VĂN HÓA
Những điều người ta lầm tưởng về người đi tu
(NSGH) Chung quanh bạn có rất nhiều người đi tu. Bạn cũng đã tiếp xúc với nhiều người đi tu. Bạn quan niệm về người đi tu thế nào? Cách nghĩ của bạn có thực sự chính xác không? Chắc hẳn chúng ta cũng có những quan niệm đúng đắn và cũng có những quan niệm chưa chính xác về người đi tu. Mời bạn đọc chút suy tư nhỏ bé này và suy nghĩ!
Quan niệm thứ nhất:
Người đi tu là một người thánh?
Đúng. Vì người đi tu được hiến dâng cho Thiên Chúa để sống cho Ngài. Họ chọn Ngài làm đối tượng tình yêu của mình. Họ được Giáo Hội thánh hiến để thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh. Họ được Thiên Chúa thánh hiến để sống cho Ngài và cho người khác. Theo nghĩa chặt, người đi tu có thể là tu sĩ sống trong đời sống thánh hiến, hay các giáo sĩ (giám mục, linh mục, phó tế, và các chủng sinh đang tu học và luyện tập sống đời giáo sĩ), hoặc hiểu nghĩa rộng hơn là những người sống ơn gọi tu hội đời, hay sống độc thân giữa đời để phục vụ cho Chúa và Giáo Hội theo một linh đạo hay đặc sủng nào đó. Họ muốn bước theo Chúa Kitô (sequela Christi) và bắt chước lối sống thánh thiện của Thầy Chí Thánh.
Sai. Tuy nhiên, họ vẫn không được chích ngừa vaccine miễn chủng khỏi những tính tình riêng, và cả sự yếu đuối bản thân nữa. Họ là một người thánh, nhưng là một vị thánh bất toàn đang vươn tới sự hoàn thiện mỗi ngày. Nói cách khác, chính vì thấy mình bất toàn mà họ đi tu, vì “tu” là “sửa”.
Đề nghị: Bạn hãy quý trọng những người đi tu vì phẩm giá cao quý của họ và vì sự can đảm của họ, nhưng cũng không nên “tôn kính” họ cách quá đáng theo kiểu quan lại hay công chức, vì làm như vậy sẽ vô tình làm hư họ đấy, vì ai cũng có cái tôi to đùng nơi cái rốn chờ lúc chui ra! Bạn đừng thần tượng những người đi tu quá mức để rồi có lúc suy sụp không đáng có vì sự thiếu trưởng thành của bản thân khi chứng kiến thần tượng đổ vỡ. Nhưng bạn cũng đừng “khử thiêng” họ bằng lối suy nghĩ “bài giáo sĩ”, “bài tu sĩ” kiểu luôn dị ứng, chống đối và cào bằng cho “cá mè một lứa”. Cần có sự trưởng thành trong nhận định.
Quan niệm thứ hai:
Người đi tu không biết tới cảm giác yêu?
Sai: Có lẽ khi bất cứ ai biết một người đi tu đều trố mắt nhìn họ mà hỏi: “Vậy bạn không lấy vợ/chồng hả? Sao mà… chịu nổi?” Bạn ơi, người đi tu cũng là con người, họ cũng có những đam mê, cũng có trái tim bằng thịt để yêu, để thương, để mến. Có lẽ ai chưa có kinh nghiệm về tình yêu thì cũng khó sống đời tu, và ai không có khả năng yêu thương thì cũng không thể hạnh phúc trong đời tu. Người ta đi tu để yêu thương cách chân thành và quảng đại hơn thôi. Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy một tu sĩ cũng có những xúc cảm rất con người. Họ cũng cười, cũng khóc, cũng nhạy cảm. Họ cũng “say nắng” ai đó hợp nhãn với mình, và cũng có thể “đơn phương” một người nào đó trong lòng. Họ không phải là những robot không cảm xúc hay là những cỗ máy automatic có “trái tim mùa đông”. Nhưng họ cũng được đào tạo để trưởng thành về tâm cảm và quản lý, tự chủ cảm xúc của mình. Một khi chọn đời tu, họ sẽ đặt tình yêu Đức Kitô là điều quan trọng nhất trong đời mình, còn những điều khác chỉ là tùy phụ. Chính vì thế, càng thiết tha sống trọn cho tình yêu Đức Kitô, họ sẽ càng thấy những bận tâm khác trở nên nhẹ nhàng. Và thực sự, đời tu là một chạy marathon đòi hỏi nỗ lực dẻo dai và một đam mê bền bỉ kiên trì, chứ không phải là một gameshow chỉ chiếu trong vài tiếng, rất hoành tráng mà ngắn ngủi. Có những thời gian trong đời tu nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn, và cũng có những thời gian khó chịu hơn, khó sống hơn. Có những khoảng thời gian an vui, êm đềm, nhiệt thành, nhưng cũng không thiếu những thời gian căng thẳng, mệt mỏi và khủng hoảng.
