GÓC SUY TƯ
Sự dữ, một mầu nhiệm…
(NSGH) Bạn thân mến! Đứng trước bao sự dữ xảy ra trong đời, chắc hẳn bạn đã bao lần cảm thấy biết bao mầu nhiệm. Người ta vẫn dễ nghĩ rằng bao sự dữ xảy ra như thiên tai, tai nạn, tội ác, và ngay cả cơn dịch bệnh Corona đang hoành hành khắp nơi hiện nay… là hình phạt của Thiên Chúa công thẳng dành cho kẻ có tội. Điều này cũng có thể xảy ra, vì Thiên Chúa có thể dùng mọi sự để dạy dỗ con người. Nhưng để xác định Thiên Chúa “phạt” con người thì e rằng người ta đã vẽ khuôn mặt của Chúa quá méo mó. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có những trường hợp “ở hiền” mà không “gặp lành”; Người công chính lại gặp đau khổ còn kẻ gian ác lại được an lành, “thật thà thường thua thiệt” còn “lươn lẹo lẹ lên lương” …
Đứng trước bao éo le như thế, người ta thường hay tự hỏi rằng liệu có Chúa không? Chúa ở đâu khi bao sự dữ đó xảy ra? Tại sao Ngài thinh lặng? Có những người đạo đức mà gặp đau khổ quá đã đâm ra hờn trách Thiên Chúa. Nhiều người đã không vượt qua được nên đã bỏ đức tin. Phần chúng ta, là những người có đức tin, chúng ta phải nói ngay rằng: trong sống trong cuộc đời này, chúng ta không thể hiểu biết chắc chắn các vấn nạn trên được. Chúng ta không thể trả lời mọi sự về vấn đề sự dữ này như đinh đóng cột được. Đơn giản là vì ngoài Chúa ra, mọi khẳng định quá tuyệt đối trong đời này đều là tương đối, và mọi tuyên bố chắc chắn đều có nguy cơ hàm hồ. Thật vậy, có những mầu nhiệm chỉ ở trong ánh sáng viên mãn của đời vĩnh cửu chúng con mới hiểu thấu những ý định sâu thẳm của Ngài, còn ở đời này thì chúng ta không thể biết chắc được mọi chiều kích sâu xa của từng biến cố trong cuộc sống được. Trả lời như thế không phải là lảng tránh cho qua nhưng là một thái độ cẩn trọng tôn kính cần phải có khi đứng trước những mầu nhiệm cao vời mà con người giới hạn không thể hiểu hết về Thiên Chúa, Đấng toàn năng vô hạn. Ngay cả hiểu về chính bản thân mình và những gì xảy ra trong đời mình mà chúng ta còn chưa thể hiểu được, làm sao có thể đòi hiểu được những điều lớn lao như thế? Một mặt chúng ta tin vào Thiên Chúa và mạc khải của Người vì biết Người là Đấng chân thật không dối trá, mặt khác ta chỉ có thể nói những gì ta có thể hiểu được, như thế mới là “biết người biết ta”, mới là thái độ biết mình trong khiêm tốn và tự trọng.
Bởi lẽ, Chúa có thể dùng mọi sự để răn dạy kẻ có tội như Chúa phạt dân thành Sodom và Gomorrah (St 19,1-29). Những trích đoạn khác trong Kinh Thánh cũng đã đề cập tới Thiên Chúa như là Đấng Toàn Năng phạt kẻ có tội vì tội lỗi của họ. Thiên Chúa giáng mười tai ương xuống Ai Cập vì Pharaoh và dân chúng đã hành hạ dân Israel và cứng lòng không chịu cho dân Người ra khỏi ách nô lệ (Xh 7-12). Người phạt dân Israel vì họ coi bò vàng như Đức Chúa của họ (Xh 32,30-35). David kiểm tra dân số và ông nhận ra Thiên Chúa đánh phạt dân vì thái độ thiếu tin tưởng Thiên Chúa của ông trong hành động này (2Sm 10,17) … Rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói về việc Chúa phạt dân chúng vì tội lỗi của họ một cách nhãn tiền. Thiên Chúa là Đấng công minh vô cùng, như chính Người tự nói về mình “Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời” (Xh 20,5-6) nên Người sẽ thưởng người lành và phạt người dữ, điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc phán xét riêng của mỗi người cũng như cuộc chung thẩm ở ngày cánh chung. Tuy nhiên, đó là việc chắc chắn sẽ xảy ra ở hai cuộc phán xét ấy, còn bao lâu trong đời này, ta không thể chắc chắn là Thiên Chúa có “phạt” kẻ có tội bằng những biến cố xảy ra trong đời họ cách nhãn tiền hay không, hay đúng hơn là nếu Chúa có cho phép những biến cố bất lợi cho kẻ dữ, cũng chỉ là vì muốn họ ăn năn sám hối mà thôi. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Công Minh nhưng Người cũng là Đấng Thương Xót vô bờ. Chỉ chăm chăm lúc nào cũng cho rằng “Chúa phạt” là đã hiểu sai về Người tận bản chất, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Vì thế mà, mặt khác trong Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy Chúa cũng để người lành phải chịu thử thách để họ thêm công đức và vinh quang như Job chẳng hạn (G 1-2). Những “sự dữ” xảy ra trong đời người công chính là để họ nên thánh, nên cách nào đó Thiên Chúa cũng sử dụng những điều ấy để có lợi cho phần rỗi linh hồn của người đó. Có những trường hợp ta không thể nói người ta gặp tai nạn, hay bị giết là do tội của họ được. Chẳng hạn Đức Giêsu đã hỏi những người kể lại cho Người chuyện những người dâng lễ ở Jerusalem bị Tổng trấn đóng đinh cũng như mười tám người bị tháp Siloah đè