Câu Chuyện Sống Đạo

VĂN HÓA

Một vài nhận định về vấn đề hội nhập văn hóa

Tháng sáu 3, 2024 6:29 sáng
Chia sẻ
Chia sẻ

(NSGH)  Như chúng ta đã biết, hội nhập văn hóa là quá trình liên kết hai chiều kích cụ thể, đó là tháp nhập đức tin Kitô giáo vào các nền văn hóa và tích hợp các giá trị văn hóa vào đức tin Kitô Giáo. Cho dù ý thức chủ thể của việc truyền giáo là chính Thiên Chúa, còn nhà thừa sai hay Giáo Hội chỉ là những khí cụ phục vụ cho chủ thể ấy thì quá trình “đem đạo vào đời và đem đời vào đạo” này vẫn đóng một vai trò quan trọng nhất định trong việc truyền giáo. Đến nỗi nói mà không sợ quá lời, thì việc loan báo Tin Mừng cho một môi trường văn hóa có thành công hay không một phần là do tiến trình hội nhập văn hóa. Bởi lẽ nhờ hội nhập văn hóa mà Tin Mừng mới có đất sống, nảy mầm rồi sinh hoa kết quả trong nền văn hóa đó[1] và ngược lại, chúng ta thấy được một Tin Mừng cho mọi người, mọi dân và mọi thời khi mang tính hoàn vũ phổ quát vì mang lấy những dáng vẻ phong phú khác nhau. Chúng ta có thể có vài nhận định về vấn đề này:

Ung ho cac thuong hieu va doanh nghiep do dong bao dan toc it nguoi so huu

1.Cần lưu ý tới tính hai chiều của việc hội nhập văn hóa.

Hội nhập văn hóa không chỉ có nghĩa là đem một số yếu tố trong văn hóa địa phương thay thế cho những yếu tố, biểu tượng của đức tin Kitô giáo (dùng nhang thay vì hương trong phụng vụ chẳng hạn, dùng chiêng / chuông gõ thay chuông lắc lúc truyền phép, vị linh mục cúi mình sâu trước Bàn Thờ và Thánh Thể thay vì bái gối, hay “thánh lễ ngồi” theo văn hóa Campuchia). Cách nhìn “đem đời vào đạo” này khá phổ biến và dễ liên tưởng tới khi nhắc tới “hội nhập văn hóa” vì rất trực quan dễ thấy. Nhưng chúng ta đừng quên yếu tố còn lại, nghĩa là tháp nhập đức tin vào các nền văn hóa (“đem đạo vào đời”). Chẳng hạn lễ Giáng Sinh nay đã trở nên quen thuộc với khắp các nền văn hóa. Tuy nhiên, cần phải phân định xem bầu khí mừng lễ ấy có thật sự là bầu khí của thánh thiêng và tôn giáo không, hay chỉ là một lễ hội mùa đông, một kì nghỉ kèm theo Năm Mới[2]. Cần phải làm thế nào khiến người ta ý thức hơn về ý nghĩa thực sự và sâu xa của nó, tức là trả lại ý nghĩa nguyên thủy của lễ Giáng Sinh. Hay cần làm thế nào để trả lại ý nghĩa nguyên thủy của ngày lễ Halloween vốn là ngày lễ vọng kính các Thánh[3] mà nay đã trở nên một dịp để quảng bá cho thứ văn hóa ma quỷ, chết chóc và bạo lực. Có nhiều giáo xứ hay địa phương thay vì người tham dự hóa trang thành những thứ kì dị và khủng khiếp thì hóa trang thành một vị thánh và tìm hiểu về cuộc đời vị ấy rồi chia sẻ lại cho những người khác[4]. Đó là những nỗ lực đáng quý. Cần có thêm những nỗ lực “đem đạo vào đời” như thế.

