GÓC SUY TƯ
Những suy tư về phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa năm xưa và hoàn cảnh hiện nay
(NSGH) Hơn một năm rưỡi qua, cơn đại dịch này gây ra một tình trạng bất ổn kéo dài. Đời sống riêng của mỗi người lẫn đời sống xã hội, kinh tế đều bất ổn. Chúng ta phải sống trong sự bất ổn này. Và nó không hề dễ đón nhận. Nó đòi chúng ta phải tập làm quen với sự bất ổn, một cái tên khác của sự biến thay, vô thường vốn dĩ là bản chất của cõi đời này. Nó kéo dài, và nó bắt chúng ta chấp nhận nó một cách bất đắc dĩ. Nó sẽ kết thúc khi nào? Chúng ta không biết được. Điều chúng ta phải chấp nhận là sự bất ổn bất đắc dĩ bởi nó gây ra. Cơn đại dịch này cũng gây ra một tình trạng nghịch lý hết sức: Trong khi đại đa số người ta phải ở nhà và thường khi khó chịu vì tình trạng tù túng về thể lý và tâm lý như thế thì ở những “tuyến đầu”, những nhân viên y tế và những tình nguyện viên phải oằn mình vất vả hằng ngày để chống dịch. Họ muốn nghỉ ngơi mà cũng không được. Bó rau, mấy thứ củ quả xưa nay vốn rẻ tiền lại đâm ra quý hiếm đột ngột. Trong khi hải sản, nông sản thì không bán được phải đổ bỏ trong sự ngậm ngùi tiếc nuối của bao người. Người bệnh không được gặp mặt người nhà. Người chết không được gia đình tiễn đưa. Đã hẳn, có thể người ta chết vì cơn bệnh quái ác, nhưng có thể người ta còn tê liệt chết cứng trong sự cô đơn, lạnh lẽo trước khi chết vì thứ virus kia.
Tuy nhiên, cũng trong sự bất ổn và nghịch lý mà phép lạ hóa bánh ra nhiều đã xảy ra như đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XVII TN B mà chúng ta đã nghe. Nếu để ý những chi tiết đó trong trình thuật của Thánh Gioan, chúng ta sẽ thấy rõ những nét thật tương phản nghịch lý:
Một mình Chúa Giêsu với các môn đệ mà đi lo cho đám dân trên 10.000 người ăn (thánh sử kể 5.000 người đàn ông, mà thực tế thì đàn bà bao giờ cũng ít nhất là ngang bằng với số lượng đàn ông nếu không muốn nói là gấp đôi. Ta cứ thử nhìn các cuộc tĩnh tâm mùa Chay mùa Vọng xem! Số lượng nữ giới luôn áp đảo số lượng nam giới)
Đức Giêsu hoàn toàn chủ động tình thế và biết rõ tất cả việc Người sẽ làm (Người chỉ hỏi Philipphê để thử ông mà thôi), và Người hoàn toàn đóng vai trò chủ động trong việc sắp xếp công việc (gợi ý cho môn đệ bằng câu hỏi: “Ta lấy đâu ra bánh cho họ ăn đây?”, cho người ta ngồi xuống bãi cỏ, sai môn đệ đi phân phát, kêu môn đệ thu lại bánh thừa). Riêng câu hỏi của Chúa: “Ta lấy đâu ra bánh cho họ ăn đây?” chỉ có Gioan ghi lại. Chi tiết nhỏ này khác với diễn tả của các Tin Mừng Nhất Lãm khi Đức Giêsu muốn trao cho các môn đệ trách nhiệm nên Người nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn” mà Gioan đã không ghi lại. Dường như Tin Mừng Nhất Lãm muốn các môn đệ Đức Giêsu cộng tác vào chương trình của Người. Thay vào đó, Đức Giêsu của Gioan hoàn toàn chỉ đạo mọi thứ cách chủ động vì tình thương của Người với dân chúng.
Những gì của một cậu bé có lại được Chúa phân phát cho cả một đám đông dân chúng. Tại sao Chúa lại lấy năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của một cậu bé (theo truyền thống, cậu bé đó sau này là thánh Inhaxiô thành Antiôkia, giám mục tử đạo) chứ không phải là của những người lớn, những người giàu có? Không phải trẻ em thường hay “giữ của” sao? Và năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ đó chẳng là gì so với một đám đông khủng khiếp kia. Vì vậy mà khi được Chúa hỏi, Philipphê đã nói: “Có mua đến 200 bạc bánh cũng chẳng thấm đâu với từng ấy người!” Câu nói này mang sắc thái y chang câu nói của cậu tiểu đồng, môn đệ ông Elisa khi được thầy mình kêu phân phát hai mươi chiếc bánh lúa mạch do một người hảo tâm dâng tặng mà chúng ta nghe trong bài đọc 1. Thế nhưng từ cái không đáng nhét kẽ răng so với đám đông kia, Chúa đã cho họ ăn no nê và còn dư ra 12 thúng đầy bánh vụn nữa!
