GÓC SUY TƯ
Tại sao Thánh Irênê “chậm trễ” được tuyên bố là tiến sĩ Hội Thánh vậy ?
(CGOL) Hôm nay là lễ thánh Irênê (Eirenaios theo tiếng Hy Lạp, Ireneaus theo tiếng Latin) (130-202), Giám mục giáo phận Lugdunum xứ Gallia (Gaule), ngày nay là Lyon, miền Nam nước Pháp. Sinh trưởng tại Smyrna ngày nay là Thổ Nhĩ Kì, ngài là môn đệ của thánh Pôlicáp (Polycarpo), giám mục thành Smyrna. Thánh Polycarpo là môn đệ của thánh Gioan Tông Đồ. Vì vậy, thánh Irênê là thế hệ kế tiếp sau thế hệ của các vị Tông Phụ như Pôlycarpô, Inhaxiô thành Antiochia, Linô (giáo hoàng tử đạo), Clêtô (giáo hoàng tử đạo) và Clêmentê (giáo hoàng tử đạo)… Các vị này sống rất gần thời với những thị chứng nhân trực tiếp của Tin Mừng và kế thừa sống động truyền thống liên tục của các Tông Đồ, điều mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính là tôi tin một Giáo Hội Tông Truyền. Chịu chức giám mục để phục vụ cho Lugdunum và trước khi dâng hiến lễ đời mình bằng cái chết tử đạo, thánh Irênê còn là một thần học gia uyên thâm đã viết nhiều sách để bảo vệ giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội chống lại ảnh hưởng của Ngộ Đạo Thuyết (Gnostic) đang lan tràn thế giới Hy-La bấy giờ, nổi danh nhất là năm cuốn trong bộ sách Adversus haereses (Chống lạc giáo) nổi tiếng mà Giáo Hội vẫn còn gìn giữ và đọc khá thường xuyên trong phụng vụ giờ Kinh Sách. Ngoài ra còn cuốn “Trình bày về việc rao giảng của các tông đồ”, được coi là cuốn giáo lý cổ nhất của giáo lý Kitô giáo. Vị Giáo Phụ Hy Lạp này thực sự là một điểm quy chiếu quý giá cho các nhà thần học và sử học về Giáo Hội sơ khai cổ thời và là một nhà thần học vĩ đại trong lịch sử thần học Kitô giáo. Ngoại trừ thánh Phaolô Tông Đồ cũng là một “nhà thần học”, thánh Irênê được coi là nhà thần học vĩ đại đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, truyền thống xa xưa của phụng vụ chỉ mừng kính ngài dưới tước hiệu là giám mục tử đạo. Chúng ta có thể tự hỏi rằng tại sao một vị giám mục – thần học gia vĩ đại như thế lại chưa được tuyên phong là Tiến Sĩ Hội Thánh trong khi những vị thánh khác gần đây như Tôma Aquinô hay Têrêsa Hài Đồng đều đã được Giáo Hội dành tặng tôn vinh danh hiệu này?
Chúng ta biết Tiến Sĩ Hội Thánh là một danh hiệu mà Giáo hội Công giáo dành cho các vị thánh mà các tác phẩm của các ngài được toàn thể Giáo Hội công nhận là có ảnh hưởng và lợi ích lớn, cũng như “sự hiểu biết nổi bật” và “sự thánh thiện rộng lớn” đã được tuyên bố bởi Giáo Hoàng hoặc một bởi một Công đồng đại kết. Vinh dự này chỉ được trao ban cho một tín hữu đã chết và đã được Giáo Hội tuyên thánh. Đại đa số các vị Tiến Sĩ Hội Thánh là những thần học gia uyên thâm, chỉ có một vài vị, dù thực tế là những người không đọc thạo biết nhiều nhưng dưới sự tác động của Thánh Thần đã viết ra những tác phẩm vạch ra cho Giáo Hội những con đường thiêng liêng vô cùng đặc sắc và sâu xa ảnh hưởng lên toàn thể Giáo Hội, như Têrêsa Avila, Catarina Siena và Têrêsa Hài Đồng Giêsu [1]. Tuy nhiên, tại sao thánh Irênê, một vị thánh ở thời kì đầu Giáo Hội với những tác phẩm đồ sộ như thế trong suốt thời gian qua vẫn chưa được tuyên bố là Tiến Sĩ Hội Thánh?
