PHỤNG VỤ
Những thích nghi phụng vụ cho phép để cử hành Thánh lễ phong phú hơn
(NSGH) Những thích nghi phụng vụ cho phép để cử hành Thánh lễ phong phú hơn
Hội Thánh vẫn luôn trung thành với Lời Chúa dạy: “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” khi hiện diện trong dòng lịch sử. Chính vì vậy, mỗi giây phút luôn luôn có những thánh lễ được dâng lên trên mọi bàn thờ trên toàn thế giới như một lễ hy sinh liên lỉ nhằm phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người. Trong Phụng Vụ, vì “luật cầu nguyện là luật đức tin” (lex orandi, lex credendi), để duy trì sự hiệp nhất trong đức tin, có những điều bất di bất dịch trong phụng vụ như nghi thức, cử chỉ, lời nói mà vị chủ tế cũng không có quyền tự tiện thay đổi. Tuy nhiên, có những thích nghi mà phụng vụ cho phép để thánh lễ không trở nên nhàm chán mà ngược lại giúp người cử hành lẫn người tham dự cảm nhận được nét phong phú luôn mãi của phụng vụ. Thực ra chính mầu nhiệm Thánh Lễ vẫn luôn luôn phong phú, nhưng vì là con người, bị giới hạn và chi phối bởi lý trí, cảm xúc và tâm trạng, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được mọi khía cạnh trong mầu nhiệm khôn ví ấy, nếu không tìm cách để sử dụng nhiều phương thức khác nhau nhằm biểu lộ những mầu nhiệm cao cả của Thánh Lễ. Để khỏi rơi vào sự nhàm chán bởi lặp đi lặp lại mọi thứ gần như bị coi là công thức, chính vì vậy, phụng vụ dự trù những thích nghi để các tư tế và cộng đoàn có thể sử dụng nhằm làm cho thánh lễ thực sự trở nên bữa tiệc thánh hân hoan, như tự bản chất vốn có. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 24 nói rõ:
“Những thích ứng này chủ yếu hệ tại việc lựa chọn một số lễ nghi hoặc bản văn, nghĩa là các thánh ca, các bài đọc, các lời nguyện, các lời khuyên, các cử chỉ hầu đáp ứng cách thiết thực hơn với những nhu cầu, với việc chuẩn bị và bản sắc của những người tham dự. Việc lựa chọn này được ủy thác cho linh mục chủ tế. Tuy nhiên, linh mục phải nhớ rằng mình là người phục vụ Phụng vụ thánh nên không được phép tự tiện thêm bớt hoặc sửa đổi bất cứ điều gì trong việc cử hành Thánh lễ”.
Bài viết này xin liệt kê cách cụ thể những thích nghi ấy, những điều phụng vụ cho phép để việc cử hành thánh lễ trở nên phong phú hơn, chủ yếu dựa theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô – năm 2002 do Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009)
1.Những lời nói của chủ tế mà phụng vụ cho phép thích ứng:
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 31 viết:
“Với tư cách chủ tọa cộng đoàn đã được quy tụ, linh mục còn phải nói ít lời nhắn nhủ đã trù liệu trong chính nghi thức. Nơi nào chữ đỏ cho phép, thì vị chủ tế có thể thích ứng những lời nhắn nhủ cách nào đó, nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của những người tham dự. Tuy nhiên, linh mục phải chú ý tới điều này, là luôn tuân giữ ý nghĩa của lời nhắn nhủ đã được đề ra trong sách phụng vụ và dùng ít lời mà diễn tả ý tưởng đó. Linh mục chủ tế cũng phải điều hành phần lời Chúa và ban phép lành cuối cùng. Hơn nữa, chính linh mục chủ sự cũng được phép nói ít lời vắn tắt trong những lúc này: Sau lời chào đầu lễ và trước hành động thống hối để dẫn các tín hữu vào Thánh lễ trong ngày; Trước các bài đọc để dẫn vào phụng vụ lời Chúa; Trước kinh Tiền tụng để dẫn vào kinh nguyện Thánh Thể, nhưng không bao giờ được nói trong chính kinh nguyện Thánh Thể; Và trước khi giải tán để kết thúc toàn bộ việc cử hành thánh”.
Như vậy, trong thánh lễ, có rất nhiều những lời nói của chủ tế được phụng vụ cho phép thích ứng:
Những lời dẫn vào thánh lễ: vị chủ tế có thể nói lên ý chính của bài Tin Mừng (có thể trùng với chủ đề bài giảng hoặc không), tóm tắt tiểu sử vị thánh mừng kính (rất cần thiết và quan trọng, vì giáo dân nên được giới thiệu đấng mà họ mừng kính là ai, không chỉ để thông tin kiến thức nhưng chính yếu vẫn là những gương sáng đặc biệt trong cuộc đời của các ngài), tâm tình của mùa phụng vụ, ý nghĩa mầu nhiệm sắp cử hành (lễ có nghi thức riêng chẳng hạn). Những lời dẫn này được phụng vụ lưu ý: “ít lời vắn tắt” chứ không nên là một bài giảng đầu lễ.
