Câu Chuyện Sống Đạo

SỐNG ĐẠO

Những vị Thánh tử đạo Miền Nam

Tháng mười một 28, 2024 11:02 sáng
Chia sẻ
Chia sẻ

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn vinh 117 vị Hiển Thánh (Sanctus) Tử Đạo Việt Nam được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong ngày 19/06/1988. Các vị này chỉ là đại diện của mọi tầng lớp tín hữu đã hy sinh tính mạng vì đức tin Công Giáo, là giáo sĩ (giám mục, linh mục, phó tế, chủng sinh), tu sĩ (dòng Đaminh, dòng Phanxicô, dòng Tên, dòng Mến Thánh Giá…), giáo dân (thầy giảng, trùm họ, hiền mẫu hay gia trưởng, thanh niên hay thiếu nữ, thiếu nhi hay lão niên…). Các vị thuộc mọi ngành nghề trong xã hội, từ tướng cướp đã sám hối (như thánh Phaolô Trần Văn Hạnh) đến quan thái bộc tam phẩm của triều đình (như thánh Micae Hồ Đình Hy), từ quan thị vệ nhà vua (như thánh Phaolô Tống Viết Bường) tới lính quèn thôn xã (như thánh Nicôla Bùi Đức Thể), từ thợ mộc (như thánh Phêrô Phan Hữu Đa) đến thương gia (như thánh Matthêu Lê Văn Gẫm), từ chánh tổng (như thánh Giuse Phạm Trọng Tả) đến lương y (như thánh Simon Phan Đắc Hòa). Các vị thuộc nhiều quốc tịch khác nhau (trong 117 vị, có ba nhóm quốc tịch chính là Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha. Về quê quán của các vị là người Việt Nam, đa số là những vị sống ở các giáo phận miền Bắc và Trung. Ít ỏi trong số ấy là các thánh tử đạo là người miền Nam hay đã tử đạo tại miền Nam.

museum

Nhân lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin lần giở lại những trang sử hào hùng xưa, chiêm ngắm chân dung các đấng tử đạo xưa đã từng sống, từng ngược xuôi và đổ máu đào trên mảnh đất miền Nam này để thêm lòng tri ân các đấng anh hùng tổ tiên. Những tư liệu này đa số được tham khảo từ cuốn Thiên Hùng Sử (Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ, 1990) và Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (HĐGMVN, 2018) cũng như những ghi chú thêm vào của người viết bài. Thứ tự các thánh được xếp theo năm sinh của các vị.

  1. THÁNH GIUSE TRẦN VĂN LỰU – TRÙM HỌ (1790 – 1854) – NGÀY TỬ ĐẠO: 02/05

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1790 tại họ Cái Nhum, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình đạo đức, sốt sắng thờ phượng Chúa. Vì cuộc sống cơ cực, năm lên mười tuổi, cậu Lựu và bốn em theo cha mẹ đến vùng đất mới, sau định cư tại Mặc Bắc.

Thuở thiếu thời, đôi khi cậu Lựu ham thích vui chơi, nhưng đến khi lớn tuổi thì biết sửa đổi tính nết. Cậu Lựu lập gia đình, sinh được bảy người con, chuyên cần giữ đạo Chúa. Ông Lựu được tín nhiệm bầu làm trùm nhất họ Mặc Bắc. Với tính tình điềm đạm, từ tốn, khoan dung, ông có biệt tài hòa giải các cuộc cãi vã, tranh chấp trong làng hay họ đạo. Ngoài ra, ông trùm Lựu thường tiên liệu để các thừa sai và các linh mục có nơi trốn tránh, nương thân trong những cơn bắt đạo.

Tháng Ba năm 1851, vua Tự Đức ban hành một chiếu chỉ cấm đạo khắc nghiệt hơn. Lúc này, cha Philipphê Phan Văn Minh chuyển về thay thế cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu. Trong họ đạo có mấy tên rượu chè cờ bạc muốn được nhận tiền thưởng nên kéo lên quan tỉnh tố cáo xứ đạo họ Mặc Bắc chứa chấp đạo trưởng. Vào đêm 26/02/1853, quan quân vây chặt nhà ông trùm Lựu, tung cửa tràn vào khám xét. Ông bà trùm Lựu bị tra tấn, đánh đập dồn dập nhưng vẫn can đảm không khai ra nơi các linh mục đang ẩn nấp. Cha Philipphê Minh ẩn mình trong cái rương xe, thấy con cái phải đau khổ, nên ra trình diện và tự nhận mình là đạo trưởng. Quan ra lệnh đóng gông, trói cha Philipphê Minh, ông bà trùm Lựu và mọi người trong nhà, giải về tỉnh Vĩnh Long.

