GIÁO DỤC
Khởi nghiệp trong đời hoàn thiện, không bao giờ quá sớm hay quá trễ, quá trẻ hay quá già!
(NSGH) Các bạn trẻ ngày hôm nay rất thao thức ưu tư về vấn đề “khởi nghiệp” (startup), bởi vì nó rất quan trọng. Dĩ nhiên, muốn khởi nghiệp cần phải có rất nhiều yếu tố, như vốn, sự ủng hộ của gia đình và người thân, kĩ năng chuyên môn, lòng quyết tâm kiên trì… Vừa học vừa lo chuẩn bị sự nghiệp để đi làm, các bạn trẻ loay hoay tìm cách khởi nghiệp cho thật tốt, bởi lẽ khởi nghiệp rất cần thiết để thành công. Chú tâm để học hành và đầu tư cho việc làm là những việc rất cần thiết. Tuy vậy, có bao giờ, bạn tự hỏi rằng, liệu chính mình đã “khởi nghiệp” trong đời sống thiêng liêng / đời sống hoàn thiện / đời sống trọn lành chưa?
Nếu người Kitô hữu chúng ta chỉ loay hoay với những thứ của cải trần gian đến mức lãng quên hạnh phúc đời đời của mình, thì thật là thiếu khôn ngoan. Rất thường khi chúng ta giỏi kiếm tiền nhưng lơ là trong đời sống đức tin. Chúng ta siêng năng tìm của cải trần gian trong khi lười biếng tìm kiếm của cải đích thực trên trời. Chúng ta thông giỏi về mọi vấn đề, nhưng mù tịt về đời sống đạo đức. Nhiều khi người trẻ chúng ta “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, thậm chí còn thông giỏi vô cùng về những chuyện tào lao, vô ích và thậm chí là vớ vẩn, độc hại trong khi lại lơ ngơ vô cùng về giáo lý, về đức tin, về những chân lý của đời sống tâm hồn. Trong khi đáng lẽ là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi vừa là những công dân trần thế, vừa là những công dân Nước Trời. Chúng ta được mời gọi vừa tìm kiếm những của cải trần gian vừa tìm kiếm những của cải trên trời, để “cân nhắc với những thực tại trần gian và thiết tha với những thực tại bền vững trên trời” (một trong những mẫu Lời nguyện hiệp lễ của Mùa Vọng). Sách Giảng Viên nói với chúng ta điều đó:
“Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử. Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả. Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!” Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng, mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt…Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình.”
(Gv 11,9-10.12,1-2.7)
“Nhưng chẳng phải chúng ta đã được rửa tội, đã thêm sức, đã chịu các bí tích đầy đủ sao? Chẳng phải chúng ta không đi lễ mỗi Chúa Nhật đó sao? Chúng ta đã phục vụ trong ca đoàn, giới trẻ, lễ sinh hay các đoàn thể đó sao? Như vậy chưa phải là đời sống đức tin sao? Còn đòi gì hơn nữa? Sự trọn lành hay hoàn thiện, có vẻ như viển vông mông lung quá chăng? Mơ mộng nên thánh làm gì, cứ lo sống tốt mỗi ngày đừng quá tệ là được rồi! Chuyện đạo nghĩa là chuyện lý thuyết, là chuyện của mấy ông già bà lão, chứ không phải chuyện của đám thanh niên thời thượng này!” Đó là hàng loạt câu hỏi dồn dập nảy ra trong đầu chúng ta, các bạn trẻ thân mến!
Đúng! Bạn đã được rửa tội và lãnh nhận các bí tích khác, đó là cửa ngõ và khởi đầu của đời sống đạo đức. Việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, các sinh hoạt đoàn thể và phong trào là những phương thế rất tốt giúp bạn tăng trưởng đời sống đức tin và nuôi dưỡng sự sống tâm hồn mình. Nhưng nếu bạn không ý thức đào sâu mối tương quan với Chúa một cách cá vị mà chỉ đi lễ như một thói quen cho qua lần chiếu lệ, nếu bạn tham dự các việc đạo đức chỉ để hài lòng cha mẹ và để lấy lòng người yêu của mình, thì có thể, chưa bao giờ bạn “khởi nghiệp” để bắt đầu sống đời hoàn thiện cả. Ý thức hoán cải chính bản thân và nỗ lực mỗi ngày sống trọn lành nhất chỉ có thể đến từ xác tín về ơn gọi nên thánh cao cả mà bạn đã lãnh nhận được trong bí tích rửa tội. Khi Chúa chọn gọi bạn là Kitô hữu là bạn cũng được mời gọi để nên thánh, tức là nên trọn lành, nên hoàn thiện, nên người đạo đức thánh thiện. Biết đâu, có những Kitô hữu cho tới chết, vẫn chưa “khởi nghiệp” trên con đường hoàn thiện?