Những lời dẫn vào các bài đọc: Chúng ta hay thấy những người dẫn lễ đọc những lời dẫn vào các bài đọc, nhưng phụng vụ dự trù chính vị chủ tế cũng có thể làm điều này. Những lời dẫn này cũng cần phải vắn gọn, tránh trường hợp kì khôi là lắm khi lời dẫn còn dài hơn cả chính bài đọc[1].
Trước các nghi thức trong phụng vụ: trước Kinh Tiền Tụng để dẫn vào Kinh Nguyện Thánh Thể như đã nói ở trên, và trong các thánh lễ có các nghi thức đặc biệt, vị chủ tế cũng có thể dừng lại một chút để giải thích ý nghĩa nghi thức. Vì không phải ai cũng hiểu biết về phụng vụ, những giải thích ngắn gọn nhưng cần thiết này có thể giúp người tham dự ý thức và cảm nhận rõ hơn, sâu hơn về những cử hành này.
Trước khi giải tán, vị chủ tế cũng có thể nói ít lời để thông báo, nhắc nhở (về giáo lý, về phụng vụ, về đời sống cộng đoàn hay giáo xứ…) Việc này chúng ta vẫn hay thấy trong thực tế. Tuy nhiên,
“trong thực tế, một số nơi thường biến thời điểm này thành những nghi thức dài dòng không phù hợp như chúc mừng nhân một dịp đặc biệt nào đó, trao chứng thư hay phát thưởng… Những việc này nên được sắp xếp sau thánh lễ, nghĩa là sau khi chủ tế ban phép lành và giải tán cộng đoàn”.[2]
2. Các lời chào đầu lễ:
Sách Lễ Roma sau Vatican II dự trù ba kiểu lời chào đầu lễ so với phụng vụ tiền Vatican II chỉ có công thức đầu tiên:
Chúa ở cùng anh chị em.
Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.
Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em.
Vì vậy, vị chủ tế có thể luân phiên thay đổi các lời chào đầu lễ này để bầu khí phụng vụ được thay đổi.
3. Các mẫu hành động thống hối:
Sách Lễ Roma cho phép không chỉ một mẫu hành động thống hối truyền thống là Kinh Cáo Mình hay Kinh Thú Nhận tùy cách dịch (Confiteor) mà đến ba mẫu hành động thống hối. Vị chủ tế có thể thay đổi luân phiên các mẫu này. Có thể thay thế các mẫu hành động thống hối này bằng nghi thức rảy nước thánh, một việc được phụng vụ khuyên rất nên được làm trong mùa phục sinh. Còn khi phụng vụ đã quy định một nghi thức khác (kiệu lá, rắc tro, khi đọc kinh Phụng Vụ trong Thánh Lễ) thì bỏ phần hành động thống hối này.
Ngoài ba mẫu hành động thống hối này, nếu muốn, Hội Đồng Giám Mục có thể xin phép Tòa Thánh để thêm vào các mẫu khác (chứ không phải là quyền thích nghi và sáng tạo của linh mục chủ tế). Trong bản văn Thánh Lễ cử hành trong Năm Thánh 2025, ngoài 3 mẫu chính thức, có 5 mẫu hành động thống hối được đề nghị.
4. Bài lễ (Kinh nguyện chủ tọa):
Bài lễ, hay còn gọi là kinh nguyện chủ tọa (lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ, lời nguyện hiệp lễ) cũng có thể được lựa chọn rất phong phú. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma từ số 352-355 quy định điều này. Số 352 nói cách tổng quát về điều này:
“Hiệu quả của Thánh lễ về mặt mục vụ chắc chắn sẽ gia tăng, nếu các bài đọc, các lời nguyện và các bài hát đáp ứng, chừng nào có thể, đối với nhu cầu, với sự chuẩn bị tâm hồn và não trạng của những người tham dự. Ðó là điều có thể đạt được nếu biết sử dụng cách thích đáng quyền chọn lựa rộng rãi, như sẽ trình bày sau đây. Vì thế, trong khi tổ chức Thánh lễ, linh mục phải lưu ý đến lợi ích thiêng liêng chung của dân Chúa hơn là đến sáng kiến cá nhân mình. Ngoài ra trong việc chọn lựa các phần Thánh lễ, ngài nên nhớ phải thực hiện với sự nhất trí của những người có giữ một phận vụ nào đó trong việc cử hành, kể cả tín hữu, trong những gì trực tiếp liên quan tới họ. Vì có thể rộng rãi lựa chọn các phần Thánh lễ, nên trước khi cử hành, phó tế, các người đọc sách, xướng thánh vịnh, ca viên, người dẫn lễ, ca đoàn, mỗi người trong phạm vi của mình cần biết rõ sẽ sử dụng bản văn nào; và đừng để xảy ra tình trạng gặp gì làm nấy. Vì các nghi thức được sắp xếp và diễn tiến cách hài hòa thì giúp rất nhiều cho tín hữu chuẩn bị tâm hồn tham dự Thánh lễ”.
