Câu Chuyện Sống Đạo

GÓC SUY TƯ

Vài tâm tình đơn sơ của một Linh mục trẻ

Tháng sáu 8, 2024 6:17 sáng
Chia sẻ
Chia sẻ

(NSGH)  Người ta hay nói về các chủng sinh rằng: “Chủng sinh hôm nay thế nào, linh mục ngày mai thế ấy”. Điều này đúng, bởi vì nếu một chủng sinh đã hằng ngày tập sống đời sống tu trì tốt lành và chuyên cần để chuẩn bị cho đời sống linh mục, thì sau khi chịu chức, nếu cứ giữ mãi sự trung thành đó, chủng sinh đó là một linh mục đạo đức và trổ sinh nhiều hoa trái trong công việc tông đồ. Còn ngược lại, từ lúc chủng sinh mà người ta thấy ông thầy nào bê bối, không đạo đức, thì tới lúc linh mục, khó mà mong thầy ấy trở nên một linh mục mẫu mực và hữu ích cho mọi người. Cũng có tình trạng ngược lại, nhưng có lẽ ít. Chính vì vậy, muốn trở nên một linh mục tốt, một chủng sinh cần phải ý thức rèn luyện chính mình mỗi ngày để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Nhìn lại, bản thân tôi cảm thấy luôn biết ơn Đại Chủng Viện, quý cha giáo và tất cả những người đã góp phần đào tạo nên ơn gọi linh mục của mình.

Tuy nhiên, chúng ta lại vẫn thấy một hiện tượng khác. Có những linh mục hồi còn là chủng sinh thì rất dễ thương, vui vẻ, tốt lành, lễ phép, một khi chịu chức, máu “làm cha” nổi dậy, họ không còn dễ thương, vui vẻ, tốt lành, lễ phép nữa. Một khi chịu chức xong, có linh mục tự cho mình có quyền không cần phải tôn trọng mọi người và ngược lại, thể hiện quyền hành trên mọi người kể cả những chỗ không cần, những lúc không đáng. Hồi nhỏ dễ thương bao nhiêu, càng làm lớn lại càng khó thương bấy nhiêu. Hầu như có những tình trạng thế này, hoàn toàn trái ngược với nhận định “chủng sinh hôm nay thế nào, linh mục ngày mai thế ấy” ở trên. Hai hiện tượng này mâu thuẫn với nhau, nhưng vẫn xảy ra, vì sao vậy?

Tôi suy nghĩ điều này, với thời gian, tôi tạm nhận ra một vài điều đơn sơ, dù thực ra có nhiều bình diện phức tạp. Xin chia sẻ những điều này không phải để lên án hay chỉ trích ai, nhưng mong là một tâm tư thao thức muốn chia sẻ với mọi người, trong tư cách là một người trong cuộc.

1.Tình trạng “nín thở qua sông”, “qua cầu rút ván”:

Công việc đào tạo linh mục là công việc cao cả nhưng cũng đầy khó khăn. Cao cả vì đào tạo các mục tử của dân Chúa, làm sao để các chủng sinh đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô mỗi ngày một hơn. Khó khăn, là vì mỗi người với những ưu điểm và khuyết điểm, tính tốt và tính xấu, như một “viên kim cương thô” cần được mài dũa trong quá trình đào tạo như Ratio 2006 đã sánh ví. Các chủng sinh trong quá trình đào tạo được mời gọi để cộng tác vào chương trình đào tạo chung của đời sống chủng viện, để mỗi ngày được rèn luyện ở cả bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Họ được mời gọi tập làm quen với đời sống là linh mục sau này. Tuy nhiên, cái khổ là nhiều khi các chủng sinh cứ sống trong tình trạng “nín thở qua sông”, vì nhiều lý do khác nhau. Từ phía các thầy lẫn đời sống chung của chủng viện và nơi đào tạo cũng có những giới hạn và khó khăn riêng. Tuy nhiên, còn khổ thì mới là đi tu, chứ đi tu đâu phải để tìm cái sướng. Dầu vậy, cái nguy hiểm là trong quá trình đào tạo, người chủng sinh không nhìn thấy những thách đố và cơ hội của môi trường để nỗ lực, cũng như những giới hạn thực tế của các nơi đào tạo cũng có thể hình thành lối sống “nín thở qua sông”, làm sao cho yên chuyện để được chịu chức bằng mọi giá. Thế nên có nhiều lúc đúng là người chủng sinh ngày ngày sống đời tu nên tập hoàn thiện mình trong mọi thứ, nhưng cũng nhiều khi đó chỉ là một vỏ bọc hoàn hảo bên ngoài chứ không xuất phát từ một khao khát được đồng hình đồng dạng với Chúa. Để rồi một khi chịu chức xong, không còn gì gây đe dọa, chướng ngại hay sợ hãi, họ sẽ “qua cầu rút ván”, theo nghĩa là lại bung ra bản chất thật của mình mà họ đã kiềm nén từ lâu.