Ngoài ra, có những hình thức “đem đạo vào đời” khác nữa dù không có một hình thức đặc thù bên ngoài mang nét Kitô giáo cụ thể nào nhưng lại mang tinh thần Kitô giáo đậm nét: các bữa cơm từ thiện (cơm 2000đ) cho người nghèo, các chương trình hướng nghiệp cho thanh thiếu niên nơi các giáo xứ vốn là một nhu cầu cấp thiết, những chương trình sinh hoạt cho các gia đình giới trẻ di dân, tổ chức những chương trình thăm viếng người già trong các viện dưỡng lão, lập những trang web Kitô giáo nỗ lực lan truyền những giá trị nhân bản tốt đẹp qua mạng xã hội… Những điều này sẽ là men trong bột, là hạt cải nhỏ nhoi sẽ dần dần vươn tới tầm vóc lớn lao, làm cho Tin Mừng thấm sâu vào trong những thực tại xã hội và đời sống thường ngày.

2.Hội nhập văn hóa là điều rất cần thiết. Nhưng cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng về những hình thức và nội dung của việc hội nhập văn hóa, cũng như những hiệu quả của việc áp dụng những hội nhập văn hóa đó trong thực tế. Có những hình thức hội nhập văn hóa tỏ ra rất hữu ích khi giới thiệu về Thiên Chúa và Giáo Hội cho một nền văn hóa nào đó. Nhưng cũng có những thứ hội nhập văn hóa có sự nhập nhằng, không diễn tả được, hay làm hiểu sai lệch về nội dung của đức tin, thì cần phải xem lại. Cách chung cần phân định để chỉ sử dụng những hình thức hội nhập văn hóa nào có thể hữu ích trong việc diễn tả đức tin tốt hơn mà thôi[5]. Chúng ta thử điểm qua một vài hình thức hội nhập văn hóa:

Về khía cạnh phụng vụ – phụng tự:

– Các áo lễ thêu những họa tiết, hình tượng mang tính dân tộc cần được hoan nghênh. Các linh mục mặc áo dài khăn đóng trong dịp Tết để tiếp đón giáo dân hay các chương trình sinh hoạt mục vụ thì rất tốt vì cho thấy nét đẹp của quốc phục, nhưng mặc áo dài khăn đóng để dâng lễ thì không đúng luật phụng vụ vì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “đang còn cần nghiên cứu về lễ phục phụng vụ sao cho hợp với truyền thống dân tộc”[6] nên chưa cho phép điều này. Cũng vậy, không thể có chuyện dùng cơm và rượu đế/ trà/ nước vối để dâng lễ thay bánh mì và rượu nho vì sai chất thể bí tích.

– Sử dụng các nhạc cụ dân tộc trong Thánh Nhạc là điều được khuyến khích, nhưng cần sử dụng hợp lý và hòa điệu cùng nhau. Tránh quan niệm chỉ có tiếng Church Organ là duy nhất được dùng hay cấm piano, cấm trống (trống điện tử thì cấm là đúng, cũng như cấm sử dụng nhạc beat để hát trong Thánh Lễ vì bầu khí này không phải là buổi trình diễn), cấm chơi nhạc cụ dân tộc… Tiếng của đàn Church / Pipe Organ (đại quản cầm) được ưu tiên, nhưng không loại trừ các nhạc cụ khác. Nhạc cụ nào cũng đáng quý và có quyền được lên tiếng ca tụng Chúa cả! Người Tây Nguyên họ sử dụng cồng chiêng chứ đâu biết chơi organ, nhưng cung cách hát thánh ca của họ làm chúng ta xúc động đó thôi[7]! Người chơi trống hãy chơi sao cho buổi cử hành trở nên sốt sắng và hùng vĩ. Không ai được tước mất quyền phụng sự Chúa và phục vụ cho cộng đoàn miễn sao họ làm với ý ngay lành và cung cách thể hiện phù hợp với bầu khí phụng vụ. Cho nên quan trọng không phải là chơi nhạc cụ gì nhưng cách trình tấu thế nào giúp cho người ta cảm nghiệm chất thánh thiện và tốt đẹp của tác phẩm. Đàn organ mà không biết cách đánh thì vẫn gây chia trí và khó chịu như thường. Và ngược lại các nhạc cụ khác khi hòa điệu với nhau để tung hô Thiên Chúa cách sốt sắng hài hòa thì làm cho cộng đoàn cảm nghiệm rất rõ chiều kích hoàn vũ, phổ quát và đa dạng của mọi người, mọi nơi và mọi thời. Kinh Thánh chẳng liệt kê ra đầy dẫy mọi nhạc cụ (trong sách Thánh Vịnh nói rất nhiều) mà các thánh vịnh gia đã dùng để ca mừng Thiên Chúa đó sao[8]? Dĩ nhiên, cần phải sử dụng các nhạc cụ dân tộc cách hợp lý.