Các số sau nói tới những vấn đề cần cân nhắc và phân định để chọn bài lễ cho hợp lý, chẳng hạn: sự ưu tiên về các mùa phụng vụ đặc biệt (mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh), có hay không giáo dân tham dự, phụng vụ chư thánh trong lịch chung và lòng sùng kính các ngài theo nhu cầu mục vụ, lễ cho các nhu cầu khác nhau hay ngoại lịch, sự chừng mực khi dâng lễ cầu hồn hằng ngày. Tuy vậy, trong phần này, Quy Chế Tổng Quát phiên bản 1992 còn cẩn thận nhắc nhở rằng:
“Khi có giáo dân tham dự, trước hết phải để ý đến ích lợi thiêng liêng của họ và tránh đừng bắt họ phải theo khuynh hướng riêng của mình”. (số 316)
Ngoài ra, số 323 cũng quy định:
“Vào những ngày trong tuần mùa Thường niên, thì ngoài những lời nguyện của Chúa nhật đầu tuần, còn có thể lấy các lời nguyện của một Chúa nhật khác thuộc mùa Thường niên, hoặc một trong các lời nguyện của các lễ cho các nhu cầu khác nhau, có ghi trong sách lễ. Nhưng luôn chỉ được phép dùng một lời nguyện nhập lễ lấy từ các lễ đó mà thôi.”
Quy Chế Tổng Quát cũng dành riêng chương VIII để nói đến các thánh lễ và các lời nguyện tùy nhu cầu cũng như các thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Thánh Lễ tùy nhu cầu có ba loại: các lễ có nghi thức riêng (thánh lễ kèm theo một bí tích khác), các lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau (các ngày lễ theo truyền thống dân tộc như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…), các lễ trong những hoàn cảnh khác nhau (cầu mùa, trong cảnh chiến tranh, mất mùa, dịch bệnh…) và lễ ngoại lịch (do những lòng sùng kính Chúa và các thánh). Tuy nhiên cần lưu tâm tới thứ tự ưu tiên cử hành phụng vụ của các thánh lễ này với lịch phụng vụ chung.
Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời: các bản văn phụng vụ, các bài đọc Thánh Kinh, các lời nguyện và các bài ca được biên soạn rất phong phú để đáp ứng cho những hoàn cảnh khác nhau, từ các nghi thức nhập quan, làm phép khăn tang, di quan, làm phép huyệt mộ, cho tới các thánh lễ được cử hành sau khi được tin người chết (trong và ngoài mùa Phục Sinh với những bản văn khác nhau), thánh lễ an táng (trong và ngoài mùa Phục Sinh với những bản văn khác nhau), các thánh lễ giỗ, thánh lễ cầu hồn hằng ngày, ngay cả đối tượng được cử hành cũng được thích nghi rất cụ thể (cầu cho người lớn, cầu cho trẻ em đã rửa tội hay chưa)…
Tuy nhiên, mong ước làm phong phú hóa phụng vụ không phải là đọc gộp nhiều lời nguyện cùng một lúc, chẳng hạn cử hành lễ khấn dòng trong ngày lễ trọng kính Đức Mẹ, vị chủ tế không đọc lời nguyện nhập lễ vừa lễ Đức Mẹ vừa lễ khấn dòng, nhưng cần xem lại thứ tự ưu tiên khi cử hành để chỉ ưu tiên đọc lời nguyện của thánh lễ nào có bậc cao hơn mà thôi, trừ những gì được luật phụng vụ cho phép.
5. Bài giảng lễ:
Quy Chế Tổng Quát nói ở số 65:
“Bài giảng là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo. Phải diễn giải hoặc một khía cạnh của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc các bản văn nào khác thuộc phần chung hay phần riêng của Thánh lễ ngày đó, có liên hệ tới mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu đặc biệt của thính giả.”
