Câu Chuyện Sống Đạo

GÓC SUY TƯ

Thiên Chúa có chiếm hữu hay chiếm đoạt không ?

Tháng chín 25, 2023 8:14 chiều
Chia sẻ
Chia sẻ

(CGOL)  Gần đây, có người thắc mắc về nội dung một bài hát của tôi. Theo người này thì tựa đề và nội dung của bài “Chúa đã chiếm đoạt con rồi” của cha Ân Đức và “Chúa đã chiếm hữu con” của tôi là không hợp lý vì không chính xác. Bản thân tôi rất thích bài “Chúa đã chiếm đoạt con” của cha Ân Đức, vốn cảm hứng từ Pl 3,12-14 và Gr 20,7-9. Tôi cũng có chia sẻ về bài hát của tôi trên youtube dưới dạng một bình luận (comment) nhưng có vẻ người này cần những luận chứng thuyết phục hơn. Nhận thấy đây là một chủ đề khá thú vị, tôi đã viết bài này, trước tiên không phải nhằm để biện minh cho tác phẩm của mình, nhưng để chia sẻ chút tâm tình đơn sơ mà tôi tìm được nơi Kinh Thánh, các tư tưởng thần học và các văn bản của các nhà linh đạo, những bậc thầy về đời sống thiêng liêng.

I. Thiên Chúa hiện diện với linh hồn sống đời nội tâm:

1.Sự hiện diện vô hình mà linh hồn không cảm nghiệm:

Người tín hữu chúng ta đều biết và tin Thiên Chúa, nhưng Ngài thì vô hình. Chẳng vậy mà ngôn sứ Isaia đã gọi Thiên Chúa của Israel là một Thiên Chúa “ẩn mình” (Is 45,15). Rất thường trong cuộc sống, những bận bịu lo toan, những ồn ào vội vã khiến đời sống nội tâm của chúng ta đâm ra hời hợt, chúng ta không nhận ra sự hiện diện vô hình của Chúa trong trái tim chúng ta. Dầu vậy, không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa không có nghĩa là Ngài không ngự trong lòng chúng ta. Sự sống chúng ta đang có cũng là vì Thiên Chúa cho phép và Ngài hiện diện trong cuộc đời chúng ta cũng như muôn vật muôn loài Ngài tạo nên. Ngài là Hữu Thể tất yếu [1]. Kinh nghiệm này từ xa xưa cũng đã được thánh Augustinô (351) diễn tả trong cuốn sách Tự Thuật (Confessiones) như sau: “Con không gặp được Chúa ở ngoài con, và thật sai lầm khi tìm Chúa ở ngoài, vì Chúa vốn bên trong.” [2] Thánh Bênarđô đã làm chứng: “…Ngôi Lời đã viếng thăm tôi và không phải một lần, nhưng là Ngài quá thường xuyên đi vào trong tôi, dẫu vậy không phải lúc nào tôi cũng nhận ra điều đó.”[3] Một trải nghiệm khác của thánh Têrêsa Avila: “Có một điều mới đầu mà tôi không biết, đó là tôi không biết Chúa hiện diện trong mọi sự, và khi tôi thấy là dường như Người hiện diện thật sự, tôi nghĩ điều ấy không thể được. Nhưng tôi không thể không tin được sự hiện diện ở đó, vì dường như rất chắc chắn là tôi nhận ra chính sự hiện diện của Người. Những người không thông thạo đã bảo tôi là Chúa chỉ hiện trong các tạo vật bằng ân sủng thôi; nhưng tôi không tin được như thế, vì như tôi nói, đối với tôi thì dường như người hiện diện thật sự chứ không chỉ bởi ân sủng.”[4] Còn thánh Gioan Thánh Giá nơi những trang chú giải của sách Khúc Linh Ca 1,10 thì cho chúng ta biết về sự hiện diện kín ẩn của Thiên Chúa như thế này: “Cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa luôn hiện diện kín ẩn theo yếu tính nơi phần sâu thẳm của linh hồn.”[5]

2. Sự hiện diện của Thiên Chúa mà linh hồn bất chợt nhận ra:

Tuy nhiên, chắc hẳn mỗi người tín hữu chúng ta ít nhất vài lần trong đời cũng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, dẫu là một phút thoáng qua ngắn ngủi. Một phút giây cảm nghiệm tình yêu Chúa, một phút cảm nhận Ngài thực sự ở bên và đỡ nâng đời sống mình… Những giây phút ấy chính là những “khoảnh khắc thần bí” mà trực giác nói cho chúng ta biết có sự hiện diện linh thánh và mầu nhiệm của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Những ơn an ủi này là lời khích lệ mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin để thêm can đảm, tươi vui và kiên trì theo Chúa. Trong tác phẩm Tiểu Sử Tự Thuật (Vida), thánh Têrêsa Avila đã diễn tả một khoảnh khắc thần bí đó thế này: “Khi tưởng tượng như tôi đang ở kề bên Đức Kitô theo cách tôi đã nói, thì đôi khi cả trong những lúc đọc sách, bất thần tôi thấy Chúa hiện diện một cách không thể nghi ngờ được, là Người hiện diện trong tôi và tôi hoàn toàn chìm ngập trong Người”[6] Không chỉ có cảm nghiệm của thánh Têrêsa mà thánh Bênarđô cũng có những cảm nghiệm ấy, đến nỗi ngài chân nhận trong Chú Giải Diễm Ca 41,50 rằng: “Tôi cảm thấy Ngài ở đó, tôi nhớ ra Ngài đã hiện diện ngay cả đôi khi tôi cũng linh cảm Ngài bước vào và không cảm thấy Ngài bước vào cũng như Ngài ra đi”. Sự hiện diện của Thiên Chúa ban đầu có thể gây cho linh hồn một nỗi khiếp sợ linh thánh như vẫn thấy trong suốt cả Kinh Thánh nơi các cuộc thần hiện (epiphania) của Thiên Chúa, nhưng sau đó ngay lập tức là sự bình an và hoan lạc vô bờ bến. Ngược lại, sự hiện diện của thần dữ luôn gây xáo trộn, mất bình an và sầu khổ thiêng liêng, cho dù nó có “mặc lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr 11,14) đi nữa. Đó là kinh nghiệm cơ bản về phân định mà các bậc thầy tâm linh từ xa xưa đã nói.

