PHỤNG VỤ
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B: Như Cành Liền Cây
(NSGH) Những lời của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nằm trong Diễn Từ Ly Biệt mà Chúa nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly.
Những lời thống thiết tâm huyết này của Chúa trong bối cảnh Người sắp sửa ra đi chịu chết, cho chúng ta hiểu những tâm tình và nhịp đập của Trái Tim Chúa. Nhờ bí tích Thánh Thể các Tông Đồ vừa lãnh nhận, họ đã kết hợp với Người không chỉ bằng những cảm xúc thân tình yêu mến giữa Thầy với trò, hiểu về nhau và quý cái tình của nhau nhưng thực sự với nghĩa đen của hữu thể: Người đang ngự trong tâm hồn các Tông Đồ dưới hình bí tích. Đức Giêsu dùng hình ảnh cành nho và cây nho để diễn tả sự kết hợp của họ với Người: “Thầy là cây nho, các con là cành”. Biết Đức Giêsu là cây nho thì dễ rồi, tuy nhiên, khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi dừng lại về các loại cành nho. Bản văn mang phong thái Semist và văn hóa Do Thái có phần không sắp xếp thứ tự, nhưng nếu quan sát và sắp xếp lại, chúng ta thấy có ba loại cành nho. Chúng ta hãy xem mình thuộc loại cành nho nào:
1. CÀNH NHO KHÔNG GẮN LIỀN, KHÔNG Ở LẠI TRONG CÂY NHO:
Chúa nói: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Một lúc nữa, Chúa lại nói: “Cũng như cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.” Cành nho không gắn liền với cây thì vô ích, sẽ héo khô. Chúng ta đừng tưởng đây là trường hợp của những người không có đạo bị kết án vì không đón nhận Chúa. Cành nho là một phần của cây nho, Chúa nói về trường hợp của những Kitô hữu “hữu danh vô thực”, Kitô hữu trên giấy tờ. Có thể họ chỉ được rửa tội mà không sống đạo, hoặc không xưng tội rước lễ và giữ đời sống đức tin, những người này không gắn liền và ở lại với cây nho. Chưa hết, đó cũng có thể là một người hiện nay không còn giữ đạo nữa vì nhiều lý do cho dù trước đây vẫn giữ đạo. Không hút lấy nhựa sống từ cây nho, cành nho phải khô héo thôi, đó là chuyện tất yếu. Vì một lý do nào đó, chẳng hạn vì những gian khó trong đời làm người ta mất niềm tin, vì một sự hiểu lầm nào đó khiến họ không giữ đạo nữa, số phận của người ấy thật đáng buồn vì linh hồn họ khô héo và đã chết cho dù sự sống thân xác thì vẫn còn khỏe mạnh, tiền của vẫn dư dật, mọi mối liên hệ trần gian vẫn còn đó. Chúng ta hãy xin Chúa giữ gìn chúng ta khỏi rơi vào tình trạng này và chính chúng ta cũng phải cảnh giác để mình khỏi rơi vào tình trạng thân xác thì còn sống mà linh hồn thì khô héo chết đi như vậy. Nếu chúng ta đang ở trong tình trạng đó, hãy quay lại và bắt đầu lại tất cả những thực hành đạo đức mà chúng ta đã từng làm, vượt qua những ngại ngần của bản thân, những lời đàm tiếu của người khác. Chúa Giêsu, cây nho thật, luôn sẵn sàng chờ đón cành nho bị tách rời nay xin được gắn liền lại với Người.
2. CÀNH NHO GẮN LIỀN NHƯNG KHÔNG SINH TRÁI:
“Những cành trong Thầy không sinh trái thì Chúa Cha (thợ làm vườn nho) chặt đi”. Đức Giêsu lại nói về một thứ cành nho khác. Những cành này không bị tách lìa khỏi cây nho, nó vẫn gắn liền với cây nhưng không sinh hoa trái. Trong bình diện tự nhiên, chúng ta chấp nhận thực trạng này, bởi lẽ không phải cành cây nào cũng đủ khỏe để sinh trái. Tuy nhiên, trong bình diện thiêng liêng, Chúa Cha – người thợ làm vườn nho – không chấp nhận. Người vẫn sẽ chặt đi những cành nho gắn liền mà không sinh hoa trái. Không phải Người thiếu nhân từ khi làm vậy, nhưng chỉ vì thật là một sự bất hợp lý khi đã lãnh nhận nhựa sống căng tràn từ cây nho thật là Đức Kitô mà cành nho Kitô hữu nào đó không sinh hoa trái. Trong bình diện tự nhiên, cành nho có thể không sinh trái là vì đất nghèo chất dinh dưỡng, vì cây yếu do sâu bệnh, thời tiết, nắng gió, hay không đủ nước… Còn trong bình diện thiêng liêng, cành nho sinh hoa trái là một chuyện hợp lý dĩ nhiên. Cành nho không sinh hoa trái, không phải là lỗi của cây nho, nhưng có trục trặc gì đó ở cành nho. Trong đời sống của chúng ta, ngay cả khi chúng ta vẫn đi lễ hàng tuần, vẫn khai trong lí lịch là người Công Giáo nhưng đời sống của chúng ta không sinh hoa trái, đó vẫn là điều bất hợp lý. Nói cách khác, nếu những người chung quanh chỉ biết chúng ta là người Kitô hữu vì thấy chúng ta đi lễ Chúa Nhật hay nhận mình là người Công Giáo, nhưng trong đời sống người ta không thấy được những hoa trái trong đời sống của chúng ta, những hoa trái nảy sinh từ lý tưởng của Tin Mừng như bác ái, khôn ngoan, đạo đức, công bằng… thì số phận của chúng ta, như Đức Giêsu nói, vẫn sẽ không hơn gì cành nho không gắn liền và ở lại với cây nho đâu. Thế nên thánh Gioan mới nói trong thư của ngài mà bài đọc hai chúng ta vừa nghe: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật.”
