẫn thu hút được rất nhiều người, không chỉ là những giáo dân đơn sơ mà còn cả những đấng bậc, những vị tu hành mà người ta nghĩ là phải hiểu biết sâu xa hơn về giáo lý và đời sống đạo đức. Có người nghĩ rằng cứ mặc kệ chúng, vì chúng nhảm nhí như vậy chắc chẳng ai tin và từ từ sẽ tàn lụi theo thời gian. Nhưng chúng ta đừng lầm. Tác hại của những lạc giáo như thế này là vô cùng lớn, nhất là đối với những người bình dân ít hiểu biết về giáo lý, thêm vào đó là sự phát triển của các phương tiện truyền thông còn làm cho những thứ “rác” này tồn tại thật lâu trên cõi mạng, góp phần làm “ô nhiễm” môi trường mạng. Và không chỉ lan truyền trên mạng, họ còn tìm đến tận nhà, “rao giảng Tin Mừng” thật nhiệt thành hăng say. Thật ra, chính Kinh Thánh đã cảnh báo về những điều này: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường”. (2 Tm 4:3-4). Cho nên, các hướng dẫn của các vị hữu trách trong Giáo Hội đầy đủ và kịp thời là điều rất cần thiết.
3. Các ly giáo:
Ngoài các lạc giáo ra, các ly giáo (schism) cũng là một vấn đề quan trọng. Chúng ta đang sống ngày cuối cùng trong tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Thói quen này khởi đầu từ năm 1908 nơi Giáo Hội Anh Giáo. Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18/01, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25/01, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Giáo Hội Công Giáo nhận ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện này, nên thói quen này được duy trì đến nay. Sở dĩ cần phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, là vì những cuộc chia cắt giữa các Kitô hữu làm cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội bị thương tổn sâu sắc qua các cuộc ly giáo: cuộc đại ly giáo Đông-Tây năm 1054 (tách rời Giáo Hội Đông Phương, chúng ta quen gọi là Chính Thống Giáo và Giáo Hội Tây Phương vẫn xưa nay quen gọi là Giáo Hội Công Giáo Roma/La Mã), cuộc ly giáo Tây Phương với việc các Giáo Hoàng cư ngụ tại Avignon (từ 1309 đến 1377), rồi sau đó tới cuộc ly giáo Tây Phương vào năm 1517 của Martin Luther với sự ra đời của Giáo Hội Kháng Cách-Tin Lành và tiếp theo là cuộc ly khai của Vua Henri VIII và sự xuất hiện của Giáo Hội Anh Giáo vào năm 1534. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các Giáo Hội khác nữa nhỏ hơn như Giám Lý, Ngũ Tuần, Cơ Đốc Phục Lâm, Trưởng Lão, Báptít… Các giáo phái khác nhau về cách hiểu và giải thích Kinh Thánh, thần học, tín lý, giáo luật, các nghi lễ phụng vụ, cách quản lý mục vụ và truyền giáo…Những cuộc ly giáo này cũng có nhiều nguyên nhân không chỉ về thần học, tín lý và kỉ luật Giáo Hội nhưng còn do các mâu thuẫn về chính trị, văn hóa, lịch sử…
Với Công Đồng Vatican II, góc nhìn về đối thoại đại kết và các Giáo Hội này có nhiều thay đổi. Trước đây Giáo Hội Công Giáo luôn tự hào ở thế thượng tôn bản ngã, với ý thức rằng mình sở hữu độc tôn chân lý và các Giáo Hội khác đều cần phải trở lại / hoán cải quay về hiệp thông với mình. Điều này không sai, nhưng về mặt nhân bản lại là một cản trở cho việc đối thoại và hiệp nhất như lịch sử đã chứng minh. Với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo mở lòng khiêm tốn hơn để đến với