Câu Chuyện Sống Đạo

VĂN HÓA

Sống đặc tính Công giáo trong lĩnh vực Thánh nhạc phụng vụ

Tháng mười một 28, 2024 10:54 sáng
Chia sẻ
Chia sẻ

(NSGH) Trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng, chúng ta tuyên xưng đặc tính Công Giáo (catholica) của Giáo Hội được nói đến trong kinh Tin Kính Nicea-Constantinople. Đây là một trong bốn đặc tính của Giáo Hội, cho thấy Giáo Hội mang tính phổ quát, hoàn vũ và toàn vẹn. Giáo Hội là Công Giáo, bởi vì của tất cả mọi người, dù “Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô (Gl 3,28). Tuy nhiên, đặc tính rất đẹp và lý tưởng này rất dễ tuyên xưng, nhưng không dễ để sống, cách riêng trong lĩnh vực thánh nhạc. Có một vài biểu hiện để chúng ta dễ thấy điều này. Xin tạm chia thành hai phong cách, có thể gọi là “bảo thủ” và “cấp tiến” dễ đối nghịch nhau để dễ trình bày.

Song dac tinh Cong giao trong linh vuc Thanh nhac phung vu

Phong cách “bảo thủ”: Yêu thích và đề cao bình ca, nhạc thánh ca đa âm một cách độc đoán. Họ loại trừ mọi nhạc cụ và chỉ chấp nhận đàn organ mà thôi, vì thấy rằng chơi các nhạc cụ xập xình khác làm giảm giá trị của thánh nhạc. Họ chê bai các bài ca bình dân tôn giáo một cách cực đoan vì cho rằng chúng không đủ chỉn chu và trang trọng xứng hợp với phụng vụ. Họ ao ước không khí trầm tĩnh và cao siêu thanh thoát của phụng vụ, vì đó là nơi người ta cầu nguyện. Họ ao ước loại bỏ mọi yếu tố đời có nguy cơ làm thế tục hóa phụng vụ, tránh những thứ biến thánh nhạc thành giả tạo, rỗng tuếch và bất xứng. Họ hoài cổ và mong muốn những truyền thống xưa được gìn giữ, những bản nhạc xưa được hát lên và phụng vụ xưa được đề cao.

Phong cách “cấp tiến”: Yêu thích và đề cao một cách độc đoán các bài thánh ca bình dân tôn giáo, thậm chí các bài thánh ca chỉ hợp với sinh hoạt ngoài phụng vụ. Họ loại trừ hoàn toàn mọi cung cách cổ kính của thánh nhạc, chơi các nhạc cụ trong thánh lễ như các sự kiện đời. Họ chủ trương không cần Imprimatur bài hát làm gì cho vất vả, họ chê bai bình ca và nhạc thánh ca đa âm vì cho rằng chúng lỗi thời, chán ngắt. Họ chủ trương Tin Mừng cần phải “vào đời”, “nhập thể”, để đối thoại được với con người, nhất là giới trẻ. Họ muốn tránh những thứ biến thánh nhạc thành thứ ngâm nga, buồn tẻ, cũ kĩ. Họ thức thời và mong muốn nói với người nghe sứ điệp của Tin Mừng, vốn không ở đâu xa xôi nhưng là gần gũi với tâm thức và thị hiếu âm nhạc của con người thời nay.

Mỗi người chúng ta khi đọc, có lẽ cũng sẽ thấy một trong hai phong cách trên có những điểm hay. Chúng ta có thể chọn cho mình một trong hai phong cách trên mà bản thân ưa thích hơn. Đó là điều bình thường. Nhưng không chỉ ở vấn đề sở thích cá nhân, thực ra nhìn nhận cách tổng quan, cả hai phong cách “bảo thủ” hay “cấp tiến” đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng của nó. Đừng “bảo thủ” quá, vì sẽ biến Giáo Hội thành viện bảo tàng cũ kĩ không hơn và không còn sức sống hấp dẫn và vì vậy, làm người tín hữu khó cảm nhận được vẻ tươi mới, thức thời của sứ điệp Lời Chúa vẫn đang “nhập thể” trong xã hội hôm nay. Nếu là nhạc sĩ, ca trưởng hay những người biết nghe nhạc thường sẽ biết thưởng thức rồi khen ngợi vì có khả năng cảm thụ âm nhạc bình ca, thánh ca đa âm hay các tác phẩm thánh nhạc phối cho khí nhạc, thì phàm không phải là những người chuyên nghe nhạc, đại đa số quần chúng lại cảm thấy xa lạ và khó cảm thụ một dòng nhạc của những vùng văn hóa khác họ, những tâm tình của con người ở những thời đại khác họ, cách xa họ về không gian và thời gian như vậy. Vì vậy mà những hình thức âm nhạc có phần “xa lạ” đó không làm cho người ta thấu hiểu, cảm nhận và nội tâm hóa sứ điệp mà bài thánh ca muốn gửi trao. Thánh nhạc dường như thiếu đi khả năng thấm nhập và hướng dẫn, chiếu rọi cho đời sống khi người ta đương đầu với những vấn đề thời đại hôm nay. Khuynh hướng hoài cổ và “bảo thủ” trong mức độ vừa phải là một nỗ lực gìn giữ kho tàng đức tin và gia sản thánh nhạc, rất tốt, tuy nhiên “bảo thủ” một cách cực đoan cũng không tốt và không đúng. Ngược lại, cũng đừng “cấp tiến” quá khi âm nhạc phụng vụ phải nỗ lực và hấp tấp chạy theo mọi xu hướng thời đại mà lãng quên những nét đẹp của gia sản thánh nhạc trong quá khứ. Thái độ này sẽ làm đánh mất vẻ đẹp độc đáo và riêng biệt của nền thánh nhạc Công Giáo, điều mà thế gian không thể có và người ta mong tìm thấy trong phụng vụ và thánh nhạc của Giáo Hội. Thật vậy, bình ca latin cho tới nay vẫn là đặc sản của Giáo Hội Công Giáo, và nền âm nhạc đa âm Châu Âu đã sinh chồi đơm hoa từ trong các nhà thờ, đan viện và nhà dòng, đó là điều không thể chối cãi. Nếu không trân quý kho tàng vô giá này, chúng ta đã tự đánh mất những di sản quá khứ đẹp đẽ nhất của nền thánh nhạc trong Giáo Hội. Trong khi chúng ta cho rằng dòng nhạc bình ca chán ngắt, thánh ca đa âm thì chẳng hiểu gì, thì có biết bao người ngoài Giáo Hội thực sự đã tìm thấy đức tin và lòng sốt sắng khi nghe những âm điệu đó. Kinh nghiệm của chính thánh Augustinô là một ví dụ, chính ngài kể ra trong cuốn Tự Thuật[1] (Confessiones) khi nghe những giai điệu bình ca ngân vang trong Giáo Hội của Chúa. Những người nghe những tác phẩm của các bậc thầy âm nhạc như Palestrina, Handel, Bach sẽ nhận ra nét cao quý và diệu kì của âm nhạc, một món quà vô cùng tuyệt diệu Chúa ban cho nhân loại.

Thực ra, cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ giữa hai thái cực “bảo thủ” và “cấp tiến” vẫn luôn diễn ra trong dòng lịch sử Giáo Hội, đặc biệt từ đầu thời hiện đại đến nay. Điều chúng ta nói chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn trong đời sống Giáo Hội, về phụng vụ (khuynh hướng yêu mến phụng vụ trước cải cách hoặc sau Vatican II) hay về thần học (“bảo tồn” hay “nhập thể”) hay nhiều lĩnh vực khác nữa… Vấn đề xảy ra khi người ta đi tới mức cực đoan, điều thường thấy nơi những người làm việc trong lĩnh vực thánh nhạc, (rộng hơn, là phụng vụ hay thần học nữa, như đã nói). Nhiều người đi tới thái cực “bảo thủ” cách cực đoan khi hoàn toàn phủ nhận những điểm tốt nơi những gì mới mẻ, trong khi ngược lại, nhiều người đi tới thái cực “cấp tiến” cách cực đoan khi hoàn toàn phủ nhận những nét đẹp điều hay nơi những gì cổ kính. Những thứ cực đoan chủ nghĩa như vậy đều phá hủy hơn xây dựng, chia rẽ hơn hiệp nhất, và là biểu hiện chưa cảm nhận và sống được tính Công Giáo của Giáo Hội và không nhận ra được Thiên Chúa là Đấng có “nét đẹp luôn cổ kính vừa hiện đại, đã có tự ngàn đời mà mãi hoài mới mẻ khiến con phải say mêcũng như thánh Augustine đã nói.

Có lẽ, con đường trung đạo, hay khuynh hướng chiết trung vẫn là điều rất cần thiết trong mọi sự. Nó là biểu hiện của nhân đức tiết độ. Nó không chỉ cần thiết trong mọi lĩnh vực như thần học, linh đạo, phụng vụ, nhưng trong lĩnh vực thánh nhạc nữa. Cần nhớ rằng thánh truyền Giáo Hội là một “truyền thống sống động”. Vừa là “truyền thống” nên Giáo Hội lưu giữ kho tàng đức tin, vừa “sống động” đủ để Giáo Hội cho thấy thế giới hôm nay vẫn cần đến kho tàng ấy là dường nào. Giáo Hội cần vừa “bảo thủ” để trung thành với Lời Chúa và Huấn Quyền, vừa “cấp tiến” để thích nghi với thế giới hôm nay. Giáo Hội là cả hai, vì Giáo Hội là công giáo. Giáo Hội “trung thành và thích nghi”[2] để có tinh thần “tự do và trung thành trong Đức Kitô”[3]. Đây là điều khó, nhưng cân bằng giữa hai thái cực này mới là thế đứng lành mạnh cho Giáo Hội. Một ví dụ rất cụ thể là vấn đề đã xảy ra và được giải quyết trong công đồng Giêrusalem được nói đến trong Cv 15.