Trong chốn lao tù, ngày qua ngày, bị tra tấn, dụ dỗ, dọa nạt, ông trùm Lựu vẫn vững vàng tuyên xưng đạo thánh. Vì tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh hoạn, đeo gông mang xiềng, ông trùm nhất Nguyễn Văn Lựu trút hơi thở cuối cùng trong đêm 02/05/1854. Thi hài vị chứng nhân đức tin được đưa về an táng trong nền nhà thờ của họ Mặc Bắc vừa mới bị triệt hạ. Đám tang ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu là trường hợp họa hiếm trong thời cấm đạo ngặt. Bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra, bốn linh mục và độ 2.000 tín hữu đã tiễn đưa linh cửu ông đến an táng trong khu thánh đường họ Mặc Bắc Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu được nâng lên hàng chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

  1. THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG (NĂM THUÔNG) – TRÙM CẢ (1790 – 1855) – NGÀY TỬ ĐẠO: 15/07

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông sinh năm 1790, tại họ Gò Thị, xã Xuân Phương, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Tính theo quê quán, thánh Anrê Thông thuộc về miền Nam Trung Bộ, không phải là vị thánh tử đạo sinh ra ở miền Nam Bộ, nhưng đã tử đạo tại Mỹ Tho, thuộc miền Tây Nam Bộ, nên người viết cũng kể vắn tắt ở đây. Vì trung kiên với đức tin, ông bị bắt và sau ba tháng lao tù, ông trùm Thông lãnh án phát lưu vào Vĩnh Long. Các con dự định bỏ tiền ra xin giảm án nhưng ông cản: “Các con cứ để Thánh Ý Chúa được thực hiện”. Vì tuổi già sức yếu, đường lưu đày xa xăm, lại thêm gánh nặng gông xiềng nên hành trình lưu đày của ông gặp nhiều khó khăn. Khi đến Bình Thuận, ông gặp cha Nguyễn Kim Thủ, con trai ông, và xin lãnh nhận Bí tích Giải tội.

Ngày 15/07/1855, khi ông đến đất Mỹ Tho thì ông qua đời. Ông trùm Nguyễn Kim Thông được an táng tại Cái Nhum. Năm 1857, cha Nguyễn Kim Thủ xin cải táng ông về nhà thờ Gò Thị. Hiện nay, hài cốt của thánh nhân được đặt tại Tòa Giám mục Qui Nhơn. Ông trùm họ Anrê Nguyễn Kim Thông được nâng lên hàng chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

  1. THÁNH EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG – CÂU HỌ (1796 – 1859) – NGÀY TỬ ĐẠO: 31/07

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước (Cù Lao Giêng), tỉnh An Giang, thị xã Châu Đốc. Vì tính tình cương trực, nhiệt thành chăm lo cho việc chung nên ông Phụng được giáo hữu tín nhiệm bầu làm ông câu họ Đầu Nước. Ngày nay, họ đạo Cù Lao Giêng vẫn giữ được nét cổ kính nơi ngôi nhà thờ lịch sử, gần đó là dòng Phanxicô và dòng Chúa Quan Phòng và những họ đạo xưa khác nữa.

Nhờ có nhiều tài đức, ông câu Phụng vận động giáo dân toàn họ đạo góp công góp của, tái thiết nhà thờ họ khang trang, thoáng mát và xây dựng nhà các dì dòng Chúa Quan Phòng. Ông đã biến họ Đầu Nước thành nơi dung thân an toàn cho các thừa sai và hàng giáo sĩ bản quốc. Ông câu Phụng ước ao có linh mục ở lại họ đạo Đầu Nước để dâng Thánh lễ cho giáo dân. Trong những dịp lễ lớn, bằng mọi cách, ông tìm rước cho bằng được một linh mục về dâng Thánh lễ hay cho các bệnh nhân hấp hối được xức dầu. Trong thời gian có bệnh dịch, ông câu mua chiếc thuyền con và chính tay ông cầm lái, rước cha đi khắp mọi nơi ban bí tích cho con chiên trong giờ phút cận tử.

Quan huyện địa phương xét thấy sinh hoạt đạo Chúa không gây mất trật tự hay nguy hiểm cho làng nước. Hơn nữa, nhà quan vẫn thường nhận tài trợ của ông câu Phụng. Vì thế, khi nào có lệnh khám xét hay truy lùng linh mục, quan huyện âm thầm cho người báo tin trước để ông câu Phụng có đủ thời gian thông tin cho giáo hữu cất giấu ảnh tượng và đồ thờ phượng. Chẳng may, trong vùng có hai tên chuyên cờ bạc là Nên và Miêu. Hai tên này muốn lợi dụng cơ hội làm tiền nên chia phiên nhau trèo lên cây xoài gần vườn nhà ông câu Phụng để theo dõi, quan sát diễn biến trong nhà. Mùa Đông năm 1858, hai tên này phát hiện bóng dáng linh mục thừa sai Pernot – Định tạm trú trong nhà ông câu Phụng. Đêm đó, khi mọi người đã an giấc, thừa sai Jean Pernot – Định mở cửa đi dạo trong sân sau, hít thở không khí trong lành và lần chuỗi Mân Côi. Hai tên do thám nhìn thấy, vội vã chạy đi báo tin cho quan trấn thủ Châu Đốc. Chúng tố cáo gia đình ông câu Phụng chứa chấp linh mục Tây dương và xin phái ngay quan lãnh binh điều động bính lính đi bắt chứ đừng dùng quân lính của quan huyện vì theo họ, quan huyện đã ăn tiền, thông đồng với người Công giáo và giúp họ che đậy.