Đề nghị: Thế nên, hãy giúp người đi tu sống trọn đời tu của họ bằng sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng nỗ lực của họ, nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và tình yêu thay vì xét đoán, kì thị, tẩy chay họ khi họ gặp thử thách, khủng hoảng hay sa ngã, bạn ơi! Họ vẫn có một trái tim bằng thịt để yêu thương và được yêu thương. Hãy giúp cho trái tim họ luôn hồng tươi để yêu Chúa, yêu người và yêu đời trong sự triển nở.
Quan niệm thứ ba:
Người đi tu là người khờ khạo, tránh né cuộc sống?
Sai: Này bạn, bạn có biết là trong cộng đoàn, chủng viện, học viện của chúng tôi không hiếm những bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư, cử nhân, giáo viên, ngay cả những người mẫu, ca sĩ, họa sĩ không? Họ đáng lẽ đã có một cuộc sống ổn định và một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng họ chọn đời tu để làm gì? Đó là vì đời tu của Giáo Hội Công giáo không giống như những tôn giáo khác. Người ta đi tu không phải để trốn đời, khỏi vướng bận trần tục, khỏi lập gia đình hay đi làm, hay để nương náu tấm thân cho an nhàn. Những tư tưởng “thoát tục” cũng có những giá trị nhất định, nhưng ngoại trừ những ơn gọi sống đời đan sĩ, hoặc khổ tu, ẩn tu (những ơn gọi này đòi hỏi sự từ bỏ cao độ nên rất cao quý, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gọi họ là “bộ rễ đầy sức sống của Giáo Hội”), thì đại đa số người đi tu của Giáo Hội Công giáo không tránh né cuộc đời, không tìm đời tu để nương náu tấm thân khỏi khổ cực, tìm an nhàn, hay để che giấu những khuyết điểm, thất bại, những vấn đề trong cuộc sống. Họ không phải là những người không sống nổi ở đời nên đi tu cho “khỏe”. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây nói rõ điều đó trong cuộc nói chuyện với các chủng sinh[1]. Lý tưởng đời tu đòi hỏi người ta phải can đảm sống đời tu để ở lại với Chúa, để rồi dấn thân đi vào cuộc đời mang Chúa đến khắp nơi. “Ở” và “đi” là lộ trình mỗi ngày mà nếu thiếu là mất cân bằng ngay. Cần “ở” đủ, để “đi” chắc. Cần “đi” đủ, để thèm “ở” lại sâu.
Quan niệm thứ tư:
Người đi tu chỉ là những nhân viên, công chức của Giáo Hội?
Đúng: Hiểu một nghĩa nào đó, bạn cũng có thể hiểu người đi tu là những “nhân viên, công chức” của Giáo Hội vì họ làm việc cho Giáo Hội. Bạn hãy nhìn vào những việc họ làm: dâng Thánh lễ, dạy giáo lý, hoạt động tông đồ, chăm sóc người bệnh, phục vụ người nghèo, lo lắng cho trẻ em và người già, giáo dục cho giới trẻ… Họ làm việc cho Giáo Hội và vì Giáo Hội.
Sai: Nhưng không dừng ở đó, họ không chỉ là những “osin hạng sang”. Họ không phải là những nhân viên, công chức làm việc để lấy lương hay lấy tiếng. Biết bao việc họ làm, dù nổi tiếng hay âm thầm đều có giá trị, bởi họ làm vì tình yêu. Họ yêu mến Thiên Chúa, yêu đời, yêu người dù nhiều khi người…chẳng đáng yêu, họ đến những nơi không ai muốn đến, tới với những con người không ai muốn tới, và cũng có lúc họ chỉ nhận được sự xua đuổi, ác cảm, nghi ngờ, hiểu lầm… Nhưng song song đó, có những phần thưởng mà không có trợ cấp công ty nào có thể cho họ được, như niềm vui chia sẻ với người tàn tật, nụ cười của những người nghèo, tình cảm đơn sơ ấm áp của những trẻ em mồ côi, niềm hạnh phúc của những người cơ nhỡ, tình bạn trong sáng với giới trẻ… Có những hạnh phúc không thể mua được bằng tiền bạc hay vật chất, phải không bạn?