Nhưng trong lĩnh vực thánh nhạc, làm sao để để sống niềm xác tín này? Xin đề nghị vài điểm để phân định dựa vào Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc của Ủy Ban Thánh Nhạc, ở phần Tiêu chuẩn để thẩm định bài hát (số 116-125). Nói cách tổng quát về ba tiêu chuẩn thẩm định bài hát, tài liệu viết: Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong phụng vụ, ta sẽ phải xét đến các đặc tính: phụng vụ, mục vụ và âm nhạc. Nhưng cơ bản, ba thẩm định này chỉ là ba khía cạnh của một lượng giá để có thể trả lời câu hỏi: “Tác phẩm âm nhạc này có thích hợp với cuộc cử hành phụng vụ cụ thể này không?” Cả ba thẩm định này phải được xét cùng lúc với nhau, không được áp dụng theo một thẩm định này mà loại bỏ hai thẩm định kia”[4].

THẨM ĐỊNH VỀ PHỤNG VỤ – Ý THỨC VỀ CHIỀU KÍCH NGHI THỨC – ĐẶC TÍNH THÁNH THIỆN:

Người viết bài cảm thấy tiêu chuẩn thẩm định về phụng vụ có thể được đối chiếu tương ứng với chiều kích nghi thức và diễn tả đặc tính thánh thiện của âm nhạc phụng vụ. Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc số 64 nói rằng: “Chiều kích nghi thức của thánh nhạc liên quan đến những cách thức mà thánh nhạc “liên kết với hoạt động phụng vụ” để thánh nhạc hài hòa với cấu trúc phụng vụ và diễn tả được hình ảnh nghi thức. Thánh nhạc phải làm cho nghi thức được tỏ lộ cùng với sự tham dự đích thực của cộng đoàn và các tác viên cộng đoàn, mà không làm lu mờ ngôn từ và hành vi phụng vụ”.

Thể loại của bản văn: Có hai loại bản văn phụng vụ, đó là bản văn cố định (các lời cầu nguyện của chủ tế, bộ lễ, Thánh vịnh Đáp ca, các lời tung hô, các lời đối đáp giữa linh mục hoặc phó tế với cộng đoàn, kinh Tiền tụng, Kinh nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha…) và bản văn được thích ứng (Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ, Ca Hiệp lễ[5] và Ca Kết lễ). Ý thức về hai thể loại bản văn này được tuân thủ cách chung khá chính xác, dù không phải là không có những ngoại lệ.

Về bản văn cố định: Xin đưa ra hai trường hợp để cùng nhìn nhận [1] Cách đây mấy chục năm, các nhà thờ vui vẻ hát những Bộ Lễ với phần lời chỉ dựa ý của bản văn trong Sách Lễ, hiện tượng này khoảng từ năm 2005 đã dần được lưu ý và giảm bớt. Tuy vậy nhưng đây đó thi thoảng vài nơi vẫn còn chứ chưa mất hẳn. Tuy nhiên, ngoài bộ lễ Séraphim rất quen thuộc, nên thay đổi các bộ lễ khác nữa (miễn là những bộ lễ đã Imprimatur) để làm cho bầu khí phụng vụ không nhàm chán, ngay cả vẫn có thể tập bộ lễ Latin, điều mà Giáo Hội khuyến khích[6]. Những thánh thi truyền thống như Tantum Ergo ở nhiều nơi vẫn được luân phiên hát bằng tiếng Việt và Latin, lúc thì bằng tân nhạc, lúc thì bình ca, đều rất tốt đó thôi! Việc hát trong thánh lễ các bản văn Bộ Lễ (nói riêng) hay các bản văn cố định (nói chung) không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Latin hay các ngôn ngữ khác (cho lễ tiếng nước ngoài hay cho các cộng đồng dân tộc thiểu số) nói lên tính công giáo rất rõ. [2] Tuy nhiên, điều đáng trăn trở hiện nay là các bài Thánh Vịnh đáp ca. Thực ra cách hát đáp ca theo kiểu xướng mỗi ngày thường trong thánh lễ (tốt hơn, có thể kèm theo đàn organ đệm cho long trọng[7]) đã là đủ và đúng, lại thường bị các ca đoàn coi là nhàm chán trong các thánh lễ long trọng hơn. Trong khoảng mấy chục năm gần đây, có các nhạc sĩ đã tìm hiểu và đưa ra những lối hát thánh vịnh vừa tôn trọng bản văn thánh vịnh, vừa có thể hát trôi chảy và nghệ thuật các bản văn ấy mà rất nên áp dụng. Bởi lẽ thánh vịnh đáp ca thuộc về bản văn cố định, kiểu viết dưới dạng ca khúc với điệp khúc là đáp ca và phiên khúc là các câu xướng tuy tiện lợi cho người tập và người hát nhưng có nguy cơ lại gây biến dạng Lời Chúa rất nhiều, trong một vài trường hợp thì thật nghiêm trọng. Một số thánh vịnh đáp ca được dệt nhạc khi hát lên thì thính giả chỉ nghe được âm chứ không nghe được lời (có thể vì nhiều lý do như người hát không rõ, tiếng đàn lấn át…) nhưng còn một phần vì nội dung bị chỉnh sửa rất nhiều, có lúc đâm ra tối nghĩa, vì các tác giả phải lo nắn nót lời hát sao cho phù hợp với nét nhạc. Nếu vị nhạc sĩ là một tay bút kinh nghiệm và cố gắng hết sức để tránh xa rời bản văn thì thật là tốt, bằng không thì thật đáng lo. Trong số các bản văn cố định cho tới nay được tôn trọng thì riêng thánh vịnh đáp ca chưa có được điều này đúng mực, trong khi đáng lẽ thánh nhạc phải làm cho nghi thức được tỏ lộ cùng với sự tham dự đích thực của cộng đoàn và các tác viên cộng đoàn, mà không làm lu mờ ngôn từ và hành vi phụng vụ” (như đã trích dẫn phía trên). Trong khi đa số các ca đoàn thì chẳng mấy ai quan tâm, miễn cứ thấy có “Chúa chăn nuôi tôi, hay Chúa là mục tử” thì cứ mặc định là thánh vịnh 22 dùng hát vào phần thánh vịnh đáp ca, hay cứ miễn thấy có ý thánh vịnh 127 là cứ hát vào các lễ hôn phối… Đây vẫn là một bài toán khó, một hiện trạng khá đáng trăn trở và cần tìm cách chấn chỉnh trong nền thánh nhạc Việt Nam, cho dù rất phổ thông đến mức quen thuộc và hiển nhiên đối với đa số mọi người. Cần nhớ rằng Tòa Thánh đã trả lời cho Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa và yêu cầu cần phải chính xác từng chữ, vì “nếu mỗi âm điệu đều đòi hỏi phải sửa đổi đôi chút bản văn, cho dù là những lời rất đơn giản, thì tình trạng của các bản văn phụng vụ chính thức này cuối cùng sẽ ra sao? Bản văn phụng vụ chắc chắn sẽ lộn xộn. Các nhạc sĩ công giáo Việt Nam khi được các Đức Giám mục yêu cầu sáng tác các âm điệu cho các bản văn phụng vụ, thì cũng được yêu cầu chấp nhận hy sinh cần thiết trong việc soạn các âm điệu theo các chuẩn mực của Giáo Hội liên quan đến vấn đề”[8]. Có lẽ cần phải chịu khó đợi cho tới khi bản dịch mới của các sách phụng vụ chính thức chăng?

Về bản văn được thích ứng: Hiện nay đa số các tác giả sáng tác và người hát đều hát những ca khúc bình dân lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, phụng vụ hoặc tâm tình sống đạo của mình. Các bài thánh ca “bình dân” hay ca khúc “phổ thông”, tuy quen gọi như vậy, vẫn luôn cần xứng hợp với vẻ trang trọng của phụng vụ. Có nhiều bài thánh ca dạng này được sáng tác tuy đơn sơ mà sâu sắc, có khả năng gợi lên tâm tình cầu nguyện rất tốt. Ngược lại, có những bài có nhiều khuyết điểm về cả lời ca, giai điệu, hòa âm và khúc thức (cấu trúc tác phẩm), hình như không thích hợp với tâm tình thờ phượng mà chỉ diễn tả nỗi lòng cá nhân quá thuần túy. Có một số bài khác nên là một bản nhạc hát ngoài phụng vụ, vì ngôn ngữ thích hợp với sinh hoạt giới trẻ hơn được dùng để thờ phượng và bầu khí trang nghiêm của phụng vụ[9]. Có một số ít nơi vẫn còn giữ việc sáng tác và hát những đối ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ theo lời mà chính Sách Lễ đề nghị. Thật ra, cả hai kiểu đều được. Đừng chỉ chọn một thứ và loại trừ thứ còn lại. Điều gì Giáo Hội đã cho phép, ta không nên khó hơn Giáo Hội. Dẫu rằng những bài thánh ca bình dân có sức thu hút và gần gũi hơn với cảm thức của đa số quần chúng, không có gì gọi là cố ý “làm nổi”, “trình diễn”, “phô trương” hay “khoe khoang” chỉ vì ca đoàn chọn hát các bản văn phụng vụ này bằng những hình thể truyền thống hơn và ít thấy, thay vì các bài thánh ca bình dân hai đoạn quen thuộc với cảm thức chung hiện nay. Trái lại, nên có sự phong phú trong thể loại các tác phẩm thánh nhạc để làm cho bầu khí của phụng vụ luôn tươi mới. Những lễ trọng, nên tập những bài hát chỉn chu một chút, để tạo bầu khí trang trọng và sốt sắng. Cộng đoàn cần được làm quen với việc thay đổi này chứ không phải ngỡ ngàng và xầm xì khi ca đoàn hát những bài có phong cách bình ca hay đa âm thay vì những bài ca bình dân hằng ngày. Dĩ nhiên, việc hát cộng đồng luôn được ưu tiên và đề cao, nhưng không phải hát cộng đồng là cộng đồng phải hát hết mọi phần trong thánh lễ. Có lúc chúng ta hát những bài quen thuộc, có lúc chúng ta thinh lặng, hiệp ý và cầu nguyện với những bài thánh ca chưa quen thuộc. Hơn nữa, tìm cách huấn luyện cho cộng đoàn (thường phù hợp hơn với những nhóm nhỏ, yêu thích truyền thống hay quen thuộc với phong cách hát bình ca) để có thể có khả năng hát những bài có phong cách bình ca, đây chẳng phải là điều tốt lắm sao?