Việc đọc đi đọc lại một trình thuật có khi vài lần trong năm phụng vụ, có khi cùng một thánh sử có khi khác thánh sử có thể gây cảm giác nhàm chán cho người tham dự nếu người cử hành không tìm tòi và đào sâu những nguồn mạch của Lời Chúa từ những suy tư, chú giải, và thần học Kinh Thánh. Thường khi, vị giảng thuyết nói về bài Tin Mừng, nhưng nếu ngài thay đổi chủ đề và nội dung bài giảng lễ để nói về bài đọc 1, bài đọc 2, hay nói về mầu nhiệm được kính nhớ và tâm tình cần phải có, hay nhu cầu nào đó cần thiết và bổ ích mà Lời Chúa đã soi dẫn và gắn liền với thực tế đời sống, thì người cử hành và người tham dự sẽ cảm nghiệm Lời Chúa là một kho tàng quý giá vô tận. Nguyên việc luân phiên sử dụng các bản văn Thánh Kinh khác nhau mà được phụng vụ cho phép, chẳng hạn, trong các thánh lễ an táng và hôn phối vốn rất thường xuyên diễn ra ở các giáo xứ cũng là dịp để vị giảng thuyết tìm thấy biết bao chủ đề phong phú có thể khai triển trong bài giảng lễ. Tuy nhiên, “không cần thiết phải giải thích hay đề cập tất cả mọi đề tài ấy trong một bài giảng, mà chỉ nên chọn nhấn mạnh một điểm quan trọng”[3]. Chính sự mới mẻ luôn mãi của Lời Chúa mà nhà giảng thuyết là người gợi hứng và khơi lên trong lòng người tham dự giúp họ yêu mến và nỗ lực sống theo Lời Chúa. Bài giảng lễ không phải là nơi để khoe khoang kiến thức, càng không phải là nơi bàn chuyện tầm phào hay tấu hài vô nghĩa, nhưng là nơi người tham dự mong được nghe những tư tưởng được rút ra từ Lời Chúa và phụng vụ có sức biến đổi cuộc sống họ.
6. Các bản văn Thánh Kinh:
Với Công Đồng Vatican II, Hội Thánh đã chú trọng hơn vào nguồn mạch Lời Chúa bằng cách chia các bản văn quan trọng trong Thánh Kinh theo chu kì phụng vụ ba năm (Chúa Nhật) và năm chẵn – năm lẻ (ngày thường) chứ không chỉ có một năm như tiền Vatican II:
“Trong số rất nhiều bài Kinh Thánh, phần lớn đã được đọc cho các tín hữu trong những ngày lễ kính, phần Kinh Thánh còn lại, đọc bổ sung trong các ngày thường. Tất cả được sắp đặt như vậy để càng ngày càng thôi thúc các tín hữu khao khát lời Chúa.”[4]
Vị chủ tế có thể thay đổi các bản văn Thánh Kinh đọc trong thánh lễ khi được phép, theo đúng quy luật của phụng vụ:
Lựa chọn các bài đọc tương ứng với bài lễ được cử hành: Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 317-320 nói về điều này. Quy Chế Tổng Quát nhắc nhở những điều nòng cốt rằng: Luôn luôn chú trọng để người tham dự được lắng nghe và đào sâu hiểu biết vốn Lời Chúa của mình mỗi ngày một hơn. Nên ưu tiên các bài đọc được chỉ định mỗi ngày trừ khi gặp những bản văn của các thánh lễ có ưu tiên cao hơn, tức là phải cử hành thánh lễ ở thứ tự cao hơn. Tuy nhiên,
“nếu đôi khi các bài đọc liên tục trong tuần, bị gián đoạn vì một lễ trọng, lễ kính hay một cử hành đặc biệt nào khác, linh mục được phép tùy theo cách xếp đặt các bài đọc trong tuần để nhập các phần chưa đọc vào bài đọc của ngày, hoặc quyết định xem nên đọc bài nào hơn. Trong các Thánh lễ cho những nhóm đặc biệt, linh mục được phép chọn những bản văn thích hợp hơn với Thánh lễ đó, miễn là chọn trong các sách Bài đọc đã được chuẩn nhận”. (số 319)
Lựa chọn các bản văn được Sách Bài Đọc đề nghị: Ngoài những bản văn Thánh Kinh theo chu kì ngày thường và chúa nhật vốn dĩ cố định, Sách Bài Đọc luôn dự trù nhiều bản văn Lời Chúa cả ở bài đọc 1, bài đọc 2, thánh vịnh đáp ca và Alleluia – Tung hô Tin Mừng cho phần chung của phụng vụ chư thánh và các lễ tùy theo nhu cầu (lễ có nghi thức riêng, lễ theo hoàn cảnh và lễ ngoại lịch). Hãy luân phiên thay đổi các bản văn này khi cử hành chứ đừng chỉ ấn định một mẫu bản văn cố định, để giúp cho cử hành thêm linh động và mới mẻ. Xin lấy vài ví dụ:
– Thánh lễ có nghi thức hôn phối (UBPT-2008): bài đọc Cựu Uớc: 9 mẫu, bài đọc Tân Uớc: 14 mẫu, Thánh vịnh đáp ca: không chỉ có thánh vịnh 127 mà thôi như nhiều người vẫn lầm tưởng, nhưng còn đến 6 mẫu khác nữa, Alleluia – Tung hô Tin Mừng: 4 mẫu, Tin Mừng: 10 mẫu
– Thánh lễ có nghi thức an táng (UBPT-2014): Dành cho người lớn [bài đọc Cựu Ước: 7 mẫu, bài đọc Tân Ước: 18 mẫu, Thánh vịnh đáp ca: không chỉ có thánh vịnh 23 hay 129 như vẫn thấy, nhưng ngoài ra còn 8 mẫu khác nữa, Alleluia – Tung hô Tin Mừng: 11 mẫu, Tin Mừng: 19 mẫu], ngoài ra còn nhiều bản văn dành cho trẻ em đã rửa tội và chưa rửa tội nữa…
– Tương tự như vậy, chúng ta có rất nhiều bản văn của bài đọc 1, thánh vịnh đáp ca, bài đọc 2, Alleluia-Tung hô Tin Mừng để lựa chọn cho các cử hành như lễ khánh nhật truyền giáo, lễ tạ ơn nhiều dịp, lễ cung hiến thánh đường… Hiểu điều này, sẽ tránh được rất nhiều những thắc mắc và cãi vã xem tại sao lại có sự khác nhau giữa nơi này và nơi khác, người cử hành này và người cử hành khác, ca trưởng này và ca trưởng khác. Vấn đề là ở chỗ Hội Thánh luôn cho chúng ta sự phong phú như vậy để lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ được chọn các bài đọc nào mà Sách Bài Đọc quy định chứ không phải thích chọn bài đọc nào bất kì theo ý thích riêng, dù là của vị chủ tế đi nữa.