3. CÀNH NHO GẮN LIỀN VỚI CÂY NHO VÀ SINH HOA TRÁI:
Chúa nói về những cành nho nào gắn liền với cây nho mà sinh hoa trái: “Còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con”. Thợ làm vườn nho tỉa sạch để cành nho sai trái hơn. Có cái cắt tỉa nào mà không đớn đau, nhưng nó cần thiết để cho cành nho sinh hoa trái. Chúa Cha cắt tỉa các môn đệ bằng Lời Đức Giêsu, lời uốn nắn, soi sáng, sửa sai và nâng đỡ các môn đệ sống theo Tin Mừng. Còn có thứ cắt tỉa bằng đau khổ nữa, Chúa cắt tỉa những người muốn nên nghĩa thiết với Chúa để họ thêm thánh thiện. Không phải chỉ người xấu bị Chúa nhắc nhở bằng những cái chúng ta gọi là xui xẻo hay đau khổ đâu, người tốt cũng bị, càng tốt lành đạo đức, Chúa càng cắt tỉa họ đau đớn đến cùng cực để họ được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cuộc Thương Khó của Người, và chính từ những đau khổ đời này mà họ có được những công phúc tồn tại mãi mãi ở đời sau. Chúa còn nói rõ hơn: “Những cành ở lại và gắn liền với cây, sẽ sinh hoa trái hơn: Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”. Một ví dụ rất cụ thể là trường hợp thánh Phaolô trong bài đọc 1 trích sách Công Vụ Tông Đồ. Ngài đã hoàn toàn được biến đổi và trở nên cành nho sinh đầy hoa trái sau khi hoán cải và đã cộng tác đắc lực trong việc truyền giáo. Như đã nói, là cành nho gắn liền với cây nho thật, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phải sinh hoa trái mà thôi, vì nguồn sống chúng ta lãnh nhận quá dồi dào phong phú. Thế nên, cho dù còn những tội lỗi, yếu đuối, đam mê nơi chúng ta mà Chúa vẫn để lại để cho chúng ta luôn khiêm nhường mà bám lấy Chúa, chúng ta vẫn luôn được mời gọi để sinh hoa trái trong bất cứ mọi tư tưởng, lời nói và việc làm. Và những hoa trái này không nhất thiết phải là những sự vật, sự việc, những công trình và thành quả lớn lao lẫy lừng hữu hình. Chúng rất thường là những hoa trái thiêng liêng nảy sinh trong cuộc sống đời thường và trong tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta vẫn trung thành sống trong tình trạng ân sủng của Chúa và ý thức luôn luôn tất cả những gì chúng ta có là nhờ Chúa mà thôi.
Vậy, tuy là ba loại cành nho, nhưng chúng chỉ có hai số phận: sinh hoa trái hay khô héo. Chúng ta là loại cành nào? Và dù là loại cành nào, chúng ta cũng luôn cần đến Chúa. Chúng ta có xác tín như vậy không?
Con Chiên Nhỏ
(NSGH) Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc của đất nước đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề...
(NSGH) Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, sắp được phong Chân Phước, đánh dấu một sự kiện đặc biệt...
(NSGH) Hội ngộ di dân đến từ Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh tại Nagoya, Nhật Bản, lần 1 năm...
(CGOL) Như chúng ta đã biết, hiến tạng sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho người khác, đây...
(NSGH) Trong khoảng từ 130.000 tới 300.000 vị tử đạo anh hùng, Giáo Hội Việt Nam được hân hoan tôn...
(NSGH) Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất....
(NSGH) Người Công Giáo chúng ta quá quen với Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước...
(NSGH) Trong những dịp lễ phong chức, khi chúc mừng các tân chức, người ta thường hay chúc các Cha...
(NSGH) Ngày 30/4 hàng năm, những người Công giáo Việt Nam, được kêu gọi hướng tâm trí và tấm lòng...
(NSGH) Lễ bế mạc tháng hoa tại Giáo xứ Phước Tường được tổ chức với các phần trình diễn dâng...
(NSGH) Mỗi khi tháng 5 tới, tâm thức của các Kitô hữu lại ùa về niềm hân hoan rạo rực...
(NSGH) Chuỗi hạt mân côi trong Đức tin Công giáo không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn...
(CGOL) Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt vời. Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ Maria...
(CGOL) Tháng Mân Côi là tháng mà giáo hội Công giáo dành cho việc tôn vinh và dâng hiến cho...
(NSGH) Là tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris (MEP), từ tháng 10/2023 cô Marie Bouchard người Pháp, 22...
(CGOL) Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem...
(CGOL) Một người phụ nữ gọi điện cho tôi và nói mới quen người ở Thụy Sỹ. Họ tốt lắm...
(CGOL) - Trước khi về trời, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo...
(CGOL) Nhân dịp, tĩnh tâm các linh mục tháng 11.2022 và thường huấn cho các ủy viên đặc trách loan...