Liên kết chặt chẽ với tác động phụng vụ: Thánh nhạc không chỉ cần thánh thiện trong lời ca nhưng còn thánh thiện trong khả năng nó liên kết chặt chẽ với tác động phụng vụ, vì Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu”[10]. Hầu hết các ca đoàn đều ý thức lo liệu kết thúc bài hát khi tác động phụng vụ đã hoàn tất, tuy nhiên, chủ tế cũng trân trọng bầu khí chung của cộng đoàn. Chuyện này xem ra rất nhỏ, nhưng cũng là dịp để sống đặc tính công giáo trong lĩnh vực thánh nhạc và phụng vụ, hiểu theo nghĩa cả hai lĩnh vực này là việc chung của toàn thể cộng đoàn trong phụng vụ chứ không phải là việc của một thành phần nào duy nhất, cho dù dĩ nhiên, luật phụng vụ vẫn cho thấy quyền chủ tọa cộng đoàn của vị chủ tế và việc hát lễ được đảm nhận bởi ca đoàn. Cụ thể, nếu ca đoàn còn đang dang dở lời hát mà chưa kết thúc (vì còn ở phần phiên khúc, nhất là những phiên khúc kết không trọn hay kết nửa thì càng cần phải quay về điệp khúc) thì vị chủ tế nên tôn trọng, cùng lắng nghe và hiệp ý với ca đoàn và cộng đoàn để ca tụng Chúa bằng chính bài hát đang được cất lên như một lời cầu nguyện chung của cộng đoàn thay vì tỏ thái độ bực mình ra mặt xem ra lại gây chia trí, hay buộc ca đoàn phải ngừng ngay bài hát lập tức một cách nghiêm khắc khi đọc ngay vào micro khi hành vi phụng vụ vừa dứt mà không có những ngoại lệ. Điều này dễ bị coi là một thái độ đậm chất giáo sĩ trị, dễ làm buồn lòng các ca đoàn và nhiều khi có khả năng gây đổ vỡ tương quan trong khi thánh lễ cũng chỉ được nhanh hơn một vài phút. Một vài ca đoàn khá áp lực khi dâng lễ với các vị linh mục luôn vội vã trong mọi sự, bởi không biết “im ngay lúc cần thiết” thì sẽ bị làm “mất mặt” cho mà coi… Thực ra, thánh lễ không phải là “sàn diễn” duy nhất của vị chủ tế hay các thừa tác viên có chức thánh nhưng là việc phụng tự chung của toàn thể cộng đoàn, hình ảnh hữu hình của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, ngược lại, chính ca đoàn cũng cần lo liệu sao kết thúc việc ca hát vừa phải, tránh việc quá rề rà hay tác động phụng vụ đã gần xong mà lại cố hát thêm một đoạn khác nữa. Thực tế, cũng có nhiều ca đoàn không chịu hay biết nhưng không muốn lưu tâm tới sự hòa hợp của mọi yếu tố trong cử hành phụng vụ mà chỉ chăm chút cho việc ca hát mà thôi (kể cả bỏ rước lễ để hát!). Nên tránh tình trạng để linh mục và cộng đoàn phải chờ đợi quá lâu chỉ vì đó là một dịp lễ lớn (quan thầy), khi ca đoàn đã dày công tập luyện nên phải hát cho bõ công một cách quá mức. Đã đành, vị chủ tế nên đợi chờ cho tất cả mọi sự cùng hoàn thành tốt đẹp, nhưng nếu là một điệp khúc ngắn gọn cần hát cho xong thì khác, còn tiếp tục hát quá lê thê dài dòng sau đó, thì lại là chuyện khác!

Ngoài ra, cũng cần lưu ý phân định xem bài thánh ca có thể sử dụng tốt nhất trong lúc nào của phụng vụ. Thông thường người nhạc sĩ sẽ phân loại các tác phẩm của mình ở nhiều chủ đề và đề nghị chúng được sử dụng trong phần nào của thánh lễ vì họ biết rõ con cái tinh thần của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có nhiều bài thánh ca có thể chỉ sử dụng trong một hoàn cảnh duy nhất (chầu thánh thể, bài hát nói rất rõ tới việc hiệp lễ…) nhưng nhiều bài thánh ca khác thì có thể được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau (một bài về các thánh tử đạo có thể được sử dụng như ca nhập lễ, hoặc ca tiến lễ, hoặc ca kết lễ). Nhiều tác phẩm sáng tác được xếp vào phần ca nguyện-hiệp lễ có phần khá tự do, mà khi đọc văn bản lên, người ca trưởng đôi khi băn khoăn xem nó được sử dụng lúc nào trong thánh lễ. Việc phân định xem bài thánh ca có thể được sử dụng trong những phần khác nhau trong thánh lễ không chỉ giới hạn đơn thuần do chính nhạc sĩ phân loại mà thôi, nhưng người ca trưởng nào cẩn thận kĩ lưỡng cũng cần phân định một lần nữa qua bộ lọc là những gì học hỏi được và nhờ kinh nghiệm của chính mình. Nhờ lưu tâm tới những điều này chứ không quá bừa bãi trong việc lựa chọn các bài hát mà góp phần tạo nên ý thức về chiều kích nghi thức cho cộng đoàn, vì phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Giáo Hội, nên thánh nhạc kèm theo cần phải nghiêm túc và có sự đầu tư kĩ lưỡng.

THẨM ĐỊNH VỀ MỤC VỤ – CHIỀU KÍCH BỐI CẢNH VĂN HÓA – ĐẶC TÍNH PHỔ QUÁT:

Theo sau thẩm định về khía cạnh phụng vụ là thẩm định về phần mục vụ, người viết thấy thẩm định này có thể giúp những người làm thánh nhạc lưu ý xem xét về bối cảnh chung của cộng đoàn, và những điều này có thể nói lên đặc tính phổ quát của một Giáo Hội duy nhất, vừa có tính đa dạng của các cộng đoàn phụng vụ trong khi vẫn duy trì sự hiệp nhất chung. Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc số 66 lưu ý: “Bối cảnh văn hóa là khung cảnh mà chiều kích nghi thức và chiều kích thiêng liêng được thể hiện. Nên xem xét những nhân tố như tuổi tác, di sản tinh thần, nền tảng văn hóa và sắc tộc của một cộng đoàn phụng vụ nhất định. Khi chọn lựa các bài hát để cộng đoàn có thể tham gia ca hát, cần phải tìm hiểu xem những cách thức nào cộng đoàn thấy là thích hợp nhất để họ hợp lòng hợp ý với hành động phụng vụ”.

Xác định đối tượng tham dự:

Một bài thánh ca được ủ ấp đầu tiên trong tâm hồn người nhạc sĩ. Chính những người nhạc sĩ Công Giáo chân chính cần xác định tác phẩm mình viết cho đối tượng nào, bằng thủ pháp nào, thể loại âm nhạc nào trước khi cho ra đời một tác phẩm thánh nhạc. Ngoài ra, người ca trưởng khi chọn bài cũng cần quan tâm tới điều này, và ca viên cũng như nhạc công khi trình tấu cũng cần lưu ý đến đối tượng tham dự thánh lễ sẽ nghe chúng ta hát.

Lấy ví dụ, những bài thánh ca chúng ta chọn trong thánh lễ cho giới trẻ hay thiếu nhi sẽ khác với một thánh lễ cách chung dành cho các bà các ông trung niên hay đứng tuổi. Cách hát trình tấu cũng vậy mà khác nhau, dĩ nhiên có thể vui tươi hơn, nhưng đừng xập xình ồn ào. Bạn không thể đòi hát suốt thánh lễ thiếu nhi những bài bình ca hay thánh ca đa âm tiếng latin như trong thánh lễ dành cho người lớn – cho dẫu chúng rất trang trọng và tuyệt vời. Giáo Hội luôn đề cao bình ca (điều này hoàn toàn đúng cho đến nay!) nhưng nếu chỉ quan tâm tới yếu tố âm nhạc mà thôi thì chưa đủ. Phải quan tâm đến cả ba yếu tố là phụng vụ, âm nhạc và mục vụ cùng một lúc như đã nói. Đơn giản là trẻ chưa cảm nhận được những tâm tình ấy, và mặc dù chúng ta cần phải giáo dục thẩm mỹ về âm nhạc phụng vụ với các bài hát bình ca như thế, rất tốt, nhưng thi thoảng cũng chỉ nên hát một hay hai bài như vậy trong thánh lễ mà thôi, các bài khác nên là những bài đơn sơ phù hợp và quen thuộc với trẻ nhỏ để các em hát theo, để việc hát cộng đồng được ưu tiên[11]. Tuy nhiên, nếu cùng một bài thánh ca latin hay hợp xướng đa âm trang trọng ấy mà được phục vụ trong một thánh lễ cho người lớn, có thể họ sẽ biết ơn ca trưởng và ca đoàn biết bao! Người lớn, ngược lại, (dĩ nhiên cũng không phải tất cả), có những người rất trân quý và cảm nhận được giá trị của các bài bình ca hay thánh ca đa âm. Những môi trường trí thức, và cả những bạn trẻ nữa, họ mê say những thể loại âm nhạc có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn họ bằng sự phong phú, tươi mới và sâu sắc so với những bài thánh ca bình dân tôn giáo vốn là thể loại thánh nhạc quen thuộc, thông thường hay duy nhất họ thấy. Và có khi vì đã nghe nhiều bài thánh ca bình dân tôn giáo kém chất lượng (cả về nhạc, về lời và hòa âm) mà có một số người đâm ra dị ứng với các bài thánh ca bình dân cách chung. Một ví dụ khác nữa là thánh nhạc dành cho người trẻ. Nhiều nhạc sĩ cũng viết những ca khúc khá “trẻ trung” về tiết tấu lẫn giai điệu, có lẽ không phải để làm “thế tục hóa” thánh nhạc như có những người thích xét đoán và tiêu cực nói, nhưng để cho người trẻ dễ cảm hơn sứ điệp của Lời Chúa. Miễn lời ca đậm chất Thánh Kinh và là một bài thánh ca có khả năng gợi lên tâm tình cầu nguyện và hướng thiện và đã được chuẩn nhận, chẳng phải bài thánh ca đó là công cụ rất tốt để giúp người trẻ sống đức tin sao? Thủ pháp của tác phẩm dù rất quan trọng, nhưng cũng là hình thức. Nội dung mới là quan trọng nhất. Dĩ nhiên, ta cũng không lấy cớ là thánh lễ cho thiếu nhi hay giới trẻ mà xập xình như phòng trà hay ồn ào như sân khấu[12]! Cần nhớ rằng: “ngay khi bày tỏ niềm vui thì phụng vụ cũng đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Niềm vui ấy không còn là niềm vui bộc phát trong đời thường, nhưng bình dị hơn, trang nghiêm hơn, thích hợp với cộng đồng hơn”[13]. Nhưng cũng đừng quên rằng “thể loại âm nhạc không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát”[14]. Trong một thánh lễ giới trẻ và thiếu nhi mà chỉ hát những gì không quá quen thuộc với cảm thức âm nhạc của họ, coi chừng chúng ta chỉ giúp họ ngủ ngon hay chia trí bất tận suốt lễ. Ngược lại, thánh lễ dành cho người đứng tuổi mà cứ ồn ào lộn xộn thì thành cớ cho người ta chia trí và đàm tiếu hơn giúp họ hồi tâm. Cần quan tâm đến đối tượng tham dự phụng vụ, vì điều này rất quan trọng. Giáo Hội là của tất cả mọi người, mỗi giới, mỗi thành phần đều có thể lắng nghe những thể loại âm nhạc khác nhau phù hợp với cảm thức của mình để họ dễ dàng cầu nguyện bằng các bài thánh ca nhiều hơn. Điều này còn đúng hơn nữa trong trường hợp các thánh lễ của cộng đoàn người nước ngoài càng ngày càng phổ biến ở Việt Nam và là một chuyện hiển nhiên với những cộng đoàn hải ngoại.