Thế nhưng, “chuyện sống đạo đức là của những người lớn tuổi, chứ đâu phải của người trẻ chúng mình”, có phải không? Tuy nhiên, trong Tông Huấn Christus Vivit từ số 6 tới số 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê những người trẻ thánh thiện tiêu biểu được nói đến trong cả Kinh Thánh lẫn trong lịch sử Giáo Hội. Mà đúng thật, nhìn lại Kinh Thánh, ngoài những ông già bà lão, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa kêu gọi rất nhiều người trẻ đáp lại Lời của Ngài. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta hãy nhớ lại một Giuse là người nhỏ tuổi nhất trong nhà (St 37,2-3), nhưng Thiên Chúa lại cho cậu thấy những điều lớn lao trong giấc mơ và khi chỉ mới khoảng hai mươi tuổi, cậu đã vượt xa tất cả các anh mình trong những việc quan trọng (St 37- 47). Samuel đã nghe tiếng Chúa gọi ông trong Lều Thánh khi ông còn là một cậu bé (Sb 3,1-21). Saul khi được Chúa chọn làm vua đầu tiên của Israel là một thanh niên trẻ (Sb 9,2). Đavít khi được gọi từ ngoài đồng về để được Samuel xức dầu phong vương cũng chỉ là một thiếu niên đi chăn cừu (Sb 16,12). Tiên tri Giêrêmia, được kêu gọi khi còn rất trẻ, để thức tỉnh dân mình. Anh sợ hãi kêu lên: “Ôi lạy Chúa, con chẳng biết ăn nói, vì con chỉ là một đứa trẻ!” (Gr 1,6). Một cô gái trẻ người Do Thái, người hầu của Naaman, viên chỉ huy quân đội ngoại bang, với lòng tin đã can thiệp giúp ông lành bệnh (2 V 5,2-6). Cô gái trẻ Rút là mẫu gương của lòng quảng đại khi cô ở lại với mẹ chồng đang trong hoàn cảnh bất hạnh (R 1,1-18) và cô cũng biểu lộ lòng dũng cảm khi tiếp tục bước đi trong đời (R 4,1-17)[1].
Các bạn ơi! Các bạn nghĩ Đức Maria bao nhiêu tuổi khi đón nhận lời “Xin Vâng” của Sứ Thần Chúa để chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, cưu mang Đức Giêsu và sinh Người ra? Chỉ khoảng từ 12-13 tuổi thôi, các bạn ơi! Hẳn chúng ta sẽ nhăn mặt ngay, bởi vì làm gì tin được một Đức Maria sinh con ở tuổi teen như thế?! Nhưng thực ra, đối với bối cảnh xã hội Do Thái thời thượng cổ, khi tuổi thọ con người đa số không cao vì chưa có những bảo đảm về y tế, khoa học… thì việc một thiếu nữ được hứa hôn, có gia đình và sinh con ở độ tuổi như thế là chuyện thường, ngược lại mới là chuyện lạ lẫm[2]. Thánh Giuse cũng vậy, ngài là một thanh niên chưa tới 20 tuổi khi đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể làm người và chăm sóc cho Đức Maria[3]. Điều này có lẽ rất trái ngược với niềm tin bình dân được lưu truyền bởi các ngụy thư như Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê, cho rằng ngài đã có một người vợ trước và khi kết hôn với Đức Maria, Thánh Cả đã 90 tuổi! Vì muốn bảo vệ sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, người ta đành cho Thánh Giuse trở nên như “ông cố nội” của Chúa Giêsu, bởi lẽ tới tuổi đó thì “hết xí quách” rồi! Nhưng như thế ta sẽ không thể lý giải làm sao một ông già 90 tuổi lại có đủ sức hộ tống Đức Maria về quê đăng kí sổ bộ hay đưa hai mẹ con ấy đi tị nạn ở Ai Cập khi vừa nhận tin báo của Sứ Thần ngay trong đêm. Giuse phải là một thanh niên tráng kiện để có thể làm chủ gia đình Nazareth và nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế và bảo vệ cho Mẹ Người. Như vậy, chúng ta thấy cả Đức Maria và Thánh Giuse đều đã gánh vác những trọng trách vô cùng lớn lao không chỉ của đời mình nhưng của cả lịch sử cứu độ ở một độ tuổi vô cùng trẻ! Một Maria và một Giuse thánh thiện ở tuổi teen, có bao giờ chúng ta suy nghĩ về điều này chưa?