3. Thiên Chúa chiếm hữu / chiếm đoạt con người với tất cả sức mạnh tình yêu của Ngài:

Tuy nhiên, trong đời sống của một số người, nhất là những tâm hồn thánh thiện như các nhà thần bí (và cũng là những vị thánh) chẳng hạn, sự hiện diện của Thiên Chúa không còn phải là những khoảnh khắc ngắn ngủi và rời rạc nữa, nhưng cuộc sống của họ là một bằng chứng sống động liên lỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tâm hồn con người. Đời sống của các thánh luôn là đời sống thần bí, cho dù trong đời sống của vị đó có những biến cố thần bí do những ân huệ lạ lùng cao siêu hay không. Lịch sử đời sống các thánh cho chúng ta thấy có những vị được những ơn huệ thiêng liêng cao siêu như xuất thần (ectasy), lưỡng tại, các dấu thánh, làm phép lạ, khả năng thấu biết tâm hồn tha nhân, khả năng sống kết hiệp liên lỉ với Chúa… Ở đây, từ ngữ thần bí (mystic) được hiểu đúng theo nghĩa đen của nó. Nhưng cũng có những vị có đời sống không hề tỏ hiện một điều gì lạ lùng cả đối với thế gian, chỉ là một cuộc sống thần bí kín ẩn hoàn toàn những ân huệ trong tâm hồn riêng của vị ấy với Thiên Chúa. Trong trường hợp này, từ ngữ thần bí (mystic) vẫn đúng, nếu hiểu đời sống thần bí là đời sống chìm ngập trong Thiên Chúa. Và những ân huệ cao siêu không nhất thiết là dấu chỉ cho một tâm hồn thánh thiện, và ngược lại, một tâm hồn đơn sơ kín ẩn bé mọn trước mặt thế gian vẫn có thể là một vị đại thánh. Thiên Chúa khôn ngoan thượng trí đã muốn dành niềm vui vĩnh cửu trên trên trời cho chúng ta để tìm hiểu về những gì Ngài đã làm cho tâm hồn các vị thánh đơn sơ bé mọn này lúc còn tại thế. Và Ngài cũng để cho chúng ta cảm nhận cách nhãn tiền nơi tâm hồn và cuộc đời của một số vị khác những hiệu quả vĩ đại kì diệu của ơn thánh. Đó là những vị được cảm nghiệm rõ nét và truyền đạt cho chúng ta qua các tác phẩm của các ngài những tác động mạnh mẽ của Thiên Chúa. Nhất là có những lúc, các nhà thần bí này cảm nhận một sự chiếm hữu / chiếm đoạt bởi Thiên Chúa, mà rất thường là linh hồn không thể làm gì được khác hơn là chỉ có thể thụ động tiếp nhận mà thôi. Trong bài viết này, qua kinh nghiệm của các nhà thần bí, dù có những khác biệt đôi chút trong cách diễn tả, chúng ta vẫn đều thấy có những yếu tố như sức mạnh, ánh sáng, sức nóng, tình yêu từ Thiên Chúa xâm chiếm hoàn toàn cả con người họ. Nếu có những thời khắc thần bí mà Thiên Chúa viếng thăm linh hồn con người như chủ nhà bước vào nhà mình, thì ở trong trường hợp này, Thiên Chúa chiếm hữu toàn thể linh hồn và vui thích hiện diện trọn vẹn nơi căn nhà của linh hồn này. Thánh Têrêsa Avila đã diễn tả cuộc kết hôn thiêng liêng như sau: “Chúa tỏ hiện ở thâm cung linh hồn, không qua trí tưởng tượng, nhưng qua thị kiến tri thức, như Người hiện đến với các tông đồ, mà không phải vào qua cửa nào cả, Người nói với các ông Bình an cho các con” (Ga 20,19). Không thể nói gì hơn nữa, theo những gì có thể hiểu thì linh hồn (thần trí linh hồn) được nên một với Thiên Chúa, Đấng, vì là Thần Trí đã muốn mặc khải tình yêu mà Người yêu thương chúng ta, bằng cách biểu lộ cho một số người cái tầm mức cao vời của tình yêu Người, để chúng ta ca tụng sự cao cả của Người. Vì Người đã đoái thương kết hiệp chính mình với thụ tạo của Người đến mức là như hai người đời không thể tách lìa nhau được: thì Người cũng sẽ không lìa xa khỏi bà như vậy.”[7]

Sau đây, xin nói rõ hơn về mức độ hiện diện thứ ba, là cách thức mà nhà thần bí cảm nhận về tác động mãnh liệt của Thiên Chúa rõ ràng hơn cả.

II. Hai chiều của sự kiện: Thiên Chúa chiếm hữu linh hồn và linh hồn khát khao Thiên Chúa:

1. Thiên Chúa chiếm hữu linh hồn:

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16), đó là điều thánh Gioan đã dám định nghĩa. Nhưng nếu là tình yêu thì Ngài luôn luôn quảng đại, cho đi, trao hiến. Vậy làm sao Thiên Chúa lại chiếm hữu một linh hồn làm của riêng mình? Thật ra, hoàn toàn đúng khi nói tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu cho đi, trao hiến, quảng đại và không giữ lại gì cho chính bản thân mình cả. Thiên Chúa giàu có vô cùng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta [8]. Tuy nhiên, như Đức Giêsu đã từng nói, “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” và “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,21.23). Thiên Chúa có thể “tỏ mình” và hơn nữa, dành riêng một tâm hồn nào đó cho Ngài [9]. Nếu linh hồn đó đẹp lòng Ngài, Ngài vẫn có thể chiếm hữu linh hồn đó làm của riêng Ngài. Đó không phải là chuyện quá lạ lùng gì nếu chúng ta có tìm hiểu một chút về Kinh Thánh, cũng như đời sống của các thánh. Cho nên chẳng có gì là mâu thuẫn giữa một Thiên Chúa trao ban đến mức“yêu đến cùng” (Ga 13,1) và việc Ngài chọn làm của riêng Ngài nhìn chung là tất cả mỗi người chúng ta qua bí tích Rửa Tội, qua các ơn gọi nơi bậc sống của mỗi người (rõ ràng hơn qua đời sống và ơn gọi tận hiến của những giáo sĩ, tu sĩ và những ơn gọi thánh hiến giữa đời [10]) và nhìn riêng cũng là cảm nghiệm của bất cứ con người nào đã thực sự tiến sâu vào trong đời sống thiêng liêng [11]. Kitô giáo vừa là một tôn giáo rất triệt để nhưng cũng rất bao dung, vì Thiên Chúa là Đấng chí thánh nhưng cũng nhân từ với tội nhân, và tình yêu của Ngài rất quảng đại, bao la, trao ban nhưng cũng mang tính chiếm hữu, trọn vẹn, đòi hỏi người ta thuộc trọn về Ngài. Thiên Chúa yêu chúng ta như vậy đó, Ngài là như vậy dù ta có tin hay không [12].

a. Nền tảng Kinh Thánh:

Trong Cựu Uớc, gốc từ Dothái קדש (qdš) được dùng trong nhiều bản văn khác nhau, và thường được dịch là “thánh”. Gốc từ ấy xuất phát từ vùng ngôn ngữ Akkadian, có nguyên nghĩa là “tách biệt”, “tách riêng”, hoặc “dành riêng” cho Thiên Chúa. Cần biết rằng trong quan niệm của Cựu Ước, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Thánh. Tất cả những sự khác: con người, nơi chốn, sự vật… chỉ là “thánh” trong mức độ được thông dự vào phẩm tính thánh thiêng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng, là sở hữu của Ngài (Xh 19,5; Đnl 3,20; Đnl 7,6…). Đây là điều dân Do Thái rất chú trọng, ở đây, niềm tự hào dân tộc và ý thức tôn giáo hòa quyện với nhau. Tương tự như thế, Thiên Chúa đòi tất cả những gì thuộc về Ngài đều cần phải thánh hiến và dành riêng, dù là người như các thầy Levi (Lv 21,6; Ds 6,5), các tư tế (1 Sm 7,1), các con đầu lòng (Xh 13,2), các na-dia (Ds 6,1-21), ngôn sứ (Kn 11,1) hay là đồ vật như đồ thánh và của lễ (Xh 29,33) hay nơi chốn như đất (Xh 3,5; Dcr 2,16), thành (Is 48,2; Nkm 11,1) Đền Thờ (Is 64,10; Tv 122,1), Nhà Tạm (Xh 40,34-35), cung thánh (Xh 26,33), núi (Tv 14,1; 134,3) hay thời gian như ngày Sabbat (Xh 20,11; 31,14) hay Năm Thánh Toàn Xá (Lv 25,12) [13]. Trong Tân Ước, άγιος là từ Hy–lạp thường được dùng với nghĩa tương tự như từ קדש trong tiếng Do–thái. Tuy nhiên việc sử dụng từ άγιος trong Tân Ước rất khác, vì Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người…[14]

Sách Diễm Ca, cuốn sách diễn tả mối tình giữa Thiên Chúa và dân của Ngài qua ngôn ngữ trữ tình, gợi cảm giữa tình yêu say đắm giữa người nam và người nữ có rất nhiều đoạn nói về điều này. Chẳng hạn: “Chàng đã đưa tôi vào phòng tiệc, cho tôi uống rượu nồng, đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu.” (Dc 2,4) “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng.” (Dc 2,16; 6,3; 7,11) Và sự mãnh liệt đòi hỏi thuộc về nhau là đặc tính của tình yêu ấy:“Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh. Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng.” (Dc 8,6).

