Câu Chuyện Sống Đạo

GÓC SUY TƯ

Những lầm tưởng về quyền năng của Đức Giêsu

Tháng sáu 6, 2024 7:14 sáng
Chia sẻ
Chia sẻ

(NSGH) Trong hành trình trần thế và nói riêng là quãng đời công khai của Đức Giêsu, Người đã làm rất nhiều phép lạ. Những phép lạ ấy đa dạng vô vàn nếu nói về chủng loại, hay về mục đích, về người lãnh nhận. Tuy nhiên, người Do Thái có cái nhìn không đúng về việc Đức Giêsu làm phép lạ. Họ chỉ ao ước Người ở lại với họ để tiếp tục làm phép lạ cho họ, ban cho họ một cuộc sống thoải mái dễ chịu (Mc 1,35-39; Lc 4,42-44). Họ còn muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua, vì Người cho họ ăn bánh no nê (Ga 6,15). Ngay cả các môn đệ cũng chỉ nhìn quyền năng lớn lao Đức Giêsu có là để phục vụ cho vấn đề chính trị và tham vọng quyền thế. Họ hình dung Đức Giêsu với những viễn ảnh vinh quang sặc mùi chính trị của một Đấng Messiah trần thế, và đúng hơn, là của những lợi ích của riêng họ để tiến thân (Mt 20, 17-23). Còn chúng ta ngày nay, chúng ta nghĩ gì về quyền năng của Đức Giêsu? Có phải Ngài đơn thuần là một người làm phép lạ (miracle-maker) không?

4

Thật ra, những lầm tưởng về quyền năng của Đức Giêsu nơi con người hôm nay đã phản chiếu ước mơ quyền năng mà con người hằng mong ước.

Ông Bụt:

Chúng ta dễ đồng hóa Đức Giêsu với một ông Bụt nào đó. Ông Bụt trong cổ tích Việt Nam thường giúp đỡ những ai nghèo khổ, vì chạnh thương đến hoàn cảnh của họ. Bụt thường hiện ra và giúp đỡ cho người ta khi người ta họa vô đơn chí, cô đơn và khổ sở trong đời. Thường hình ảnh của ông Bụt được mở đầu bằng một câu hỏi kinh điển về lý do người ta buồn. Ông Bụt hỏi: “Tại sao con khóc?” [Và ngay sau đó câu nói này ngày nay thường được biến tấu bằng giai thoại buồn cười tiếp theo: “Thôi, con đừng khóc, ta đi đây!” Xem ra, Bụt chẳng làm được gì cả.] Cụ thể như trong truyện Tấm Cám chẳng hạn. Bụt ban cho Tấm áo đẹp để đi hội, vì Tấm bị dì ghẻ dồn vào đường cùng. Bụt đem lại may mắn cho Tấm, những gì Tấm ước mơ, nhưng không làm gì hơn để thay đổi cuộc sống cho Tấm. Ông Bụt chỉ như một Mạnh Thường Quân đến để trợ giúp và ban may mắn thôi, Bụt không có quyền quyết định trên cuộc đời của Tấm. Chính Tấm được Hoàng Tử để mắt là do may mắn và thoát khỏi kiếp nghèo.

Đức Giêsu không phải ông Bụt ấy. Đức Giêsu không làm phép lạ chỉ để đem lại may mắn và “đổi đời”, một cuộc “đổi đời” nơi đời tạm này cho người ta. Những bảo đảm về vật chất và thể lý không phải là hướng nhắm đến đầu tiên của Đức Giêsu. Phép lạ Đức Giêsu làm là để mời gọi cho người ta tin vào Người, về giáo huấn chân lý và thực tại Nước Trời mà Người đang muốn đem đến. Phép lạ là tiền đề để Chúa dẫn người ta tới đức tin. Phép lạ không phải là điểm đến, là mục đích. Phép lạ là phương tiện để người ta thấy và tin. Đức Giêsu cũng không chỉ làm phép lạ cho người ta thoát khổ mà thôi, rồi không làm gì hơn cho cuộc sống người ta. Nếu trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu đòi đức tin như một điều kiện cần có để phép lạ xảy ra thì trong Tin Mừng Gioan, phép lạ là để cho người ta tin. Người đòi người ta phải có đức tin như một điều kiện cần có, và nhờ phép lạ như là phương tiện giúp người ta sống đức tin ấy và biến đổi cuộc đời.