Thật ra, vào ngày ngày 21 tháng 1 năm 2022 (hơn một năm trước), trong buổi tiếp kiến Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ngày 20/01/2022 trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận ý kiến của các thành viên Bộ Tuyên Thánh tại phiên họp toàn thể, về việc tuyên phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Irênê [2]. Với quyết định này, Đức Phanxicô đã tuyên bố thánh Irênê thành Lyon Giám mục-Tử Đạo là vị Tiến Sĩ Hội Thánh, với danh hiệu là Tiến sĩ Hiệp Nhất (doctor unitatis) vì sứ mạng của ngài như là một cầu nối tâm linh và thần học giữa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương, không phải chỉ về vấn đề giáo thuyết thần học nhưng còn ở việc ngài can thiệp với thánh Giáo Hoàng Victor I rút lại bản án tuyệt thông (ex-comunication) đối với các Kitô hữu Đông Phương thời bấy giờ cử hành lễ Phục Sinh theo truyền thống chính ngày 14 tháng Nisan, khác với các Kitô hữu Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật gần nhất với ngày 14 tháng Nisan. Với quyết định này, Thánh Irênê thành Lyon là Tiến Sĩ Hội Thánh thứ hai được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố, sau theo Thánh Grêgôriô thành Narek, người đã được trao danh hiệu này vào năm 2015. Tổng số thánh Tiến Sĩ Hội Thánh hiện nay là lên 37 người [3]. Chính bản thân kẻ viết bài này khi đọc thấy thông tin trên thì rất “hả lòng thỏa dạ” với quyết định trên của Đức Phanxicô, vì trước đây cứ thấy “lấn cấn” và “ấm ức” mãi “dùm” thánh Irênê về chuyện này.
Tuy nhiên, phải chăng chuyện chỉ đơn giản là Giáo Hội đã “quên” dành tặng tước hiệu này cho thánh Irênê? Thưa không, theo những gì kẻ viết bài thấy được, thì mọi chuyện không đơn giản là thế. Thật ra thì chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên phá lệ, tuyên bố một vị tử đạo đầu tiên là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thật vậy, nếu dò lại danh sách 37 vị Tiến Sĩ Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy các vị Tiến Sĩ Hội Thánh khác đều là những vị không tử đạo. Các vị là thánh hiển tu (confessor) hay đồng trinh (virgin). Chẳng có vị Tiến Sĩ Hội Thánh nào là thánh tử đạo cả. Hay nói ngược lại, chẳng có vị tử đạo nào được dành tặng tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cả. Nhưng tại sao?
Lý do là bởi vì từ xa xưa, Giáo Hội Công Giáo vô cùng quý trọng ơn tử đạo. Phụng vụ của Giáo Hội tưởng niệm các thánh tử đạo bằng sự tôn kính đặc biệt [4]. Kinh Cầu Các Thánh, kinh cầu (litania) được coi là cổ xưa nhất trong Giáo Hội) xếp các thánh theo từng “lớp” (order), ngoài Đức Maria và các Thánh Thiên Thần (Virgo Maria et Angeli), rồi tới thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Giuse cũng như các thánh Tổ Phụ và Tiên Tri (Patriárchæ et Prophétæ), thì là các thánh Tông Đồ và các môn đệ Chúa (Apóstoli et Discípuli). Ngay sau đó là tới “lớp” các thánh Tử Đạo (Martyres) ngay, rồi sau đó mới tới các thánh Hiển Tu (Confessor) bao gồm các giáo hoàng/giám mục và Tiến Sĩ (Episcopi et Doctores), các linh mục và tu sĩ (Presbyteri et religiosi) và sau cùng là các thánh giáo dân (Laici). Trong Sách lễ Roma cũng vậy, ở phần chung của phụng vụ Chư Thánh, ngay sau các bài lễ Cung Hiến Thánh Đường là các bài lễ về Đức Maria rồi sau đó là tới các Thánh Tử Đạo trước khi tới các Thánh Mục Tử, Tiến Sĩ, Đồng Trinh và các Thánh Nam Nữ… Trước khi quy trình tuyên phong hiển thánh được giáo luật hóa thì các Kitô hữu sơ khai đã tôn kính một vị được tử đạo ngay sau cái chết của ngài và gọi họ là thánh [5], và Thánh Lễ được cử hành ngay trên thân xác hay hài cốt của vị tử đạo ấy. Chính truyền thống xa xưa này dẫn tới việc đặt xương thánh ở bất kì Bàn Thờ nào được cung hiến [6].