Như đã nói, chính bản thân người chủng sinh lẫn các nhà đào tạo và nơi đào tạo đều tồn tại nhiều khó khăn. Đa số các chủng sinh là những người tốt lành và hy sinh để đi theo ơn gọi giữa một xã hội hưởng thụ này (tuy nhiên, lượng người đi tu trong những năm gần đây đã ít đi rồi), các nhà đào tạo cũng là những người nhiệt tậm và khát khao điều tốt cho các học trò của mình, những nơi đào tạo cũng còn nhiều hạn chế (để đi tu thì vào chủng viện chứ đâu phải vào khách sạn, phải không nào?!) Tuy vậy, trong hành trình tu học rất dài để trở nên một linh mục, nếu người chủng sinh không ngày ngày rèn luyện chính mình để tu dưỡng bản thân, để những động lực ơn gọi ngày càng nên tinh tuyền hơn dù có thể ban đầu chưa được trong suốt trước mặt Chúa (đi tu để thoát nghèo, đi tu để được tôn trọng, đi tu để tiến thân…) thì khi chịu chức xong, người linh mục không thấy cần phải cố gắng gì nữa, lúc đó, họ bộc lộ những động cơ đi tu kém trong sáng và sa đà vào những vấn nạn khác và thật đáng buồn cho cuộc đời của vị linh mục ấy. Thêm vào đó, theo Ratio (văn bản chính thức của Tòa Thánh – Bộ Giáo Sĩ về việc đào tạo Linh Mục) việc đào tạo ljnh mục được chia thành ba giai đoạn: trước khi vào chủng viện, trong chủng viện và sau khi ra khỏi chủng viện. Chính tâm lý “à, tôi đã làm linh mục rồi, nghĩa là tôi tu xong rồi!” – để rồi không còn cố gắng tự đào tạo bản thân, không cố gắng để sống tốt – đã khiến người linh mục không còn ý chí tiến thủ rồi lại sa đà vào những vấn nạn không tốt. Về phần nhà đào tạo và nơi đào tạo cũng vậy, cũng cần tạo một bầu khí tin tưởng và lành mạnh đủ để chủng sinh tập tự trưởng thành thay vì chỉ căn cứ vào kỉ luật để xử lý, chỉ khiến người chủng sinh “nén”, mà “nén” tới lúc nào đó kiềm không nổi thì dễ “bung”. Thường thì các bậc bề trên khoan dung, tốt lành và vui vẻ dễ mến là một khích lệ rất lớn cho các chủng sinh và trong lòng quý thầy, các ngài tạo được một niềm tin thực sự và một uy tín để các học trò của mình tâm phục khẩu phục…

2.Những phức tạp trong đời sống mục vụ:

Nói đi thì cũng cần phải xét lại. Nhiều khi chúng ta thấy một người khi còn là chủng sinh thì hiền lành, lễ phép, tốt bụng, nhưng khi làm cha lại nóng nảy, hay cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính, nên chúng ta dễ dàng suy nghĩ rằng: người này đã thay đổi rồi, hay như trường hợp phía trên, chắc là họ ráng “nén”, ráng “dằn” để chịu chức, rồi một khi chịu chức xong đi, rồi “biết tay”! Thực ra cũng những trường hợp đúng như vậy, nhưng có những điều phức tạp hơn như thế nhiều. Cũng đang sống đời linh mục, dù chỉ là một kẻ trẻ người non dạ, nhưng kẻ này cũng dần nhận ra những chiều kích khác nhau trong đời linh mục không đơn giản như chúng ta nghĩ bên ngoài. Vì vậy mà chúng ta đừng vội đánh giá và phán xét, nhưng cần phải suy nghĩ sâu hơn.

Trước đây chúng ta thấy ông thầy chủng sinh hiền lành, lễ phép, tốt bụng… Đúng thôi, vì ngoài việc cố gắng tu học và sống thánh thiện, thầy không có nhiều quyết định phải đưa ra như trong cương vị của một linh mục phải làm. Thầy không quyết định những công việc của giáo xứ vốn phải đắn đo rất nhiều về thiệt – hơn, lợi – hại, được – mất giữa các bên. Thầy không phải phân định và quyết định những thứ rất đau đầu mà một linh mục cần phải thực hiện vì nhiệm vụ quản trị cộng đoàn đòi buộc. Lớn thuyền thì lớn sóng, nhiệm vụ càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề. Vì làm lớn, đã nhiều trường hợp các đấng bậc phải ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận bị mắng chửi vì cấp dưới của mình sai lầm và những thiệt hại của họ cho cộng đoàn là không hề nhỏ. Cho nên trong mọi sự cần phải đắn đo, suy nghĩ, nghiêm nghị và nhiều khi vì vậy vị linh mục của chúng ta đâm ra khó tính, nóng nảy hay cáu gắt. Có nhiều chuyện mà chỉ có người linh mục mới hiểu cho nhau, chẳng hạn, hồi tôi chưa làm linh mục, khi thấy nhiều vị đâm ra khó chịu với mấy em lễ sinh, tôi tự nhủ tới mình chắc sẽ không bao giờ làm vậy. Tuy nhiên, khi mặc ba, bốn lớp áo, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại mà các em thì cứ ngơ ngác (dù đã dặn dò hay tập dượt trước), thì nội chuyện giữ mình để kiềm chế không la rầy nhắc nhở mấy đứa nhỏ thì nhiều khi cũng là một hy sinh lớn lao lắm đó! Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ.

Thêm vào đó, chưa kể những khó khăn trong đời sống cộng đoàn cũng có thể khiến người linh mục cần phải giữ một thứ nghiêm nghị vừa phải. Bởi lẽ trong đàn chiên có rất nhiều người tốt lành, thánh thiện, phục vụ quên mình và nhiệt tâm, thì cũng có rất nhiều con chiên khiến cho người linh mục phải hết sức nhẫn nhịn chịu đựng. Họ xấc láo, giở nhiều thủ đoạn, tráo trở, chơi xấu, ném đá giấu tay, thậm chí thù hằn người linh mục dù ngài làm đúng và chỉ tha thiết lo lắng cho cộng đoàn. Người linh mục có đau khổ không? Hẳn nhiên là có chứ! Nhiều người giáo dân tưởng tốt lành lắm, tuy nhiên họ tốt lành bao lâu vị linh mục làm theo ý họ. Khi vị linh mục thẳng thắn chọn lựa theo lý tưởng của Tin Mừng, không thiên vị, không vì danh lợi mà bỏ bê công vụ, họ mất lòng, mất quyền lợi, mất địa vị và uy tín, họ sẵn sàng và không từ một thủ đoạn nào để hạ bệ người linh mục, thậm chí vu khống cho linh mục và tìm cách hãm hại ngài. Nếu vị linh mục sống thẳng thắn, không chịu nghe lời nịnh bợ, không thiên vị và luôn sống cho lẽ phải, đôi khi ngài phải chấp nhận mất lòng một số người. Đôi khi ngài phải khiển trách người khác vì sai lỗi của họ, bởi lẽ vị linh mục hiểu rằng khi ngài có trách nhiệm với cộng đoàn mà lúc phải nói ngài không nói, sau này ra trước tòa phán xét, chính Chúa sẽ hỏi tội ngài. Có thể hiện tại người đời chưa hiểu, nhưng nếu vị linh mục nào dù thẳng tính nhưng tốt lành thì sống lâu với giáo dân, họ sẽ hiểu. Thêm vào đó, những giới hạn về sức khỏe như bệnh tật, những biến chuyển tâm lý, những thay đổi về thể lý-sinh lý, công việc quá tải… cũng đều có thể là những nguyên nhân khiến vị linh mục dễ bị áp lực và mệt mỏi trong cuộc sống. Cho nên nếu chúng ta thấy vị nào vẫn vui vẻ hồn nhiên, tốt lành và nhiệt tâm, hẳn rằng sức sống nội tâm nơi vị ấy và sự thánh thiện của vị ấy có thể mạnh mẽ đủ để ngài lướt thắng những gian khó trong sứ mạng của mình. Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống thì cái gì vừa phải cũng tốt, một linh mục quá khó tính có thể gây cản trở cho công việc mục vụ của ngài và khiến người khác khó gần gũi ngài, tính ra, thật là một điều đáng tiếc… Chưa kể rằng chính những sai lầm, ảo tưởng trong chính cách suy nghĩ (tôi là nhất, ý tôi là ý Chúa), lời ăn tiếng nói (gây tổn thương người khác…) hay hành động (sai lầm, nóng vội, in trí, cảm tính…) nơi người linh mục cũng có thể làm cho hình ảnh của ngài thêm méo mó trong con mắt của người giáo dân. Họ không hiểu thấu được tất cả nỗi vất vả, khổ tâm, đau đớn hay chướng ngại mà ngài phải trải qua đâu, nhưng họ chỉ thấy những điều đó tiêu cực đó thôi, họ đã dễ xa lánh ngài. Cứ như vậy, đời mục tử của vị linh mục khô héo dần dần và không còn niềm vui nữa, nếu ngài yếu đuối sa đà vào trong những thứ bù trừ khác, thì còn thê thảm hơn nữa.