chết: “Bộ các ông tưởng họ tội lỗi hơn tất cả những người khác sao? Tôi bảo các ngươi, không phải thế! nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,1-5) Như vậy Nguời muốn chúng ta xét mình thay vì xét người, và nếu có nhìn người mà xét thì cũng đừng quên nhìn mình mà xét nữa. Cái nhìn gán cho Chúa sự “thưởng phạt” trong đời này xem ra là hạ giá và đóng khung Thiên Chúa. Đứng trước vấn đề mầu nhiệm sự dữ, Thánh Thomas Aquinas sử dụng hai hạn từ “sự dữ thể lý” và “sự dữ luân lý” để phân biệt. Giáo lý này của thánh nhân được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 310-312 trích dẫn lại. Có những sự dữ trong tự nhiên (sự dữ thể lý) như động đất, sóng thần, lũ lụt… Chúng là một phần trong việc sáng tạo của Chúa, thực sự công trình này vẫn chưa hoàn tất, để Ngài đưa vũ trụ này, vốn đã được Chúa coi là “mọi sự đều tốt đẹp” (St 1,31) (nhưng chưa hoàn hảo) tới sự hoàn hảo và viên mãn trong cánh chung, là trời mới đất mới nơi Thiên Chúa ngự trị. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có những sự dữ do tội lỗi (sự dữ luân lý) con người gây ra. Chúng ta có thể thấy khắp nơi trên khắp thế giới với những tin tức (tin coi để mà tức!?), những tội ác lớn nhỏ đủ kiểu đủ loại trên báo chí hay truyền thông xã hội mỗi ngày. Những sự dữ luân lý này là do con người đã lạm dụng sự tự do của mình để làm điều xấu. Sự tự do vừa là một món quà vô giá mà Chúa tặng ban, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi vô cùng sắt bén. Vì yêu thương con người, Chúa không lấy lại sự tự do Người đã ban cho con người, sự tự do luôn có nguy cơ bị con người lạm dụng. Người tự do thật không phải là người muốn làm gì thì làm, nhưng là người chỉ muốn điều thiện và chỉ làm điều thiện mà thôi.
Thế nên cứ tìm câu giải đáp cho bằng được trong mọi sự dữ xảy ra là không thể được. Nó vượt quá giới hạn của con người. Điều quan trọng đối với chúng ta là xin Chúa cho chúng ta khi chứng kiến hay trải qua bao sự dữ ở đời này đừng ngã lòng trông cậy mà hoài nghi sự hiện diện của Chúa, vì biết và tin rằng chính Chúa là Sự Thiện tuyệt đối, và sự dữ không bao giờ có tiếng nói chung cuộc. Xin đừng ngã lòng trông cậy mà hoài nghi là vì con người chúng ta mỏng dòn yếu đuối, dễ mất niềm tin khi cảm thấy đau khổ và sự dữ quá sức chịu đựng. Xin cho chúng ta xác tín Nguời là Đấng luôn “rút sự lành từ sự dữ” theo tư tưởng của thánh Augustine (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 311), là Đấng “vẽ đường thẳng trên những nét cong”, và tỏ lộ quyền năng tối cao của Ngài qua việc điều khiển mọi thứ về chung cuộc Ngài muốn cho dẫu cuộc đời và phận người có bao phen giằng co nghiêng ngửa. Đồng thời, về phần mình, chúng ta biết ý thức luôn làm lành lánh dữ, tức là hướng thiện (nơi chính mình), khuyến thiện (nơi tương quan với người khác) và không bao giờ thỏa hiệp với sự dữ, cũng như luôn nỗ lực sống đẹp lòng Chúa và suy nghĩ xem Chúa muốn dạy mình điều gì trong từng biến cố xảy ra trong đời mỗi ngày. Tuy nhiên, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta an phận, thụ động, ngược lại chúng ta cần phải luôn luôn chống lại sự dữ trong khả năng của mình, như bảo vệ môi trường sống và phát triển khoa học kĩ thuật để hạn chế những thiên tai, và ngăn chặn những tội lỗi của chính mình và người khác, kể cả án phạt và quy trình của pháp luật cũng là cần thiết để duy trì trật tự xã hội, tránh làm ô nhiễm đời sống. Sự dữ lúc nào cũng phải bị ngăn chặn.
Hãy để cho chính ánh sáng của đời vĩnh cửu trong viễn tượng của cánh chung sẽ giải đáp tất cả mọi mầu nhiệm sự dữ xảy ra trong đời này. Có một hình ảnh khá thú vị để chúng ta dễ liên tưởng. Nhìn vào phía sau một tấm thảm, chúng ta thấy chằng chịt những đường khâu mũi chỉ. Chúng ta không thể hiểu hay chỉ hiểu lờ mờ được ý định của người làm tấm thảm. Chỉ khi nào chúng ta thấy được mặt phải của tấm thảm, chúng ta mới có thể thấy được hết tất cả mọi vẻ đẹp của nó. Những dây chỉ chằng chịt đó hóa ra lại là những thành phần tất yếu làm nên một bức tranh tuyệt vời. Nhưng chúng ta sẽ còn thắc mắc hoài một khi chúng ta chưa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tấm thảm đó, trong khóe nhìn của thời cánh chung viên mãn. Còn hôm nay, chúng ta sống trong niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng là một thực tại chứ không phải ảo tưởng, là một niềm cứu rỗi chứ không phải một vấn nạn, một người Cha nhân ái chứ không phải như ông kẹ khắt khe. Đó cũng chính là giá trị của đức tin nơi người Kitô hữu trong cõi sống này.
Con Chiên Nhỏ
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...