-Ngoài ra, các tác phẩm thánh nhạc mang làn điệu, âm hưởng dân ca, với lời ca đậm chất Việt Nam cũng được khuyến khích sử dụng trong phụng vụ[9]. Tuy nhiên người nhạc sĩ phải am hiểu nhạc dân ca để “tránh nhai đi nhai lại” mấy công thức cũ kĩ của các điệu thức dân ca hoặc ngược lại thiếu chất dân tộc tính trong những bài hát đó. Viết âm hưởng dân ca thì phải “rặt hơi” dân ca, tránh lai căng nửa mùa[10]

-Nhang hay viên trầm được sử dụng thay thế cho hương là một vấn đề cần được HĐGMVN thống nhất (dù đã có quyết định cho phép thí nghiệm thay thế nhang/viên trầm/bỏ hương thay thế xông hương của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào ngày 25/09/1974 và thông cáo của Ủy ban Phụng Tự của HĐGMVN năm 1992[11], nhưng xem ra vẫn còn nhiều bất cập). Bởi vì có những lúc nhang/viên trầm có thể thay thế được cho hương, có lúc thì không nên cần cân nhắc kĩ. Nhang / viên trầm dùng để trước tượng thánh hay bàn thờ lúc xông hương đầu lễ, cũng như thay thế cho xông hương Thánh Thể lúc truyền phép thì được, lại có lợi điểm là giữ hương thơm được lâu cùng với làn khói quyện bay dễ giúp nâng tâm hồn lên. Nhưng thật khó coi khi dùng nhang để xá cho cộng đoàn thay thế cho xông hương cộng đoàn vì văn hóa Á Đông không dùng nhang để xá người sống. Cũng vậy, thường không ai dùng nhang để xá đồ vật như trong khi xông hương Sách Thánh hay lễ vật. Xá và cắm nhang hay đốt viên trầm một lần ngay đầu lễ cũng là một cách thay thế cho dùng hương, nhưng liệu như vậy là đã đầy đủ theo nghi thức phụng vụ phải giữ chưa? Nên chăng chỉ nên dùng nhang hay viên trầm cho các tượng ảnh để bên ngoài Bàn Thờ hay các nghi thức ngoài Thánh Lễ còn trong Thánh Lễ vẫn nên sử dụng hương để giữ lại ý nghĩa nguyên thủy của luật phụng vụ?

-Việc xin lễ giỗ hằng năm cho linh hồn người chết vừa là việc bác ái, vừa là dịp đề cao tinh thần hội nhập văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên cần phân biệt để tránh những thực hành có nguồn gốc từ những điều mê tín dị đoan trái ngược với đức tin Công Giáo, như xin lễ giỗ 49 ngày hay 100 ngày chẳng hạn, vì theo niềm tin dân gian, 49 ngày là hết cúng cơm cho người chết ăn, còn 100 ngày là lúc không còn khóc than nữa vì linh hồn đi đầu thai vào kiếp mới. Thay vào đó, chỉ cần xin lễ cầu nguyện cho linh hồn đó hay tổ chức lễ giỗ giáp năm là đủ. Tuy nhiên, vì người giáo dân thực thi việc này như một thói quen mà không chủ tâm để duy trì hay tin vào niềm tin sai lạc đó, vị mục tử cũng cần cân nhắc để giải thích cho họ hiểu và có thể đáp ứng nguyện vọng của họ.