Sáng ngày 07/01/1859, ông câu Phụng vẫn chưa hay biết có quan quân đến nhà. Khi cha Pernot – Định và cha Đoàn Công Quí, cha sở mới họ Đầu Nước, vừa dâng lễ xong thì có người chạy đến đưa tin quan trấn thủ Châu Đốc đi thuyền và theo đường bộ đang tiến đến bao vây nhà ông câu Phụng. Ông điềm tĩnh nhờ ông biện Vi đưa hai cha đi trốn, nhưng cha Quí quyết định ở lại vì nghĩ rằng cha có thể hoà mình vào đám đông mà trốn thoát. Quan quân tràn vào nhà bắt trói và hăm dọa đánh ông câu Phụng. Thấy thế, cha Quí động lòng thương nên tự nhận mình là linh mục. Quan lãnh binh hạ lệnh bắt trói cha Quí, ông câu Phụng và 32 giáo hữu giải về Châu Đốc. Tại công đường, ông câu hiên ngang xác nhận gia đình ông đã đón tiếp, làm nơi ẩn náu cho các linh mục Tây dương.

Sáu tháng trong cảnh tù tội, dù bị tra tấn, khuyên nhủ, dụ dỗ, ông câu vẫn cương quyết im lặng, không khai báo về các thừa sai và không bỏ đạo. Chẳng hy vọng các tù nhân đức tin đổi ý, quan trấn Châu Đốc gửi án về kinh xin vua Tự Đức xử giảo (xiết cổ) ông câu vì tội chứa chấp linh mục. Ngày 31/07/1859, hai vị được dẫn ra khỏi thành bằng cửa tả đến Cây Mẹt, xóm Chà Và. Ông câu Phụng trăng trối với các con hãy tha thứ cho những người đã tố cáo và xin chôn ông bên cạnh cha sở. Hai vị thầm lặng quỳ xuống và cha Quí ban Bí tích Giải tội cho ông câu Phụng. Sau ba tiếng chiêng lệnh, cha Quí bị chém đầu; ông câu Phụng bị xiết cổ bằng dây thừng. Ban chiều, quan trấn cho phép gia đình thân nhân rước thi hài ông câu Phụng về an táng trong nền nhà thờ họ Đầu Nước. Ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng được nâng lên hàng chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

  1. THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN VĂN LỰU – LINH MỤC (1812 – 1861) – NGÀY TỬ ĐẠO: 07/04

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Ngày nay, họ đạo Gò Vấp – một họ đạo cổ kính tại hạt Xóm Mới – chính là quê hương của ngài. Ngài dâng mình cho Chúa và được gửi theo học tại Chủng viện Penang, Malaysia, dọn mình thụ phong linh mục.

Trở về nước, cha Lựu được ủy thác coi sóc các họ đạo Mặc Bắc, Sa Đéc và Mỹ Tho. Cha quan tâm giảng dạy giáo lý và thường xuyên thăm viếng từng gia đình trong các họ đạo. Giáo dân rất quý mến và lắng nghe lời khuyên nhủ dạy bảo của cha. Cha Lựu năng tiếp xúc với dân cư sông nước Cửu Long, miền Tây Nam bộ, nên nhiều khi cũng uống rượu để hòa đồng với họ. Thế rồi một hôm, đang đi trên thuyền, cha Lựu mời cha Thuyết đang ở thuyền khác qua uống vài “xị”, nhưng cha Thuyết nhất mực từ chối, nói đến các tai hại do rượu. Ngay giờ phút ấy, cha Lựu ném chai rượu xuống sông và quả quyết: “Từ hôm nay tôi không uống nữa”. Trong suốt quãng đời còn lại, cha đã trung thành giữ lời hứa.

Mùa xuân năm 1853, đang coi sóc họ đạo Mặc Bắc, cha Lựu được thuyên chuyển sang họ đạo Ba Giồng, gần Mỹ Tho. Mùa đông năm 1860, cha thường cải trang vào tù thăm viếng các giáo hữu thuộc vùng Xoài Mút và Ba Giồng đang bị gông cùm, xích xiềng vì đức tin. Cha đem Mình Thánh Chúa đến cho họ, an ủi, khích lệ họ.

Cha Lựu bị phát hiện và ngài đã can đảm nhận mình là đạo trưởng. Cha bị tống giam, chịu chung số phận với giáo dân, cùng chia sẻ roi đòn, tra tấn và nhiều hình khổ trong lao tù với họ. Dù bị tra tấn, cha vẫn kiên trì giữ vững đức tin, quả quyết đáp lời quan án tại công đường: “Đạo Thánh đã thấm nhập vào xương tủy tôi rồi, tôi làm sao bỏ được. Vả lại, một người giáo hữu thường, một thầy giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống chi tôi đây là đạo trưởng”.

Cha bị án trảm quyết và bản án được thi hành ngày 07/04/1861, tại pháp trường ngoài thành Mỹ Tho. Quân lính dẫn vị chứng nhân đức tin ra khỏi cửa thành độ một cây số, rồi chém cha ngay bên vệ đường. Thi hài cùng với gông cùm và một chiếc bình đất vấy máu được giáo dân rước về an táng tại giáo xứ Ba Giồng. Giáo phận Mỹ Tho tôn vinh và nhận Ngài làm Thánh Bổn mạng của Giáo phận. Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu được nâng lên bậc chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988. Ngài là bổn mạng của giáo phận Mỹ Tho.