các Giáo Hội khác trong khi vẫn ý thức vị trí cao cả của mình. Cha Phan Tấn Thành lưu ý về Chương 1 của Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio) của Công Đồng Vatican II: “Điều đáng chú ý là mặc dù sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một thực trạng không thể chối cãi, nhưng công đồng muốn trình bày một cái nhìn tích cực hơn về sự hợp nhất, đó là: giữa các Kitô hữu đã có một sự hợp nhất rồi, tuy nhiên chúng ta còn phải cố gắng tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo hơn. Nói khác đi, chúng ta không đi từ chỗ chia rẽ tới chỗ hợp nhất, nhưng là đi từ “hợp nhất bất toàn” đến “hợp nhất toàn vẹn” (communio imperfecta – plena communio). Thực vậy, giữa các Kitô hữu đã có nhiều yếu tố hợp nhất: qua bí tích rửa tội, chúng ta đã đựơc tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, đã được trở thành con Thiên Chúa, đã được lãnh nhận ân sủng của Thánh Linh. Chính những yếu tố thần linh đó thúc đẩy các Kitô hữu tìm cách biểu lộ sự hợp nhất kể cả qua những yếu tố hữu hình nữa. Tuy vẫn thâm tín rằng Giáo Hội Công Giáo chứa đựng cách sung mãn những yếu tố cấu thành Hội Thánh của Đức Kitô, nhưng công đồng nhìn nhận rằng các cộng đoàn khác cũng chứa đựng những yếu tố đó nữa. Nên biết là ở đây công đồng không bàn tới các Kitô hữu ngoài Công Giáo như là những cá nhân riêng rẽ, nhưng công đồng nói tới các cộng đoàn Kitô hữu ở ngoài công giáo. Riêng về trách nhiệm luân lý của các cuộc chia rẽ, công đồng khiêm tốn nhìn nhận rằng cả hai bên đều có lỗi. Dù sao các Giáo Hội ngoài công giáo không bị gọi là phe “ly giáo, lạc giáo” như trước nữa! Con đường tìm về hợp nhất được tiến hành qua sự thống hối và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa” [4]. Cách chung, từ thời công đồng Vatican II đến nay, những cuộc tranh luận giữa các nhà thần học các Giáo Hội Kitô thường là những vấn đề về tín lý, luân lý, quyền bính và phẩm trật. Thêm vào các cuộc ly giáo trên, cũng có các giáo phái chưa bị tuyên bố chính thức là ly giáo nhưng thực tế đã sống tinh thần ly giáo khi cố tình gieo rắc sự chia rẽ trong Giáo Hội bằng cách chống đối các Giáo Hoàng, Tòa Thánh và Công Đồng Vatican II như thuyết Trống Tòa (sede vacante) hay Huynh Đoàn Thánh Piô X [5] (sau này đã được Đức Benedict XVI giải vạ tuyệt thông (21/01/2009).
Gần đây, từ năm 2019, Công Nghị ở Đức cũng làm dấy lên các quan ngại về một viễn tượng mang tính ly giáo nếu không có những đối thoại cần thiết với Tòa Thánh [6]. Và những nội dung của Công Nghị này cũng là đề tài cho rất nhiều cuộc tranh luận gần đây trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh giữa Ukraina và Nga đã gây ra nhiều hệ lụy thảm khốc, đến nỗi người ta nói đến việc ly giáo đã, đang và sẽ xảy ra giữa các Giáo Hội Chính Thống khác và Giáo Hội Chính Thống Nga sau 1000 năm (từ lúc ly khai với Giáo Hội Công Gáo) bởi lẽ vị Thượng Phụ hiện nay (Kyril) đã nhiều lần bảo vệ cho hành động chiến tranh của chính quyền Nga. Ngày 14/09/2018, Tòa Thượng Phụ Moscow tuyên bố đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô [7]. Những sự kiện này lại làm cho Tòa Thánh gặp những khó khăn trong tiến trình đại kết với Chính Thống Giáo.