Chính vì vậy, truyền thống phụng vụ khi đã tôn vinh một vị thánh là tử đạo là “lớp” (order) thánh được nêu lên hàng đầu, thì không cần một danh hiệu Tiến Sĩ kèm theo nữa. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không lạ gì nếu biết những trường hợp khác cũng “bị oan ức” vì chưa được Giáo Hội dành tặng danh hiệu này mặc dù vô cùng xứng đáng, như thánh Giúttinô (Justin) thành Samari, triết gia tử đạo (ngày kính 01/06), thánh Híppôlitô (Hippolytus) thành Roma, linh mục tử đạo (ngày kính là 13/08) và Xiprianô (Cyprian) thành Carthage, giám mục tử đạo (ngày kính 23/09). Đó là vì ơn tử đạo của các vị này đã là một ơn Chúa ban quá cao cả, nên Giáo Hội không tuyên bố các vị là Tiến Sĩ Hội Thánh nữa, cho dù các vị này thực sự là những thần học gia vĩ đại, các giáo phụ của Giáo Hội cổ thời mà ngày lễ các ngài vẫn được Giáo Hội trân trọng mừng nhớ trong lịch phụng vụ.
Tuy nhiên, trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha là người có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cho nên chính ngài có thể đã chọn không theo truyền thống này. Đức Phanxicô đã tuyên bố thánh Irênê giám mục tử đạo là Tiến Sĩ Hội Thánh, điều đó không có nghĩa là ngài không biết về truyền thống trước đây (vì xung quanh ngài có biết bao nhiêu là chuyên viên về giáo luật, phụng vụ, linh đạo…). Hơn nữa, ngài chỉ làm theo đề nghị của chính Bộ Tuyên Thánh. Tuy nhiên, có thể đối với ngài và cách nhìn nhận tân thời, ơn tử đạo cao quý Thiên Chúa ban cho thánh Irênê không ngăn cản Giáo Hội mà ngài là người đứng đầu dành tặng và tôn vinh thánh Irênê danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh. Và nếu đã “phá lệ” với thánh Irênê, có thể Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục truyền thống mới mẻ này với các thánh khác như Giústinô, Híppôlitô, hay Xiprianô chăng? Sẽ còn để thời gian trả lời.
Con Chiên Nhỏ
Lễ thánh Irênê 28/06/2023
[1] LM PHANXICÔ XAVIÊ NGÔ TÔN HUẤN, Các Giáo phụ và Tiến sĩ Hội Thánh là những ai? https://gxvinhhuong.net/
[2] NGỌC YẾN – Vatican News, Thánh Irênê được phong Tiến sĩ Hội thánh, https://www.vaticannews.va/vi/
[3] AUGUSTINE NGUYỄN MINH TRIỆU S.J, Đến nay có bao nhiêu Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh? https://www.dongten.net
[4] PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng vụ & Thời gian, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 1997, ấn bản 2014, trang 123
[5] PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng vụ & Thời gian, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 1997, ấn bản 2014, trang 121
[6] Với thời gian lâu dài số lượng các vị tử đạo trong Giáo Hội rất lớn nên có vẻ người ta cảm thấy việc tôn kính các thánh tử đạo trở nên thông thường. Có lẽ người tín hữu Việt Nam cũng nên nhìn lại lòng cổ võ tôn kính các vị tử đạo tổ tiên mình. Có lẽ không chỉ mừng lễ các vị tử đạo Việt Nam một năm một lần hay vị thánh của địa phương mà thôi, nhưng cần tập thói quen lấy tên thánh Rửa Tội và Thêm Sức là các thánh tử đạo Việt Nam để khơi lên lòng sùng kính nơi con cháu các ngài, chứ đừng chỉ “sính ngoại” mà thôi! (nói cho vui vậy, chứ nhận vị thánh nào thì cũng tốt thôi, nhưng nhận thánh tử đạo Việt Nam thì… tốt hơn!)
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...