  1. THÁNH MÁTTHÊU LÊ VĂN GẪM THƯƠNG GIA (1813 – 1847) – NGÀY TỬ ĐẠO: 11/05

Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 tại họ đạo Tắt, làng Long Đại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc phường Long Phước, thành phố Thủ ĐứcThành phố Hồ Chí Minh, thuộc Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, ). Trang sử của giáo xứ Thánh Gẫm ghi nhận: “Thành lập năm 1848, xứ đạo Gò Công (tên gọi xưa của giáo xứ Thánh Gẫm) được xếp vào hạng các họ đạo lâu đời ở Tổng Giáo phận, chỉ sau Chợ Quán và An Nhơn… Thuở đó, đa phần giáo dân ở đây làm nghề nông, chỉ riêng gia đình Thánh Gẫm làm nghề thương mại. Để có nơi thờ phượng, sớm hôm kinh lễ cầu nguyện, giáo xứ đã dựng nên ngôi nhà nguyện với mái và tường đều bằng lá tranh, mà nền móng của nó là nền của nhà thờ hiện nay. Ngôi nhà nguyện được kính dâng Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, một giáo dân của giáo xứ đã tử đạo một năm trước khi thành lập giáo xứ, đó là năm 1847.”

Thánh Gẫm là trưởng nam trong một gia đình có sáu người con. Năm 15 tuổi, ngài gia nhập Chủng viện Lái Thiêu, nhưng vài tháng sau, cha mẹ đến xin ngài trở về phụ giúp việc nuôi dưỡng các em vì gia đình đông con. Năm 1833, ngài kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ đạo Thành, làng Long Điền, phủ Phước Tuy (Bà Rịa). Vợ chồng sống chan hòa êm ấm và sinh hạ được bốn người con. Trong nghề thương nhân, di chuyển xa gia đình, xác thịt yếu đuối, một lần ngài sa ngã, đeo đuổi một phụ nữ khác. Khi thức tỉnh, ngài cương quyết từ bỏ mối tình ngang trái, nhiệt tâm yêu thương vợ con và chăm lo giáo dục con cái sống đạo.

Ông Gẫm có chiếc ghe bầu lớn và rành nghề sông nước. Ông không sợ nguy hiểm đi đón Đức cha Lefèbvre – Ngãi, cha thừa sai Pierre Duclos – Lộ và ba chủng sinh, cùng chuyên chở ảnh tượng, đồ thờ tự, rượu lễ, sách vở tôn giáo trên chiếc ghe bầu. Trên đường về, ông bị ghe tuần tra phát hiện, lục soát và bắt gặp hai thầy người Pháp. Ông lái Gẫm năn nỉ cho mỗi tên một nén bạc nhưng chúng không chịu nhận bạc và đưa chiếc ghe bầu về Cầu Gọ. Đức Cha, cha thừa sai Lộ và mọi người dưới ghe bình an, nhưng ông lái Gẫm bị bắt đóng gông.

Hơn hai mươi ngày bị thẩm vấn, tấn khảo hai ba chục roi nhưng ông lái Gẫm vẫn kiên trì trong niềm tin. Quan kết tội buôn bán lậu, chở lén người tây, sách tây và xin lệnh chém đầu từ kinh thành. Ngày 11/05/1847, tại pháp trường chợ Da Còm (tên một cây đa tróc gốc cằn cỗi ở đó (nay là xứ Chợ Đũi, khi đó còn thuộc xứ Chợ Quán),Chợ Đũi), binh lính trải chiếu, chặt xiềng rồi mở trói. Ông lái Gẫm quỳ gối, cúi đầu, đấm ngực thống hối và lãnh án xử trảm. Thi hài của ngài được an táng tại Mật Cật. Sau đó, Đức cha Lefèbvre – Ngãi cho cải táng đưa về nền nhà thờ cũ giáo xứ Chợ Quán. Ngày nay, gần nhà thờ Chợ Đũi (Huyện Sĩ) còn đền thờ có thánh tích gông và xiềng của ngài, và trong sân nhà thờ còn tượng của thánh nhân. Thương gia Matthêu Lê Văn Gẫm được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

  1. THÁNH PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH – LINH MỤC (1815 – 1853) – NGÀY TỬ ĐẠO: 03/07

Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 thuộc họ đạo Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long. Ngài là con trai thứ 12 trong một gia đình Công giáo đạo hạnh có 14 anh em. Năm 1828, sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức từ Đức cha Jean Taberd – Từ tại họ Cái Mơn, cậu Minh, 13 tuổi, mạnh dạn đến xin Đức cha cho nhập nhà trường Latinh. Ít lâu sau, cậu Minh đến gặp Đức cha Taberd – Từ tại họ Ba Giồng và lên đường về Chủng viện Lái Thiêu.