Chúng ta biết, phong trào Kháng Cách rất đa dạng về các giáo phái. Những giáo phái lớn có thể kể đến như Lutheran, Calvinist/ Cải cách/ Trưởng Lão, Baptist, Giám Lý, Ngũ Tuần. Những giáo phái này khác biệt nhiều về tín lý với Giáo Hội Công Giáo và chính các giáo phái cũng không có một niềm tin như nhau. Việc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kháng Cách-Tin Lành gặp nhiều khó khăn.
Nội bộ Anh Giáo cũng gặp nhiều sóng gió. Trong Đại hội thứ tư của Liên Hiệp Anh Giáo tháng 04/2023, các giáo tỉnh Phi Châu bỏ phiếu bất tín nhiệm Vị Giáo Chủ Liên Hiệp Anh Giáo là Đức Tổng Giám Mục Justin Welby vì đã ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính trong các cuộc kết hợp dân sự. Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục thành Canterbery này tuyên bố sẵn sàng từ bỏ quyền lực của mình với tư cách là người đầu tiên bình đẳng trong số các giáo chủ của khối Liên Hiệp Anh Giáo vào ngày 12/02/2023. Sau đó, Liên Hiệp Giáo Hội Tin lành Methodist cũng gặp một chia rẽ về vấn đề này vào tháng 05/2023.
4. Những chia rẽ gần đây trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo:
Như đã trình bày, thực trạng chia rẽ và khát khao hiệp nhất vẫn luôn là một tình trạng song hành trong Gáo Hội Chúa. Bài viết này không có tham vọng bao gồm tất cả mọi thứ chia rẽ ở nhiều nguyên nhân, khía cạnh và cấp độ đối với Giáo Hội Công Giáo, song chỉ ao ước trình bày rất sơ lược về thực trạng những mối thương tổn gây ra do những chia rẽ và khát khao hiệp nhất vẫn luôn tồn tại liên lỉ thế nào trong Giáo Hội Chúa. Từ sau thiên niên kỉ thứ nhất vốn dễ bị chia rẽ về các vấn đề tín lý, Giáo Hội Công Giáo thường bị chia rẽ về vấn đề thế quyền và chủ nghĩa thế tục ở thiên niên kỉ thứ hai. Từ công đồng Vatican II đến nay, cùng với sự phát triển nhảy vọt về kiến thức nhân văn và các ngành khoa học, trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo thường có những suy tư, chất vấn, tranh luận, và thậm chí chia rẽ về những vấn đề luân lý và mục vụ. Hoàn cảnh mục vụ rất phức tạp trong bối cảnh thế giới hiện đại và hậu hiện đại làm cho Giáo Hội thấy mình không chỉ cần được cai quản bởi hàng giáo sĩ mà thôi, nhưng còn bởi toàn thể các thành phần trong Giáo Hội. Đó là lý do mà cơ chế Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới do thánh Giáo Hoàng Phaolô VI khởi xướng đã ra đời vào ngày 15/09/1965 với Tự sắc Apostolica Sollicitudo. Với Đức Phanxicô, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (synod of bishops) không chỉ là một cơ chế cần thiết tồn tại trong đời sống Giáo Hội mà thôi nhưng tính hiệp hành (synodality) còn là một phong cách sống, phong cách làm việc, phong cách xây dựng nên Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và đời sống của Giáo Hội, với kiểu mẫu là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tính Hiệp Hành từ 2019-2023. Giáo Hội muốn lắng nghe mọi luồng ý kiến của mọi người, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân về những vấn đề hiện nay trong Giáo Hội. Chính vì vậy, chuyện có những tranh luận trái chiều, những phản ứng khác nhau, thậm chí những chia rẽ là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, chính ở giữa những tranh luận và phản ứng khác nhau đó mà Giáo Hội thực tập sự phân định (discernment) và nhận ra cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa. Việc chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là một ví dụ. Đây là một vấn đề tranh cãi đến bất tận và các bên đều có những lý lẽ mạnh mẽ ủng hộ cho lập trường của mình. Không muốn nói dài dòng về những diễn biến chung quanh vấn đề này, nhưng sự kiện gần đây nhất