Còn ngôn sứ Giêrêmia thì thú nhận rằng ông bị Thiên Chúa “quyến rũ”. Cho dù “quyến rũ” là một động từ mang tính gợi mở, tự do hơn hạn từ “chiếm hữu”/ “chiếm đoạt”, nhưng vì Thiên Chúa đã thắng, nghĩa là Ngài đã chinh phục được tâm hồn của vị ngôn sứ này, nên chẳng có gì là nói quá khi nói Thiên Chúa đã chiếm hữu cuộc đời ông: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá hủy!” Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng mãi trong tim, âm ỉ trong xương cốt.” (Gr 20, 7-9)

Qua ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa cho thấy tình yêu tha thiết và trung tín của Ngài dành cho dân riêng của Ngài dù họ cứ vô ơn mà ngoại tình đàng điếm khi thờ các thần lân bang: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó…Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người mang trẻ thơ nâng lên ấp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn…Hỡi Ephraim, Ta từ chối người sao nổi…Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,1-8). Dĩ nhiên, cách diễn tả “như nhân” cách loại suy này giúp chúng ta dễ cảm nhận hơn về Thiên Chúa mà thôi chứ không phải là toàn thể thực tại Thiên Chúa. Ngài luôn là mầu nhiệm vuợt khỏi trí hiểu con người.

Trong Tân Uớc, rõ ràng nhất là kinh nghiệm của thánh Phaolô. Chính thánh Phaolô là người đã nói cho chúng ta trải nghiệm bị Thiên Chúa chiếm hữu của chính ngài ở Pl 3,7-12: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. [15]” Phaolô dùng từ κατελήμφθην (ngôi thứ nhất, thì aorist, thể bị động, lối trình bày, số ít) với từ gốc là καταλαμβάνω [16]. Từ này cũng được sử dụng ở nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh với nhiều nghĩa như ở Mc 9,18 (“bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống”), Rm 9,30 (“phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để có được sự công chính”), 1 Cr 9,24 (“anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng”), Ga 1,5 (“bóng tối không hủy diệt được ánh sáng”), Ga 8,3 (“các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình”), Ga 12,35 (“các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông”), 1Tx 5,4 (“anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em”), Cv 4,13 (“họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn và biết rằng hai ông là…”), Cv 10,34 (“quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào”), Ep 3,18 (“để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu”), Cv 25,25 (“Phần tôi, tôi không thấy đương sự đã làm gì đáng chết”) [17]. Biến cố mang tính chiếm đoạt mà Phaolô cảm nhận sâu sắc nhất, có lẽ là biến cố Đamas, vì trong sách Tông Đồ Công Vụ mà thôi đã trình thuật lại biến cố này tận ba lần với những nhóm thính giả khác nhau và những miêu tả đặc thù [18]. Chúng ta đừng quên vị thánh này cũng là người đã cảm nhận rất sâu xa đến nỗi nói rằng: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Tại sao vậy? Tại vì Phaolô đã bị Chúa chiếm đoạt một cách hoàn toàn: Những lời xác tín trên không còn phải là câu chữ vô hồn, nó trở thành thịt máu, là hơi thở, là linh hồn và kinh nghiệm tình yêu cháy bỏng mà Thánh Phaolô dành cho Đức Kitô.

b. Suy tư thần học được minh chứng nơi đời sống các thánh:

Các nhà linh đạo bậc thầy từ xa xưa đã chú giải sách Diễm Ca – một cuốn trong bộ Kinh Thánh thường hay bị chỉ trích là chứa quá nhiều những hình ảnh dung tục – khi thực chất đề cập tới tình yêu thân xác nam nữ dưới khóe nhìn của đời sống thiêng liêng giữa Thiên Chúa – Lang Quân và linh hồn – Hiền Thê. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà linh hồn được gọi là Hiền Thê của Thiên Chúa. Để trở thành Hiền Thê, linh hồn phải có những điều kiện cần thiết. Nhưng đâu là những điều kiện cần thiết ấy? Linh hồn phải khao khát Thiên Chúa cháy bỏng và phải có trái tim tinh tuyền. [19] Thánh Têrêsa Avila đã diễn tả sự nên một giữa Thiên Chúa và linh hồn trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm như sau:“Linh hồn liên lỉ ở lại thâm cung của lòng mình với Thiên Chúa. Chúng ta có thể ví cuộc phối hiệp này giống như hai ngọn nến đã dính lại với nhau để đốt lên một ánh sáng duy nhất: cái tim đèn, sáp và ánh sáng, cả ba chỉ là một; tuy nhiên sau đó, cây nến có thể bị dễ tách lìa nhau hoàn toàn và bấy giờ lại là hai cây nến; người ta cũng có thể rút tim đèn ra khỏi sáp. Lễ thành hôn còn giống như nước từ trời mưa xuống hòa lẫn với nước của một con sông hay con suối, chỉ còn là một thứ nước và không còn thể tách lìa nước của sông ra khỏi nước từ trời mưa xuống được nữa. Hay cũng giống như một dòng suối nhỏ chảy vào biển thì vô phương còn phân tách ra được nữa; hay như ánh sáng ùa vào một căn phòng qua hai cửa sổ rộng: ánh sáng thấu nhập mọi nơi khác nhau nhưng tất cả chỉ là một.” [20] Như vậy, Thiên Chúa vô hạn hòa mình nên một với con người hữu hạn. Trong sự hiệp nhất đó, linh hồn được chia sẻ và tràn ngập trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta biết thánh nữ Têrêsa Avila là một bậc thầy về đời sống thiêng liêng và thần bí, trong các tác phẩm của mình đã nói rất nhiều về việc Thiên Chúa chiếm đoạt / chiếm hữu linh hồn và linh hồn khát mong được thuộc trọn về Chúa. Trong cuốn Tự Thuật (Vida), ngài đã ví bốn cấp độ cầu nguyện như là bốn cách tưới cây: 1. Thòng dây thả thùng xuống giếng và kéo lên. 2. Quay bánh xe để đưa nước vào vườn. 3. Nước được chuyển liên tục qua máng. 4. Nước mưa từ trời đổ xuống ào ào. Ở ba bước đầu, con người giữ thế chủ động khi cầu nguyện bằng khẩu nguyện (oración vocal) và suy niệm (meditación discursiva) ở bậc 1, tĩnh nguyện (oración de quietud) ở bậc hai và kết hợp thông thường (unión) ở bậc ba. Đến bậc bốn, chính Thiên Chúa giữ thế chủ động và con người chỉ có thể thụ động đón nhận qua hình thức kết hợp ngoại thường, đó là ơn chiêm niệm thiên phú, hoàn toàn là ơn Chúa ban cho linh hồn nghỉ yên trong Ngài. Trong cuốn sách Lâu Đài Nội Tâm (Castillo interior) được viết mười hai năm sau, thánh nữ lại dùng hình ảnh một lâu đài với bảy căn phòng khác nhau để miêu tả về tình trạng của một linh hồn trên đường hoàn thiện. Chặng đầu cũng là con người giữ thế chủ động ở căn một tới căn ba, với công tác nặng nề về việc trừ khử các nết xấu và tập luyện nhân đức, đây là giai đoạn tu đức (ascetica) theo nghĩa chặt. Chặng hai từ căn bốn tới căn bảy, Thiên Chúa giữ vai trò chủ động, đây là giai đoạn thần bí kết hợp (mystica), dĩ nhiên linh hồn vẫn cần liên tục tỏ ý muốn khát khao thuộc trọn về Ngài bằng đời sống của mình. Trong đó, nơi căn phòng thứ năm, Thiên Chúa bắt đầu chiếm đoạt linh hồn. Cha Phan Tấn Thành OP viết: “Căn thứ năm: Thiên Chúa chiếm đoạt linh hồn (không những là ý chí mà cả các quan năng khác). Linh hồn khởi sự cuộc kết hiệp với Chúa qua việc chết đi và sống lại với đức Kitô. Cấp độ cầu nguyện từ nay là sự “kết hiệp đơn giản” (unión simple). Căn sáu: Thiên Chúa canh cải linh hồn bằng sự thanh luyện tận gốc rễ. Đối lại, linh hồn cảm thấy Chúa gần gũi với mình qua những thị kiến hay tiếng nói thầm kín nội tâm. Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp xuất thần” (unión extatica). Căn bảy: Linh hồn kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa đến nỗi ra như đã thoát khỏi cuộc sống tự nhiên, biến đổi con người nên giống như Chúa. Cấp độ cầu nguyện là sự “kết hiệp hoàn hảo” (unión consumada), và cũng được đặt tên là “kết hôn thiêng liêng” (matrimonio espiritual).” [21] Có thể nói, từ căn thứ năm đổ đi thì linh hồn đã được Thiên Chúa chiếm hữu rồi, đến đỉnh điểm là cuộc “kết hôn thiêng liêng” hay “kết nhiệm hôn” tùy cách dịch [22].