-Việc đeo tang ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tuy là một tục lệ được người giáo dân đặc biệt quý chuộng (nhất là những giáo dân gốc miền Bắc), nhưng xem ra về ý nghĩa và thực hành phụng tự thì không ổn chút nào. Thực hành này phù hợp với tâm tình đạo đức của dân Chúa từ xưa nhưng sau công đồng Vatican II, cái nhìn về Thứ Sáu Tuần Thánh đã thay đổi. Chúa Cứu Thế chỉ chết một lần mà chẳng lẽ chúng ta gần 2000 năm sau vẫn còn đeo tang cho Ngài sao? Hơn nữa, cái chết của Đức Giêsu đâu phải là dấu chấm hết cho cuộc đời Ngài, nhưng là một bước cần thiết để đi tới vinh quang phục sinh. Đeo tang cho một người chết đã phục sinh vinh quang liệu có phải là một điều nghịch lý không? Cho dù được quý chuộng, nhưng theo thiển ý cá nhân, nên giải thích cho giáo dân hiểu và thay thế tập tục này bằng một việc đạo đức khác. Cần lưu ý rằng tất cả các bản văn và tiền xướng, điệp ca, đối ca trong Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đều ca ngợi Đức Giêsu chịu tử nạn trong tâm tình tạ ơn và nhấn mạnh đến chiều kích vinh quang của Thập Giá, của ơn cứu độ chứ không phải chỉ dừng lại ở những khóc lóc sướt mướt về cảm tính nhưng không giúp người tham dự cảm nghiệm được những chiều kích khác mà phụng vụ của Giáo Hội mong ước[12].

-Trong Tuần Thánh – đỉnh cao của năm Phụng Vụ – chúng ta bắt gặp nhiều việc đạo đức bình dân đã ăn sâu vào tâm thức người giáo dân và nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ từ xa xưa, như chặng đàng thánh giá, hoạt cảnh Thương Khó (từ xưa: Tuồng Thương Khó), tháo đanh, táng xác, than hang đá, các hình thức ngắm đứng, ngắm đèn[13]… Miễn làm sao đừng để chúng lấn át phụng vụ, những việc đạo đức này nên được khuyến khích không chỉ để thêm tâm tình đạo đức cho dân chúng, nhưng còn gìn giữ những nét văn hóa dân tộc nữa. Hầu như giới trẻ hiện nay không còn hiểu và mặn mà với các cung ngắm đứng (miền bắc) và ngắm đèn (miền nam) nữa. Ít người trẻ quý trọng những hình thức suy niệm bằng âm nhạc mang đầy tính dân tộc này, vì thường không hiểu ngôn ngữ cũng như hình thức diễn tả của chúng bị coi là than vãn, quá ủy mị ướt át. Một mặt cần duy trì và tổ chức sao để những hình thức này được người giáo dân nhất là người trẻ biết tới, (nên tổ chức trước hay sau giờ lễ, có bảng chiếu bản văn với những chú thích về các từ cổ trong bài ngắm khi gặp phải, khuyến khích người trẻ cảm nghiệm những giai điệu dân tộc ấy trong tâm tình cầu nguyện), một mặt lưu ý cách trình bày (chủ yếu tới lời, diễn tả tâm tình và sâu sắc, tránh trình diễn quá mức và lố bịch làm lấn át cả lời ca và gây chia trí khó chịu cho người nghe) cũng như có sự khôn ngoan mục vụ để tránh gây những xích mích giữa các cung giọng của các vùng miền khác nhau… Các kinh nguyện truyền thống cũng rất giá trị về khía cạnh tư tưởng (tâm tình đạo đức) cũng như ngôn ngữ (dấu ấn của quá khứ) và thể hiện cách diễn tả đức tin của người xưa[14]. Cần giúp giới trẻ hiểu và quý trọng kho tàng này.