về vấn đề này gây nhiều tranh cãi là vào ngày 18/12/2023 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã xuất bản tuyên ngôn Fiducia Supplicans, trong đó cho phép các mục tử được phép ban phúc lành cho các cặp “bất thường” về mặt hôn phối (các cặp ly dị tái hôn và đồng tính luyến ái) đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau trên toàn thế giới. Có những Hội Đồng Giám Mục kịch liệt phản đối (như Châu Phi, Ba Lan, Hungary), có Hội Đồng Giám Mục đồng ý (Đức, Bỉ) có Hội Đồng Giám Mục thận trọng và ôn hòa vừa tiếp nhận vừa giải thích Tuyên Ngôn này cho giáo dân để tránh những hiểu lầm (Mỹ, Canada). Những lập trường khác nhau gây chia rẽ đến mức sau đó, vào ngày 04/01/2023, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin phải ra một Thông cáo để giải thích vấn đề [8]. Cho tới nay, khi bài viết này được viết, các phản ứng vẫn còn tiếp tục.
II. KHÁT KHAO HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU:
1. Thanh thản nhìn lại quá khứ:
Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng có thể nhìn lại quá khứ như một bài học cho hiện tại và tương lai. Dĩ nhiên như đã nói, các lạc giáo không phải là không nguy hại, và dù đã bị lên án, thậm chí trong lịch sử, những người theo các lạc giáo còn bị vạ tuyệt thông (ex-communicatio) và những trừng phạt về thể xác nữa. Nhưng hôm nay, trong thế giới hậu hiện đại này, Giáo Hội Công Giáo không sử dụng những biện pháp chế tài mang tính vũ lực nữa. Những lạc giáo, nếu có, vẫn cần bị lên án bởi những nhà lãnh đạo Giáo Hội và những thần học gia. Rất cần thiết vạch trần bộ mặt thật của chúng đằng sau những thứ mặt nạ hiện đại đẹp đẽ tưởng chừng vô hại. Nếu cần, vạ tuyệt thông (ex-communicatio) vẫn cần thiết nếu đương sự cố tình không hối cải và không vâng nghe giáo quyền và bề trên, như trường hợp một linh mục Việt Nam mới qua đời gần đây chẳng hạn. Tuy nhiên, ngày nay Giáo Hội không quá “sốt sắng” và “sẵn sàng” sử dụng vạ tuyệt thông như một thứ vũ khí hù dọa cho bằng coi nó biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng. Vì vậy, việc dạy giáo lý cho cả người lớn, trẻ em và tân tòng, cũng như việc truyền thông Công Giáo vẫn là những việc vô cùng cần thiết.
Đối với Chính Thống Giáo, sau cuộc ra vạ tuyệt thông lẫn nhau hàng thiên niên kỉ từ năm 1054, cái ôm lịch sử của Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras ngày 02/01/1964 đã được ghi nhớ mãi mãi như một trang sách mới trong quá trình đại kết. Có vẻ là Chính Thống Giáo ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo do các động lực khác chứ không chỉ là các vấn đề thần học. Thật vậy, đọc lịch sử về vụ ly giáo này, sự rạn nứt giữa Tây Phương Latin và Đông Phương Hy Lạp, kết hợp với việc ngạo mạn thái quá của các vị lãnh đạo của cả đôi bên, rõ ràng là các điểm dị biệt như vậy về văn hóa, chính trị và địa lý đều “góp phần” vào việc ly giáo hơn là các điểm dị biệt tương đối nhỏ về thần học. Cho nên khi các vấn đề thần học cần được tác dụng mạnh mẽ – đó là những gì mà nhiệm vụ chung giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo đang làm hiện nay – cách thực tế chữa lành ly giáo sẽ chỉ xảy ra bằng sự khiêm nhường sâu xa của cả hai phía [9]. Chính Giáo Hội Công Giáo đã khiêm nhường tìm đi bước trước. Từ khi hai khối Giáo Hội bắt đầu đối thoại thần học từ năm 1980, đã có tất cả bảy văn kiện chung đã được thông qua. Hầu như những vấn đề dị biệt về tín lý đã được thảo luận và những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa đã không còn phải là vấn đề như xưa, trừ một vài vấn đề như quyền tối thượng thì vẫn còn là vấn đề quan trọng và khó khăn để đối thoại [10].