2. Linh hồn khao khát chiếm hữu Thiên Chúa:

a. Nền tảng Kinh Thánh:

Nếu Thiên Chúa chiếm hữu / chiếm đoạt con người vì bản tính của Ngài là tình yêu, thì linh hồn khao khát chiếm hữu / chiếm đoạt Thiên Chúa vì nhận ra chỉ có mình Chúa là lẽ sống còn, là nguồn mạch sự sống và hạnh phúc của họ. Con người ước ao chiếm hữu Thiên Chúa, để được kết hợp với Chúa, nên một với Ngài và được thuộc trọn về Chúa. Kết hợp, tận hiến, dâng hiến, toàn hiến, hy lễ, hiến lễ toàn thiêu… tất cả những hạn từ này chỉ là những từ ngữ khác nhau chỉ cùng một nội hàm, diễn tả những khía cạnh khác nhau của việc linh hồn khao khát thuộc trọn và chiếm hữu Thiên Chúa mà thôi. Trong tâm tình đó mà chúng ta cảm nhận những lời của thánh vịnh gia này với một tầng nghĩa sâu nhất có thể: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.” (Tv 16,5) hay “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42,3). Đặc biệt là thánh vịnh 63: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước…Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó.” (Tv 63,2.9) Linh hồn cũng khát khao mệnh lệnh và thánh chỉ của Chúa, vì ý thức Lời Chúa là chính Chúa (Tv 119,20.40.131), khát khao được sống trong Đền Thờ Chúa (Tv 84,3). Và bởi vì linh hồn biết rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 62,2)

Ngôn sứ Isaia đã nói thay cho tâm tình của linh hồn sống đời thiêng liêng: “Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa, trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải.” (Is 26,8-9) Hay “Lạy Chúa, ngày tháng đời con là của Chúa, sự sống linh hồn con thuộc về Ngài.” (Is 38,16) Còn ngôn sứ Edekiel qua dụ ngôn tượng trưng về lịch sử Israel đã nói cho người công chính biết kính sợ Danh Chúa sấm ngôn của Chúa: “Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng – và ngươi thuộc về Ta.”(Ed 16,8) Đối với Thiên Chúa, thử hỏi có ai dám nhận là người công chính đáng được Chúa cho thuộc về Ngài và lập giao ước cho? Chỉ vì Ngài xót thương thân phận khốn cùng của con người chúng ta mà thôi. Ngôn sứ Malakhi thì nói đến kết cục vinh phúc của những người công chính, rằng: [Trong ngày của Chúa] “Bấy giờ những người kính sợ Ðức Chúa sẽ nói với nhau: Ðức Chúa đã để ý và Người đã nghe: một cuốn sổ được viết trước nhan Người, ghi tên những kẻ kính sợ Ðức Chúa và tôn kính Danh Người. Vào ngày Ta hành động, chúng sẽ thuộc về Ta như sở hữu riêng, – Ðức Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ xót thương chúng như người cha xót thương đứa con phụng dưỡng mình.” (Mlk 3,16-18).

Tân Uớc còn nói rõ hơn tâm tình này, vì Thiên Chúa của Cựu Uớc vô hình vô dạng mà dân Chúa khao khát chạm đến đã nhập thể, có thể sờ chạm được (Mt 9,21). Thánh Phaolô nhắc nhở cho các môn đệ ơn thánh cao cả mà họ được lãnh nhận: “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.” (Rm 1,5) Nhờ phép rửa họa lại cái chết và sự phục sinh của Chúa, người môn đệ thuộc về Chúa Kitô (Rm 6-7), vì “dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8), chứ không thuộc về mình nữa (1 Cr 6,19), vì “đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24). Ngài còn dùng hình ảnh “mặc lấy Đức Kitô” để diễn tả sự kết hợp cần thiết giữa người môn đệ với Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.” (Gl 3,27).

Thánh Phêrô trong thư thứ hai của ngài còn nói táo bạo hơn nữa: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.” (2 Pr 1,4) Nhóm CGKPV dùng từ “thông phần bản tính Thiên Chúa” để thuận lợi cho cách dịch và cách hiểu của người Việt Nam, chứ văn bản gốc của thánh Phêrô nói là “γένησθε θείας”, nghĩa là được thần hóa (deify), được trở nên Thiên Chúa. Con người thông phần bản tính Thiên Chúa thế nào được nếu họ không khao khát thuộc trọn về Ngài? Quả đúng là có phần táo bạo thậm chí muốn nói là không thể được khi nói con người “chiếm hữu / chiếm đoạt” lấy Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta chẳng có tư cách gì để đòi được điều đó, nhưng nếu nhìn trong lăng kính của tình yêu, thì chúng ta hiểu được. Vì tình yêu thật sự đòi hỏi người ta thoát ra khỏi chính mình và thuộc trọn về người mình yêu, để trở nên “một xương một thịt” với người mình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu, chính Ngài lại không có khả năng dùng sức hấp dẫn lôi cuốn linh hồn Ngài tuyển chọn để họ chết khát Ngài sao?