 Về khía cạnh nghệ thuật thánh:

-Những tranh ảnh, tượng thờ với hình tượng các nhân vật thánh mang dáng dấp Việt Nam và mặc áo dài khăn đóng là điều rất cần được phát huy[15]. Cần bỏ đi nếp nghĩ quá Tây Âu trong việc vẽ ảnh thờ hay tạc tượng thánh. (Rất nhiều tượng các thánh Tử Đạo người Việt Nam rất thường chỉ là những ông Tây mặc áo dài Việt, nhìn không ra!).

-Có phải hoa sen không được phép chưng ở Nhà Thờ? Hoa sen là biểu tượng của Phật Giáo, nhưng đâu phải chỉ có Phật Giáo mới được quyền chưng hoa sen? Có phải Công Giáo mới được phép chưng hoa huệ trong nhà thờ vì đó là biểu tượng của sự trinh khiết theo truyền thống Công Giáo? Bối cảnh phụng tự là quan trọng (không ai chưng cây thông giáng sinh trong chính điện của Chùa) nhưng loại bỏ một loại hoa như thế trong Công Giáo xem ra là một não trạng có phần thành kiến và cảm tính chăng? Nhưng ngược lại, chưng hoa sen trong nhà thờ có gây phản cảm cho giáo dân không? Nếu có thì phải giải thích làm sao?

-Các linh mục cần nói để giáo dân hiểu biết hơn, tránh tình trạng không hiểu biết đủ về hội nhập văn hóa nên dễ dị ứng cách cực đoan. Trong thời gian cách li xã hội, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn có tổ chức chầu Thánh Thể trực tuyến cho giáo dân. Trong giờ chầu đó, mặt nhật đựng Thánh Thể vốn là quà tặng của Nam Phương Hoàng Hậu cho Nhà Thờ Đức Bà đã gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội giữa những người Công Giáo. Thật ra mặt nhật ấy rất đẹp, với những nét trang trí Á Đông với hình tượng hai con rồng bay quyện hai bên Thánh Thể, đã bị nhiều người phản đối và cho rằng như thế là “đưa ma quỷ lên bàn thờ”! Thực ra đúng là trong Kinh Thánh, con Rồng tượng trưng cho sự dữ và ma quỷ, nhưng trong văn hóa Á Đông hình tượng con Rồng thể hiện sự cao sang, quyền quý, của vua chúa, thần thiêng… đó là vấn đề hội nhập văn hóa chứ không phải “đưa ma quỷ lên bàn thờ” như một số người hiểu sai. (Tương tự, trong Kinh Thánh có hình tượng Chiên Thiên Chúa hay Chiên Con là biểu tượng của Đức Giêsu[16]. Người ta có thể sử dụng hình ảnh Chiên Con trong nghệ thuật thánh/tranh ảnh/điêu khắc để trang trí… nhưng không ai tạc tượng Chiên Con để thờ như thể thờ Đức Giêsu cả! Tương tự như vậy, khi khắc tượng Thánh Micae có Lucifer dưới chân, chúng ta có đang tôn kính con quỷ không? Thưa không, nó chỉ là yếu tố trang trí làm nổi bật bức tượng mà thôi. Vấn đề là chuyện trang trí khác với chuyện thờ kính, cần phải phân biệt cho rõ.