Khi quan quân vây hãm trường Latinh Lái Thiêu, Đức cha Taberd – Từ xuống tàu đưa chủng sinh gởi sang tu học tại Trường Chung Penang. Thầy Minh thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ và chữ Nho. Năm 1838, Đức cha Taberd – Từ gửi thư gọi hai thầy Minh và Hoan sang Calcutta (Ấn Độ) để hợp tác với ngài soạn bộ tự điển Latinh – Việt Nam. Không may, Đức cha Taberd – Từ lâm bệnh nặng và từ trần ngày 17/07/1840. Hai thầy Minh và Hoan lâm cảnh mồ côi trên đất khách quê người. Một giáo sĩ dòng Tên đã mua vé tàu thủy để hai thầy trở lại Penang, mang theo một số sách tự vị vừa mới in xong. Mãn khóa học, thầy Minh giã từ Chủng viện Penang trở về quê hương hoạt động mục vụ bên cạnh Đức cha Cuenot – Thể, tại Tòa giám mục ở Gò Thị, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1846, lúc thầy 31 tuổi, Đức cha Cuenot – Thể đã xức dầu phong chức linh mục cho cha Phan Văn Minh, trong hoàn cảnh nguy nan, bách hại.

Đấng bản quyền trao trách nhiệm cho cha Minh chăm sóc, an ủi đoàn chiên, ban bí tích cho các tín hữu từ họ đạo Mặc Bắc đến tận Nam Vang. Cha Minh ngập tràn niềm tin yêu, hăng say ban phát công tác tông đồ cho đồng bào thân thương trong vùng Nam kỳ Lục Tỉnh Thật vậy, cha Minh đã đi thăm viếng, dạy kinh cho các tín hữu vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Những làng như Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Búng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi San, Chà Và, Mặc Bắc, Cái Đôi… đều còn ghi dấu chân truyền giáo của cha. Cha Minh nổi bật về hai phương diện: Lòng kính mến Đức Trinh Nữ Maria và nhiệt tâm huấn luyện các mầm non ơn gọi tận hiến.

Một hôm, quan lớn cho bắt ông bà trùm Lựu đánh đập, tra khảo nơi ẩn giấu linh mục. Hai người con của ông là Danh và Nhiên kêu khóc thảm thiết. Thấy vậy, từ nơi ẩn trú, cha Minh bước ra trình diện: Xin quan ngừng tay, chính tôi là “linh mục Minh”. Quan lãnh binh ra lệnh dẫn cha Minh, ông trùm Lựu và mấy quý chức họ Mặc Bắc về giam tại khám đường Vĩnh Long.

Án lệnh từ kinh đô Huế về đến công đường Vĩnh Long. Ngày 03-07-1853, cha Minh bình an, lần chuỗi tiến ra pháp trường. Lời nguyện cuối cùng của cha còn âm vang trong lòng những người hiện diện: “Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Đức Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ để vinh danh Ngài. Lạy Mẹ Maria, xin nâng đỡ con”. Thi hài của cha được an táng trong lòng Nhà thờ Cái Mơn. Năm 1960, hài cốt của ngài được đưa về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong dịp lễ Cung hiến thánh đường. Nay, phần lớn hài cốt của cha thánh Philipphê Minh được lưu giữ tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, nơi cha đã có thời gian từng tu học. Gần chỗ cha chịu trảm quyết ở pháp trường Đình Khao, giáo phận Vĩnh Long đã xây tượng và trung tâm hành hương. Cha Philipphê Phan Văn Minh được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988. Bộ phim “Áo Dòng Đẫm Máu” là một bộ phim thuộc thể loại lịch sử Công giáo, bối cảnh diễn ra dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, với đạo diễn là NSND Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) thủ vai cha thánh Minh. Phim quay xong năm 1959, do hãng phim Mỹ Vân thực hiện và ra mắt năm 1960 tại Miền Nam Việt Nam. Kịch bản phim của cố linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, Dòng Chúa Cứu Thế. Phim nói về cuộc tử đạo của Thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức. Ngài là thánh bổn mạng của giáo phận Vĩnh Long.

  1. THÁNH PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ – LINH MỤC (1826 – 1859) – NGÀY TỬ ĐẠO: 31-07

Thánh Phêrô Đoàn Công Quí chào đời năm 1826 tại họ Búng, tổng Bình Thạnh, Thủ Dầu Một, nay là Bình Dương. Có nhiều sách vở ghi ngài tên Quý, nhưng thực ra với cách viết xưa, Quí mới đúng. Ngài là con út của ông Antôn Miêng và bà Anê Thường. Năm 21 tuổi, cậu được cha Tám giới thiệu với thừa sai Gioan Miche – Mịch để học Latinh rồi vào chủng viện thánh Giuse Sài Gòn (còn gọi là chủng viện Thị Nghè) trước khi học thần học tại Penang.

Năm 1855, thầy Quí hồi hương. Tháng 09/1858, sau ba năm chăm sóc tín hữu tại các họ đạo, cha Quí được lãnh chức linh mục tại Thủ Dầu Một. Cha được bổ nhiệm phục vụ tại các xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, rồi phó xứ Cái Mơn, Vĩnh Long. Với nhiệt tình tuổi trẻ, cha Quí vượt qua mọi gian khổ, đe dọa, hiểm nguy. Nếu bề trên không cản, cha đã nộp mạng để cứu các dì Mến Thánh Giá.

Sau cùng cha Quí được cử về giáo họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, An Giang. Khi quân tổng đốc An Giang bao vây nhà ông Lê Văn Phụng, cha Quí đã ẩn náu an toàn nhưng ra trình diện để cứu gia chủ. Cha nói “Tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo, tôi sẵn sàng chỉ dạy”. Thế là cha Quí, ông Phụng và 32 tín hữu bị xiềng xích giải về Châu Đốc. Quan tổng đốc khuyên cha bỏ đạo: “Thầy là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo”. Cha Quí trả lời: “Dạ, thưa quan tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được? Vả nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dạy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu”.