Còn Thánh Gioan, vị tông đồ thần bí đã khích lệ các tín hữu rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa…” (1Ga 4,4.6; 5,19) Tất cả mọi suy tư của ngài dù cao siêu đến đâu, đều xoay quanh một vài chủ đề, trong đó có tình yêu: tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Chúa và cho anh chị em của mình.

b. Suy tư thần học minh chứng nơi đời sống các thánh:

Trong khi các triết gia và thần học gia có thể nghiên cứu, bình luận, phân tích Thiên Chúa như những đối tượng bằng các phương pháp của mình thì các thánh là những người hiểu được Thiên Chúa bằng kinh nghiệm thực tế đời sống, bằng sự trọn lành của lòng mến (perfectae caritatis) hay đức bác ái hoàn hảo (tùy cách dịch). Thiên Chúa chỉ thật sự thỏa lòng và trao ban chính mình một cách trọn vẹn với những tâm hồn nào yêu mến Ngài với tất cả tâm hồn, khao khát nên một và thuộc trọn về Ngài cách trọn vẹn. Giới hạn của tình yêu của linh hồn với Thiên Chúa cần phải là khát khao vô giới hạn. Linh hồn cần phải có niềm khát khao như thế, mới xứng đáng được Thiên Chúa chiếu cố, vì Ngài là tặng ân vô giá vô cùng mà linh hồn có thể có được. Thánh Basiliô nói: “Nhờ Thánh Thần, mỗi vị thánh đều trở nên thần linh, như chính Thiên Chúa phán: ‘Ta đã nói các ngươi là thần’ [23]. Càng đi sâu vào sự thánh thiện, Thiên Chúa ngày càng đòi buộc linh hồn, nhưng đòi buộc bằng sự lôi kéo thu hút thánh thiện của Ngài, và chúng ta càng ngày càng không thỏa mãn với những gì chúng ta làm cho Ngài, một Thiên Chúa vô biên luôn muốn mời gọi người ta chia sẻ hạnh phúc vô biên vĩnh cửu của Ngài, một chuyện bất khả đối với con người hữu hạn vô cùng này. Và linh hồn nào càng lo lâu, càng bị xâu xé vì không thể cho Chúa đủ, thì càng nên thánh thiện, vì đó là mức độ của sự hiện diện của Thánh Thần…Chúng ta chỉ hưởng niềm vui khi chúng ta bị Chúa nắm giữ lấy [24] và bị chiếm hữu hoàn toàn [25].

Để được như thế, linh hồn cần phải kiên trì rất nhiều trên nẻo đường thiêng liêng, nhưng không bao giờ đòi hỏi Thiên Chúa phải đền đáp bất cứ điều gì cho mình. Ngược lại, mọi giây mọi phút, linh hồn cần hoàn toàn dâng hiến sự tự do của mình để Thiên Chúa chiếm lấy toàn thân mình [26]. Thánh nữ Têrêsa Calcutta, một vị thánh của thời đại chúng ta đã nói: “Chúa chỉ có thể chiếm hữu hoàn toàn một linh hồn nếu linh hồn đó biết tự hiến trong niềm vui.”[27]

Tuy nhiên, dù nói Thiên Chúa chiếm hữu / chiếm đoạt linh hồn, Thiên Chúa không bao giờ làm mất đi tự do của con người. Nhìn về phía bên ngoài thì có vẻ Thiên Chúa chiếm đoạt /chiếm hữu hết con người, lấy đi sự tự do của con người, nhưng thật ra thì chính con người đã phải có sự tự do hoàn toàn để dâng hiến sự tự do bản thân cho Thiên Chúa trước. Thánh Phanxicô de Sales là một bậc thầy về kinh nghiệm này: “Ngài tác động mạnh mẽ, nhưng không bao giờ bó buộc hay ép buộc, trái lại là lôi cuốn cõi lòng mà không hề xâm phạm, nhưng từ chính tình yêu đối với sự tự do của chúng ta.” [28] Ngài diễn tả rằng con người luôn cảm nhận cần Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, luôn hướng về Thiên Chúa và điều đó luôn được ghi khắc trong hữu thể con người. [29] Trái với khái niệm thông thường, khi bị chiếm hữu / chiếm đoạt, người ta sẽ cảm thấy tức giận, mất mát, đau khổ, thiếu thốn, tha hóa và vong thân, một khi Thiên Chúa chiếm hữu / chiếm đoạt linh hồn, linh hồn càng tự do và càng trở nên chính mình hơn bao giờ hết.

Chúng ta hãy lắng nghe những kinh nghiệm của những người trong cuộc, tức là những bậc thầy tâm linh vĩ đại đã trải qua những điều này.

Trong chú giải Khúc Linh Ca 38,3, thánh Gioan Thánh Giá cho biết tình yêu giữa Lang Quân (Thiên Chúa) với Hiền Thê (linh hồn) là bình đẳng như hai người yêu nhau: “Thiên Chúa yêu thương linh hồn bằng tình yêu vô hạn, còn linh hồn yêu mến Ngài như mình được yêu mến. Như vậy, linh hồn đang yêu chỉ có thể thỏa mãn khi mình cũng yêu nhiều như lúc mình được yêu vậy: “Tham vọng của linh hồn là sự bình đẳng trong tình yêu với Thiên Chúa, điều mà nó hằng khao khát về mặt tự nhiên lẫn siêu nhiên. Thật vậy, kẻ đang yêu chỉ có thể hài lòng khi cảm thấy mình cũng yêu nhiều như ở mình đã được yêu. Nó khao khát được biến đổi trong vinh quang rạng ngời, để có thể đạt được sự nên một. Nó khao khát được biến đổi trong vinh quang rạng ngời, để có thể đạt được một tình yêu ngang hàng tình yêu Thiên Chúa dành cho nó”… Để rồi “Trí hiểu của nó sẽ là trí hiểu của Thiên Chúa, lòng muốn của nó sẽ là lòng muốn của Thiên Chúa, và như thế tình yêu của nó sẽ là tình yêu của Thiên Chúa” [30]. Thánh Gioan Thánh Giá còn cho biết hiệu quả của việc kết nhiệm hôn là linh hồn – Hiền Thê còn được trở thành Người Yêu Dấu. Chúng ta có thể nói đây là đỉnh điểm của cuộc kết nhiệm hôn. Trong cuộc kết hợp này chính Lang Quân của linh hồn hết sức vui mừng hoan lạc khi chiếm hữu được linh hồn và hoàn thiện nó, ôm nó vào lòng trong sự kết hợp nên một mà Ngài hằng khao khát khao mong ước. Hiền Thê được xe duyên kết tóc với Lang Quân. Linh hồn được Thiên Chúa cho thần hóa nên giống như Ngài, nhờ thông dự vào bản tính của Ngài [31]. Trong những lời minh giải về tác phẩm Khúc Linh Ca 22,3, thánh nhân đã diễn tả những kinh nghiệm sâu xa đó như sau: “Cuộc hôn phối này thật cao vời khôn ví, bởi lẽ ở đây người yêu dấu được hoàn toàn biến đổi nên Người Yêu Dấu. Nơi đây, đôi bên phó mình cho nhau để chiếm hữu nhau hoàn toàn, với một cuộc hợp hôn xe duyên kết tóc, nên một trong tình yêu, khiến linh hồn được thần hóa và trở thành như Thiên Chúa, được dự phần vào bản tính của Ngài, ở mức độ tối đa có thể được trên cõi đời này. Theo tôi nghĩ, tình trạng này sẽ không bao giờ xảy ra nếu linh hồn chưa được vững bền trong ân sủng. Trong phút hợp cẩn của cuộc hôn nhân tự nhiên, như lời Thánh Kinh nói; cả hai người nên một xác thịt (St 2,4). Ở đây, trong phút hợp cẩn của cuộc linh phối, cả hai bản tính hòa nhập thành một tinh thần và một tình yêu. Cũng tựa như khi ánh sáng một vì sao hay một ngọn nến kết hiệp với ánh sáng mặt trời, sự tỏa sáng lúc ấy không phải là do vì sao hay ngọn nến mà chính do mặt trời, bởi lẽ mặt trời hút vào trong ánh sáng của mình tất cả những thứ ánh sáng khác.” [32]