7. Lời nguyện chung:
Cuộc canh tân của Công Đồng Vatican II đã khôi phục nhiều tập tục phụng vụ quý giá thời sơ khai của Hội Thánh, trong số đó có lời nguyện tín hữu hay còn gọi là lời nguyện chung. Quy Chế Tổng Quát số 70 hướng dẫn cách soạn lời nguyện chung:
“Những ý nguyện thường theo thứ tự này là:
a) Cho các nhu cầu của Hội Thánh;
- b) Cho các nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;
- c) Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;
- d) Cho cộng đoàn địa phương.”
Chính Sách Lễ Roma cũng cung cấp 11 mẫu lời nguyện chung như là những bản mẫu đáng tham khảo. Ngoài ra, bên cạnh nhiều sách soạn sẵn các lời nguyện chung cũng vừa bao quát được những nhu cầu của thế giới, Hội Thánh và phù hợp với chủ đề của Tin Mừng hàng tuần cũng như các mùa và mầu nhiệm cử hành, có nhiều cộng đoàn, giáo xứ và giáo phận có những tập sách lời nguyện tín hữu riêng biệt cho từng năm, thậm chí được soạn mới hàng tuần, khiến cho những nhu cầu rất hiện sinh và thực tiễn được nêu lên trong lời nguyện của các tín hữu, làm cho phụng vụ trở nên sinh động và mới mẻ hơn. Đây là một điều đáng quý cần gìn giữ và phát huy.
Ngoài ra, Quy Chế Tổng Quát cũng lưu ý ngay sau đó: “Nhưng trong một buổi cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì thứ tự các ý nguyện có thể ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó”. Trong số tiếp theo, Quy Chế cũng quy định: “Linh mục chủ tế sẽ điều động việc cầu nguyện tại ghế. Ngài nói vắn tắt mấy lời dẫn nhập mời gọi các tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện kết thúc. Những ý nguyện đưa ra phải giản dị, bằng những lời vắn tắt tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn”. Như vậy cả phần mời gọi mở đầu và lời nguyện kết thúc lời nguyện tín hữu, lời nói vị chủ tế cũng có thể được phép thích nghi.
8. Kinh Nguyện Thánh Thể:
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma nói đến điều này ở số 321-323. Chúng ta có các Kinh Tiền Tụng cũng được sưu tầm (các kinh cổ xưa) và thêm vào (được sáng tác mới) trong Sách Lễ Roma trong cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vactican II. Ngoài ra, phụng vụ Roma còn thêm phong phú hơn, không chỉ “công việc tra cứu “các cổ bản của thư viện Vatican và các cổ bản khác thu thập được từ khắp nơi” mà còn vì “một đàng những nguồn tài liệu phụng vụ cổ đại đã được tìm thấy và được công bố, đàng khác các công thức phụng vụ của Hội Thánh Đông phương được nghiên cứu kỹ hơn, khiến nhiều người mong rằng không nên để cho sự phong phú cả về giáo lý và tâm tình đạo đức như thế bị chôn vùi trong bóng tối các thư viện, nhưng ngược lại, phải được đưa ra ánh sáng, để chiếu soi và dưỡng nuôi tâm trí cũng như linh hồn các Kitô hữu”[5]. Điều này cho chúng ta hiểu rằng những bản văn mà chúng ta đọc lên trong phụng vụ có những bản văn khá hợp thời để chúng ta cảm nhận, nhưng cũng không ít những bản văn đã có một chiều dài lịch sử rất cổ kính từ xa xưa mà khi đọc lên, chúng ta cảm nhận chiều kích hiệp thông trong toàn thể Hội Thánh, một Hội Thánh “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5).