Bảy tháng trong ngục, cha Quí an ủi các bạn tù, cử hành bí tích, và cùng họ đọc kinh Mân Côi. Tại đây, cha viết một bài thơ dài gửi mẫu thân, trong đó có những câu:

“… Dầu trăng trói gông cùm tù rạc

Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề

Miễn vui lòng cam chịu một bề

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử”.

Ngày 30/07/1859, bản án trảm quyết từ kinh đô về đến Châu Đốc. Hôm sau cha Đoàn Công Quí và ông Phụng hớn hở đi ra pháp trường ở xóm Chà Và. Sau ba tiếng trống vang, quân lính thi hành lệnh xử tử và cha Quí đi về quê hương vĩnh cửu ở tuổi 33. Thi hài vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, năm 1959 được cải táng về Cù Lao Giêng. Linh mục Phêrô Đoàn Công Quí được suy tôn chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988. Hàng năm, nhà thờ Châu Đốc và những nơi liên hệ với thánh Quí đều làm lễ giỗ mừng ngài thật long trọng. Chính nhà thờ Châu Đốc cũng là nơi từng diễn ra những ơn lạ của Đức Mẹ, thêm đức tin cho giáo dân lẫn lương dân tránh khỏi những mê tín dị đoan và những tệ nạn xã hội.

Theo Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, dòng họ cha thánh sau này còn dâng hiến cho Giáo Hội nhiều linh mục là các Cha Đoàn Công Triệu (1936), Đoàn Thanh Xuân (1954), Đoàn Quang Đạt (1956) và nhiều tông đồ giáo dân nhiệt thành. Trong đó cha Đoàn Công Triệu, cháu cha thánh Quí cũng là một linh mục thánh thiện mà người viết còn giữ được hạnh đời sống của ngài từ một cuốn sách nhỏ cổ xưa tựa đề “Hai Bức Gương”. Còn cha Đoàn Quang Đạt chính là cha Phaolồ Đạt, tác giả bài thánh ca xưa “Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời”, một trong những tác phẩm được coi là sớm nhất trong nền thánh nhạc Việt Nam ở đầu thế kỉ XX.

  1. THÁNH PHAOLÔ TRẦN VĂN HẠNH – GIÁO DÂN (1827 – 1859) NGÀY TỬ ĐẠO: 28/05

Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh sinh năm 1827 tại làng Tân Triều, Biên Hòa. Kẻ viết bài đã có dịp đến kính viếng họ đạo Tân Triều cổ kính, với đặc sản là trái bưởi ngon ngọt. Với sắc chỉ cấm đạo vua Minh Mạng ban hành ngày 06/01/1833, gia đình anh Hạnh chạy về giáo xứ Chợ Quán lánh nạn. Trong hoàn cảnh loạn lạc, với tính khí hiên ngang, quả cảm, anh Hạnh trở thành tay ngang tàng trong giang hồ. Dư luận đồn đại không tốt về anh. Anh giao du với những người chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế. Tuy nhiên, Tin Mừng anh tiếp nhận thời thơ ấu vẫn không ngừng nẩy nở trong anh.

Một hôm, anh Hạnh bắt gặp đám du đãng ức hiếp một thiếu nữ. Anh ra tay nghĩa hiệp giải thoát thiếu nữ và buộc bọn du côn hoàn trả tài sản. Từ đó, đám du đãng trở thành đối nghịch và tìm cơ hội phục thù. Bọn này biết Hạnh có đạo, liền tìm đến cửa quan tố cáo. Anh Hạnh bị bắt, bị tra khảo và bị ghép tội theo giặc Tây. Anh cương quyết phủ nhận việc theo giặc, chỉ một mực nhận mình là người Công giáo. Quan ra lệnh tra tấn anh hết sức dã man để bắt anh nhận tội phản quốc và buộc anh bước qua Thập giá. Nhưng cực hình không làm thay đổi lòng anh. Anh chỉ tuyên xưng một điều: “Tôi là Kitô hữu. Tôi không bao giờ chối đạo.”

Quan thấy lòng dạ cương quyết của anh Hạnh nên ra lệnh xử trảm. Ngày 28/05/1859, chứng nhân đức tin Trần Văn Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa vào thời vua Tự Đức, khi mới 32 tuổi. Vị chứng nhân đức tin Phaolô Trần Văn Hạnh được nâng lên hàng đáng kính ngày 13/02/1879, được suy tôn chân phước ngày 27/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

  1. THÁNH PHAOLÔ LÊ VĂN LỘC – LINH MỤC (1830 – 1859) – NGÀY TỬ ĐẠO: 13/02

Thánh Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1830 tại xã An Nhơn, phủ Tân Bình (sau này là Sài Gòn) trong một gia đình đạo đức, được cha sở họ đạo Chợ Quán nhận nuôi dưỡng và gửi theo học Chủng viện Cái Nhum. Theo những gì kẻ này được biết, những địa danh cổ của Sài Gòn cũng đã xê dịch nhiều theo thời gian, An Nhơn cũng vậy, không hẳn là nhà thờ giáo xứ An Nhơn bây giờ, nhưng có thể trệch đâu đó gần đó…