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI khi nói về các tác phẩm lớn của Thánh Gioan Thánh Giá đã bình luận như sau: “Trong ‘Thánh Thi Tinh Thần’ [33] thánh Gioan trình bầy con đường thanh tẩy linh hồn, nghĩa là việc chiếm hữu Thiên Chúa từ từ và tươi vui, cho tới khi linh hồn đến chỗ cảm nhận được rằng nó mến yêu Thiên Chúa với chính tình yêu nó được yêu mến. Tác phẩm ‘Lửa Sống Động Của Tình Yêu’ [34] tiếp tục viễn tượng này, bằng cách miêu tả chi tiết hơn tình trạng kết hiệp biến đổi với Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: giống như lửa cháy và thiêu đốt củi đến độ củi trở thành ngọn lửa, Chúa Thánh Thần cũng thiêu đốt và thanh tẩy linh hồn như thế trong đêm đen; với thời gian Người soi sáng và sưởi nóng nó như một ngọn lửa. Cuộc sống của linh hồn là một ngày lễ liên lỉ của Chúa Thánh Thần, là Đấng hé mở cho chúng ta thấy vinh quang của sự kết hiệp với Thiên Chúa trong sự vĩnh cửu. Tác phẩm ‘Lên Núi Camêlô’ [35] giới thiệu lộ trình thiêng liêng, từ quan điểm của sự thanh tẩy linh hồn từ từ, cần thết để leo lên đỉnh của sự hoàn thiện Kitô được biểu tượng bằng đỉnh núi Camêlô. Sự thanh tẩy đó được đề nghị như một con đường phải đi, cộng tác với hoạt động của Thiên Chúa. Để đạt tới sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa, sự thanh tẩy đó phải hoàn toàn bắt đầu với các giác quan, rồi tiếp tục với ba nhân đức đối thần tin cậy mến, thanh tẩy ý hướng, ký ức và ý chí con người. Tác phẩm ‘Đêm Tối’ [36] miêu tả khía cạnh ‘thụ động’ hay sự can thiệp của Thiên Chúa trong tiến trình thanh tẩy linh hồn. Mục đích tất cả các tác phẩm là miêu tả con đường dẫn đưa tới sự thánh thiện, là tình trạng toàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người chúng ta… Khi sống các nhân đức đối thần, con người được thăng hoa và cống hiến giá trị cho nỗ lực của mình. Nhịp điệu gia tăng của đức tin, đức cậy và đức mến là những gì song hành với việc thanh tẩy cũng như với một hiệp nhất gia tăng với Thiên Chúa cho tới khi họ được biến đổi trong Ngài. Khi người ta tiến đến đích điểm ấy, thì linh hồn được chìm ngập vào chính sự sống của Ba Ngôi, tới độ Thánh Gioan khẳng định rằng linh hồn có thể yêu mến Thiên Chúa bằng chính tình yêu Thiên Chúa yêu thương linh hồn, vì Ngài yêu thương nó trong Thánh Linh.” [37]

Nên thánh là vậy đó, như cha Antôn Nguyễn Cao Siêu đã nói: “Nên thánh là dần dần để Chúa Giêsu chiếm lấy mọi ngõ ngách của đời mình, tư tưởng, lời nói và hành động, ý thức, tiềm thức và vô thức, là để cho cái tôi của mình nhỏ lại, lùi bước và nên một với Ngài, là để cho sức sống của Chúa Giêsu phục sinh chi phối trọn vẹn đời mình.” [38] Vì vậy, ngay từ bây giờ, linh hồn đã khởi sự sống niềm hy vọng vĩnh cửu của Nước Trời vinh phúc [39], nhất là khi mỗi lần được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể như Thánh nữ Gemma Galgani đã nói: “Chính đêm nay và sáng mai [khi hiệp lễ], Chúa Giêsu sẽ chiếm đoạt tôi và tôi chiếm đoạt Chúa.” [40] Mỗi lần đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể là mỗi lần linh hồn tiền dự vào vinh quang vĩnh cửu.

Ngoài với những phương thế mà tu đức truyền thống vẫn chỉ dạy là từ bỏ mình cách triệt để, thực tập các nhân đức… thì chính việc cầu nguyện liên lỉ với lòng khát khao yêu mến, là cách thế để cho linh hồn để cho Thiên Chúa chiếm hữu. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã tự tình: “Con cảm nhận từ trong lòng con, những khát vọng lớn lao và với một lòng cậy trông, con nài xin Chúa đến chiếm hữu linh hồn con…Khi cuộc đời trở về chiều, con sẽ trình diện trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi sự công chính của chúng con đều có khuyết điểm trước mặt Chúa! Vì vậy con chỉ muốn mặc lấy sự công chính của Chúa, và nhận lấy từ Tình Yêu của Chúa sự chiếm hữu đời đời của chính Chúa… Để con sống trong tác động Tình Yêu trọn vẹn, con dâng mình làm của lễ toàn thiểu cho Tình Yêu nhân hậu Chúa, con khẩn khoản nài xin Chúa tận huỷ con không ngơi, và để tràn ngập nơi hồn con làn sóng yêu thương vô biên đang ẩn giấu trong Chúa, và như vậy con trở thành tử đạo của Tình Ái Chúa, ôi lạy Chúa Trời con!” (Kinh Tận Hiến cho Tình Yêu Nhân Hậu của Chúa của thánh nữ viết)