Nếu các Hội Thánh Đông Phương và Chính Thống Giáo có rất nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể khác nhau[6] thì nghi lễ Roma trong một thời gian dài chỉ duy trì một Kinh Nguyện Thánh Thể, đó là Kinh Nguyện Thánh Thể 1 (Lễ Quy Roma) dù có nhiều lời tiền tụng khác nhau để thay đổi[7]. Cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II đã thúc đẩy quá trình canh tân bằng cách về nguồn. Điều này dẫn đến Sách Lễ Roma theo Nghi Thức Mới (Novus) 1970 của Đức Phaolô VI đã liệt kê bốn Kinh Nguyện Thánh Thể chính trong Sách Lễ Roma. Ngoài Kinh Nguyện Thánh Thể 1 (Lễ Quy Roma) là đặc sản của phụng vụ Roma cổ kính lâu đời, Sách Lễ Roma còn bổ sung Kinh Nguyện Thánh Thể 2 (vốn là một trong những kinh tạ ơn xa xưa nhất trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, được thánh Hyppolitus viết lại trong cuốn Truyền Thống Tông Đồ – Traditio Apostolica[8]). Ngoài ra, Kinh Nguyện Thánh Thể III được lồng ghép từ hai nguồn tài liệu có nguồn gốc xa xưa cũng được thêm vào và Kinh Nguyện Thánh Thể IV được soạn thảo dựa trên kinh Anaphora của thánh Basiliô Cả, vốn đậm đặc nét Kinh Thánh được thêm vào để đọc luân phiên thay thế. Ngoài ra, Sách Lễ Roma còn bổ sung thêm 4 Kinh Nguyện Thánh Thể dùng cho các nhu cầu khác nhau -1974 (Hội Thánh trên đường hiệp nhất, Thiên Chúa dẫn đưa Hội Thánh trên đường cứu độ, Đức Giêsu là Đường dẫn tới Chúa Cha, Chúa Giêsu đi khắp nơi ban phát ơn lành), 2 Kinh Nguyện Thánh Thể chủ đề Giao Hòa – 1975 và 3 Kinh Nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ Trẻ Em (có khác biệt về cấu trúc các phần so với cách chung các Kinh Nguyện Thánh Thể khác) – 1975. Dù Kinh Nguyện Thánh Thể II được thường xuyên sử dụng nhất vì ngắn nhất và dễ thuộc, nhưng vị tư tế có thể và nên đọc xen kẽ các Kinh Nguyện Thánh Thể khác nữa để cộng đoàn có thể cảm nhận sự sinh động và phong phú của các bản văn phụng vụ như chính Quy Chế Tổng Quát nói: “Như vậy, chúng ta có nhiều bản văn để không những có thể liên tục đổi mới những tư tưởng cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ, nhưng còn thích nghi cách thuận lợi kinh nguyện với những nhu cầu của các tín hữu, của Hội Thánh và của thế giới”. (số 363)
9. Các mẫu Tung Hô Tưởng Niệm:
Sách Lễ Roma cung cấp đến ba mẫu Tung Hô Tưởng Niệm sau truyền phép:
- Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.
- Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến.
- Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và Phục Sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con.
Đôi khi các cộng đoàn và giáo xứ chỉ biết tới mẫu đầu tiên mà không luân phiên thay đổi để xướng lên hai mẫu Tung Hô Tưởng Niệm còn lại. Nên tập cho dân chúng để luân phiên thay đổi các mẫu này.
10. Nên hát nhiều hơn khi làm được và được làm:
Quy Chế Tổng Quát số 40 nói tới vấn đề thánh nhạc trong thánh lễ: “Vậy việc sử dụng ca hát khi cử hành Thánh lễ phải là điều quan trọng, nhưng phải lưu ý đến bản sắc của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn phụng vụ. Mặc dầu không luôn cần thiết, ví dụ: trong lễ các ngày trong tuần, hát hết những phần, theo bản chất là phải hát, nhưng dứt khoát phải liệu sao đừng bỏ qua các bài hát của các thừa tác viên và cộng đoàn trong các cử hành Chúa nhật và lễ buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, khi chọn những phần để hát, thì phải dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát”.