-Tương tự, cần khuyến khích các kiến trúc phụng tự được Việt Nam hóa với phong cách Á Đông như Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm chẳng hạn[17]. Ngoài ra có thể áp dụng triết lý âm dương khi làm bàn thờ tròn, bệ đỡ dưới vuông, Tuy nhiên cần cẩn thận và khéo léo phân biệt giữa phong cách Việt Nam và phong cách Trung Hoa, tránh bị lai căng nửa mùa… Các kiệu rồng với sơn son thếp vàng, các kiểu trang trí cung thánh kiểu cung đình Việt Nam là điều đáng hoan nghênh. Nhưng các tác phẩm ấy cũng phải thẩm mỹ và thanh thoát để tránh khỏi gây ra chia trí cho người xem.

Về khía cạnh đời sống:

-Việc “hái lộc Lời Chúa” được dùng để “rửa tội” cho hình thức “hái lộc” nơi các chùa chiền thường gây ra tình trạng phá hoại cây xanh, hay “xin xăm” vốn dễ mê tín dị đoan thì rất tốt, lại là một sáng kiến giúp người tín hữu sống Lời Chúa[18]. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc nhở để giáo dân hiểu, tránh lựa cho bằng được Lời Chúa nào may mắn, lấy hên đầu năm cho gia đình mình. Người lựa chọn và sản xuất cũng vậy. Tránh chỉ chọn những câu quá “đẹp”, quá “nên thơ”, quá “ru ngủ” người đọc vì như thế Lời Chúa chỉ đơn giản được coi là “lời hay ý đẹp”[19]. Ngược lại cũng tránh chọn những câu quá tiêu cực, kì cục và phản cảm khi đọc lên kiểu: “Anh ta muốn lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng…” hay “Xin cho chúng tôi nhập vào bầy heo…” hay “Satan, lui ra đằng sau Thầy! Anh làm cho Thầy vấp phạm” (dĩ nhiên chắc không ai chọn những câu thế này làm lộc xuân, nhưng cũng đã từng có những nơi đã sử dụng những câu lộc xuân đã gây “bối rối”, “dở khóc dở cười” quá sức cho người nhận). Những câu ấy vì đặt ngoài bối cảnh của Kinh Thánh nên nghe rất kì. Tránh ngụy biện kiểu chỉ cần nói: “Câu nào cũng là Lời Chúa mà!” Lời Chúa được chọn cần phải phù hợp, đi sát đời sống và mang tính khuyến thiện, khích lệ, nâng đỡ, thậm chí tra vấn người đón nhận để sống đức tin. Cũng cần tránh đua nhau sản xuất quá nhiều “lì xì Lời Chúa” để rồi đâm ra hao phí mà lại không tác dụng gì (người nhận được phải bỏ thùng rác hay đốt bỏ).

-Việc cúng giỗ cho ông bà cha mẹ là một truyền thống đạo hiếu của người Việt. Với Vatican II cũng như văn kiện về tôn kính tổ tiên mới ra gần đây của HĐGMVN thì không có vấn đề gì khi sử dụng nhang để xá trên linh cữu ông bà cha mẹ hay di ảnh của tổ tiên, cũng không có vấn đề gì khi bày thức ăn hay hoa quả trong ngày giỗ kị. Tuy nhiên, cần phải nói rõ cho người giáo dân biết rằng tất cả những điều ấy chỉ có ý nghĩa là thể hiện lòng hiếu thảo chứ không phải có ý mời tổ tiên về hưởng dùng những thức ăn ấy, vốn là một niềm tin sai lạc với đức tin Công Giáo[20]. Ngay cả thể hiện lòng tôn kính với những vị thánh hiền sáng lập các tôn giáo khác như Đức Phật chẳng hạn cũng được coi là điều hợp lý thôi. Có rất nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn chưa hiểu điều đó, nhất là các vị cao niên vốn đã quen thực hành và não trạng xưa nên nhất quyết không cầm lấy cây nhang và không cho phép chưng hoa quả trên bàn thờ tổ tiên, tiếp tục gây ra những hiểu lầm “đi đạo là phải bất hiếu bỏ thờ cha kính mẹ”. Điều này phải chăng là do thiếu sự hướng dẫn cần thiết của hàng giáo sĩ? Ngay cả vấn đề ăn thịt cúng mà thánh Phaolô nói tới trong 1 Cr 8 cũng vậy. Đối với thánh nhân thì ăn thịt cúng không có vấn đề gì nhưng nếu ăn như thế gây cho người khác hiểu lầm thì ngài không ăn. Đó là một cách hành xử ưu tiên cho lòng bác ái và phù hợp với bối cảnh thời ấy. Còn thời đại bây giờ hầu như người ta không còn quá tin vào chuyện ăn của cúng là hiệp thông với thần linh cũng như không còn bị ràng buộc hoàn toàn bởi luật Moses nữa (cấm ăn thịt một số loài động vật), có lẽ chỉ cần giải thích cho những ai thắc mắc chưa hiểu về điều này và vẫn có thể hưởng dùng những đồ đã mời ông bà cha mẹ trên bàn thờ một cách bình an mà không áy náy.