Đối với Tin Lành, hơn 500 năm đã qua từ khi cuộc ly giáo của linh mục Martin Luther. Nếu có nhìn lại quá khứ, có lẽ cả hai bên đều thốt lên: “Phải chi…” Thật vậy, phải chi hàng giáo sĩ đã đủ khiêm tốn để lắng nghe ý định cải cách ban đầu của Martin Luther vốn chưa bao giờ định tách lìa ra khỏi Giáo Hội Công Giáo, điều sau đó đã trở thành hiện thực do sự thúc đẩy của các liên minh chính trị tư sản thời đó. Và tương tự, phải chi Martin Luther đã có sự khiêm tốn để lắng nghe và chờ đợi quyết định của hàng giáo sĩ. Có lẽ, cuộc ly khai Kháng Cách đã không xảy ra chăng? Tuy nhiên, nhìn dưới thánh ý Chúa quan phòng, cho dù không mong muốn, sự ly khai này cũng kéo theo những tích cực không ngờ của nó cho cả hai bên [11]. Năm trăm năm trôi qua, có quá nhiều những xung đột, thậm chí đến mức đẫm máu giữa hai bên. Đã đến lúc cả hai Giáo Hội thanh thản nhìn lại quá khứ với những đổ vỡ đáng tiếc và thay vì tìm thấy những điểm khác biệt nhau thì nên tìm thấy những điểm chung để cùng nhau tiến bước trên con đường tìm kiếm Đức Giêsu Kitô, Tôn Sư và Mục Tử của mỗi người chúng ta. Năm 2017, nhân kỉ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành, Đức Phanxicô đã đến Thụy Điển để kỷ niệm biến cố này, đồng thời gợi lại những bước tiến triển về đại kết giữa người Công giáo và Tin Lành Luther và những quà tặng hai bên dành cho nhau qua cuộc đối thoại.
Đối với Anh Giáo, chúng ta lại thấy đáng mừng khi trong vài thập kỉ qua, có nhiều vị lãnh đạo cùng với giáo phái và cộng đoàn của họ xin gia nhập để nối lại mối dây hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Có nhiều lý do đưa tới vấn đề này, nhưng một trong những lý do là những chấp thuận mang tính cấp tiến của các vị lãnh đạo Anh Giáo khi quyết định phong chức giám mục cho nữ giới và người đồng tính, cũng như quyết định công nhận các hôn nhân đồng tính đã làm cho các giáo phái trong liên hiệp Anh Giáo chia rẽ và một số giáo phái này xin gia nhập Gáo Hội Công Giáo, nhất là sau khi Tông Hiến Anglicanorum coetibus do Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 09/11/2009 và được cập nhật vào ngày 09/04/2019. Chúng ta hãy đơn cử vài trường hợp: Ba giáo xứ thuộc Giáo Hội Anh Giáo Ái Nhĩ Lan (Church of Ireland) khoảng 400.000 người đã xin hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo vào năm 2007 [12]. Ngày 12/03/2010, Tổ chức Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống tại Canada (Traditional Anglican Communion) với 60 vị Giám Mục xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo [13]. Cũng trong năm này, các vị lãnh đạo Anh Giáo Truyền Thống Mỹ (House of Bishops of the Anglican Church in America of the Traditional Anglican Communion) đã chính thức yêu cầu được hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra còn có các giám mục tự nộp đơn xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cho tới năm 2023 đã có ít nhất 15 giám mục Anh Giáo đã xin hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo thông qua Giáo hạt tòng nhân kể từ khi thành lập.