Vậy, nếu thánh lễ ngày thường thì không cần hát mọi phần trong thánh lễ, nhưng nếu những thánh lễ long trọng hơn, chẳng hạn lễ trọng, lễ kính, lễ chúa nhật, thì việc ca hát nên được chú trọng hơn. Tiếng hát dịu dàng và sốt sắng sẽ giúp cộng đoàn dễ nâng tâm hồn lên tới Chúa. Ngoài ra, đặc tính của các mùa cũng nên là điểm lưu ý, ở những mùa mang tính sám hối như mùa chay thì có thể và nên tiết chế không chỉ trong đời sống mà còn biểu hiện cả trong việc đàn hát trong phụng vụ nữa, ngược lại, những mùa hân hoan như Phục Sinh, Giáng Sinh thì việc ca hát nên được chú trọng[9]. Riêng ở Việt Nam, ngoài rất nhiều các tác phẩm thánh ca được sáng tác cho các phần của thánh lễ, cũng đã có nhiều nỗ lực để hát các bản văn thánh vịnh trong giờ kinh phụng vụ, thánh vịnh đáp ca, tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất trong cung chủ tế (do nhiều vấn đề dấu giọng trong ngôn ngữ khiến khó thống nhất một mẫu chung cho cung chủ tế). Ngoài ra, còn có việc hát Tin Mừng (trong những ngày lễ long trọng) vẫn chưa được nghiên cứu trong nền thánh ca Việt Nam và hình như cũng chưa có nhạc sĩ nào đưa ra những thích nghi này trong nền thánh nhạc phụng vụ bằng tiếng Việt.
11. Thay đổi các bài thánh ca trong thánh lễ:
Bộ Lễ: Nếu bình ca Gregoriô có những bộ lễ đặc trưng theo mùa, khiến “mùa nào thức nấy” thì thánh nhạc Việt Nam lại không có đặc điểm này trong thực hành, dù có những bộ lễ các tác giả viết cho riêng từng mùa đi nữa. Vì không nhớ rằng bộ lễ thuộc thể loại bản văn cố định (không được sửa lời bằng bất kì lý do nào) nên sau công đồng Vatican II, có một thời gian các bộ lễ lần lượt ra đời, dựa ý của các bản văn bộ lễ mà thôi. Sau khi giới thiệu cuốn Nghi Thức Thánh Lễ (2005) và gây ý thức qua các hội thảo thánh nhạc, từ từ các bộ lễ ấy đã không còn được sử dụng trong phụng vụ. Đây là điều tốt, nhưng lại gây ra một tình trạng ngược lại, đó là tình trạng “lười” tập các bộ lễ khác, đến nỗi khắp nơi chỉ hát đi hát lại bộ lễ Séraphim của Đức Cha Nguyễn Văn Hòa. Dù hay và sốt sắng đến mấy nhưng chỉ được hát quanh năm, chưa kể tới việc chưa hiểu để hát cho đúng phong cách hát bình ca nên đâm ra hoặc quá ê a dài dòng ngán ngẩm, hoặc lại chuyển thành các thể loại nhạc tân thời để dễ chơi trống và piano cũng như các nhạc cụ khác. Thực ra, các cộng đoàn và giáo xứ rất nên tập thêm một vài bộ lễ khác để thay đổi, miễn là được Imprimatur (lời sát với Sách Lễ, giai điệu và tiết tấu phù hợp với cộng đoàn), để bầu khí phụng vụ luôn sinh động và long trọng, nhất là các dịp lễ trọng. Viện cớ hát cộng đồng để không có thêm lựa chọn hát các bộ lễ khác xem ra là một lý do thiếu thuyết phục, nhưng kì thực lại có khả năng gây nhàm chán rất hiệu quả trong thực tế.
Các bản văn cố định được dệt nhạc: Thay vì chỉ hát một bộ thánh vịnh được dệt nhạc do một tác giả, cũng có thể tập thêm những thánh vịnh ấy do nhạc sĩ khác dệt nhạc, miễn đáp ứng các đòi hỏi phải có của thánh nhạc (đã Imprimatur). Tương tự như vậy, cũng có thể tập thêm các mẫu Alleluia kèm theo Tung Hô Tin Mừng, Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính (cả Kinh Tin Kính Nicea-Constantinople và Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ), Amen long trọng cuối Kinh Nguyện Thánh Thể để thay đổi. Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm về tính mục vụ của những thay đổi này. Nghĩa là nên có thời gian tập cho ca đoàn nhuần nhuyễn trước để tránh hát sai, vì phụng vụ không nên là chỗ để “hát thử”, mà là chỗ để “hát thật”. Cộng đoàn cũng nên làm quen trước với những thay đổi này để có thể tham gia dễ dàng bằng cách tận dụng giờ tập hát cộng đồng để tập cho họ.
Ngoài các mẫu thánh vịnh đáp ca và Alleluia-Tung hô Tin Mừng cố định cho từng chúa nhật trong năm, còn có các mẫu chung cho các mùa. Nếu không thể tập kịp từng thánh vịnh được chỉ định riêng cho từng tuần, chúng ta cũng có thể hát các thánh vịnh chung ấy, như Quy Chế Tổng Quát số 61 nói đến: “Tuy nhiên, để cộng đoàn có thể hát câu đáp dễ dàng hơn, một số bản văn của các câu đáp và các thánh vịnh đã được chọn sẵn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng bậc lễ các thánh, để mỗi khi hát thánh vịnh, có
thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với bài đọc… Thay cho thánh vịnh được chỉ định trong Sách bài đọc, cũng có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma, hoặc thánh vịnh đáp ca và lời tung hô Alleluia lấy ở sách Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma, như được trình bày trong các sách đó”.