Tùy theo khả năng của ca đoàn và nhu cầu của cộng đoàn:

Yếu tố tiếp theo cần quan tâm tới, đó là khả năng của ca đoàn và nhu cầu của cộng đoàn. Thánh nhạc làm cho phụng vụ nên trọn. Nhưng để diễn tả thánh nhạc, cần có ca đoàn và cần lưu tâm tới nhu cầu của cộng đoàn. Một ca đoàn “bình thường”, phục vụ cho các thánh lễ hàng ngày hay hàng tuần, nơi các giáo xứ Việt Nam trong hiện tại thường chỉ hát được các bài ca bình dân tôn giáo hai bè, trừ những dịp lễ trọng thì may ra họ sẽ đầu tư cho những bài thánh ca hơi khó hơn một chút. Đó là chưa kể hiện tượng lười nhác đầu tư vì nhiều lý do khác nhau (giới hạn của ca trưởng, ca viên hay cằn nhằn, lục đục nội bộ khiến tiến thoái lưỡng nan, chỉ còn duy trì ca đoàn còn hoạt động là may…)! Ai trong chúng ta khi xem những clip hát bình ca hay thánh ca đa âm của các ca đoàn chuyên nghiệp có lẽ cũng ao ước được nghe những thể loại thánh nhạc như vậy, nhưng nhìn lại thực tế, làm sao đòi hỏi ca đoàn nào cũng phải hát bình ca latin hay thánh ca đa âm khi trình độ của cả ca trưởng và ca viên đều hết sức giới hạn? Có những ca đoàn ngược lại, không biết người biết ta và không biết rõ khả năng và sức mình tới đâu, ráng tập và hát Hallelujah của Handel nghe các bè đâm ra cãi nhau lộn xộn cả lên, làm người xem không ai nhịn cười được… Các ca đoàn ở các giáo xứ khi cũng hết sức nỗ lực để phục vụ cho thánh lễ dù bận bịu cơm áo gạo tiền mỗi ngày, họ chỉ có tấm lòng phục vụ và yêu mến, vậy đã là quý rồi. Làm sao chúng ta đòi hỏi họ thêm nữa được? Ca trưởng cũng vậy, có tấm lòng phục vụ và nhẫn nại đã là quý giá, có những người còn yếu kém về chuyên môn vì chưa có thời gian, điều kiện hay hoàn cảnh thuận lợi để đào sâu chuyên môn. Không phải ai cũng có thời gian, điều kiện hay hoàn cảnh thuận lợi để học tới nơi tới chốn đâu. Làm sao đòi hỏi những ca đoàn các bà u60 khi hát hợp xướng phải giữ nguyên cung rồi cứ “mí, fá, sól” trong lễ sáng được, vì đã biết bao nhiêu lần “thử” và đã bể tan nát”! Làm sao đòi hỏi một tay đàn phải đệm đàn y như một nhạc công ở nhà thờ Đức Bà trong lễ đại triều, trong khi giáo xứ không có ai đàn nên phải kêu gọi mãi mới mời được một tay đàn tay ngang vốn là một anh chàng chơi đám cưới xập xình hay mới học vài tháng trước để phục vụ? Các ban thánh nhạc, các trung tâm đào tạo vẫn đều khuyến khích và mở những lớp học đó thôi, nhưng ít người có kiên trì, điều kiện và sự nỗ lực để trang bị cho mình những điều cần thiết để phục vụ.

Nhưng thật ra cũng có những ca đoàn có khả năng chuyên môn tốt hơn. Họ là một dàn hợp xướng thu nhỏ, họ có ca trưởng giỏi giang đạo đức, họ có người đàn am hiểu về phụng vụ và thánh nhạc, họ có ca viên biết xướng âm và sẵn sàng tập những bài hợp xướng. Nếu vậy, họ cần phải trau dồi khả năng của mình để phục vụ cho cộng đoàn những bài thánh ca sốt sắng và hùng hồn thay vì chỉ ở lại trong sự lười biếng cố hữu vì sợ nhọc mệt, hay tệ hơn nữa, sợ rằng mình khác người… Nếu ca trưởng có khả năng, ca viên và nhạc công có khả năng, hãy tập những bản bình ca latin, hãy hát những bản hợp xướng, hãy sử dụng những tác phẩm thánh nhạc viết cho các nhạc khí. Nếu sự phổ biến và tiện dụng của các khúc ca bình dân tôn giáo lại làm cho đại đa số giáo dân hiểu lầm rằng chúng là hình thức duy nhất của thánh ca phụng vụ, thì những ca đoàn này cần phải cho người ta cảm nhận những thể loại thánh nhạc khác mà kho tàng Giáo Hội vẫn muôn đời gìn giữ và quý trọng. Ta đừng quên rằng Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc vẫn đề cao bình ca là gia sản riêng và đóng địa vị chính yếu trong thánh nhạc Công Giáo (số 68-75). Những bài bình ca Latin thay vì trở nên xa lạ và trở thành một điều khó hiểu, nếu được tập hát kĩ lưỡng và được sử dụng cách khôn ngoan (chẳng hạn, hát bộ lễ) có thể giúp ca đoàn và cộng đoàn cảm nghiệm những tâm tình thiêng liêng cao quý trong thánh lễ thay vì hát đến nhàm chán một bộ lễ nào đó bằng tiếng bản xứ và vì vậy mà làm cho phụng vụ ra nghèo nàn khô khan. Thật là đẹp biết bao, khi ca đoàn, và tốt hơn nếu toàn thể cộng đoàn có thể cùng nhau ca ngợi Chúa bằng những giai điệu cổ kính truyền thống của Giáo Hội bao đời nay với những bài ca như Veni Sancte Spiritus, Tantum Ergo, Salve Regina! Những bài ca cổ kính đó, muôn vàn Kitô hữu trong quá khứ đã từng hát, và khi hát, chúng ta cùng hát lên đức tin của Giáo Hội qua bao thời đại và với bao con người, một dấu chỉ rất rõ cho việc tiền dự vào phụng vụ thiên quốc. Dĩ nhiên, cần phải có lời tiếng Việt kèm theo để dân chúng hiểu được những gì ca đoàn hát. Trong khi những thánh lễ thường thì các bài ca đơn giản, quen thuộc giúp cộng đoàn hồi tâm và tham gia ca hát được đề nghị, thì trong những dịp long trọng, những bài thánh ca đa âm cũng khơi dậy nhiều cảm xúc phong phú và quý giá biết bao không chỉ nơi ca viên nhưng còn nơi cộng đoàn nữa. Dĩ nhiên, để có được điều đó, phải khổ chế tập luyện, nhưng những giọt mồ hôi hy sinh ấy thật đáng quý biết bao và đem lại nhiều hoa trái nơi tâm hồn các tín hữu là dường nào! Nhưng muốn hát thì cần tập kĩ trước khi đem ra hát mà lụp chụp, phát âm còn không ra chữ, hát thì sai xướng thì lộn, gây thành trò cười thì không nên, vì phụng vụ không phải chỗ để tập và thử.

Vậy, lưu tâm về khả năng của ca đoàn và nhu cầu của cộng đoàn là điều thật cần thiết. Có những thánh lễ đại triều hay những cộng đoàn nhỏ, có những thánh lễ cho người trí thức hay bình dân… Cần xét đến khả năng của đoàn và nhu cầu của cộng đoàn, để chọn thể loại âm nhạc và những bài hát nào thích hợp phục vụ cho thánh lễ đó.

Ưu tiên việc hát cộng đồng:

Trong đời sống phụng vụ thực tế của Giáo Hội, chúng ta thường hay thấy hai thái độ chủ trương hai thái cực trái ngược nhau: hoặc là đề cao ca đoàn đến mức chỉ có ca đoàn độc diễn phần âm nhạc trong phụng vụ, hoặc là đề cao cộng đồng đến mức cho rằng không cần đến ca đoàn, chỉ cần hát cộng đồng là được. Có những thánh lễ, chỉ có ca đoàn hát vì chọn các bài hát đều mới lạ với cộng đoàn, thêm bộ lễ cũng lạ. Nó làm giảm thiểu khả năng tham dự hiệu quả của cộng đoàn. Ngược lại, có những nơi vì nhiều lý do, chỉ có cộng đoàn hát mà không có ca đoàn. Việc hát cộng đồng được đề cao tới mức xóa bỏ vai trò của ca đoàn. Hai thái cực đó, cái nào là đúng? Không có thái cực nào là đúng cả. Việc hát cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu, vì nói lên sự tham gia của toàn thể cộng đoàn. Đây là điều mà Ủy Ban Thánh Nhạc luôn nỗ lực thực hiện gần đây. Nhưng cũng cần hiểu đúng về việc hát cộng đồng. Hát cộng đồng không phải là bắt tất cả mọi người đều phải hát mọi bài hát trong phụng vụ, cũng không phải là cách ca hát duy nhất trong phụng vụ, vì cũng có những lúc ca đoàn hát một mình. Ưu tiên hát cộng đồng không phải là tước mất quyền sáng tác những bài mới của các nhạc sĩ, hay làm cho các ca đoàn không thèm trau dồi khi tập những bản hợp xướng đa âm, nhưng là tìm cách để cân bằng sao cho các thánh lễ luôn có bài mới lẫn bài cũ.