Năm 1843, Đức cha Dominique Lefèbvre – Ngãi (Nghĩa) gửi thầy Lộc sang học tại Chủng viện Penang (Malaysia). Trở về năm 1850, thầy dạy giáo lý cho người dự tòng và phụ trách phụng vụ tại họ Chợ Quán. Thầy được thụ phong linh mục ngày 07/02/1857 ở Lái Thiêu, do Đức cha Lefèvbre – Ngãi truyền chức. Sau đó cha được bổ nhiệm làm giám đốc coi sóc Tiểu chủng viện tại Thủ Đức. Vì tình hình bất an, chủng viện phải dời về Thị Nghè. Vì ngài là giám đốc Tiểu Chủng Viện Thị Nghè, nên sau này các lớp chủng sinh dự bị của Tổng Giáo Phận Sài Gòn chọn ngài làm thánh bổn mạng. Hai năm sau, Chủng viện Thị Nghè phải tạm thời giải tán. Cha Lộc trốn tránh quanh vùng Sài Gòn và Gia Định, tiếp tục công việc huấn luyện các mầm non ơn gọi cho Giáo hội.

Mùa hè năm 1858, tàu chiến của Pháp đến Đà Nẵng. Quan quân tức giận càng thi hành lệnh bắt đạo gắt gao hơn. Lúc đó cha Lộc đang ẩn trú trong nhà một cựu chủng sinh. Một phụ nữ ngoại giáo bắt gặp và đi trình báo. Quan quân bao vây làng, lùng xét và bắt được cha Lộc vào ngày 13/12/1857. Họ ngạc nhiên vì thấy đạo trưởng quá trẻ. Nhưng cha Lộc tự xác nhận ngài là linh mục, xin tha cho các đồng đạo, một mình ngài nhận hết trách nhiệm. Quan tỉnh độ lượng, không tra khảo, chỉ bắt đóng gông nhẹ và giam giữ chờ lệnh.

Mùa xuân năm 1859, các tướng lãnh người Pháp quyết định chuyển hướng, đưa tàu chiến và quân lính vào chiếm tỉnh Gia Định theo Cửa Cần Giờ. Các quan liền cấp tốc tấu trình về triều đình xin vua ban hành lệnh trảm quyết tử tội Lê Văn Lộc. Vị anh hùng tử đạo bị hành quyết ngày 13/02/1859 tại pháp trường Trường Thi, (bây giờ là góc đường Hai Bà Trưng – Xô Viết Nghệ Tĩnh). khi vừa mới 29 tuổi và hai năm thụ phong linh mục. Cuộc đời vị chứng nhân đức tin tuy ngắn ngủi, nhưng đậm đà tình yêu dâng hiến, phục vụ Giáo hội và tha nhân. Chờ khi đêm xuống, giáo dân rước thi hài ngài về mai táng tại họ đạo Chợ Quán. Ngày nay, xương thánh nhân được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. Cha Phaolô Lê Văn Lộc được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988. Như vậy, họ đạo Thị Nghè cổ kính cũng có vinh dự có một thời gian là nơi cha thánh Phaolô Lộc đã từng thi hành công tác mục vụ tại đây mặc dù không chính thức đảm trách.

—————————————————————————————————————————–

Vậy, có ba thánh linh mục đã từng tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, đó là thánh Phêrô Đoàn Công Quí, thánh Philipphê Phan Văn Minh và thánh Phaolô Lê Văn Lộc. Đại Chủng Viện Sài Gòn cũng nhận thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, một vị thánh tử đạo Việt Nam thuộc giáo phận Thanh Hóa làm bổn mạng thứ hai sau thánh Giuse là bổn mạng thứ nhất. Ngoài ra, chân phước Giuse Lương Thạo Tiến người Lào cũng đã từng tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn trước khi chịu chức linh mục và tử đạo ngày 02-06-1954. Ngài và các bạn tử đạo được phong chân phước ngày 10/12/2016.