3.Tiến trình hội nhập văn hóa cũng có khi không tránh khỏi những xung đột với một nền văn hóa cụ thể bởi những khác biệt về giá trị và lý tưởng Tin Mừng. Cần giải quyết những xung đột ấy một cách khôn ngoan[21]. Chúng ta thấy rất rõ điều này: giữa một xã hội hiện đại bình thường hóa việc phá thai, an tử, tự do luyến ái không hôn nhân thì Giáo Hội luôn đứng về phía lập trường của Tin Mừng để bảo vệ sự sống, để bảo vệ tính thánh thiêng của hôn nhân và tính dục con người. Nói cách khác, không phải lúc nào mối quan hệ giữa đức tin và cuộc sống cũng luôn êm đẹp, giữa Giáo Hội và xã hội cũng “dĩ hòa vi quý”, giữa Tin Mừng và lối sống phổ thông cũng có được sự đồng thuận[22]. Cũng không phải lúc nào đức tin / Giáo Hội / Tin Mừng cũng cần phải đối nghịch với cuộc sống / xã hội / lối sống phổ thông như một số người bất mãn kinh niên và khó khăn khó ở chủ trương. Dầu vậy, khi đức tin đối diện với văn hóa, đức tin cũng phê bình những điều chưa tốt, thanh luyện những khiếm khuyết và đưa ra những thách đố để cải thiện và nâng cao nền văn hóa đó. Nhưng lúc nào ta cũng phải phân định xem những đối nghịch và mâu thuẫn này có đụng tới nền tảng đức tin hay tín lý không hay chỉ là những vấn đề hay những biểu lộ của văn hóa mà thôi. Vấn đề thờ kính tổ tiên hay nghi lễ Trung Hoa (cũng ảnh hưởng lâu dài tới Việt Nam, là một trong những cản trở cho việc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam cũng như là một lý do gián tiếp dẫn đến cuộc bách hại đẫm máu các Kitô hữu trong lịch sử[23]) là một điển hình. Đó là một điều đáng tiếc, một kinh nghiệm xương máu cần phải ghi nhớ để đừng lặp lại nữa. Nhưng cho dù những đối nghịch hay mâu thuẫn này trái ngược với đức tin và Tin Mừng, thì Giáo Hội cũng hãy tìm cách “sửa sai” chúng một cách hiền lành nhưng rõ ràng, khiêm tốn nhưng thẳng thắn, tế nhị nhưng cụ thể để tìm cách Phúc Âm hóa nền văn hóa đó tự bên trong.