Như đã nói, Giáo Hội luôn đề cao và ưu tiên việc hát cộng đồng. Giáo Hội cũng cho phép có những lúc ca đoàn hát riêng. Như vậy, những lúc ấy (cụ thể rõ nhất là bài ca trước Ca Nhập Lễ và bài Ca Hiệp Lễ), nếu ca đoàn có chọn một bài thánh ca hợp xướng, thánh ca đa âm, hay một bài thánh ca không quen thuộc với cộng đoàn thì vẫn được phép. Thêm vào đó, tâm lý chung của cộng đoàn sau khi rước lễ là không muốn hát cho bằng thinh lặng cám ơn Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong lòng mình. Tránh dựa vào việc ưu tiên hát cộng đồng để luôn bắt họ không được hát bài hát mới và lạ so với cộng đoàn, miễn là những tác phẩm ấy phù hợp với bầu khí của phụng vụ và giúp người nghe nâng tâm hồn lên để cầu nguyện. Nhiều người dựa vào lý do cộng đoàn sẽ bị cản trở không được tham gia ca hát để phản đối việc ca đoàn chọn bài mới và lạ để hát, nhưng chúng ta cần nhớ rằng có nhiều cách tham gia và cầu nguyện trong phụng vụ. Nếu mở miệng cùng ca ngợi Chúa là tham gia rất rõ ràng vào việc cầu nguyện trong phụng vụ, thì thinh lặng lắng nghe và suy ngẫm bài ca mà ca đoàn đang hát lên cũng là một cách để cộng đoàn tham gia và cầu nguyện thôi. Có lúc hát, có lúc thinh lặng, tất cả đều là cầu nguyện. Thêm vào đó, bài nào cũ mà trước đó đã không mới? Ngược lại, tránh thái cực lúc nào cũng hát bài mới. Trong một Thánh Lễ mà tất cả các bài hát đều mới lạ, họ sẽ không thể tham gia vào việc ca hát chung được. Vậy, cần phải hát bài cũ để cộng đoàn hát nhuần nhuyễn, nhưng cũng cần bài mới để tránh cho phụng vụ trở nên một kiểu nhai lại mỏi mệt và cộng đoàn lắng nghe nhiều tâm tình khác lạ và mới mẻ. Tránh lúc nào cũng tập bài mới vì cộng đoàn sẽ khó cảm, và cũng tránh lúc nào cũng hát bài cũ sẽ nhàm chán. Tuy nhiên, ngay cả những lúc Giáo Hội cho phép ca đoàn hát riêng, vẫn có thể hát cộng đồng nếu muốn. Cách chung, trong buổi cử hành, ca đoàn không được lấn át cộng đoàn trong những phần thuộc về họ. Nhưng nếu có dịp (“làm được” và “được làm”), ca đoàn hoàn toàn có thể chọn hát riêng những bài thánh ca theo khả năng và sự tập dượt của mình[15].

Một nền thánh nhạc đậm đà chất Việt:

Nhân tiện, xin mở rộng thêm một vấn đề khác có liên quan. Nền thánh nhạc Việt Nam từ sau cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II đã có nhiều bài thánh ca mang âm hưởng dân tộc như chính Tòa Thánh ao ước. Điều này rất quý giá, song xu thế ngày nay các ca đoàn ít ưa chuộng vì cho rằng “sến súa”, “quê mùa”. Thật đáng tiếc! Đáng lẽ chúng ta phải yêu mến làn điệu mang âm hưởng dân tộc rất đặc sắc của mình mới phải chứ! Trong khi các cộng đoàn người Việt ở hải ngoại và cả những người nước ngoài rất quý trọng các bài thánh ca mang âm hưởng dân ca Việt Nam, thì có những ca đoàn ở Việt Nam lại cứ hay “sính ngoại” mà thôi… Dĩ nhiên, lâu lâu “đổi gió” thì không phải là vấn đề, còn nếu “luôn luôn” thì có lẽ do không cảm nhận được cái hay của nền âm nhạc dân tộc.  Mỗi thể loại âm nhạc đều có cái hay riêng của nó. Nói chung, những bài thánh ca mang âm hưởng dân tộc như vậy vẫn chỉ quanh quẩn ở một vài làn điệu dân gian với những thang âm, điệu thức quen thuộc. Còn cả một kho tàng âm nhạc của các anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số (Tây Bắc, Tây Nguyên, Chăm-Khmer…) cũng cần được quan tâm nghiên cứu và vận dụng trong sáng tác thánh nhạc. Đây là cả một nguồn tài nguyên vô giá cho những ai biết nghiên cứu, tìm tòi, khai thác và vận dụng, thay vì chỉ đi vào những lối mòn để sáng tác rất nhiều những bài thánh ca na ná nhau kém phần đặc sắc. Giáo Hội Việt Nam đâu phải chỉ của người Kinh dù chiếm đa số, nhưng của cả các anh chị em dân tộc khác nữa chứ. Sống đặc tính công giáo của Giáo Hội mời gọi chúng ta trân quý tất cả các nền văn hóa và âm nhạc của họ.

THẨM ĐỊNH VỀ ÂM NHẠC – CHIỀU KÍCH THIÊNG LIÊNG – ĐẶC TÍNH NGHỆ THUẬT:

Thẩm định cuối cùng trong ba thẩm định là thẩm định về âm nhạc. Người viết tìm thấy mối liên kết giữa thẩm định này với đặc tính nghệ thuật, nối kết với chiều kích thiêng liêng. Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc số 65 lưu ý: “Chiều kích thiêng liêng của thánh nhạc liên quan đến những phẩm chất nội tại của thánh nhạc khả dĩ làm cho việc cầu nguyện được sốt sắng hơn, cộng đoàn được hiệp nhất hơn, và nghi thức được trang trọng hơn. Thánh nhạc là thánh khi chuyển thông được sự thánh thiện của Thiên Chúa và giúp Dân thánh hiệp thông trọn vẹn hơn với Thiên Chúa và với nhau trong Đức Kitô”.

Thể loại âm nhạc:

Giáo Hội có thể loại âm nhạc riêng nào duy nhất để sử dụng trong phụng vụ không? Câu hỏi không dễ trả lời vì vừa không mà vừa có. Giáo Hội không tự khẳng định mình chỉ sử dụng một thể loại âm nhạc nào, cho dù vẫn luôn đề cao bình ca latin ở vị trí hàng đầu[16]. Giáo Hội cũng nhìn nhận các thể loại âm nhạc khác nhau, vì “trong mọi thời đại, Hội Thánh đều kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác đưa ra những cách diễn đạt mới để làm phong phú kho tàng thánh nhạc. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thổi Thần Khí sáng tạo của Người để đưa giá trị cao quý vào các tác phẩm từ bàn tay và tâm trí của các nhạc sĩ. Theo dòng thời gian, các hình thức diễn đạt nhiều lên dần và rất đa dạng”[17]. Hơn nữa, “Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để hát lên tâm tình yêu mến Thiên Chúa”[18]. Tuy nhiên, không phải mọi thể loại nhạc nào cũng phù hợp để sử dụng trong phụng vụ, vì “Hội Thánh chỉ sử dụng thể loại âm nhạc nào có thể đáp ứng những đòi hỏi về phương diện nghi thức cũng như phương diện thiêng liêng của phụng vụ”[19]. Thật vậy, những cách trình tấu âm nhạc ồn ào và kích động như kiểu các phòng trà hay sàn nhảy không phù hợp với phụng vụ (chẳng hạn nhạc jazz), vì khó có thể gợi lên những tâm tình cầu nguyện và trầm tĩnh, lắng đọng[20]. Như đã nói ở những phần trên và không cần lặp lại, từ sau công đồng Vatican II, Giáo Hội đón nhận có chọn lọc tất cả những thể loại âm nhạc để sử dụng trong phụng vụ, không độc quyền một thể loại âm nhạc nào cho dù vẫn đưa ra ưu tiên hàng đầu giữa những thể loại âm nhạc khác nhau là bình ca vì khả năng giúp hồi tâm và nâng tâm hồn lên để cầu nguyện của chúng. Vì vậy, một thái độ duy bảo thủ hay duy cấp tiến đều sai lầm vì loại trừ nhau, điều làm suy yếu đặc tính công giáo của Giáo Hội. Dĩ nhiên, cũng không thể biến thánh nhạc trong phụng vụ trở nên là một nồi lẩu thập cẩm không chọn lọc, lai tạp và lung tung. Ngược lại, chính sự phong phú của các thể loại âm nhạc làm cho thánh nhạc có khả năng nói lên tính đa dạng trong sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Trong những thánh lễ thông thường hằng ngày, nơi các giáo xứ, chủng viện và dòng tu, người ta chỉ có thể hát được những bài thánh ca bình dân[21]. Hãy nghĩ đến những cộng đoàn giáo xứ ở thôn quê chỉ vài chục người, những dòng tu mà các tu sĩ chỉ có thể hát mừng Chúa với những bài thánh ca bình dân đơn sơ quen thuộc. Những bài ca cộng đồng này là nỗ lực của người nhạc sĩ muốn hiện tại hóa, nội tâm hóa Lời Chúa trong những biến cố của đời thường. Những bài thánh ca bình dân dễ cảm nhận, vì nó gần gũi với đời sống, nó diễn tả đức tin bằng góc nhìn đạo đức và nhân văn bằng ngôn ngữ thời đại này. Chúng là bảo chứng về đời sống đức tin của chính người nhạc sĩ. Và khi được cộng đoàn đồng cảm và đón nhận vì chạm đến tâm hồn của nhiều người, nó trở nên tâm tình của cộng đoàn khi giúp họ “thay lời muốn nói”. Những bài thánh ca bình dân tôn giáo tuy đơn sơ nhưng đã nuôi dưỡng đời sống đức tin của ông bà cha mẹ tổ tiên chúng ta, và cả chúng ta nữa. Nhiều người đôi khi có thái độ coi thường các bài thánh ca bình dân. Cần nhớ rằng trước khi chúng ta có thể có kiến thức để tìm hiểu vẻ đẹp của các thể loại thánh nhạc khác, chính các bài thánh ca đơn sơ bình dị này đã nuôi dưỡng đức tin của chúng ta ngày qua ngày. Chúng đáng quý và có giá trị riêng của nó, trừ những bài quá loãng về nội dung (thánh thiện) và quá kém tốt đẹp và chất lượng (hình thức). Khổ nỗi các ca đoàn lại nhiều khi ưa thích những bài thánh ca kém đặc sắc nhưng vì những yếu tố phụ lấn át (được các ca đoàn có “trình độ” đem ra hát, những bài được các ca sĩ họ mến mộ thu âm và phát lên youtube, những bài “dễ hiểu”, “dễ hát” đơn sơ mộc mạc quá thiếu tính văn chương và nghệ thuật, cũng nghèo nàn về linh đạo và na ná với nhiều tác phẩm đã có trước đây…). Trong khi vẫn tôn trọng mức độ trung bình và phổ thông trong khả năng ca hát của cộng đoàn và các ca đoàn, nhưng cũng cần phải tìm cách nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của người tham gia thánh nhạc nữa. Thực ra, tình trạng này có thể diễn ra trong nền thánh nhạc Việt Nam đang trong giai đoạn “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Chúng ta đang có rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Điều này là một hồng ân rất lớn Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam cách riêng. Tuy nhiên, vì là hồng ân quý giá, những ai cảm nhận được mình được ban cho hồng ân này cần tìm cách trân quý, gìn giữ và triển nở hồng ân này. Người nhạc sĩ muốn viết nhạc thánh ca cần tìm cách để đào luyện, trau chuốt mỗi ngày để vừa giỏi hơn về chuyên môn âm nhạc, sắc sảo hơn về văn chương và đạo đức hơn về tâm hồn. Bởi lẽ, viết thánh ca không phải đơn thuần là viết cho vui, viết để giãi bày tâm sự, nhưng bài thánh ca là một lời cầu nguyện, là một văn bản thiêng liêng đích thực. Chừng nào bài thánh ca chưa phải là một lời cầu nguyện của tâm hồn, một lời tuyên xưng đức tin giữa thăng trầm cuộc đời, nó chưa xứng được gọi là thánh ca mà chỉ là một bài trần ca được viết ra để nghêu ngao kể chuyện đời hay tìm chuyện nói, dù cho có nhắc tới Chúa đi nữa[22]. Người viết thánh ca, nếu nói cho tới, có lẽ cần phải là một người làm thần học về âm nhạc. Nói ra điều này không có ý làm nản lòng những người mới cầm bút, ngược lại, cho thấy tầm mức cao cả của người viết thánh ca phụng vụ để tất cả chúng ta ý thức vai trò cao quý của mình mà luôn hết sức hết lòng tiến bộ mỗi ngày. Có như vậy, thánh nhạc Việt Nam mới có những bài thánh ca bình dân nhưng sâu sắc, đơn sơ nhưng súc tích, có khả năng khơi dậy niềm tin cậy mến nơi người hát và người nghe. Chúng có giá trị riêng không thể phủ nhận được.

Tuy nhiên nhìn chung, nền thánh nhạc Việt Nam đã có rất nhiều những bài thánh ca với phần giai điệu và tiết tấu quen thuộc đến mức nhiều khi bị đóng khung gò bó vào những âm hình và tiết điệu, na ná nhau về chuyển hành và hòa âm, nhiều khi dễ đoán và khá trùng lặp về giai điệu. Để phong phú hơn, nền thánh nhạc Việt Nam cần những bài thánh ca được viết với phong cách bình ca và những bài thánh ca mang phong cách đa âm hợp xướng (như đã từng phổ biến ở những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước) cũng như những tác phẩm viết cho khí nhạc, để làm giàu cho mình, để tránh cho mình khỏi những lối mòn quen thuộc. Như đã nói ở phần trên, nhiều người cứ đòi đáp ca cũng phải theo hình thức ca khúc cho dễ tập mà chê lối hát “ba dấu” là lạ lẫm, nhàm chán và kì cục, trong khi đúng thể thức nguyên khởi, thánh vịnh đáp ca cần phải ngâm tụng, chứ không nên vì chỉ vì tiện lợi mà lại tìm mọi cách nhét bản văn vào một giai điệu duy nhất cho dễ tập và dễ hát, gây ra tình trạng biến dạng và méo mó Lời Chúa, điều đang xảy ra hết sức nhiều hiện nay. Khi tất cả mọi thể loại thánh nhạc chỉ còn là hình thức ca khúc hai đoạn, thì thánh nhạc trở nên nghèo nàn, như nhạc sĩ P.Kim nhận định: “Có thể nói, vì sự ngộ nhận kéo dài này, nên thánh ca Việt Nam tuy phong phú về mặt số lượng bài hát, nhưng lại nghèo nàn về hình thể âm nhạc để có thể gắn kết chặt chẽ với phụng vụ”[23]. Điều này đòi hỏi nhạc sĩ cần học hỏi, ca trưởng cần tìm tòi và cộng đoàn cũng cần tập làm quen với những hình thể khác nhau trong thánh nhạc. Vấn đề thể loại âm nhạc trong phụng vụ đã nói khá nhiều trong suốt cả bài viết, thiết tưởng ở đây không cần nói nhiều nữa.

Tuy nhiên, cần nói một điểm khác cũng quan trọng không kém. Trong khi thánh nhạc phụng vụ-đối tượng mà bài viết này nhắm đến-cần phải trang nghiêm, chỉn chu và sốt sắng để xứng đáng với việc phụng tự, thì chúng ta đừng hạ giá hay lãng quên những hình thức thánh nhạc khác ngoài phụng vụ. Cái nguy hiểm là người ta không nhận định chính xác về vai trò và giá trị của hai loại này dẫn đến nhiều thứ hiểu lầm trong suy tư nhận định, nói năng và hành động. Ngoài thánh ca phụng vụ được phục vụ trong thánh lễ, có các loại giáo ca / sinh hoạt ca / tâm ca rất hay, rất ý nghĩa và giá trị. Chúng dùng để hát “từ cửa nhà thờ đi ra” (ngôn ngữ của cha Giuse Tiến Lộc CSsR). Tuy không phát trong phụng vụ nhưng những bài ca sinh hoạt của các cha Dòng Chúa Cứu Thế như Tiến Lộc, Thành Tâm, Quang Uy, những ca khúc rất đời mà rất đạo của Lửa Hồng, các khúc ca của Đức Cha Thông Vi Vu có rất nhiều ý nghĩa, như một thứ gạch nối bằng máu thịt giữa đức tin và cuộc sống. Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng đã nhận định trong một bài viết khi ngài còn là cha giáo phụng vụ và thánh nhạc: “Từ lâu, do hoàn cảnh khách quan chi phối, những hoạt động thánh nhạc thường phải giới hạn trong lĩnh vực cử hành phụng vụ. Lâu rồi thành nếp khiến người ta quên đi những hoạt động khác của thánh nhạc ngoài phụng vụ”…Ngoài ra, việc không xác định rõ tên gọi đưa đến sự đánh đồng thánh nhạc với nhạc phụng vụ cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề như: (a) Đưa tất cả những gì của thánh nhạc vào phụng vụ, thí dụ những bài thánh ca suy niệm hay có tâm tình cầu nguyện cá nhân, v.v. (b) Thiếu quan tâm phát triển những lãnh vực khác của thánh nhạc như thánh ca giáo lý, thánh ca vào đời, thánh ca hợp xướng cho các buổi hội diễn, v.v.”[24]. Nhiều khi vì cảm thức chung, người ta cứ bị “cám dỗ” là phải làm sao để các tác phẩm của mình bằng mọi giá phải được hát trong nhà thờ, trong phụng vụ, bởi vì như vậy mới “oách”, mới “xứng đáng”. Từ đó, các bài thánh ca phụng vụ lại có khi quá đời (đáng lẽ nên để ngoài phụng vụ mà lại hát trong phụng vụ) trong khi những bài thánh ca ngoài phụng vụ lại không được coi trọng mà quan tâm đến nên thường bị xem thường, trong khi nhiều tác phẩm rất giá trị về nhân bản Kitô giáo, luân lý và linh đạo nữa.. Tình trạng phân biệt đối xử như vậy làm cho những thể loại thánh ca theo nghĩa rộng này không được đầu tư và nhiều người hưởng ứng, trong khi đó thì thánh ca của anh em Tin Lành khá gần với cảm thức của thời đại hơn cho nên dễ thu hút các bạn trẻ hơn (dĩ nhiên, chỉ là nhận định như thế chứ không khen chê, vì họ khác chủ trương với chúng ta, thánh ca của họ không phân biệt ngoài hay trong phụng vụ còn chúng ta phân biệt rõ thánh ca phụng vụ và thánh ca ngoài phụng vụ…) Nếu các tác giả tập trung sáng tác và nhiều người biết trân trọng mà hát những bài thánh ca ngoài phụng vụ này trong những sinh hoạt, những buổi café thánh ca, những buổi ca nguyện acoustic như hiện nay đang rất thu hút các bạn trẻ, thật sự thánh ca Việt Nam sẽ rất phong phú. Và dù không quá trang nghiêm như thánh ca phụng vụ, những bài thánh ca ngoài phụng vụ cũng cần phải diễn đạt chính xác đức tin Công Giáo (phải nói vậy, vì nhiều bài được gọi là thánh ca đi nữa, nhưng lại trình bày những quan điểm rất khác biệt với giáo lý Kitô giáo, thậm chí sai lệch, phản cảm…). Các nhạc sĩ viết thánh ca ngoài phụng vụ cũng cần được trân trọng như những nhạc sĩ viết thánh ca phụng vụ, vì mọi người đều chung tay xây dựng Giáo Hội theo khả năng và cách thức riêng của mình. Đó chính là tinh thần hiệp hành mà Giáo Hội tìm cách tái khám phá để mọi thành viên cùng nhau loan báo Tin Mừng. Thánh ca phụng vụ hay ngoài phụng vụ cũng đều có giá trị nếu đặt đúng chỗ của nó, vì Giáo Hội là công giáo, cho tất cả mọi người. Giáo Hội nuôi dưỡng con cái mình không chỉ trong phụng vụ mà còn những bài ca liên lỉ hát mừng Chúa trong mọi thứ ngôn ngữ và cách thức trong đời sống. Trong khi hết sức cổ võ và phát triển một nền thánh ca phụng vụ xứng đáng cho việc thờ phượng, cũng cần lưu tâm quý trọng và khuyến khích một nền thánh ca ngoài phụng vụ nữa.