Hiểu như thế, thì chúng ta mới hiểu được những tư tưởng khác như những cách diễn tả tương tự như “Chúa là tất cả đời con, con là tất cả của Chúa” [41] của Thánh Phanxicô de Sales hay “Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ, con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con…” phổ từ thơ của Thánh Têrêsa Avila [42]. Ngoài các bậc thầy tâm linh được nhắc đến trong bài viết này, e rằng bài viết sẽ dài dòng hơn nữa nếu trích dẫn thêm các văn bản và kinh nghiệm của các bậc thầy tâm linh khác, như thánh nữ Hildegarde thành Bingen (1098-1179), thánh Phanxicô thành Assisi (1181-1226), thánh nữ Mechthild Magdeburg (1207-1282/94), thánh Bonaventura (1221-1274), thánh nữ Julian Norwich (1342-1416), thánh nữ Catarina Siena (1347-1380), thánh nữ Catarina Genova (1447-1510), thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556) và kể cả những vị thánh gần thời chúng ta như Faustina Maria Kowalska (1905-1935) hay Pio Pietrelcina (1887-1968)… Tôi thắc mắc là tại sao có một số người trong chúng ta lại thấy phản cảm với những tư tưởng này – rất nhiều khi được viết bằng ngôn ngữ của nghệ thuật và trữ tình – liệu có phải vì chúng ta chưa thật sự hiểu về Kinh Thánh, hay chưa cảm nghiệm được thực tại thiêng liêng này nên chúng ta dễ dàng phán đoán chúng là ủy mị, là kinh nghiệm cá nhân riêng tư của người đó nên không quan tâm, hay thậm chí còn nói rằng tư tưởng của các vị này hay cách chung là thần học linh đạo là cái gì đó cảm tính, ngớ ngẩn hay đối nghịch với lý trí, dựa vào những phán đoán và những kinh nghiệm đầy tính thế gian của những con người đang sống trong một thế giới thế tục hóa hậu hiện đại vốn muốn giải thiêng mọi thứ như hiện nay? Dĩ nhiên, mỗi người có những quan điểm riêng và chính những kinh nghiệm của các thánh không phải lúc nào cũng dễ cảm nhận đối với chúng ta, thậm chí những tư tưởng và kinh nghiệm của các ngài cũng bị chỉ trích. Nhưng tôi nghĩ rằng cho dù không cảm nhận được những gì các vị đã trải qua, thì ít nhất chúng ta cũng có một sự tôn trọng nhất định nào đó với kinh nghiệm chân thành của những bậc thầy tâm linh này, những người mà Giáo Hội đã tôn vinh trên bàn thờ. Tôi e rằng chúng ta, những con người chưa sống đời sống thiêng liêng cho thánh thiện đủ, xem ra thiếu tôn kính với các thánh là những người đã trải qua những kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng sâu hơn chúng ta rất nhiều. Điều gì chúng ta chưa hiểu không chắc là không có, nhưng cố tình phản bác thì có lẽ đó là một thái độ thiếu khiêm nhường và không tốt. Chưa cảm nghiệm như các vị thì thôi, ít ra chúng ta cũng nên dành một thái độ tôn kính đối với các vị đó, vì thật sự chúng ta vẫn mãi là những kẻ tội lỗi lè tè lẹt đẹt trong đời sống nhân đức so với các vị. Dĩ nhiên, thần học đúng nghĩa không quá nhẹ dạ cả tin đối với những vấn đề siêu nhiên, nhưng một thái độ đề cao lý trí đến mức nhất mực phủ nhận mọi thứ mình không thể hiểu được thì xem ra là một thứ thái độ thiếu đức tin, hay đúng hơn đó là sự tục hóa thiêng liêng có thể dẫn tới một vô thần thực tiễn chăng? Cha Divo Barsotti trong tác phẩm tuyệt vời của ngài đã nói rằng: “Những sự cao sang của trần gian, dầu là Đền Thờ Thánh Phêrô đi nữa, có là gì sao với một tâm hồn một vị thánh, một tâm hồn có Chúa ngự trị? Chính khi nhìn thấy sự cao cả ấy, con người mới thấy được nhờ một trực giác về tầm mức bao la vận mệnh của mình.”[43] Nếu chúng ta chưa nên thánh được như các ngài thì cũng nên biết tôn trọng những cảm nghiệm thiêng liêng đạo đức của các bậc thầy tâm linh này.

III. Kết luận:

Khát vọng của con người là chiếm hữu được Thiên Chúa. Thế nhưng, khát vọng ấy thường phải chạm trán với một vấn nạn thực tế và cũng huyền nhiệm là: chúng ta có được gọi vào đời sống thần bí hay không, hay đời sống ấy chỉ dành cho một số người? Đây không phải là lúc để viện cớ khiêm nhường mà từ chối. Hẳn thật, có thể nói mọi người đều được mời gọi vào đời sống thần bí, vì con người đã được Thiên Chúa trao ban cho khả năng thần bí [44], nghĩa là khả năng tiến sâu vào tương quan mật thiết thân tình với Chúa. Cùng trong bài viết mới trích dẫn, Đan sĩ M. Gioan TG Nguyễn Đình Ủy đã nhận xét rất hay rằng: “Có thể nói, con người giữa dòng đời vạn biến, vì yếu đuối, bám víu vào những cái vô thường, hay mãi ngủ mê với những yếu đuối mà người ta đã làm tê liệt, thậm chí còn bóp nghẹt ân sủng đã được ban cho. Thế rồi, chỉ cần một câu nói, hay một cái nhìn của một tâm hồn thật sự thánh thiện; người được Thiên Chúa chiếm hữu, là đủ để họ nhận ra ơn riêng đó.” Và biết đâu, việc đào sâu tư tưởng của các bậc thầy tâm linh này là một dịp để đào sâu đời sống thiêng liêng, đánh thức kinh nghiệm và lòng khao khát của chúng ta đối với Thiên Chúa? Đối với kẻ viết bài này, đó là điều mà kẻ ấy cảm nhận và được hưởng nhờ đầu tiên, là một “lối mở tình yêu.” [45]

Như vậy, chữ “chiếm hữu” hay “chiếm đoạt” theo cách dùng thường mang nghĩa tiêu cực đối với con người. Tuy nhiên chữ này, khi được sử dụng trong ngữ cảnh cụ thể là tâm tình của linh hồn thổ lộ với Thiên Chúa, thì không mang nghĩa xấu chi cả (xin đọc lời ca của hai bài hát). Hơn nữa, trên tất cả mọi tạo vật, Thiên Chúa chẳng phải là Đấng hoàn toàn có quyền trên mọi loài Ngài sáng tạo sao? Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thánh, Thiên Chúa chiếm hữu chúng ta không phải bằng sức mạnh, bằng sự ích kỉ, bằng vũ lực giống kiểu con người, nhưng bằng tình yêu của Ngài, một tình yêu vừa êm dịu và nhẹ nhàng nhưng cũng mãnh liệt và nồng cháy. Tình yêu đó, đối với những người đã cảm nhận thì mong sẽ hiểu thấu hơn. Và thực ra đây không phải là tư tưởng gì mới, song chỉ là dội âm (echoes) từ Kinh Thánh và tư tưởng của các bậc thầy linh đạo trong dòng lịch sử mà thôi.

Con Chiên Nhỏ

22/09/2023

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] ĐAMINH ĐỖ HÙNG DINH S.J, Thánh Tôma Aquinô Với Vấn Nạn Về Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa Trong Summa Theologia, đăng ngày 19/10/2021, truy cập ngày 06/09/2023, https://www.dcvphanxicoxavie.com/

[2] THÁNH AUGUSTINÔ, Tự thú, Độc Thoại 40,888

[3] THÁNH BÊNARĐÔ, Chú giải Diễm Ca 41,50. Chúng ta trích dẫn qua M.GIOAN TG NGUYỄN ĐÌNH ỦY, Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu, không rõ ngày đăng, truy cập 06/09/2023, http://danvientphuocly.com

[4] THÁNH TÊRÊSA AVILA, Tiểu Sử Tự Thuật, trang 184

[5] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc Linh Ca 1, 6

[6] THÁNH TÊRÊSA AVILA, Tiểu Sử Tự Thuật, trang 10

[7] THÁNH TÊRÊSA AVILA, Lâu Đài Nội Tâm, trang 231-232

[8] MAURICE ZUNDEL, Sự Khó Nghèo Của Thiên Chúa, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 07/09/2023, https://dcvxuanloc.net

[9] Đó là nguồn gốc của chức tư tế, các lê phẩm và những na-dia trong Cựu Uớc. Trong Tân Uớc, việc thánh hiến các giáo sĩ qua bí tích truyền chức thánh và các tu sĩ với các lời khấn dòng giúp làm cho họ thực sự thuộc trọn về Ngài (ngay cả các trinh nữ thánh hiến và góa bụa đạo đức thời sơ khai nữa) chẳng phải là chuyện vân có trong Giáo Hội từ ngàn xưa sao?

[10] MARIA DIỆU HUYỀN -MTG VINH, Linh mục – Ôxy cho cuộc sống vĩnh cửu, đăng ngày 29/06/2023, truy cập ngày 07/09/2023, https://gpvinh.com

[11] Những cảm nghiệm này người thế gian với suy luận suy lý và phàm tục chẳng bao giờ hiểu được!