Con Chiên Nhỏ

Tài liệu tham khảo

[1] GIOAN PHAOLÔ II, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo, 2012, số 854

[2] VINH DANH SJ, Giáng Sinh bị tục hóa? Đâu là ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh, đăng ngày 20/12/2019, truy cập ngày 17/12/2020, https://giaophanvinhlong.net

[3] LUCAS KHỔNG KIM QUANG, Halloween: nguồn gốc và những cảnh giác, đăng ngày 24/10/2012, truy cập ngày 30/12/2020, https://conggiao.info

[4] PHẠM ĐÌNH NGỌC SJ, Nên mừng lễ Halloween theo ý nghĩa ban đầu của nó, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 30/12/2020, https://songtinmungtinhyeu.org

[5] PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN, Bản chất và vai trò của hội nhập văn hóa, https://dcvxuanloc.net

[6] GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI SSS, Một số nét riêng trong Thánh Lễ Việt Nam (p2), đăng ngày 14/02/2017, truy cập ngày 31/12/2020, https://cgvdt.vn

[7] GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN, Hội nhập văn hóa bản địa trong Phụng Vụ, đăng ngày 16/10/2013, truy cập ngày 18/12/2020, https://gpkontum.wordpress.com

[8] ỦY BAN THÁNH NHẠC, Hướng dẫn mục vụ Thánh Nhạc, Sài Gòn, 2017, số 84-85

[9] ỦY BAN THÁNH NHẠC, Sđd, số 79

[10] HẢI NGUYỄN, Sáng tác ca khúc & hợp xướng, Sài Gòn, 2013, trang 88-97

[11] GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI SSS, Một số nét riêng trong Thánh Lễ Việt Nam (p2), đăng ngày 14/02/2017, truy cập ngày 31/12/2020, https://cgvdt.vn

[12] GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI SSS, Nhìn lại một số vấn đề phụng vụ tại Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2016, trang 341-350

[13] NGUYỄN CHÍNH KẾT, Hội nhập văn hóa tại Việt Nam, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 18/12/2020, http://www.simonhoadalat.com

[14] MICHEL NGUYỄN HẠNH, Việc hội nhập văn hóa ở Việt Nam, đăng ngày 14/01/2016, truy cập ngày 18/12/2020, www.thanhnhacngaynay.vn

[15] BÙI HẢI SƠN, Hội nhập và những giá trị nghệ thuật của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đăng ngày 12/07/2017, truy cập ngày 29/12/2020, www.cgvdt.vn

[16] NGUYỄN ĐÌNH DIỄN (PHANXICÔ), Các biểu tượng và việc huấn giáo, đăng trong Tập San Hiệp Thông HĐGMVN số 77

[17] TÒA GIÁM MỤC PHÁT DIỆM, Nhà Thờ Phát Diệm (Nhà Thờ Đá), không rõ ngày đăng, truy cập ngày 31/12/2020, https://nhathoconggiao.com

[18] GM PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA, Từ hái lộc và xin xăm ngày Xuân đến hái lộc Lời Chúa, đăng ngày 02/02/2011, truy cập ngày 31/12/2020, https://www.tgpsaigon.net

[19] LM GIUSE NGUYỄN HỮU AN, Lộc Lời Chúa, đăng ngày 21/01/2017, truy cập ngày 31/12/2020, https://giaophanphucuong.org

[20] LÊ TUẤN ĐẠT, Người Công Giáo với đạo hiếu, đăng trong Tạp Chí “Nghiên cứu tôn giáo” vol 12, số 11, 2010, trang 18-24

[21] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN HÓA, Hướng tới một cách tiếp cận văn hóa mang tính mục vụ, bản dịch của LM GIÊRÔNIMÔ NGUYỄN ĐÌNH CÔNG, đăng ngày 28/08/2020, truy cập ngày 18/12/2020, https://hdgmvietnam.com/

[22] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến Chế Gaudium et Spes, bản dịch của ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, 2012, số 62

[23] ANTÔN NGUYỄN NGỌC SƠN, Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019), đăng ngày 25/11/2018, truy cập ngày 18/12/2020, https://tgpsaigon.net

 

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!