Nhạc cụ:

Xin hỏi lại cùng một câu hỏi tương tự như đã đặt ở phần trên: Giáo Hội có nhạc cụ nào duy nhất để sử dụng trong phụng vụ không? Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc trích dẫn trong khi vừa tham chiếu những văn kiện truyền thống lâu đời trong Giáo Hội vừa mở lòng với cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II đã chỉ dẫn: “Trong tất cả nhạc cụ khác thích hợp cho việc thờ phượng thánh thì đại quản cầm (cũng gọi là đàn ống)[25] là “nhạc cụ chính yếu xứng hợp,” vì nhạc cụ này có khả năng nâng đỡ cộng đoàn đông đảo. Với tầm vóc to lớn, quản cầm đủ sức “làm vang lên trọn vẹn cảm xúc của con người, từ niềm vui cho đến nỗi buồn, từ lời ca ngợi cho đến lời than van.” Cũng thế, “một cách nào đó, khả năng nhiều mặt của đại quản cầm nhắc chúng ta nhớ đến vẻ uy hùng và tráng lệ của Thiên Chúa.” [26] Thêm vào khả năng lôi kéo và nâng đỡ cộng đoàn ca hát, âm thanh của tiếng đại quản cầm rất thích hợp để độc tấu thánh nhạc trong phụng vụ vào những thời điểm thuận tiện. Đại quản cầm cũng đóng một vai trò quan trọng xét về mặt loan báo Tin Mừng khi giúp Hội Thánh vươn tới cộng đoàn rộng lớn hơn ở những buổi hòa nhạc thánh, những sự kiện âm nhạc, những chương trình âm nhạc và văn hóa khác. Vì tất cả những lý do này, cũng như hướng đến tương lai phát triển, việc sắp đặt vị trí của đại quản cầm phải được tính đến ngay khi dự định xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đi cùng với Hòm Bia Giao Ước, người ta còn nhận thấy có não bạt, đàn hạc cầm, thập lục huyền cầm và kèn đồng kèm theo. Qua các thời kỳ, Dân Thiên Chúa đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau để ca hát ngợi khen Thiên Chúa.[27] Các nhạc cụ này đều phát xuất từ truyền thống và văn hóa của một dân tộc nhất định, làm phong phú các thể loại và hình thức âm nhạc với những sắc thái âm thanh khác nhau. Qua đó, các tín hữu của Đức Kitô tiếp tục nối kết tiếng hát của mình với bài ngợi ca hoàn hảo của Người trên thập giá. Nhiều loại nhạc cụ khác cũng làm phong phú việc cử hành phụng vụ, như là khí nhạc (sáo trúc, kèn, …), đàn dây, các bộ gõ. Có thể dùng những nhạc cụ này “tùy theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương, … miễn là đã thích nghi hoặc có thể thích nghi để sử dụng trong các việc thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu.” [28] Như vậy, cần có cái nhìn quân bình và bao gồm thay vì cực đoan và loại trừ, như một cách để sống đặc tính công giáo của Giáo Hội, ý hướng này như sợi chỉ đỏ trong suốt cả bài viết. Chúng ta không hiếm thấy những quan niệm quá cũ kĩ: Chỉ có đàn organ mới xứng đáng tấu lên trong phụng vụ thôi, còn ngoài ra các nhạc cụ khác phải im tiếng, vì nó rất trần tục, rất đời. Hoặc ngược lại cũng không ít thấy những quan niệm quá cực đoan ngược lại: Dẹp hết tiếng organ đi vì nhức đầu và nặng nề quá, hãy êm ái rải piano hay guitar đi, thậm chí guitar điện vào, cajon vào, trống điện tử vào cho nó “sung” lên! Ý thích cá nhân vẫn là vấn đề riêng tư của mỗi người, nhưng để loại trừ một trong hai thì cả hai thái cực ấy đều không đúng. Organ là nhạc cụ chính yếu phù hợp với phụng vụ, nếu chỉ có một người đệm đàn thì hãy ưu tiên chọn đệm các bài thánh ca bằng tiếng của đại quản cầm. Trừ khi những cộng đoàn nào không kiếm ra người biết đệm organ cho sốt sắng mà lại có người biết đệm piano hay guitar hay nhạc cụ khác thì vẫn mời họ phục vụ chứ đừng loại trừ họ. Tuy nhiên, nếu nhạc công biết đệm organ mà lại không đệm bằng organ mà chỉ đệm bằng piano hay guitar thì lại là chuyện khác. Tốt nhất vẫn là có vài nhạc công cùng phục vụ thánh lễ, đừng độc quyền độc đoán, trong đó tiếng organ là chính yếu để đệm bộ lễ và giữ hợp âm nền cũng như bắt những câu dẫn lấy cung, còn các nhạc cụ khác như piano, guitar… vẫn có thể cùng hòa tấu và đi những phần khác để đệm cho phần hòa âm phối khí thêm đặc sắc. Organ là nhạc cụ chính yếu phù hợp với phụng vụ, nhưng những nhạc cụ khác cũng không bị bắt phải im tiếng, vì nhạc cụ nào cũng có quyền tôn vinh Thiên Chúa với âm sắc riêng của mình. Đó là hình ảnh của mỗi người trong cộng đoàn chúng ta. Không phải chỉ có người đạo đức, giàu có, thế lực hay thuộc thành phần ưu tuyển nào đó mới có thể tôn vinh Thiên Chúa, nhưng tất cả mỗi người dù đạo đức hay còn tội lỗi, dù giàu có hay nghèo khó, dù thế lực hay bé mọn, tất cả những người được rửa tội đều là dân tư tế. Không có chuyện phân biệt đối xử trong Giáo Hội, vì Giáo Hội là của tất cả mọi người không trừ ai.

Cách trình tấu của ca viên và nhạc công:

Theo thiển ý cá nhân, một bài hát có đến bốn hình thức hiện hữu: 1. Hiện hữu trong tâm hồn người nhạc sĩ và được cưu mang rồi sinh ra nơi bản nhạc. 2. Hiện hữu với người ca trưởng khi chọn bài, xem bài, phân tích bài, dựng bài và tập hát. 3. Hiện hữu với ca đoàn và nhạc công khi được ca trưởng tập và khi trình tấu cho cộng đoàn bằng âm thanh. 4. Hiện hữu với cộng đoàn khi chạm đến sự đồng cảm nơi họ và họ cảm nhận được cái hay của tác phẩm, thể hiện rất rõ qua những bản nhạc được nhiều người trong cộng đoàn yêu thích. Như đã nói ở các phần trên, chính người nhạc sĩ cần phải chuẩn bị trước tiên những chất liệu làm nên tác phẩm của mình với nhiều thứ cân nhắc (không phải chỉ về nhạc lý, âm vực và tầm cữ, cách hòa âm… mà còn ý hướng và sự chọn lọc kĩ lưỡng về lời ca, tứ thơ và ý nhạc, đối tượng họ viết cho…). Người ca trưởng cũng vậy, cần phải có những kiến thức nền về âm nhạc và phụng vụ, cũng như quan tâm đến nhu cầu mục vụ của cộng đoàn mình phục vụ thay vì chỉ vì sở thích riêng, để truyền đạt lại cho ca viên và nhạc công tâm huyết của nhạc sĩ qua tác phẩm của họ. Chính các ca viên và nhạc công cũng vậy, đến lượt mình, cũng cần phải trình tấu thế nào để người ta có cảm giác thánh thiêng của thứ âm nhạc giúp nâng tâm hồn lên thay vì cứ rống gân cổ lên mà gào thét như rao hàng ngoài chợ… Nhiều khi tác giả không có lỗi khi viết bài hát, nhưng vì ca trưởng và ca viên, nhạc công không diễn tả đúng sắc thái và phong cách của thánh ca nên tác giả bị vạ lây. Và ngược lại, có những tác phẩm tưởng chừng như rất “đời”, rất nhộn nhịp khi nghe các ca đoàn khác trình bày, đến khi vào tay một ca trưởng hiểu biết về thánh nhạc thực thụ và một ca đoàn được tập luyện về mạnh nhẹ khi trình tấu và nắn nót kĩ lưỡng đi kèm với những nhạc công biết cách dùng âm thanh sốt sắng, chừng mực và nghệ thuật, thì tác phẩm được mặc bộ áo hết sức trang trọng, tốt đẹp và giúp cộng đoàn cầu nguyện thật tâm tình. Còn nếu không đủ ý thức và chuyên môn, thì một bài thánh ca chỉ note đen và móc đơn cũng có khả năng kích động, gây chia trí và thậm chí là mệt mỏi bực bội cho người nghe và được hát như một bài hát đời thuần túy. Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng nhận định: “Vấn đề chính vẫn là ở phía người sử dụng phải được trang bị khả năng phán đoán và lựa chọn. Chọn lựa âm nhạc thích hợp cho phụng vụ không chỉ đòi hỏi một hiểu biết về sự chính xác của bản văn và giá trị của bài hát. Việc lựa chọn còn đòi hỏi một hiểu biết về cấu trúc vĩ mô và vi mô của cử hành phụng vụ để phân biệt đâu là trọng tâm của nghi thức, rồi khám phá ra làm thế nào để âm nhạc có thể đóng góp cho sự trọn vẹn của buổi cử hành”[29].