Nhìn lại bản thân tôi, tôi chẳng dám nghĩ mình hơn ai, vì phận người ai mà không lầm lỗi. Tuy nhiên, tôi xin Chúa ban cho tôi được trở nên một linh mục dù hèn mọn nhưng tốt lành và Chúa có thể qua tôi mà đến với người khác.

Chính vì vậy, thưa anh chị em, xin hãy nâng đỡ, thông cảm, cộng tác và cầu nguyện nhiều cho các linh mục chúng tôi.

3.Cần lắm sự chủ động yêu thương từ người linh mục:

Vậy, chúng ta đã thấy rằng có khi câu “chủng sinh hôm nay, linh mục ngày mai” là thật đúng, nhưng nhiều khi câu đó cũng không đúng hoàn toàn, vì chính đời sống mục vụ cũng như những khó khăn trong đời sống có thể làm cho hình ảnh của một chủng sinh hôm xưa rất khác với một linh mục hôm nay và ngày mai. Chính vì vậy, cần lắm sự chủ động đi bước trước của người linh mục để họ hiểu điều ngài đang muốn làm. Tôi nhận thấy rất nhiều vấn đề trong đời sống mục vụ có thể được giải quyết, khi vị linh mục giải thích điều ngài đang làm cho giáo dân hiểu. Thật vậy, người ta không được đào tạo nhiều năm như các thầy các cha, không được học thần học và suy nghĩ của họ cũng nhiều khi rất đơn sơ. Họ không hiểu được điều các linh mục đang làm, mặc dù ngài làm đúng. Nhưng vấn đề là vì vị linh mục không giải thích để họ hiểu ý hướng các ngài đang làm. Tệ hơn nữa, khi người ta thắc mắc thì ngài lấy uy ra để bắt họ làm thay vì ôn tồn giải thích để họ hiểu, theo kiểu “tôi muốn”, “tôi thích vậy đó, hay “không phải chuyện của anh…” Cứ để người ta tự đoán già đoán non, rồi người ta dễ đi vào phán xét, kết án… có lẽ chỉ bởi vì thiếu giải thích thỏa đáng.