2. Thực tế khi chân nhận thực trạng chia rẽ trong Giáo Hội:
Người xưa vẫn hay ví von: “Chén trên sóng còn khua nhau huống chi là vợ chồng.” Dù có hợp tính nhau cách mấy, đôi vợ chồng cũng sẽ có những giây phút thấy nửa kia của mình tuy “vô cùng giống” mình, nhưng thực ra cũng “vô cùng khác”, có những lúc không thể hòa hợp và có quan điểm chung được. Một gia đình hiện nay của chúng ta chỉ có khoảng vài thành viên, nhưng những bất đồng và chia rẽ vẫn hiện diện trong gia đình, có phải không? Đó là đời sống của một gia đình. Huống chi là Giáo Hội Công Giáo có 1,378 tỉ thành viên [14] với số tín hữu đông nhất trong các Giáo Hội Kitô. Thế nên chẳng hạn, trừ ra những vấn đề về giáo lý và mục vụ, thì việc Tuyên Ngôn Fiducia Supplicans đối diện với những phản ứng rất khác nhau trên toàn thế giới là điều dễ hiểu, bởi vì thái độ đối với vấn đề này vẫn rất khác nhau đối với các nền văn hóa và quốc gia trên thế giới. Sự chia rẽ là một thực trạng bình thường đối với một tổ chức rất lớn như thế. Nhìn nhỏ hơn với các giáo phận, giáo xứ và đoàn thể, có lẽ chúng ta cũng thấy một tình trạng tương tự thôi. Cho dù vẫn mang tiếng là hiệp nhất “trên bề mặt”, nhưng những bất đồng và chia rẽ vẫn luôn hiện diện và có đó, không chỉ là ở những sự vật và sự việc khác nhau, nhưng còn là vấn đề tương quan giữa con người với nhau với những dị biệt của tính tình, hoàn cảnh sống, quan điểm sống, cách làm việc… Dù có nỗ lực cách mấy, tình trạng “bằng mặt chứ không bằng lòng” vẫn mãi tồn tại trong bất kì tổ chức nào trên trần gian này mà thôi. Thế nên, cần nhìn nhận một sự chia rẽ nào đó (trong mức độ chấp nhận được) có thể có trong đời sống Giáo Hội. Và xem ra sự chia rẽ này chứng tỏ Giáo Hội dù luôn hiệp thông và hiệp nhất trong đức tin, nhưng vẫn đa phương và khách quan trong các trường phái thần học, các vùng miền, lãnh thổ và văn hóa. Luôn có trường phái “bảo thủ” cũng như luôn có trường phái “cấp tiến” trong Giáo Hội, để tìm cách giữ cho Giáo Hội ở trong thế đứng cân bằng chứ không võ đoán, độc tài và cực đoan. Chứ trong mọi vấn đề mà toàn giơ tay “nhất trí” đến 99/100, thì chắc chỉ có trong các Quốc Hội của các chế độ độc tài mà thôi!