Ngoài ra, chính Chúa Giêsu cũng là một người trẻ thánh thiện. Những năm tháng sống ẩn dật tại Nazareth là một chủ đề vô cùng thú vị để chúng ta suy ngẫm sao? Một Đức Giêsu rất mực chí thánh đã sống những năm tháng tuổi thiếu niên rồi thanh niên như chúng ta. Ngài đã “chín” mùa xuân trên thập giá ở những năm đầu độ tuổi 30. Bước theo ngài, dọc dài lịch sử Giáo Hội, đã có biết bao nhiêu người nam nữ trẻ tuổi thánh thiện. Trong Tông Huấn Christus Vivit từ các số 51-62, Đức Thánh Cha tiếp tục liệt kê những vị thánh trẻ tuổi rất tiêu biểu như Sebastian (một binh sĩ Roma chừng đôi mươi đã trung thành với đức tin đến mức nhận phúc tử đạo), Phanxicô Assisi (một chàng trai mơ mộng được tìm thấy Chúa và hoán cải để tìm lại ý nghĩa đời mình), Jean d’Arc (một nữ anh hùng dân tộc, kiên trì đến cùng với trực giác siêu nhiên và ơn soi sáng mình nhận được, tử đạo lúc 19 tuổi), Anrê Phú Yên (lần đầu tiên, trong một Tông Huấn của Giáo Hội, một người trẻ thánh thiện Việt Nam được nêu danh, ngài là một thầy giảng, tức là giáo lý viên chịu tử đạo năm 1644 lúc 17 tuổi), Kateri Teakawitha (một cô gái thổ dân da đỏ trung tín với niềm tin của mình, qua đời ở thế kỉ XVII lúc 24 tuổi), rồi Đaminh Savio (một thiếu niên qua đời năm 1857 lúc chưa tới 15 tuổi, sốt sắng và thi hành mọi bổn phận của mình cách vui tươi), Têrêsa Hài Đồng Giêsu (qua đời năm 1897 lúc mới 24 tuổi đời nhưng đã thực sự là một tay lão luyện trong đường thiêng liêng), Đức Phanxicô cũng nói tới chân phước Ceferino Namuncurá (một chủng sinh Salesians người Argentina tha thiết muốn đưa đức tin cho bộ tộc của mình, chết năm 1905 lúc 18 tuổi), rồi chân phước Isidore Bakanja (một giáo dân người Congo làm chứng về đức tin, tử đạo năm 1909 lúc 22 tuổi), chân phước Pier Giorgio Frassati (một thanh niên người Ý, qua đời năm 1925 lúc 24 tuổi sau một tuổi trẻ giàu lòng bác ái và vui tươi), chân phước Marcel Callo (một thanh niên người Pháp 24 tuổi, qua đời năm 1945 trong trại tập trung Đức Quốc Xã), cũng như chân phước trẻ Chiara Badano (qua đời trong sự thánh thiện năm 1990 lúc 19 tuổi sau một thời gian chịu đựng đau khổ vì bệnh tật)[4]. Và còn nữa không, những vị thánh trẻ? Chúng ta có vô số các vị thánh trẻ, theo dòng lịch sử Giáo Hội: thánh Anê thành Roma (chỉ khoảng cỡ 12 tuổi mà đã có một sự can trường và trưởng thành đến mức chấp nhận phúc tử đạo vì đức trinh khiết và đức tin năm 304), thánh Pancras thành Roma (một thiếu niên tử đạo khoảng năm 304, khi mới 14 tuổi), thánh Catherine de Siena (một nữ tu dòng Ba Đaminh qua đời năm 1380 lúc 33 tuổi, chị đã nhận được những thị kiến ngay từ tuổi hoa niên), thánh Stanislaus Kostka (một tập sinh thánh thiện dòng Tên người Ba Lan qua đời năm 1568 lúc 18 tuổi), thánh Louis Gonzaga (một tu sĩ dòng Tên trẻ tuổi khác, qua đời năm 1591 lúc 23 tuổi), thánh Pedro Calungsod (giáo lý viên người Philippines tử đạo năm 1672 lúc 22 tuổi), thánh Phaolô Lê Văn Lộc (một linh mục trẻ 29 tuổi tử đạo năm 1859), thánh Tôma Trần Văn Thiện (chủng sinh tử đạo năm 1838 lúc 18 tuổi), thánh Giuse Phạm Quang Túc (tử đạo lúc 19 tuổi vào năm 1862), thánh Catarina Labouré (1806-1876, lúc thấy Đức Mẹ Ban Ơn, chị mới là một tập sinh 24 tuổi của dòng Nữ Tử Bác Ái), thánh Bernadetta Soubirou (khi thấy Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes-Lộ Đức, chị chỉ mới là thiếu nữ 14 tuổi, qua đời năm 1879, lúc 35 tuổi), thánh Gabriel Posentti (tu sĩ dòng Thương Khó, mất 1862 khi mới 24 tuổi), các thánh trẻ Phanxicô và Jacinta ở Fatima (sống ở đầu thế kỉ XX, thị kiến thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã thúc đẩy đời sống thánh thiện nơi các em nhỏ này), thánh Maria Goretti (một thiếu nữ mới 12 tuổi khi chịu tử đạo vì đức trinh khiết năm 1902, trước đó đã sống một đời gương mẫu thánh thiện), thánh Gemma Galgani (chỉ mới 21 tuổi khi các dấu thánh xuất hiện trên thân xác của chị, và chị qua đời 4 năm sau đó, năm 1903 lúc 25 tuổi), chân phước Laura Vicuña (thiếu nữ mất năm 1904 khi mới 13 tuổi, với ý thức dâng đau đớn và cái chết của mình để người mẹ được ơn hoán cải), thánh Teresa de Jesus de Los Andes (một nữ tu dòng Kín ở Chile qua đời năm 1920 lúc 20 tuổi), chân phước José Luis Sánchez del Río (thiếu niên Mexicô tử đạo vì đức tin năm 1928 lúc 15 tuổi), thánh Faustina Maria Kowalska (chị được hưởng những thị kiến và hồng ân bí nhiệm từ độ tuổi rất trẻ, nhưng bề ngoài cuộc sống vẫn rất tự nhiên như chẳng có gì đặc biệt, chị qua đời năm 1938 lúc 33 tuổi), thánh Piô Pietrelcina (lúc mới được in năm dấu thánh, ngài chỉ mới là một linh mục trẻ 31 tuổi, qua đời năm 1968), và rất gần chúng ta đây, là Carlo Acutis (1991-2006), một bạn trẻ tuổi teen vừa vui tươi yêu đời nhưng cũng đam mê Thiên Chúa. Và nếu còn liệt kê nữa, danh sách này sẽ dài không biết bao nhiêu cho kể…
Nhìn về các người trẻ thánh thiện này, chúng ta sẽ thấy có những người trẻ được những hồng ân siêu nhiên thần bí ở độ tuổi rất trẻ, chúng ta hay gọi vui các vị đó là “những vị thánh từ trong nôi”. Những vị đó, có lẽ chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm đời sống và hồng ân các vị nhận lãnh và cùng các vị tạ ơn Chúa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những vị không có những biến cố phi thường gì trong cuộc sống. Họ chỉ sống cuộc sống này và giữ lấy đức tin một cách lặng lẽ, âm thầm, nhưng quả thật vẫn là những người bước đi trên nẻo đường hoàn thiện, theo lối trọn lành. Chẳng hạn, có một số vị là những vị tử đạo trẻ chẳng hạn. Có một số vị người ta chỉ có thể biết về các vị thánh trẻ này cho tới khi họ tử đạo. Ngoài ra có thể trong cuộc sống, họ chẳng có gì đặc biệt cả. Dầu vậy, chúng ta đừng lầm! Không phải cứ xung phong đưa đầu ra cho người ta chém là ngang nhiên thành thánh tử đạo đâu. Điều quan trọng là có dám hay không! Để có thể quyết định làm chứng cho đức tin đến mức đổ máu tử đạo ở một lứa tuổi vẫn còn chỉ biết chơi với đùa, “như một tấm chiếu mới chưa trải sự đời”, thì ngoài hồng ân Thiên Chúa ban cho các ngài một cách đặc biệt như một lẽ dĩ nhiên, những người trẻ ấy phải là những con người có sức mạnh tâm hồn thật sự, những con người theo đuổi lý tưởng trọn lành trong đời sống. Bởi lẽ đã quen với những lựa chọn hằng ngày trên con đường hoàn thiện và sống lý tưởng trọn lành ấy hằng ngày, thì khi cơn gian khổ bách hại tới, người ta mới có can đảm phân định và chọn lựa sống và chết cho Chúa cho đến cùng. Những vị thánh không tử đạo khác cũng thế thôi. Và, những vị thánh hầu như không có những biến cố phi thường gì trong đời này, lại là những mẫu gương đáng khích lệ cho chúng ta cố gắng