Thay đổi các phong cách thánh nhạc khác nhau: Đây cũng là một cách khôn ngoan để giúp người tham dự cảm nhận được những cung bậc tâm tình của lời cầu nguyện qua những phong cách thánh ca khác nhau. Bình ca Gregorio, thánh ca đa âm, thánh ca bình dân tôn giáo, các tác phẩm thánh nhạc cho các nhạc khí đều nên được luân phiên trình bày để như những món ăn ngon về tinh thần cho người tham dự. Kể cả phụng vụ có cử hành bằng tiếng bản xứ nên thánh ca cũng hát bằng tiếng bản xứ như một điều dĩ nhiên đi nữa, có lúc cũng có thể hát bằng tiếng latin nếu có thể. Chính Quy Chế Tổng Quát ở số 41 đã nói như vậy: “Với tư cách là điệu ca riêng của phụng vụ Rôma, bình ca, tức điệu ca “Grêgôrianô”, phải chiếm địa vị ưu tiên đối với các điệu ca cùng loại. Còn các loại thánh nhạc khác, đặc biệt nhạc đa âm không hề bị loại bỏ miễn là hợp với tinh thần phụng vụ và giúp mọi tín hữu tham dự sốt sắng hơn. Vì các cuộc tụ tập các tín hữu thuộc nhiều quốc gia mỗi ngày mỗi gia tăng, nên thật hữu ích nếu mọi người có thể cùng hát ít là một số kinh trong phần Thường lễ bằng tiếng Latinh với cung điệu dễ hát, đặc biệt là kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha”.
12. Sử dụng các lời chúc lành long trọng cuối lễ
Sách Lễ Roma đã dự trù nhiều công thức ban phép lành trọng thể theo từng mùa, các đại lễ và các dịp đặc biệt trong năm phụng vụ, cũng như các lời nguyện trên dân chúng trước khi ban phép lành giải tán. Trong những dịp trọng đại, những công thức ban phép lành cuối lễ và lời nguyện trên dân chúng nên được thực hiện, sẽ đem lại bầu không khí trang trọng và sốt sắng cho cộng đoàn phụng vụ.
Những thích nghi liệt kê trên đây thường nhắm tới vị chủ tế hay người phụ trách phụng vụ của các cộng đoàn và giáo xứ, lượng định xem phải làm thế nào cho hợp với nhu cầu mục vụ và thiêng liêng của dân chúng, nhưng điều này không có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”![10] Tuy nhiên, Quy Chế Tổng Quát số 386-399 cũng dự trù những quyền hạn đặc biệt ở thẩm quyền của Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục.
Lời kết: Công Đồng Vatican II đã xác tín: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Hội Thánh”[11]. Mỗi lần cử hành việc tưởng niệm hiến lễ này, công trình cứu chuộc chúng ta lại được thực hiện. mà mầu nhiệm cứu độ rất phong phú, cho nên cần cử hành phụng vụ làm sao để giúp người tham dự cảm nhận được sự dồi dào phong phú của ơn cứu độ nơi lời mạc khải và các bí tích của Hội Thánh. Nếu nội dung của phụng vô cùng phong phú mà hình thức diễn tả bên ngoài không cho thấy nét phong phú ấy, (không chỉ trong việc cử hành, mà còn trong ngôn ngữ, thánh nhạc và cả nghệ thuật thánh nữa) thì thật là điều đáng tiếc. Đã hẳn nó cũng có giá trị là rèn luyện niềm tin cho các tín hữu, nhưng không thể diễn tả mầu nhiệm linh thánh, một thứ “vừa đáng sợ vừa lôi cuốn” (mysterium tremendum et fascinans).
19/01/2025
Con Chiên Nhỏ
[1] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Phụng Vụ Đại Cương, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 72
[2] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Phụng Vụ Thánh Thể, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 146
[3] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Phụng Vụ Thánh Thể, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 87
[4] PHAOLÔ VI, Tông Hiến Công Bố Sách Lễ Roma đã được sửa đổi theo Sắc Lệnh Công Đồng chung Vatican II
[5] PHAOLÔ VI, Tông hiến Công Bố Sách Lễ Roma đã được sửa đổi theo sắc lệnh của công đồng chung Vatican II
[6] PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng vụ nhập môn, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 54
[7] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Phụng Vụ Đại Cương, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 17
[8] PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG, Phụng Vụ Thánh Thể, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 19
[9] ỦY BAN THÁNH NHẠC trực thuộc HĐGMVN, Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc, số 98-105
[10] PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng vụ nhập môn, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, trang 108
[11] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 15
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...