Ngoài ra, chúng ta hãy trở lại một lần nữa với vấn đề nhạc cụ. Trước công đồng Vatican II, Giáo Hội chỉ cho phép một nhạc cụ duy nhất được coi là xứng hợp với phụng vụ, đó là đàn organ. Sau công đồng Vatican II, Giáo Hội với nỗ lực hội nhập văn hóa, đã khiêm tốn nhận ra nơi các nền văn hóa khác nhau những “hạt mầm” của Lời Thiên Chúa, và cụ thể nơi các nhạc cụ, nên Giáo Hội trân trọng tất cả các nhạc cụ. Không có nhạc cụ nào bị im tiếng trước mặt Chúa, vì trong các thánh vịnh, chúng ta thấy đầy dẫy các nhạc cụ cùng hòa tấu tung hô Chúa. Tuy nhiên, công đồng Vatican II dạy rằng phải sử dụng chúng “trong các việc thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu” như Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc số 82-85 trích dẫn ở trên. Khổ là vậy! Sử dụng các nhạc cụ một cách thích hợp sao để xứng đáng với phụng vụ là một điều rất tương đối, vì tùy thuộc theo cảm nhận của mỗi nhạc công, mỗi ca trưởng và mỗi người tham dự thánh lễ nữa. Có người cho rằng đã “êm ái lắm rồi đó!”, còn có người thì vẫn cho rằng “lào xào như cái phòng trà!” Và vì nhận thức của mỗi người khác nhau, hoàn cảnh mỗi cộng đoàn cũng khác nhau, nên chuyện dễ gây ra xung đột, cự cãi và tấn công nhau là rất dễ xảy ra, không chỉ ở ngoài đời mà còn ở trên mạng xã hội nữa. Vì vậy, rất cần phải đào tạo thẩm mỹ về phụng vụ và thánh nhạc, để người nhạc công biết cách sử dụng âm thanh thế nào giúp cộng đoàn cầu nguyện. Nếu biết cách sử dụng, thì rải piano hay guitar cũng rất êm ái và sốt sắng, còn nếu không biết cách sử dụng, thì đánh đàn organ cũng gây chia trí vì đinh tai nhức óc. Nhạc cụ không có tội, quan trọng là người sử dụng có biết cách hay không, tuy nhiên, cũng cần lưu ý: “tránh dùng những âm thanh xa lạ với phụng tự vì sẽ gây chia trí hơn là giúp cầu nguyện”[30] (chẳng hạn như những tiếng cosmic với hiệu ứng gây chia trí rất rõ, hay các tiếng trong bộ user mà các đàn organ điện tử thường tích hợp…) Trong những thánh lễ đại triều ở Vatican, vẫn có sử dụng những bài hòa tấu bằng dàn kèn đó thôi, nhưng cung cách họ chơi thì hoàn toàn khác biệt với phong cách chơi kèn ở Việt Nam chúng ta, đến nỗi người ta chẳng phân biệt giữa kèn đám ma và kèn đi rước (vì bổn cũ soạn lại, chơi những bài y chang nhau, vừa đinh tai nhức óc vừa xập xình đến mức lộn xộn…). Chính vì thế nên chả trách nhiều vị trong hàng giáo sĩ đâm ra dị ứng với kèn trống vì không thấy sốt sắng gì khi sử dụng chúng trong phụng vụ mà chỉ thấy gây chia trí, có thêm người đột quỵ vì giật mình và ép tim! Tuy nhiên, càng ngày, bên cạnh những dàn kèn vẫn duy trì tình trạng như cũ, thì người viết nhận thấy có các dàn kèn Công Giáo có sự đầu tư nghiêm chỉnh hơn và những bản phối cho dàn kèn ở Việt Nam càng ngày càng có chất lượng, càng sốt sắng hơn và trang nghiêm xứng đáng với phụng vụ hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Vì vậy, có lẽ cần phải vừa “ôn cố”, vừa “tri tân” bởi vì “trong thời chúng ta, Hội Thánh vẫn mong muốn mang đến những cái mới bên cạnh những cái cũ”[31], như lời Chúa dạy là cần phải như một người biết lợi dụng những cái mới và cũ trong kho tàng của mình (Mt 13,52). Bỏ đi quá khứ và những truyền thống cổ kính của mình là thiếu khôn ngoan, và không cập nhật mới những gì tốt lành trong hiện tại vì không chân nhận được những gì Thiên Chúa tiếp tục ban tặng để loan báo về Tin Mừng cho con người hôm nay cũng là thiếu khôn ngoan. Vấn đề là cần đào tạo để cả hai khuynh hướng khác nhau trong thánh nhạc đều phát triển, đều có đất để sống và phục vụ và tôn trọng lẫn nhau. Cũng không phải là một thứ thỏa hiệp hình thức trên bề mặt, bằng mặt chứ không bằng lòng, vì miễn sao “nước sông không phạm nước giếng” là đủ. Nhưng cần làm sao mỗi người thực sự đón nhận những khác biệt của nhau, nhận ra sự quý giá của nhau và chân nhận nhau cùng là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo Hội. Đó là nỗ lực sống đặc tính công giáo trong lĩnh vực thánh nhạc vậy.

Con Chiên Nhỏ

Lễ thánh Cecilia 2024

[1] “Những ngày đó, con đã khóc biết bao khi nghe những bài thánh ca và thánh thi được xướng lên trong Giáo Hội của Chúa. Các lời đó lọt vào tai con, và chân lý thấm vào lòng con. Vì thế, con đã cảm động đến ứa nước mắt và con cảm thấy sung sướng…” (Ib.q.IX,vii, 15, trang 272-274)

[2] Tên một tác phẩm Thần học về Truyền Giáo của Stephen B. Bevans & Roger P. Schroeder (cha Ngô Quang Tuyên biên dịch)

[3] Tên một tác phẩm Thần Học Luân Lý của cha Bernard Haring (cha Nguyễn Đức Thông CSsR biên dịch)

[4] ỦY BAN THÁNH NHẠC (trực thuộc HĐGMVN), Hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc, (bản cập nhật tháng 04/2022), số 116

[5] Sđd, số 189

[6] Sđd, số 71

[7] Chuyện này hầu như hiếm khi thực hành trong thực tế… Đa số chỉ xướng không đàn, nên người ta cho rằng nhàm chán chăng?

[8] J. AUGUSTINE DI NOIA, OP, Thư trả lời của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích về Bộ lễ Kyrie và Thánh Vịnh Đáp Ca, Vatican 03/02/2010

[9] Dĩ nhiên còn phải kể đến đối tượng tham dự của các bài thánh ca này nhắm đến, không phải chỉ xét một yếu tố này. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có các bài thánh ca không phải viết cho giới trẻ nhưng ngôn ngữ rất thế tục và xoàng xĩnh, có lẽ không phù hợp với phụng vụ cho bằng những chương trình ca nguyện ngoài phụng vụ hay giao lưu văn nghệ…

[10] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 112c

[11] Nhân tiện, thánh ca dành cho thiếu nhi hiện nay vẫn là một mảng vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì đã có những tác giả và tác phẩm viết cho các em, nhưng không đủ sức hấp dẫn các em. Một số tác phẩm, các em đến độ không thèm hát vì cho rằng “tác giả coi thường thiếu nhi quá!” Ngược lại, vẫn thiếu, vì trong lễ thiếu nhi mà cứ hát những bài “cuộc tình hôm nay…”, “hoang đàng xót xa tội đời” thì đâm ra kì quá… Tác phẩm và tác giả không có tội, nhưng người chọn bài hát không nên “làm mất” tuổi thơ của các em khi chọn hát trong những thánh lễ thiếu nhi như vậy. Giảng cho thiếu nhi đã khó, thì viết nhạc cho thiếu nhi còn khó hơn, vì làm sao vừa hay mà vừa sốt sắng!

[12] GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI SSS, Thánh nhạc trong Thánh Lễ giới trẻ, trích Bản Tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 126, https://hdgmvietnam.com/

[13] ỦY BAN THÁNH NHẠC, Thông cáo số 2 – Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ, số 3b

[14] Sđd, số 78

[15] Xin xem thêm bài viết Hiểu thế nào cho đúng về việc hát cộng đồng của cùng tác giả.

[16] Sđd, số 68-75

[17] Sđd, số 76

[18] Sđd, số 78

[19] Sđd, số 67

[20] Ủy Ban Thánh Nhạc, Thông Cáo Số 2 – Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ, số [3]

[21] Tuy nhiên, việc tập luyện hát bình ca latin luôn được khuyến khích nằm trong phần đào tạo và huấn luyện của các chủng sinh, nhà dòng. Uớc gì nó cũng có thể có mặt trong các giáo xứ.

[22] Một số ví dụ: Bài thánh ca buồn (Nguyên Vũ), Mùa sao sáng (Nguyễn Văn Đông), Chúa Hòa Bình (Phạm Duy), Và con tim đã vui trở lại (Đức Huy)… Những bài ca này là nhạc đời chứ không phải là thánh ca.

[23] P.KIM, Thánh Ca Việt Nam, Từ Một Góc Nhìn Khác, https://hdgmvietnam.com/

[24] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Từ Thánh Nhạc Đến Nhạc Phụng Vụ, 2010, https://hdgmvietnam.com/

[25] Nên phân biệt organ (pipe organ – đại phong cầm) với electronic organ, các organ điện tử hay đàn điện tử (keyboard)

[26] ĐTC Bênêđíctô XVI, Diễn văn chào mừng dịp làm phép đại phong cầm mới tại Regensburg’s Alte Kapelle, Regensburg, Germany (13-9-2006)

[27] 1 Sb 15, 20-21

[28] Sđd, số 82-85

[29] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Từ Thánh Nhạc Đến Nhạc Phụng Vụ, 2010, https://hdgmvietnam.com/

[30] ỦY BAN THÁNH NHẠC, Thông cáo số 1 của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Thánh nhạc năm 1994, II, 4b

[31] Sđd, số 77

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!