Dĩ nhiên, giải thích cũng không phải là chuyện dễ. Khi người ta muốn hiểu mình, mình giải thích họ sẽ hiểu ngay. Còn khi người ta không muốn hiểu mình, có nói rã cả họng họ cũng chẳng tin. Tuy nhiên, việc giải thích, trao đổi trong thân tình và yêu thương sẽ tránh được biết bao nghi ngờ, đố kị, phá đám, xét đoán, hiểu lầm… giữa người giáo dân và các linh mục. Nhưng quan trọng là chính các linh mục cần phải đi bước trước, vì cách chung, người giáo dân khó có thể chủ động mở lời trước. Đó cũng là cách để sống tinh thần phục vụ bằng cách làm đầy tớ mọi người, như Chúa dạy. Cách chung, người giáo dân vẫn sẵn sàng thông cảm và yêu thương người linh mục, cho dù ngài còn nhiều giới hạn, một khi họ hiểu rằng tất cả những gì ngài làm là muốn tốt cho họ, cho cộng đoàn hay giáo xứ của họ mà thôi. Chính việc cởi mở, đi bước trước, dễ tiếp xúc, niềm nở tươi cười của người linh mục là nhân tố phá đi những băng giá và lạnh nhạt trong các mối tương quan với mọi người. Và khi trao đổi, chia sẻ, biết đâu vị linh mục lại tìm được những góp ý chân thành, tốt lành và sự cộng tác của mọi người, để việc chung được triển nở. Ngay cả khi sống rất tốt mà vẫn có người thương kẻ ghét thì cũng là lẽ bình thường thôi, hơn ai hết, vị linh mục hiểu điều đó. Ngài vẫn tiếp tục làm điều lành và phục vụ trong sứ mạng của mình, cho dù có bị hiểu lầm đi nữa. Bởi ngài biết rằng “tôi tớ không hơn chủ” (Ga 13,16). Và chính nhờ như vậy, ngài trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục thượng phẩm đời đời, đấng là Tư Tế (dâng hiến lễ cho dân và hiến lễ chính đời mình), Tiên Tri (rao giảng Tin Mừng và sống lời rao giảng đó, cho dù thuận lợi hay bất lợi), và Vương Đế (sống đức ái mục tử bằng cách phục vụ) cho đến cùng, đến nỗi sẵn sàng hiến mạng sống và chịu treo trên thập giá như Thầy mình vậy.

Tôi nghe nhiều bà mẹ nói với con mình: “Con ơi, đi tu đi, đi tu sướng lắm, đừng sống ở đời như ba mẹ khổ lắm!” Tôi tủm tỉm quay qua hỏi chị ấy: “Thiệt hông? Thiệt là sướng hông? Nếu sướng thì người ta đổ xô nhau đi tu hết trơn rồi bà ơi!” Thật ra thì ơn gọi nào cũng có đầy đủ buồn vui sướng khổ cả. Quan trọng là chúng ta sống ơn gọi nào thấy hạnh phúc bình an, thì đó là điều Chúa muốn cho chúng ta. Và khi viết những tâm tình này, tôi cũng không muốn thanh minh hay bao biện chi cả, bởi vì tôi biết rõ giới hạn của chính bản thân tôi và của các linh mục khác. Chẳng có ai là hoàn hảo cả, vì người giảng hay thì nhiều khi nóng tính, người dễ thương thì nhiều khi không siêng năng, người xây nhà thờ giỏi chưa chắc đã quản trị giỏi, người đạo đức quá thì lại ít tiếp xúc… Mỗi ngày, chúng tôi vẫn phải xin ơn Chúa luôn luôn để trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình. Và ý thức mình luôn là một bình sành dễ vỡ (2 Cr 4,1-16). Phàm thì kiêu căng luôn là đầu mối cho mọi sự đổ vỡ và tội lỗi. Tôi nghĩ rằng với sự khiêm tốn khi nhận biết về bản thân và tha nhân, tôi luôn có thể hạn chế những sai lầm bao nhiêu có thể và trở nên người mục tử như lòng Chúa ước mong và lòng dân mong đợi. Ý thức như vậy không có nghĩa là tôi đã hoàn thiện, nhưng dù sao ý thức như vậy để nhắc nhở bản thân mình mỗi ngày để luôn cần đến ơn Chúa, sự nỗ lực của bản thân và sự cộng tác của mọi người. Thế nên, dù là chủng sinh hay linh mục, thì quan trọng nhất vẫn là làm sao cho đời mình càng ngày càng đồng hình đồng dạng hơn với Chúa mà thôi.

Con Chiên Nhỏ

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!