Thần Đèn:

Xem truyện hay coi phim về Aladdin, chúng ta hẳn mong mình cũng sở hữu một cây Đèn Thần tuyệt diệu như thế. Một ông Thần Đèn có khả năng làm mọi thứ trong chớp mắt, lại toàn là những thứ tuyệt diệu như thế mà chẳng ai làm được thì ai mà không muốn. Thần Đèn thần thông quảng đại, làm mọi sự đều dễ như chơi chỉ bằng một cái búng tay. Nhưng Thần Đèn hoàn toàn lệ thuộc vào ông chủ của mình, không có lựa chọn nào khác. Thần Đèn thực ra chỉ là một nô lệ có quyền năng thôi, một osin cao cấp. Thần Đèn luôn tuân lệnh, bất kể ông chủ đó là ai, người tốt hay kẻ xấu. Chỉ cần sở hữu Đèn Thần, chà xát cây Đèn ấy và ra lệnh, mọi sự đều có thể.

Đức Giêsu đâu phải là ông Thần Đèn ấy. Đức Giêsu không phải là một cái máy-làm-phép-lạ, một cái máy bán nước giải khát tự động, một cây ATM hay cái gì tương tự như vậy. Đâu phải vì người ta cứ xin là Đức Giêsu làm phép lạ. Đúng là Đức Giêsu luôn chạnh lòng trước nỗi khổ sở khốn đốn của đoàn người liên tục cuốn đến với Người (Mt 4, 24-25. 9,36; Mc 10; Lc 5,15. 6,19; Ga 12,9). Nhưng Đức Giêsu không chữa lành mọi thứ tật bệnh và đau đớn của tất cả mọi người ở Israel hay ở cả thế giới thời ấy. Nếu Người muốn, Người có thể làm được. Nhưng Người đã chẳng làm. Vì mục đích Người đến thế gian đâu phải chỉ đáp ứng những nhu cầu của con người, cho dù là những nhu cầu rất chính đáng đi nữa. Ưu tiên hàng đầu của Người là giúp người ta đón nhận đức tin, để được hoán cải và thay đổi đời sống. Người muốn chữa người ta về thể lý, nhưng còn muốn chữa người ta về linh hồn nữa, và đó mới là chính yếu. Người không phải là Thần Đèn tuy toàn năng nhưng phục vụ vô điều kiện cho chủ nhân, nhất là khi người ta có ý định sở hữu Người như một nguồn lợi cho riêng họ hay của địa phương họ. Chúng ta hãy nhớ lại chuyện Đức Giêsu quyết định tiếp tục lên đường rao giảng Tin Mừng, cho dù người thành Capernaum có đi tìm và nài nỉ Người (Mc 1,35-39). Và cũng có những trường hợp Người chẳng làm một phép lạ nào, vì họ không tin (Mt 13,58; Mc 6,5-6; Ga 2,24). Thánh sử ghi nhận rõ ràng như thế. Vì Đức Giêsu không đáp ứng mọi nhu cầu của người ta như thế, nên chính họ bị thất vọng. Đức Giêsu không làm chính trị để lật đổ đế quốc Roma xâm lược, điều đó làm cho những người ái quốc cực đoan hụt hẫng. Và các nhà chú giải cũng cho rằng, chính Judas Iscariot, dù có thể có nhiều lý do, nhưng cũng có thể đã bán Thầy vì Thầy ông đã không giống như ông nghĩ.

Các siêu anh hùng như X-men, Superman, Batman, Spiderman…:

Một hình tượng gần đây mà thế giới đương đại vẫn rất thích trong các bộ phim viễn tưởng, đó là hình ảnh các siêu anh hùng. Các siêu anh hùng này có những khả năng phi thường, và thường là những tay “trừ gian diệt bạo”, chuyên đi “giải cứu thế giới” khỏi những hiểm họa do những thế lực phản diện gây nên. Các siêu anh hùng có trách nhiệm vãn hồi sự bình an và trật tự cho thế giới và sử dụng những năng lực phi thường của họ để phục vụ cho cuộc sống. Nhiều khi chính họ cũng chẳng muốn thi hành trách nhiệm này, nhưng vì cảm thấy cảnh khổ của người chung quanh, và đôi khi vì những mệnh lệnh từ thượng cấp nên họ thi hành nhiệm vụ.