bắt chước. Chúng ta cũng có thể từng ngày sống đời sống hoàn thiện và lý tưởng trọn lành bằng những nỗ lực, hy sinh trong nhịp sống hằng ngày, khi từ bỏ ý riêng và cái tôi, lúc khước từ những dịp tội dễ dãi, tập chia sẻ và yêu thương tha nhân, rồi kết hợp những nhọc nhằn long đong trong đời mình với sự thương khó Chúa… Và dĩ nhiên, là phận người mỏng giòn yếu đuối, thì con đường hoàn thiện không phải lúc nào cũng dễ dàng thẳng thắn và lý tưởng trọn lành không phải lúc nào cũng dễ dàng là xác tín của chúng ta. Những yếu đuối, giới hạn, kể cả sa ngã và tội lỗi vẫn có thể có, nhưng là dịp để người tiến bước trên đường hoàn thiện thêm tín thác vào Chúa, thêm khiêm tốn khi biết mình chỉ là một vực thẳm hư vô nếu thiếu Ngài, và thêm nhẫn nại, bác ái đối với những giới hạn và lầm lỗi của tha nhân. Ngoài ra, cũng có những vị thánh chỉ có thể cảm nhận hồng ân hoán cải của Chúa và tập sống đời hoàn thiện trễ hơn, ở một độ tuổi nhất định trong cuộc đời. Quan trọng nhất không phải là đã sống bao lâu trong đời hoàn thiện, nhưng là đã sống thế nào trong cuộc đời hoàn thiện, với lý tưởng trọn lành. Không bao giờ chấp nhận dừng lại mà cứ nỗ lực mãi tiến lên trong đời sống đạo đức, đó là đời sống hoàn thiện, đó là lý tưởng trọn lành. Thế nên vì vậy, thánh Phaolô đã nhắn nhủ môn đệ Timôthê của mình: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.” (Tm 4,12)
Như vậy, không bao giờ là quá trẻ hay quá già trong đời hoàn thiện, không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để nên thánh, bởi lẽ nên thánh không phải là một tham vọng viển vông xuất phát từ ao ước cho cái tôi được tôn vinh, song đích thực thì đó chỉ là sống ơn gọi làm người triển nở và sống đời Kitô hữu cho trọn vẹn nhất mà thôi, bởi lẽ như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Thành công của một cuộc đời là nên thánh”.
“Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Ðối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ. Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương. Và họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được Thiên Chúa dời đi nơi khác. Người đã cất họ đi, kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa. Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác. Người công chính nên hoàn thiện chỉ trong một thời gian ngắn, thì kể như đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài. Tâm hồn họ đẹp lòng Ðức Chúa, nên Người vội đem họ ra khỏi nơi gian ác. Người đời thấy thế mà không hiểu; họ không nghĩ được rằng đó chính là cách Người ban ơn, thương xót những kẻ Người tuyển chọn, và viếng thăm các thánh của Người. Cái chết của người công chính là lời kết án quân vô đạo còn sống trên đời. Còn xuân xanh mà đã nên hoàn thiện, đó là lời kết án người cao tuổi mà sống bất lương.” (Kn 4,7-16)
Con Chiên Nhỏ
[1] PHANXICÔ, Tông Huấn Christus Vivit (Đức Kitô đang sống), bản dịch của HĐGMVN, số 6-11
[2] GRANT R. OSBORNE, Zondervan Exegetical Commentary Series: The New Testament-Matthew, NXB Zondervan, Michigan, 2010, trang 75
[3] DANIEL HARRINGTON SJ, Sacra Pagina-The Gospel of Matthew, NXB Liturgical, Minesota, 1991, trang 37
[4] PHANXICÔ, Tông Huấn Christus Vivit (Đức Kitô đang sống), bản dịch của HĐGMVN, số 51-62
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...