[12] LM MICAE TRẦN ĐÌNH QUẢNG, Thiên Chúa Là Tình Yêu, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 08/09/2023, https://www.simonhoadalat.com/

[13] Nhóm CGKPV đặt tiêu đề cho đoạn này là “ĐỨC CHÚA chiếm hữu Nhà Tạm”.

[14] CAO GIA AN, S.J, Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, mục 58: Tại sao trong Cựu Ước không có các vị Thánh như thời Tân Ước? Tập 3, NXB Tôn Giáo, 2020

[15] Bản dịch nhóm CGKPV dùng là chiếm đoạt, còn bản dịch cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: chụp lấy chiếm đoạt.

[16] Những ý nghĩa của từ này theo https://www.greekbible.com/ là: 1) to lay hold of 1a) to lay hold of so as to make one’s own, to obtain, attain to, to make one’s own, to take into one’s self, appropriate 1b) to seize upon, take possession of 1b1) of evils overtaking one, of the last day overtaking the wicked with destruction, of a demon about to torment one 1b2) in a good sense, of Christ by his holy power and influence laying hold of the human mind and will, in order to prompt and govern it 1c) to detect, catch 1d) to lay hold of with the mind 1d1) to understand, perceive, learn, comprehend, grasp

[17] Theo các từ điển FRIBERG, Analytical Greek Lexicon, GINGRICH, Greek NT Lexicon và DANKER, Greek NT Lexicon

[18] LM. I-NHA-XI-Ô HỒ THÔNG, Cuộc Hoán Cải Của Thánh Phao-Lô, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 07/09/2023, https://www.simonhoadalat.com/

[19] M. GIOAN TG NGUYỄN ĐÌNH ỦY, Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 06/09/2023, http://danvienphuocly.com

[20] THÁNH TÊRÊSA AVILA, Lâu Đài Nội Tâm, trang 233

[21] PHAN TẤN THÀNH OP, Chiêm Niệm: Cầu Nguyện – Nếp Sống – Thái Độ, đăng ngày 23/09/2018, truy cập ngày 06/09/2023, https://catechesis.net/

[22] Ở đây, tưởng cũng nên nói rằng tư tưởng của thánh Têrêsa Avila không phải là không bị chỉ trích khi ngài cho rằng việc chiêm niệm là dành riêng cho một số người đã sống đời sống thiêng liêng đỉnh cao. Không phủ nhận ân huệ siêu nhiên Thiên Chúa ban cho các linh hồn ưu tuyển này, song huấn quyền Giáo Hội hiện đại (SGLHTCG số 2709-2719) muốn nhìn việc chiêm niệm chỉ đơn thuần là một trong ba cách cầu nguyện như thời sơ khai đã nhìn chứ không phải là một cấp độ phát triển cao hơn của khẩu nguyện và suy niệm, và vì vậy, mọi tín hữu đều được mời gọi sống chiêm niệm chứ không chỉ một số ít người mà thôi.

[23] GIUSE NGUYỄN ĐỨC DUY, Chúa Thánh Thần – Người Bạn Vĩ Đại Của Mọi Kitô Hữu, đăng ngày 23/11/2023, truy cập ngày 07/09/2023, https://vinhson.net

[24] M. GIOAN TG NGUYỄN ĐÌNH ỦY, Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 06/09/2023, http://danvienphuocly.com

[25] DIVO BARSOTTI, Linh mục của Chúa Kitô, bài 14: Tùy thuộc vào Thánh Thần, bản dịch của LM Trầm Phúc, đăng ngày 21/11/2022, truy cập ngày 06/09/2023, http://giaophanmytho.net

[26] THÁNH ANPHONGSÔ MARIA LIGUORI, Tình yêu Thiên Chúa khiến Người ngự trong linh hồn chúng ta, đăng ngày 14/05/2016, truy cập ngày 06/09/2023, https://dcctvn.org

[27] THÁNH NỮ TÊRÊSA CALCUTTA: Il n’y a pas de plus grand amour, NXB Pocket, 1998, trang 44-45

[28] M.WIRTH, San Francesco di Sales, trang 140. Chúng tôi trích dẫn qua LM. MICAE RUA TRẦN PHẠM HOÀNG GIA THI, SDB, Linh đạo truyền thông của thánh Phanxicô Salê: “Làm tất cả vì tình yêu”, đăng ngày 24/01/2023, truy cập ngày 06/09/2023, https://thegioisaledieng.net

[29] THÁNH PHANXICÔ DE SALES, Khái niệm tình yêu Thiên Chúa, chương XVIII. Chúng tôi trích dẫn qua LM. MICAE RUA TRẦN PHẠM HOÀNG GIA THI, SDB, Linh đạo truyền thông của thánh Phanxicô Salê: “Làm tất cả vì tình yêu”, đăng ngày 24/01/2023, truy cập ngày 06/09/2023, https://thegioisaledieng.net

[30] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc Linh Ca 38, 3

[31] M. GIOAN TG NGUYỄN ĐÌNH ỦY, Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 06/09/2023, http://danvienphuocly.com/

[32] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc Linh Ca, 22, 3

[33] Bản dịch của LM Trăng Thập Tự gọi là Khúc Linh Ca.

[34] Bản dịch của LM Trăng Thập Tự gọi là Ngọn Lửa Tình Nồng.

[35] Bản dịch của LM Trăng Thập Tự gọi là Đường Lên Đỉnh Cát Minh.

[36] Bản dịch của LM Trăng Thập Tự gọi là Đêm Dày

[37] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Bài nói chuyện trong buổi tiếp kiến chung ngày 16-2-2011 trong đại thính đường Phaolô VI, http://giaophanthanhhoa.net/

[38] ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, Nên thánh nhờ làm người như Giêsu, đăng ngày 01/11/2020, truy cập ngày 08/09/2023, https://hdgmvietnam.com/

[39] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Đức Chúa Thánh Thần-Nguồn mạch sự sống, phần ba: Sự sống đời đời, trích bài Giaó Lý thứ 80 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày thứ tư, 03/07/1991

[40] LM STEPHANÔ OFM, Mến yêu Thánh Thể, phỏng dịch: Đồng Tâm CMC

[41] Nhạc sĩ Giang Ân phổ nhạc thành bài hát trùng tên

[42] Linh mục nhạc sĩ Ân Đức với bài hát Tình Khúc

[43] DIVO BARSOTTI, Linh mục của Chúa Kitô, bài 14: Tùy thuộc vào Thánh Thần, bản dịch của LM Trầm Phúc, đăng ngày 21/11/2022, truy cập ngày 06/09/2023, http://giaophanmytho.net

[44] M. GIOAN TG NGUYỄN ĐÌNH ỦY, Thiên Chúa qua cảm nghiệm của các nhà thần bí tiêu biểu, không rõ ngày đăng, truy cập ngày 06/09/2023, http://danvienphuocly.com/

[45] Chữ trong bài hát “Cát biển sao trời” của nhạc sĩ Phanxicô

ddff

(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...

nsgh.net 1

(NSGH)  Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...

1234

(NSGH)  Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...

qqqw

(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...

museum

(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...

nsgh.net 1

(NSGH)  Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....

wwww

(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...

dddd

(NSGH)  Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...

cong bang xa hoi

(NSGH)  Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...

eeeeeeeeeeeeeeeee

(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...

OVAN KE

(NSGH)  Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...

kinh man coi

(NSGH)  Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...

ddd

(CGOL)  Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...

eeeeeeeeee

(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...

ccccccccccccccccccccccccccccccc

(NSGH)  Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...

2222

(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...

1234

(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...

ddddddddddddd

(CGOL)  - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...

ddddvvvvvvvvvvv

(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...

error: Bạn cần được NSGH cho phép thao tác !!