Đức Giêsu cũng chẳng phải là những siêu anh hùng như thế. Mặc dù Tin Mừng có tường thuật lại những khả năng phi thường của Đức Giêsu như hóa nước thành rượu, đuổi quỷ, hóa bánh ra nhiều, hiển dung, đi trên mặt nước, chữa lành bệnh tật… Nhưng Đức Giêsu không làm với tư cách một siêu anh hùng đi làm nhiệm vụ. Người là Thiên Chúa giàu lòng thương xót và vì là Tình Yêu, nên từ trái tim Người luôn trào tràn mọi năng lực sự sống và sự tốt lành chứ không bị ép buộc bởi một thứ mệnh lệnh nào cả. Đúng là Đức Giêsu lãnh nhận sứ vụ xuống trần gian này từ Chúa Cha, nhưng đó là một hành vi tự nguyện vì yêu thương, chứ không phải ở trong thế bất đắc dĩ. Điều này thật quan trọng. Hành vi hy sinh trên thập giá của Đức Giêsu sẽ bị giới hạn rất nhiều, nếu đó chỉ là một thứ “thần học đền bù” để “làm nguôi cơn thịnh nộ” của Chúa Cha. Nó cũng làm méo mó đi hình ảnh của Chúa Cha, như thể Người là một cụ già khó ăn khó ở khó chiều, suốt ngày đêm cứ giận dữ, lúc nào cũng sẵn sàng “nổi cơn tam bành” cả! Hình ảnh một Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa làm của lễ hy sinh là một hành vi tự nguyện vì yêu thương con người thì cao quý, đẹp đẽ và lớn lao hơn nhiều một Con Chiên Thiên Chúa bị cưỡng ép đi làm thịt. Mặt khác, không như các siêu anh hùng phải vất vả chiến đấu, nhiều lúc gần như ngã gục trước sức mạnh của thế lực phản diện nhưng rồi lại chỗi dậy và chiến thắng, cho dù Đức Giêsu nhiều lần đã đuổi ma quỷ ra khỏi nhiều người, nhưng Người không phải chỉ là một công cụ đối nghịch lại với cái ác hay sự dữ. Sự thần phục và kinh sợ của tà thần cho thấy Người là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Chúng phải tuyên xưng ra điều ấy dù rất nhục nhã, vì quyền năng Thiên Chúa bắt chúng phải đầu phục. Và một lần nữa, nếu khi coi phim về các siêu anh hùng với những pha “kĩ xảo” ngoạn mục đẹp mắt chuyên chống cái ác để đem lại bình an cho nhân loại, thì Đức Giêsu không làm phép lạ chỉ để “ổn định trật tự công cộng”, nhưng như đã nói, phép lạ Người làm là để dẫn người ta từ việc chữa lành thể lý dẫn đến tin nhận Người và thêm xác tín vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa mà thôi.

Con người luôn muốn mình toàn năng. Mong ước đó thể hiện nơi câu chuyện Adam Eva và muôn vàn câu chuyện khác trong Kinh Thánh. Mong ước đó cũng thể hiện nơi cậu bé chơi trò siêu nhân, cầm cây tre mà nghĩ mình đang cầm vũ khí để chiến đấu với kẻ thù. Mong ước đó cũng thể hiện nơi bao người với nỗ lực để kiếm tìm tiền bạc, danh dự và ái tình, mong rằng mình là người giàu nhất, đáng nể nhất và quyến rũ nhất. Nhưng dù sao đi nữa, con người vẫn nhận ra mình không toàn năng. Hay đúng hơn, con người là một hữu thể giới hạn mang trong mình những ước mơ vô hạn. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, khía cạnh mong được toàn năng của con người được điều chỉnh trở lại. Thay vì đi tìm những thứ phù phiếm như thế khiến người ta không còn sức để tập trung mong ước những điều cao cả, Đức Giêsu muốn hướng chúng ta tới mong ước toàn năng bằng cách tin nhận Người, sống tương quan với Người. Một đời sống thiêng liêng sung mãn chính là cách thế đúng đắn để thể hiện mong ước trở nên toàn năng của con người. Điều chỉnh những sai lầm thường có về quyền năng của Đức Giêsu khiến chúng ta ý thức và đào sâu đời sống đức tin hơn, và nhờ đó, có được một đời sống thiêng liêng sung mãn. Chính khi thú nhận mình không toàn năng và để cho quyền năng Đức Giêsu thể hiện nơi tâm hồn và cuộc sống hoàn toàn cởi mở tự do với ơn thánh Chúa, là lúc chúng ta trở nên toàn năng trong một tiềm thể rồi đây sẽ trở nên hiện thể trong cái nhìn đời đời của Thiên Chúa, trong viễn tượng cánh chung. Đó là mong ước của Thiên Chúa: cho chúng ta được thần hóa, thánh hóa, được chia sẻ sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc muôn đời với Người.

Con Chiên Nhỏ

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!