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là làm ngơ trước mọi chia rẽ lớn nhỏ và mặc cho mọi nguy cơ chia rẽ tàn phá Giáo Hội. Bởi lẽ kinh nghiệm ở đời cho chúng ta thấy để phá đổ thì rất dễ rất nhanh, còn để xây dựng thì rất lâu dài khó nhọc. Chính mỗi người chúng ta nữa, qua tội lỗi của mình, cũng bao lần gây nên sự chia rẽ và đổ vỡ trong Giáo Hội và cộng đoàn. Những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tìm cách vận động hành lang, tranh thủ sự ủng hộ bằng cách mua chuộc để được lòng nhằm thăng quan tiến chức hay trục lợi… chính những thủ đoạn ấy chia rẽ Giáo Hội Chúa. Và đó là tinh thần thế tục hóa thiêng liêng mà các Đức Giáo Hoàng gần đây vẫn hay nói đến. Sự hiệp nhất vẫn có của Giáo Hội cho đến nay, ngoài ơn Chúa là điều dĩ nhiên, thì đó là nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa từ xưa đến nay. Nếu ai cũng suy nghĩ, nói năng và hành động theo ý riêng mình, theo phe nhóm mình thì còn gì là sự hiệp nhất nữa? Nguyên tắc cổ xưa nơi câu ngạn ngữ Latin vẫn quý giá: “In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas”, nghĩa là “Hãy hiệp nhất trong những điều cần thiết, hãy tự do trong những điều tùy phụ, và trên hết tất cả, hãy bác ái”. Dù có những bất đồng và chia rẽ, tuy nhiên, cách chung, Giáo Hội Công Giáo vẫn hiệp nhất trong những vấn đề của đức tin (tín lý) và đời sống Kitô hữu (luân lý), cũng như tìm cách duy trì sự hiệp nhất bằng tinh thần hiệp thông (communicatio) giữa các thánh, thể hiện rõ nhất trong phần chuyển cầu cho các thành phần Giáo Hội nơi Kinh Nguyện Thánh Thể trong mỗi Thánh Lễ. Sự hiệp thông này cũng được diễn tả cụ thể trong phẩm trật của Giáo Hội khi các linh mục hiệp thông với Giám Mục của mình, các Giám Mục địa phương hiệp thông với Giám Mục Roma [15]. Ngoài ra, tính chất hiệp thông của Giáo Hội còn được diễn tả trong sự hiệp thông có tính đại kết của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô khác. Như đã trình bày ở trên, việc đối thoại đại kết luôn tìm những điểm chung trong kho tàng đức tin làm căn nguyên cho sự hiệp nhất với nhau, cho dẫu vẫn còn nhiều khác biệt nơi mỗi Giáo Hội và sự hiệp nhất hoàn toàn với nhau vẫn còn là một con đường dài.
3. Cầu nguyện và nỗ lực cho sự hiệp nhất các Kitô hữu:
Nếu chỉ dừng lại ở chuyện chấp nhận một Giáo Hội tồn tại giữa những chia rẽ hay tìm cách hạn chế những chia rẽ nào có hại, có lẽ đó là chuyện con người có thể làm được. Tuy nhiên, Giáo Hội không chỉ là một tổ chức xã hội thuần túy, (chiều kích hữu hình trần gian) nhưng còn là một mầu nhiệm (chiều kích vô hình thiêng liêng). Nhìn ở khía cạnh trần gian thì có lẽ không bao giờ hết sự chia rẽ trong Giáo Hội, điều có thể làm cho những người quen quan niệm cuộc sống với cặp kính quá ư màu hồng và lý tưởng hóa mọi sự dễ thất vọng ngã lòng. Nói cách khác, có thể sẽ không bao giờ có được sự hiệp nhất các Kitô hữu nơi trần gian này, dù chúng ta có cầu nguyện cách mấy hay nỗ lực xích lại gần nhau cách mấy đi nữa! Và đúng, chắc chắn là Giáo Hội chỉ có được sự hiệp nhất hoàn toàn và hoàn hảo trong trời mới đất mới, nơi viễn cảnh cánh chung, khi mà Thiên Chúa “thâu hồi mọi sự dưới quyền thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô, cả vạn vật trên trời và dưới đất” (Ep 1,10). Tuy nhiên, ngược lại, cũng cần phải tránh một thái độ duy thế tục hóa (secularism) và giải thiêng (desacralization) khi lười biếng để bằng lòng với sự bất toàn ấy như thể nó là một chân lý tất yếu. Đức tin dạy