Sau biến cố phép lạ, giữa những tung hô và reo mừng, Chúa lại lánh đi vào nơi hoang vắng. Giữa sự tung hô của đám đông muốn Người làm vua, Người chẳng dính bén chút nào với những khen ngợi của người đời. Nhưng những nghịch lý ấy chưa hẳn là điểm đến cho ý định làm phép lạ của Đức Giêsu. Chúng ta đều biết rằng Đức Giêsu không phải là một tay ảo thuật gia cừ khôi thích làm cho thiên hạ ngạc nhiên sửng sốt vì tài khéo hay phép thuật của mình. Nhưng đây là một trình thuật được cả bốn Tin Mừng nhắc tới, điều này có nghĩa đây là một biến cố quan trọng. Đối với các Tin Mừng Nhất Lãm, trong biến cố này, Đức Giêsu không chỉ cho thấy Người quan tâm tới những vấn đề thiêng liêng của đám dân bơ vơ vất vưởng như đàn chiên không người chăn, mà còn quan tâm tới nhu cầu thể lý của đám đông dân chúng nữa (Người thương họ nên không nỡ giải tán họ, sợ họ xỉu dọc đường). Thế nhưng đối với Thánh Gioan, biến cố này còn hơn thế nữa, nó có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Dấu lạ này được đặt ở đầu chương 6 trong Tin Mừng Gioan, mà sau dấu lạ này, Gioan sẽ tường thuật lại diễn từ về Bánh Hằng Sống. Trong diễn từ này, Chúa Giêsu tiên báo Người chính là Bánh hằng sống bởi trời xuống. Phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiền đề để Người nói cho dân chúng biết về thứ Bánh thật đó. Và hơn nữa, không phải vô lý khi Gioan ghi chú một chi tiết tưởng chừng như chẳng liên quan gì: “Lúc đó đã gần tới lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Đúng vậy, Gioan thuật lại dấu lạ này để đặt trên miệng Đức Giêsu những lời giảng về Bánh Hằng Sống, mà để thực thi điều ấy, chính Người sẽ hiến thân cho loài người trong Bí Tích Thánh Thể được thực hiện qua cuộc Vượt Qua của Người, trong sự chết và sống lại của Người. Đó mới chính là ý định làm phép lạ của Chúa Giêsu: Phép lạ này báo trước việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, lương thực vĩnh tồn nuôi sống con người.
Như thế, giữa những bất ổn như tình trạng thiếu thốn lương thực hoàn cảnh của đám đông và nghịch lý rất rõ trong trình thuật này như đã nói trên, chính Đức Giêsu đã làm phép lạ. Người không chê “một chút” lương thực của em bé đơn sơ cũng như đã không chê những “một chút” khác: hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo, tấm lòng sám hối của Dakêu hay dòng nước mắt của người phụ nữ tội lỗi. Người đã biến những thứ “một chút” ấy thành một sự diệu kì cả thể. Nhìn lại những gì đang xảy ra trong cuộc sống, chúng ta thấy đoạn Tin Mừng này rất hiện sinh. Biết bao nhiêu người thiếu thốn cần sự giúp đỡ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta cũng có thể tự hỏi ngán ngẩm: “Bấy nhiêu đây thì thấm vào đâu?” Nhưng đó lại là lúc Đức Giêsu đã làm nên phép lạ lớn lao: từ những một chút của sẻ chia và trao ban, một chút yêu thương và quảng đại. Đó cũng là lời thánh Phaolô Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta trong bài đọc 2: “…Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”. Chúa muốn chúng ta làm hết sức chúng ta, còn lại hãy ký thác nơi Người, vì Người đã biết rõ việc Người làm rồi. Và khi chúng ta chia sẻ và trao ban, chúng ta đang cộng tác với Chúa để phục vụ và dưỡng nuôi người anh chị em mình, theo gương Đức Giêsu, Đấng hiến ban Thánh Thể mình cho cả nhân loại được sống dồi dào.
Con Chiên Nhỏ
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...