Nếu tính về giáo phận, thì Tổng Giáo Phận Sài Gòn (Tây Đàng Trong) có 4 vị xuất thân và tử đạo hay đã tử đạo tại đây (thánh Phêrô Lựu sinh ra ở Sài Gòn, tử đạo ở Mỹ Tho; thánh Phaolô Hạnh sinh ra ở Biên Hòa, tử đạo ở Sài Gòn, thánh Matthêu Gẫm và thánh Phaolô Lộc sinh ra và tử đạo ở Sài Gòn), giáo phận Mỹ Tho có 2 vị tử đạo (thánh Phêrô Lựu sinh ra ở Gia Định, tử đạo tại Mỹ Tho; thánh Anrê Thông sống ở Quy Nhơn, tử đạo tại Mỹ Tho), giáo phận Vĩnh Long có 2 vị (thánh Philipphê Minh và thánh Giuse Lựu đều sinh ra và tử đạo cũng ở đây), giáo phận Long Xuyên có 2 vị (thánh Phêrô Đoàn Công Quí sinh ra ở Búng, tử đạo ở Châu Đốc và thánh Emmanuel Phụng sinh ra và tử đạo ở giáo phận Long Xuyên). Nhìn cách chung, việc tôn kính các thánh tử đạo Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc một năm một hay hai ngày (24/11 và Chúa Nhật XXXIII TN vì HĐGMVN xin phép Tòa Thánh mừng kính trọng thể). Trong các vị thánh kể trên, có những vị thánh được “quan tâm” để mừng kính cách trọng thể hơn, trong khi những vị còn lại khá “âm thầm”. Người viết bài mong rằng, nên chăng, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, quê hương của những vị thánh này nên cổ võ hơn lòng sùng kính các ngài, những vị thánh có quê quán xuất thân từ giáo phận Tây Đàng Trong, sau này đổi tên thành Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Đó là các thánh Phêrô Lựu, Phaolô Hạnh, Mátthêu Gẫm và Phaolô Lộc, với ngày kính chính thức cần được ghi vào lịch riêng của giáo phận, và được mừng kính trọng thể như các vị thánh của các địa phương khác trên thế giới chứ không chỉ dừng lại ở việc mừng các ngài trong một ngày lễ kính chung tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là việc rất cần thiết trong lĩnh vực phụng vụ, huấn giáo và linh đạo, để khơi lên lòng sùng kính phải lẽ đối với các vị tử đạo xuất thân từ đất Sài Gòn-Gia Định xưa, để gương sáng của các ngài không rơi vào quên lãng, để dòng máu anh hùng của các ngài được hậu thế muôn đời tôn vinh. Người Công Giáo Việt Nam cũng cần cổ võ lòng sùng kính các thánh tổ tiên của mình bằng cách đặt tên thánh cho con cái của mình theo tên các ngài.

Ngoài những vị kể trên đã được Giáo Hội chính thức tuyên phong là Hiển Thánh, còn có những vị hiền phúc tử đạo được tôn kính đây đó ở miền Nam Bộ.

  1. Đấng Đáng Kính Luy Phan Văn Ngò trùm chánh họ đạo Cái Nhum (1772-1845) và Đấng Đấng Kính Phêrô Nguyễn Văn Dinh (1814-1844) ông biện họ đạo Cái Nhum. Ngày 27-9-1857: được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX tôn phong hai vị tử đạo của Giáo Phận Vĩnh Long lên bậc Đấng Đáng Kính.
  2. Đấng Đáng Kính Antôn Hồ Chí Thiện (sinh 1829 tại Sa Đéc – Tử đạo: 20/06/1859 tại Chợ Quán, Sài Gòn. Ngày 13/2/1879, ông được Đức Lêô XIII phong lên Bậc Đáng Kính, chung với 34 vị tử đạo ở các Địa phận thuộc Hội Thừa sai Paris coi sóc tại Việt Nam và Trung Hoa.
  3. Chứng tá của 27 vị Tử Đạo đã thấm xuống đất tại Ba Giồng vào năm 1862, ngày nay trở thành Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo không chỉ thuộc giáo phận Mỹ Tho mà là của Giáo Tỉnh Sài Gòn. Cha sở Phêrô Nguyễn Văn Lựu của họ đạo Ba Giồng đã tử đạo trước đó một năm.
  4. Cũng cần kể đến nhà thờ Mồ Vũng Tàu, cách nhà thờ Chánh Tòa giáo phận Bà Rịa khoảng 300m, dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ 288 hài cốt của các tín hữu Bà Rịa tử đạo vào năm 1862 tại nhà ngục Phước Lễ.

Theo trang web của giáo phận Vĩnh Long, thì “theo thống kê của các sử gia, bảy phen bắt bớ cấm đạo trong 245 năm đã tàn sát khoảng 130.000 giáo hữu Công Giáo. Trong số đó, ước chừng có 58 vị giám mục và linh mục thừa sai, 150 linh mục Việt nam, 840 thầy giảng, 01 chủng sinh, 270 nữ tu và 99.182 giáo dân. Trong số 130.000 người bị giết ấy, hồ sơ được lập đầy đủ có chừng ba đến bốn nghìn vị, để xin phong thánh. Nhưng chắc chắn chỉ mới có 117 vị được phong hiển thánh và một vị chân phúc”. Tuy nhiên, bài viết không để tác giả nên khó xác thực thông tin. Một vài nguồn tin khác cho rằng hiện nay, hơn 10.000 hồ sơ tuyên thánh của các tín hữu Công giáo Việt Nam đang được lưu giữ trong văn phòng của Thánh Bộ Tuyên Thánh ở Vatican. Người viết cũng chưa xác thực thông tin, ước mong rằng trong tương lai có dịp để tìm hiểu sâu hơn về điều này. Tuy nhiên, nếu con số các vị tử đạo Việt Nam từ khoảng 130.000-300.000 thì con số 10.000 vị có trong “danh sách chờ” có lẽ cũng không phải là nói quá. Ngoài ra từ năm 2012, cuộc điều tra tuyên Thánh cấp giáo phận cho cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành. Ngài chịu tử đạo ngày 12/03/1946 tại họ đạo Tắc Sậy, giáo phận Cần Thơ, thuộc xã Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu. Ngày 31/10/2014, Bộ Giáo lý Đức tin ra tuyên bố “nihil obstat” (không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho ngài. Nếu tính về những ơn lạ, có lẽ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đứng đầu trong những vị hiền phúc tử đạo chưa được tuyên thánh.

Con Chiên Nhỏ

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2024

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!