Quan niệm thứ năm:
“Đi tu đi, sướng lắm!” hoặc “Đừng có đi tu, cực lắm!”
Bạn vẫn thường nghe điều này từ những người khác, kể cả ông bà cha mẹ của bạn, phải không? Thực ra thì đời sống nào, ơn gọi nào cũng có vui buồn sướng khổ riêng của nó hết. Ơn gọi dâng hiến có niềm vui, có cực nhọc, và ơn gọi gia đình, ơn gọi độc thân giữa đời cũng vậy thôi. Bạn đừng “đứng núi nọ trông núi kia.” Nếu bạn đi tu để mong được vui, được sướng, được nhàn thân rảnh rỗi, thì bạn sẽ thất vọng đó! Nếu bạn đi tu chỉ để tìm “đau khổ”, “nhọc nhằn”, thì có vẻ cũng không “lành mạnh” lắm (cũng có những người được đặc sủng chịu nhiều đau khổ để đền tội cho người khác và chia sẻ cuộc Khổ Nạn Chúa, tuy nhiên đó là một ơn gọi đặc biệt và ít gặp)! Tôi xin nhắc lại với bạn: Đời sống nào cũng có nụ cười và nước mắt. Người đi tu cũng có vô số trò hài hước đó bạn ạ! Cuộc sống thì không phải hoàn toàn màu hồng, cũng chẳng phải màu đen. Nó muôn màu muôn vẻ. Tùy theo sự lựa chọn của bạn và thái độ đón nhận của bạn thôi. Nếu bạn thấy hạnh phúc, bạn có thể chịu đựng được cả nụ cười lẫn nước mắt, phải không? Nếu bạn thấy trong tâm hồn mình có được tiếng gọi đi theo một ơn gọi nào đó, hãy mạnh dạn bước theo tiếng gọi của trái tim, và dĩ nhiên như người ta nói, đừng quên mang theo bộ não! (Follow your hearts, but remember to bring your brains) Đừng dập tắt ngọn lửa ơn gọi trong trái tim bạn, nếu bạn lắng nghe từ trong sâu thẳm lòng mình một tiếng gọi, cho dù là rất bé nhỏ. Bạn có quyền và nghĩa vụ chọn cho mình đời sống thích hợp nhất, hạnh phúc nhất, bởi vì người khác có thể có ý kiến về quyết định của bạn, nhưng chẳng ai sống dùm bạn cả đời. Bạn phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình, đừng dang dở để rồi nuối tiếc. Điều gì quyết định bằng sự tự do thì cũng có giá trị của nó. Chính bạn lựa chọn, chính bạn có trách nhiệm về hành vi của mình. Và đừng quên, Chúa lúc nào cũng muốn bạn được hạnh phúc cả. Vấn đề chỉ là bạn có can đảm chọn và đi theo điều Chúa chỉ không, và để có được hạnh phúc, bạn luôn cần trả giá-một cái giá xứng đáng với hạnh phúc của bạn. “Chịu chơi thì phải chịu chi” mà!
Đề nghị: Nhiều bạn trẻ ban đầu cũng có thể có định kiến ban đầu về đời tu “rất sướng” hay “rất cực”, không sao cả! Từ từ, chính Chúa sẽ thanh luyện động lực ơn gọi của bạn nên tinh tuyền và trưởng thành hơn, với điều kiện là bạn hãy đón nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện để thưa “xin vâng” trong mọi sự như Đức Mẹ và Thánh Giuse, khi bàn hỏi với những vị linh hướng, những người có kinh nghiệm, và sử dụng sự khôn ngoan Chúa ban để phân định và quyết định. Chúa không để bạn lạc đường nếu bạn xin Ngài dẫn lối, trừ khi bạn không để Chúa-dắt-bạn mà là bạn-dắt-Chúa đi!
Con Chiên Nhỏ
……………………………………………………….
[1] PHANXICÔ, Đức Phanxicô Nói Với Các Chủng Sinh: Trong Thiên Chức Linh Mục, Không Có Chỗ Cho Sự Tầm Thường, bản dịch của Tý Linh, đăng ngày 16/04/2014, https://xuanbichvietnam.net/
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...