cho chúng ta rằng bao lâu còn lữ hành trong hành trình đời này, Giáo Hội vẫn còn bất toàn và chia rẽ. Nhưng chính Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến và Đức Giêsu hứa ban là Đấng “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Và bởi vì “không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1,37), mặc cho ma quỷ và thế gian tấn công chống phá, nên chúng ta cứ tiếp tục cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất bên trong Giáo Hội cũng như quá trình đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô, còn lại kết quả thế nào thì hãy để cho chính Chúa ấn định thời điểm, phương cách theo thánh ý Người. Đây không phải là chuyện viển vông xa vời, nhưng nếu ý thức về điều này, chúng ta sẽ trở nên khí cụ xây dựng sự bình an và hiệp nhất trong môi trường đoàn thể, cộng đoàn và Giáo Hội chúng ta đang sống. Đó là những nỗ lực hằng ngày: chịu khó nhẫn nhịn nhau trong ứng xử, tập bao dung và bác ái trong mọi tương quan, bỏ ý riêng mình khi chúng không cần thiết hay phương hại đến đời sống tập thể, và không trở nên công cụ gây chia rẽ, xúc phạm, bạo lực với người khác mà trở nên tay sai của những thế lực bóng tối. Nói dễ nhưng làm khó, nhưng thật ra từ những hạt muối, những tia sáng, những nắm men nho nhỏ này, Giáo Hội và thế gian được ướp mặn, được chiếu sáng và được dậy men Tin Mừng. Và dù có quan điểm đồng nhất hay chưa về những vấn đề trong Giáo Hội, chúng ta vẫn luôn được mời gọi cầu nguyện để Giáo Hội vừa trung thành với Tin Mừng của Chúa vừa thức thời với những hoàn cảnh mục vụ phức tạp và tế nhị trong bối cảnh thế giới hậu hiện đại hôm nay.
Giáo Hội kết thúc Tuần lễ Cầu Cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô Hữu bằng lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại. Đức Giêsu đã quật ngã Saolô trên đường đi Damascus và hoán cải ông, để kẻ bách hại đức tin thành người rao truyền đức tin. Người đã quay ngược đường đi của Saolô và thay đổi hoàn toàn con người và cuộc đời ông, để thay vì trở nên một nguyên nhân gây chia rẽ, Phaolô trở nên Tông Đồ xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội Chúa. Và chúng ta đừng quên, trước khi Giáo Hội có một Phaolô, thì đã có lời cầu nguyện cho kẻ thù noi gương Thầy Chí Thánh và chứng tá máu đào của một Stephanô tử đạo, người bị ném đá bởi những địch thù là những kẻ để áo mình dưới chân một người thanh niên tên là Saolô, kẻ cũng tán thành việc giết Stephanô (Cv 7,58). Lời cầu nguyện và chứng tá của vị tử đạo tiên khởi ấy dù âm thầm và tưởng chừng không liên quan nhưng lại rất quan trọng để dẫn đến sự hoán cải của Phaolô. Thế nên những chia rẽ trong Giáo Hội có thể được ơn thánh phá tan bởi hy sinh lặng thầm nhưng đắt giá của những người công chính. Bởi vậy, cho dù Phaolô vẫn là con người bất toàn yếu đuối, nhưng chính Chúa Giêsu phán với ông: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Điều này không chỉ đúng cho cuộc đời Phaolô, nhưng còn đúng cho cả hành trình lữ hành của Giáo Hội, trong khi thương tích đầy mình và rỉ máu liên lỉ vì những bất đồng, chia rẽ và bị bách hại, nhưng vẫn trung thành đến cùng trong sứ mạng làm chứng tá cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa, trong khi đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn vào Đức Giêsu với niềm cậy trông, tin tưởng và yêu mến vì chính Người đã từng nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (Ga 10,14-16).
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...